Truyện Miền Đông Tuyết

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Muk kéo lê đôi vợt trượt tuyết làm bằng da hải cẩu, lầm lũi đi trên khoảng đất băng giá. Lần này gã bực mình thực sự: ai đời 3 ngày liền không thấy bóng con nai sừng dãng nào!… Năm trước vào mùa này, ít ra cũng cả chục con kéo nhau tới triền núi, bới tuyết, kiếm những mầm cỏ non đầu tiên, mới nhú lên, ngọt lịm như thứ mộng lúa nếp.

Gã Et-ki-mô suy nghĩ lung lắm: không có nai tức là không có thịt, không có da!… Thịt tất nhiên tối cần thiết cho bộ lạc; da cũng vậy, chỉ những áo da nai, thuộc mềm như lụa mới chống nổi băng tuyết… Gã biết điều đó từ lúc mới biết đi kia!… Đấy là không kể đến sừng nai làm cán dao, làm mũi tên, mũi lao, rồi gân nai kéo dài biến thành thứ chỉ khâu bền tới độ cũng khó đứt.

Vậy thiếu nai là thiếu tất cả những tiện nghi đó!… Mà làm sao vậy cà?

Muk chẳng tìm tòi đâu xa, gã biết ngay từ bữa đầu mùa, từ đêm nghe tiếng sói tru từng hồi dài khi trăng vừa nhô khỏi đầu núi. Đêm đó, gã đã nói với lão Măng:

– Sói về nhiều… Ta mất hết nai cho coi!

Lão Măng không nói gì, lầm lì ngồi nhìn ngọn bấc bằng thứ rêu khô bập bùng cháy trong chiếc lon đá, đựng dầu hải cẩu. Lão ngán những năm như thế, thiếu thịt tươi, thiếu áo ấm, cực lắm!…

Đàn sói cũng tài: săn nai nhanh hơn người; chúng đuổi cho tới khi con mồi nhược đi, chậm lại, rồi con đầu đàn thót lên lưng ngoạm đứt mạch máu hằn lên dưới cần cổ… Con vật to lớn trong chốc lát nằm vật ra, rũ rượi trên lớp tuyết đỏ lòm những máu… Một con nai mất xác trong bụng sói, bộ lạc Et-ki-mô mất một số lượng thực phẩm!… Muk thấy cần phải tìm cách nào giết bớt đàn sói mới được. Giết một con sói lúc này tức là trừ được cả chục con cho mùa sau… Nhưng giết bằng cách nào đây?

Trên cánh đồng tuyết, chẳng con gì tinh mắt như chó sói, cũng chẳng con nào khôn ngoan hơn nó. Lúc đi săn từng đàn, nhưng no mồi lại tản mát mỗi con một nơi, chui vào những hang đá, hốc cây, trong những gốc rừng kín đáo hiểm hóc nhất.

Vậy mà cuối cùng Muk cũng nghĩ ra một cách đánh bẫy sói… Thực ra gã có bàn với lão Măng và cả hai hoàn toàn đồng ý với nhau về cách thức giương bẫy. Nói tới bắt chó sói, ai cũng ngỡ họ phải đào hố thực sâu hay ít ra cũng phải bẫy cần, bẫy sập… Nhưng không! Muk chỉ có mảnh sừng tách ở răng cá voi, thứ răng dài thượt, mềm mại như vành thép người Âu châu vẫn gài vào các bộ áo đắt tiền để giữ gọn hình dáng thanh tú của các vị phu nhân.

Muk tách một đoạn chừng hơn ngón tay, vót nhọn hai đầu rồi uốn cong veo, lấy chút gân nai nhỏ như sợi tơ buộc lại. Gã nhét thứ cung tí hon ấy vào trong miếng mỡ, đặt trên lối chó sói hay đi qua.

Mỡ gặp lạnh, dắn lại, nhưng vẫn giữ mùi béo ngậy thoang thoảng trong gió. Thứ mùi thơm nồng đặc biệt ấy nhử một chú sói lại gần… Con vật loanh quanh, hít hà, xem có mùi người chăng?… Muk đâu có dại, gã cẩn thận mang bao tay gài mồi, nên quanh quẩn vẫn chỉ có mùi béo ngậy phả vào khứu giác bén nhạy của con sói… Trời rét buốt… Tiếng tru gọi đàn còn xa lắc… Con sói tợp gọn một miếng, nuốt chửng rồi bỏ đi… Nhưng chỉ mười phút sau, mỡ bắt đầu mềm nhũn, sợi gân nai đứt phựt, mảnh sừng nhọn bật ra như vành cung, xuyên hai đầu nhọn như mũi kim vào dạ dày con vật… Khỏe mạnh lắm nó cũng chỉ sống được qua một đêm rồi nằm vật ra đó, chết cứng.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 3 tháng 4 năm 2025

Lão Măng và Muk lượm về được dăm con mỗi ngày. Thịt sói không ngon mấy, dai và nhạt, nhưng bộ lông lại dày, ấm, đáng giá lắm!

–oOo–

Nhưng con vật hữu ích nhất cho dân Et-ki-mô vẫn phải nói là hải cẩu. Mỗi lần săn được một con, Muk đủ ăn hàng tháng, đủ mặc cả năm, đủ dầu đốt đèn, sưởi ấm dăm bảy tuần.

