ABBA là một trong những ban nhạc Pop ăn khách nhất trên thế giới. Thập niên 70-80, mở radio lên là thế nào cũng được nghe vài ba bài. Không “Dancing Queen” thì cũng “Fernando”. Không chỉ bên Mỹ hay Âu Châu, ngay cả ở Việt Nam thời bao cấp bế quan toả cảng nhạc ABBA vẫn được nhiều người biết đến và yêu thích. Sang thập niên 90, sau khi ban nhạc này đã rã đám, những tưởng ABBA sẽ trôi vào quên lãng, nào ngờ nó vẫn tiếp tục sống mạnh qua vở nhạc kịch ‘Mamma Mia!’

Nguồn ảnh: Broadway Dallas
‘Mamma Mia!’ không phải là câu chuyện về ban nhạc ABBA, mà là một vở kịch dùng những ca khúc của ban nhạc này làm nền. Trong thế giới nhạc kịch, thể loại này được gọi là “jukebox musical”, tức dùng nhạc có sẵn để dựng tuồng thay vì soạn nhạc mới. Chẳng hạn như vở ‘Tina!’ dùng nhạc của Tina Turner, hay ‘MJ’ dùng nhạc của Michael Jackson. Tuy nhiên hai vở đó kể lại cuộc đời của hai nhà nhạc sĩ nọ nên vẫn mang tính chất tiểu sử. Trong khi đó ‘Mamma Mia!’ là chuyện hư cấu hoàn toàn, chẳng dính dáng gì đến các thành viên của ABBA cả.

Từ trái: Björn Ulvaeus, Agnetha Fältskog, Benny Andersson, “Frida” Lyngstad
Ra mắt khán giả lần đầu ngày 6/4/1999 tại West End, ‘Mamma Mia!’ nhanh chóng trở thành show cháy vé nhất London và dường như không bao giờ thiếu người đi xem. Nó chỉ bị gián đoạn một thời gian vì đại dịch hồi tháng Ba năm 2020, nhưng sau khi được hồi sinh ‘Mamma Mia!’ tiếp tục thu hút khán giả đủ mọi thành phần cũng như tuổi tác. Tính đến ay show này đã có trên 70 triệu lượt khán giả đi xem, với doanh thu trên 4 tỉ đô la! Không những vậy, nó còn được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau và lưu diễn khắp nơi trên thế giới.

Một màn trong vở ‘Mamma Mia!’ tại Thượng Hải, hát bằng tiếng Tàu. (mamma-mia.com)
‘Mamma Mia!’ hiện đang giữ kỷ lục “jukebox musical” sống dai nhất trong lịch sử nhạc kịch. Riêng tại Broadway, New York, mặc dù show đã hạ màn sau gần 6,000 suất diễn từ tháng 10/2001 đến tháng 4/2015 (tạm gián đoạn bởi vụ khủng bố 9/11), những tour lưu diễn sau đó trên toàn nước Mỹ vẫn đông nghẹt khán giả. Ngoài nước Mỹ, show này đã được dàn dựng tại hơn 60 quốc gia từ Âu sang Á, từ Nam Mỹ đến Phi Châu, từ Úc Châu khổng lồ đến Fij nhỏ xíu. Nó đã viếng thăm hơn 440 thành phố trên thế giới, đi tới đâu cũng được thiên hạ đón tiếp nồng nhiệt. Sắp tới đây nó sẽ đến Dallas; fan cứng của ABBA chắc sẽ diện đồ disco đi coi cho đúng điệu.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas
Cơn sốt nhạc kịch ‘Mamma Mia!’ chưa kịp nguội thì đến năm 2008 một bộ phim dựa trên kịch bản này ra đời, với nữ tài tử Meryl Streep (giữa) và dàn kép hùng hậu không kém – từ trái: Pierce Brosnan (007), Stellan Skarsgård (Dune). Colin Firth (Oscar 2010). Với doanh thu hơn 600 triệu đô la, phim “Mamma Mia!” thêm một lần nữa mang âm nhạc của ABBA đến với một thế hệ mới, nhiều người sinh ra sau khi ban nhạc đã không còn. Nó minh chứng cho sức thu hút của một loại nhạc Pop có thể nói là vượt cả thời gian lẫn không gian. Những ai từng đi xem phim này chắc chắn đã ra khỏi rạp với nụ cười thoải mái, trong đầu vẫn còn vang dư âm những ca khúc bất hủ của bộ tứ đến từ Thuỵ Điển.

Nguồn ảnh: Universal Studios
Kịch bản cho nhạc kịch và phim được soạn bởi Catherine Johnson. Cốt truyện xoay quanh nhân vật Donna (Meryl Streep thủ vai chính trong phim) và hai người bạn gái, với bối cảnh là một hòn đảo ở Hy Lạp nơi tổ chức tiệc cưới cho cô con gái của Donna là Sophie. Từ nhỏ Sophie không biết bố mình là ai, nhưng tình cờ cô tìm được quyển nhật ký của mẹ mình và phát hiện thời còn trẻ bà yêu ba người đàn ông khác nhau. Với mong muốn tìm hiểu có phải một trong ba người này là bố ruột của mình, Sophie mời cả ba đến dự đám cưới của cô — nhưng không cho mẹ mình biết. Nghe đến đây chắc mọi người đều có thể đoán được rằng tại buổi tiệc cưới sẽ có nhiều chuyện bất ngờ, và đó là điều khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas
Tất nhiên trong khuôn khổ bài báo này người viết không thể bật mí câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào, song những ai từng xem phim “Mamma Mia!” thì đã biết hết rồi. Tuy nhiên, phim là phim, kịch là kịch – hai thể loại nghệ thuật diễn xuất này khác nhau xa. Trên sân khấu mọi việc xảy ra trong thời gian thật, không ngừng nghỉ, không cắt xén, không tắt đèn làm lại nếu vấp váp. Hơn thế nữa, âm nhạc trong nhạc kịch là nhạc sống, khôg phải thu trước rồi lồng ghép vào như trong phim. Cho nên đi xem ‘Mamma Mia!’ lần này còn là dịp để được nghe lại những bản nhạc của ABBA do một ban nhạc sống trình diễn cùng với những ca sĩ và vũ công gạo cội của Broadway.

Nguồn ảnh: Broadway Dallas
Nếu bạn là fan của ABBA từ thời 70-80 nhưng chưa bao giờ đi coi nhạc kịch của Mỹ vì nghĩ nó quá xa lạ đối với người Việt, hoặc vì sợ không hiểu nó hát cái gì, thì đây là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về bộ môn này. Chắc chắn bạn sẽ được nghe nhiều bản nhạc ABBA mình từng biết và yêu thích – như “SOS”, “Super Trouper”, “Knowing Me, Knowing You”, “The Winner Takes It All”, “Waterloo”… Và câu chuyện “người xưa tình cũ tay tư” này bảo đảm sẽ tạo nên những tràng cười té ghế. Tour lưu diễn mới nhất này sẽ đến Dallas Fairpark Music Hall từ ngày 15/4 đến ngày 27/4. Độc giả tại những thành phố khác có thể vào website của tour (mamma-mia.com) để xem khi nào nó đến vùng của mình và đón xem. “Mamma mia, here we go again!!!”

Nguồn ảnh: Broadway Dallas
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.