Mỗi sáng, những ngả đường ở thành phố Đà Nẵng xuất hiện nhiều cái “Chợ lưu động”(dưới đây gọi tắt là Chợ). Chợ bán thịt, cá, rau, củ… Có khi Chợ chỉ gói gọn “quầy hàng” trên chiếc xe đẩy, xe máy, xe đạp… rảo quanh. Riêng Chợ trên đôi gánh thì họp nơi góc ngã ba, ngã tư chừng khoảng 2 đến 3 tiếng thì…tan.

Hoa ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 chắc không dành cho những người phụ nữ buôn gánh bán bưng!
Ra đường mưu sinh
Ngồi bán nước mía ké dưới mái hiên có khi ra trước vỉa hè đường Lê Độ, bà V. gắn với nghề hơn 5 năm, không kể 3 năm dịch giã. Hết Hạ chuyển sang Thu, nước mía ế dần đều. Bà bèn bán lại xe nước mía được 2.5 triệu đồng (mua mới 6 triệu đồng), đóng cái xe đẩy hết gần 2 triệu đồng. Cái Chợ xe đẩy bán nhiều loại rau xanh, có khi kèm ít tôm, cá tươi… Bà chọn “chuyển ngành” hợp lý nên mùa nào Chợ rau của bà cũng có khách. Khách quen là những người hàng xóm mua ủng hộ cho đến khách lạ trên đường. Vì thế Chợ tan trong vòng một buổi sáng!
Bà Ng. từng bán báo giấy hơn 20 năm. Thời hoàng kim của báo giấy qua dần dần… Như nhiều người cùng nghề, bà và một số người không trụ nổi. Thay vì ngồi một chỗ, bà chọn… xuống đường. Bà Ng. đặt thợ sắt đóng một chiếc xe đẩy bằng sắt, chia làm hai tầng. Tầng trên bày rau, củ, quả trong vài cái rá nhựa, móc quanh vài cái bao nilon đựng đậu phụ, ớt trái, hành tỏi… Và không quên đặt thêm ở giữa một cái dù che mưa nắng. Tầng dưới để thau, rá và cái ghế nhựa nhỏ. Khi nào mỏi chân thì lấy ra ngồi. Chiều hôm trước đi xe máy đến chợ đầu mối ở Hòa Cường gom hàng. Sáng sớm hôm sau ra đường, đẩy Chợ đi loanh quanh bán dạo… cho thấm đời mỏi mệt. Xem ra thu nhập không đến nỗi tệ. “Kệ hắn anh ơi, bán không hết mình ăn thay vì ra chợ mua cũng vô đó. Chứ báo bán không hết thì ôm, để dành bán giấy vụn hồi mô mới lấy lại vốn!”, bà Ng. cười như mếu.
Trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám, đường Phan Thanh, bùng binh Điện Biên Phủ – Lý Thái Tổ – Lê Duẩn, có mấy cái Chợ rau, củ họp từ 6 giờ đến7 giờ hoặc gần 8 giờ. Bà N.T.V. (sinh năm 1972), quê xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam kể: “Rau rác, thịt cá tôi mua ở các chợ quê. Hai giờ sáng là chất lên 2 cái giỏ nhựa móc trên yên xe máy. Chạy một hơi ra đến Cửa Đại, Hội An. Dừng lại mua thêm tôm, cá chở ra đây (Đà Nẵng-NV). 6 giờ dọn hàng ra. Bán hết hay không cũng tới 8 giờ là dọn. Rồi chạy tà tà về. Tới đâu cũng dừng lại bán chừng 1 tiếng. Thường là hàng rau hết sớm. Cũng nhờ có người quen dặn trước nên hàng không ứ đọng”.
Chỉ với cái giỏ sắt đựng gần 20 con gà đã làm sẵn, vô bao nilon, cột sau yên xe máy, bà Ch. (sinh năm 1964), quê Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam, dừng Chợ gà trên vỉa hè đường Lê Thanh Nghị. Trên miếng xốp trắng, mấy dòng chữ màu xanh như ghi vội, không được ngay hàng thẳng lối: “Gà quê, 1 con giá 130 nghìn đồng, gà cúng có phẩm chất, bảo đảm là gà thả vườn!”. Bà Ch. “tiếp thị” rất ngọt: “Gà tôi bán là gà đạt phẩm chất. Không phải bán gà công nghiệp chỉ chuyên ăn bột. Tôi bán quanh đây hơn 10 năm rồi. Chưa có khách nào chê hết nghe anh! Có người đặt hàng qua điện thoại là tôi mang tới tận nhà. Có ông Long ở gần cầu Đò Xu, cứ khoảng 2, 3 tháng đặt mua một con gà trống thiến nhậu với bạn bè”. Bán cả gà online nữa mới gọi là chuyên nghiệp!
Chị V. (sinh năm 1973), quê Hoài Nhơn, Bình Định, ra Đà Nẵng thuê trọ gần Hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung, chuyên đẩy Chợ… bán đủ thứ từ hộp tăm bông, cây nhựa cạo lưỡi đến cái chổi lông gà… dọc các ngả đường khu vực quận Thanh Khê. “Thu nhập giảm hơn so với trước dịch cô-vít anh à! Nhưng cũng qua ngày 3 bữa, chi tiêu tằn tiện để dành lo cho con gái đang học ở Đại học Duy Tân nè anh!”, chị vui vẻ bộc bạch.

