Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế VN) cho biết, năm 2024 nước này ghi nhận 152 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5,300 người mắc phải, trong đó 25 người tử vong. Riêng số ca tử vong do ngộ độc rượu chiếm hơn 40%. Cả nước hiện có hơn 24,000 cơ sở sản xuất rượu các loại nhưng chỉ khoảng 12% có công bố tiêu chuẩn phẩm chất…

Uống rượu dỏm dễ chết người  

Rượu “xịn” = cồn + hương liệu

Tại một tiệm bán rượu ở Thủ Đức, chúng tôi hỏi mua 5 lít rượu đế. Bà chủ giới thiệu từ rượu nếp Tiền Giang, rượu gạo Bến Tre đến rượu Gò Đen Long An… Bà nói: “Chú mua về ngâm thuốc thì có Gò Đen, còn mua uống thì rượu nào cũng ngon”. Đồng ý mua rượu Gò Đen, bà này cho biết thêm: “Chú mua ở đây là rượu chính hiệu, chứ nhiều chỗ chỉ có thương hiệu thôi, còn cách nấu và phẩm chất là không đúng!”. Cũng theo bà này, trước kia người ta nấu rượu phải trải qua mấy công đoạn như nấu gạo thành cơm, phơi cơm nguội rồi ủ bằng men, 7 ngày sau mới cho vào lò chưng. Nhưng giờ có nhiều loại men và hương liệu nấu rượu nên rút ngắn nhiều công đoạn và thời gian. Nhiều nơi còn gian dối cho nước lã hòa với cồn lập tức thành… rượu!

Cuối tháng 3/2025, chúng tôi đến chợ Kim Biên (Quận 5, Sài Gòn), tìm vào các tiệm bán hóa chất hỏi mua men nấu rượu. Tại tiệm B,T, bà chủ đưa cho chúng tôi 2 gói dạng viên, một gói màu trắng và một gói màu nâu nhạt, giới thiệu là men ngon Việt Nam. Trên bao bì 2 gói men chỉ ghi “số lượng 100 viên” nhưng không ghi thành phần, không ngày sản xuất, hạn sử dụng và địa chỉ nơi sản xuất cũng không có. Giá mỗi gói chỉ 25 nghìn VNĐ. Tương tự, tại chợ Bình Tây (quận 6) khi nghe hỏi mua men nấu rượu, ông chủ quầy đưa cho chúng tôi một số bịch men được vo tròn như viên bi, giá 45 nghìn VNĐ/bịch 50 viên, còn loại men bột đóng bao ni lông, in toàn chữ Trung Quốc gói 500g giá 120 nghìn VN.

Đủ loại men làm rượu Việt Nam, Trung Quốc…

Cũng tại những nơi này, vài người bán còn tiết lộ có không ít người đến tìm mua cồn methanol về pha làm rượu. Tại tiệm H, chúng tôi thử hỏi mua cồn về làm rượu bán cho quán nhậu bình dân. Chủ tiệm đáp: “Cồn 70 độ 22 nghìn VNĐ/lít, cồn 96 độ 40 nghìn VNĐ/lít. Xài cồn 96 độ ngon hơn!”. Người này còn bày: “Chú về cứ pha 2 lít cồn với 6 lít nước, canh khoảng 20 – 30 độ là uống được. Nhớ là phải có cây đo độ cho chính xác, chứ pha không đúng uống nguy hiểm lắm. Còn muốn có loại rượu “xịn” và thơm hơn thì pha cồn này với chất tạo mùi nếp và chất tạo đục theo công thức: cồn + hương liệu + chất tạo đục = rượu. Bảo đảm mùi hương nếp, mùi gạo thơm, sóng sánh màu đục, chẳng khác gì rượu xịn!”.

Xem thêm:   "Nhà bảo tàng Thi Đà Lạt"

Ngắc ngoải… loạn thần

Ngày 30/3/2025, Khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) tiếp nhận 6 bệnh nhân tuổi từ 25 đến 51 ngộ độc rượu methanol trong tình trạng nguy kịch. Bệnh sử cho thấy 6 người này đã cùng uống 6 chai rượu “trái cây” (mỗi chai 500ml) tại nhà một người trong nhóm ở Cần Giuộc (Long An). Sau khi uống xong khoảng 6 tiếng, những người này đều có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn ói… và được đưa về Sài Gòn cấp cứu.  Tuy nhiên bệnh nhân nhỏ tuổi nhất đã tử vong. Trước đó, vào ngày 19/12/2024 tại một buổi tiệc tổ chức tại trung tâm hội nghị quận Long Biên (Hà Nội), có 20 người phải nhập viện Bệnh viện Bạch Mai do sử dụng 20 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc. Hậu quả khiến 2 người tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong mẫu rượu này nồng độ methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện thêm rượu có chứa acetonitrile vốn là loại hóa chất thường dùng trong công nghiệp để tách olefin, polymer, xơ kéo sợi và nhựa…

Lò nấu rượu kiểu thủ công

Ở khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy hầu như tuần nào cũng tiếp nhận vài ba “đệ tử lưu linh” nhập viện vì ngộ độc rượu. Một bác sĩ cho biết; “Methanol là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu. Methanol thường xuất hiện trong chế phẩm làm dung dịch tẩy rửa, làm lạnh hay sản xuất sơn. Nó được điều chế bằng cách chưng cất khí đốt từ cây gỗ hoặc than, các nguồn khí đốt khác, khí biogas, từ CO2 trong không khí hay khí đốt hóa thạch. Vì vậy methanol rất độc hại, dễ gây nguy hiểm nếu uống vào”. Còn tại bệnh viện 115 (Sài Gòn), mỗi tháng nơi đây cũng tiếp nhận 25-30 trường hợp ngộ độc rượu. Nhiều trường hợp dẫn đến hôn mê sâu, suy gan, thận, trụy tim mạch. Bác sĩ Hải (khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này) nói: “Về nguyên tắc, rượu thông thường chỉ chứa ethanol còn rượu chứa các tạp chất như furfural, aldehyde, ester hoặc cồn công nghiệp (methanol, ethylene glycol, isopropanol…) là rượu độc. Có 2 loại ngộ độc rượu cần phân biệt: Ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol. Ngộ độc ethanol phổ biến nhưng ít nguy hiểm, còn ngộ độc methanol dễ gây chết người. Lý do vì khi uống rượu có nồng độ methanol cao, hệ thần kinh nạn nhân bị mất kiểm soát, gan và não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu dù cứu được sinh mạng nhưng phải sống thực vật suốt quãng đời còn lại…”

Xem thêm:   Sáp nhập ai vui ai buồn?

Theo thống kê về rượu của Bộ Y tế VN những năm gần đây sản lượng rượu nước này tăng từ 310.3 triệu lít (năm 2015) lên 331.7 triệu lít (năm 2019). Năm 2024, sản lượng rượu là 375 triệu lít/năm. Mức tiêu thụ rượu tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người VN (trên 15 tuổi) mỗi năm là 8.3 lít (tương đương 1 người uống 170 lít bia/năm). Còn theo thống kê của Hiệp hội làng nghề VN, hiện có hơn 50 làng nghề nấu rượu truyền thống (với khoảng 4,000 cơ sở), cùng hơn 20,000 cơ sở sản xuất rượu, bia lớn nhỏ khác. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Công thương VN cho thấy Bộ này chỉ quản lý khoảng 12% số cơ sở sản xuất rượu, bia cả nước với giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh…

Cồn + hương liệu = rượu

Bài và hình NS