Chợ vào các kiệt hẻm… nhờ giải cứu để về cho kịp xe!
Chợ quê trên đôi gánh
Bà L. (sinh năm 1962), bà T. (sinh năm 1968) cùng quê Bình Giang, Thăng Bình và nhiều người cùng huyện cứ mỗi người một đôi gánh ra Đà Nẵng bán hàng gần 7 năm nay. Hàng là rau, khoai, sắn, bắp, chuối, trứng gà… Người thì mua hàng quanh xã từ chiều hoặc tối hôm trước. Người thì sáng sớm, xe dừng tại chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên, cho chị em vào chợ, mặc sức gom hàng. Cứ 4 giờ sáng, hơn chục người hợp đồng chiếc Ford Transit cũ, đón chở ra Đà Nẵng. Đến đường Lê Duẩn là xe dừng thả xuống. Các bà, các chị quảy gánh hàng te te, hớn hở nói cười, tỏa nhau ai đi đường nấy. Hẹn tập trung đúng giờ chớ đừng để tài xế cằn nhằn như mấy bữa! Có người chọn ngồi vỉa hè ngã ba đường Lê Duẩn – Điện Biên Phủ… đóng chốt, có người chọn ngồi vỉa hè ngã ba đường Lý Thái Tổ – Phan Thanh…đóng đô. Ai bán tại chỗ không hết hàng thì…linh động gánh vô trong các con hẻm, kiệt quanh đường Phan Thanh, Lý Thái Tổ cho kỳ hết mới thôi. “Bán rẻ rẻ về cho kịp xe. Chiều còn việc nhà rồi bắp, đậu tùm lum. Buổi sáng kiếm trăm, trăm rưỡi cũng quý. Tiền xe hơn trăm ngàn rồi!”, bà Ch. chia sẻ.
Đúng 11 giờ 30 phút, chị em đến điểm hẹn – phải qua trung chuyển bằng xe buýt từ trung tâm thành phố lên chợ Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng – xe sẽ đón chở về lại Thăng Bình. Tiếp tục… tan hàng cố gắng, chiều đi vét hàng, hẹn sớm mai chị em mình gặp lại!
Chợ đến gần với người mua
Bằng nhiều hình thức vận chuyển, người ta đưa lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đến gần với khách hàng hơn. Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng mà rất nhiều nơi, Chợ ngày càng xuất hiện nhiều, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng… đến cửa bếp! Xem ra hình thức Chợ này lấn lướt các xe đẩy bán hàng lưu động mini có cửa sổ, có quầy trưng bày hàng (như một ki-ốt), và trình bày bắt mắt, sang trọng hoặc quầy hàng cố định… Bởi vì Chợ bán chỗ này không được thì di chuyển đến chỗ khác, len lỏi vào tận ngóc ngách, đường ngang ngõ tắt thậm chí … hang cùng ngõ hẻm mà xe đẩy bán hàng lưu động mini…chào thua! Có Chợ trên xe máy, xe mô tô hoặc xe tải nhỏ đến tận vùng sâu vùng xa, có thêm cơ hội bán hàng vừa tăng thu nhập. Người mua chẳng phải tốn công đi chợ xa. Và hơn hết là Chợ không phải tốn tiền thuê mướn mặt bằng, lệ phí này nọ… Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ngồi bày Chợ trong giờ hành chính, lâu lâu mấy ông nhân viên quy tắc đô thị huýt còi, mặt mày lấm la lấm lét có mà quơ vội mủng rổ chạy tứ tán!
Những người đưa Chợ quê ra thành phố tôi đã gặp, hầu hết ở tuổi gần 60 hoặc cao hơn vài tuổi. Nhưng trông họ còn rất khỏe, và được cái rất ham làm, không hề muốn… rảnh tay rảnh chân chút nào! Thà vất vả một chút nhưng vui. Việc này hình như không dành cho phụ nữ dưới 50 tuổi thì phải. Bởi ở lứa tuổi này có nhiều sự lựa chọn về công việc hơn…
Theo lời bà B. (sinh năm 1967), quê thị xã Điện Bàn, chuyên bán trái cây chở trên xe đạp: “Vất vả một chút nhằm nhò chi! Được ít đồng lời dành dụm mua sắm vào những lúc giỗ quải, chạp mả. Phụ thêm với chồng con chợ búa hằng ngày, rứa là vui. Mấy đứa cháu cũng có tiền ăn bánh. Chớ làm ruộng, nuôi heo, nuôi gà, trồng bắp, trồng đậu cũng cực chết cha! Làm nông vất vả, anh biết rồi. Đó là chưa kể dịch bệnh, nắng hạn hành hắn đến trối chết”.
Chỉ với chiếc xe máy, chiếc xe đạp, xe sắt đẩy, cả một cái Chợ đến gần hơn với khách hàng trên đường phố. Người mua khỏe, không phải gửi xe vào chợ. Chỉ cần tấp vô lề, ngồi yên trên xe, tha hồ chọn chỉ thứ mình cần. Tất nhiên là giá có mắc hơn một vài nghìn đồng đến chục nghìn đồng một bó rau hoặc một ký thịt so với trong chợ (có thể ngang giá trong siêu thị). Song, người tiêu dùng chấp nhận được vì thấy tiện. Cả hai bên cùng có lợi! Tuy nhiên, phẩm chất của thực phẩm có bảo đảm vệ sinh an toàn hay không thì chịu. Người tiêu dùng chỉ biết nhờ vào…vận may!

Đủ các loại hình Chợ trên đường phố
Bài & ảnh LKD