Có điều săn nổi con hải cẩu cũng mệt nhọc không ít, Muk dư biết vậy… Nhưng chẳng bao giờ gã thấy hồi hộp, sung sướng bằng lúc theo dõi con mồi. Vả lại, đời gã chỉ là những chuyến đi săn kéo dài: hết săn nai sừng dãng, đến săn gấu, săn hải cẩu, hải mã… rồi đánh cá ngoài khơi trong những ngày hè hiếm hoi, mặt biển không có từng tảng băng nổi lềnh bềnh…

Muk đang đi bỗng khom người, rồi nằm sấp xuống tuyết: gã vừa thấy mảng da đen bóng, loáng ánh nắng của con hải cẩu ló sau khối đá phía ven biển.

Gã mừng khấp khởi:

– Có thế chứ!… Đoán không sai mà!

Muk vẫn nghĩ: bữa nay gió ngừng thổi, sao cũng có hải cẩu lên sưởi nắng… Bữa trước, gã để ý thấy chút lông màu nâu dính trên kẽ lá, nên biết chắc có đàn hải cẩu quen tới nằm dài, phơi mình ở đây.

Con vật trông nặng nề thế, mà chỉ nửa giây là nhoài xuống nước nhanh hơn cắt. Giá vào tay thợ săn người da trắng, chưa chắc tới gần nó được tới năm chục thước. Thoáng chút gì khác lạ, con vật lặn mất rồi!

Muk khôn ngoan hơn… Nói cho công bằng, Muk đã tập được thói quen khôn ngoan của cả trăm thế hệ trước gã, trên dãy đất giá buốt này; nếu không, giống Et-ki-mô chẳng tồn tại tới ngày nay!… Gã bắt đầu nhoài người trên mặt tuyết, bằng một dáng điệu nhanh và gọn. Vài chục thước đầu tiên được bước đi nhanh chóng, nhưng càng tới gần con vật, gã càng thận trọng…

Trông xa, dáng điệu thuần thục của gã trong lúc uốn éo bụng hay vặn người thực chậm để trườn đi giữa đám tuyết, giống hải cẩu lạ lùng… Đôi lúc gã gãi nhẹ xuống lớp băng, sột soạt như tiếng móng con thú khi lạch bạch trên cạn.

Hai chục… rồi mười thước… năm thước… Thân hình gã bất ngờ bật lên như lò xo, một tay phóng lưỡi dao săn vào sườn con hải cẩu, một tay ghì chặt đuôi nó xuống mặt đá… Tới lúc đó con vật mới vùng vẫy thì đã muộn!

Thế là đêm ấy, trong gia đình Muk, bữa tiệc thịt tươi kéo dài cho tới khuya. Bắt đầu từ mai, nhóm đàn bà sẽ thuộc tấm da cho mềm, sấy mấy tảng thịt khô, gạn lọc từng chút gân, chút mỡ, cho tới chiếc nanh, mẫu xương nhọn… Mỗi thứ được dùng vào một việc nhất định, chẳng vứt đi tí gì.

Xem thêm:   Lăng Thiệu Trị

Muk không còn bận tâm đến việc kiếm lương thực, ít ra trong vài tuần. Gã nghĩ đến chuyện đến thăm bà con tận phía bên kia dòng sông… Như vậy, gã phải đi khoảng 3 ngày đường, và cần đến cỗ xe trượt tuyết. Kiếm mấy thanh gỗ nhẹ, đối với bất cứ ai ở gần rừng là chuyện hết sức dễ dàng rồi… Nhưng trên cánh đồng bạt ngàn tuyết trắng quanh năm, tìm ra một thân cây khô còn khó hơn đuổi đàn hải cẩu dưới biển… Muk phải nghĩ cách khác!

Gã chẳng biết sách vở là gì, chỉ làm theo kinh nghiệm: trước hết Muk cắt da hải cẩu thành những băng dài, dùng để quấn chặt thân dăm con cá hồi, xếp nối đuôi nhau; đoạn gã phơi tất cả ra ngoài trời. Cái lạnh tới 3, 4 chục độ dưới số không làm cho khối gỗ đặc biệt đó dắn như đá. Muk chỉ việc dùng dây da cột hai thanh lại với nhau, làm thành cỗ xe trượt tuyết dùng hết mùa đông.

Muk chẳng mang theo gì nhiều, mặc dù phải vượt khoảng đồng không mông quạnh, 3, 4 ngày đường mới gặp một vài căn lều đá, lè tè như chiếc nấm của một bộ lạc Et-ki-mô khác. Thứ Muk mang theo nhiều nhất là rơm khô để lót trong đôi ủng; rơm này làm thành khoảng trống, cho chân đỡ lạnh. Giản dị có vậy mà bao người da trắng đã sơ ý không biết, để đến nỗi chân tê cóng, phải cắt cụt… Sau rơm là ít thực phẩm cho chó, một bình mỡ hải cẩu để đốt đèn, đồng thời sưởi ấm ban đêm. Tất cả có vậy… Nhưng chuyến đi của gã lý thú vô ngần!

Trời vừa hoàng hôn, Muk đã dừng xe, gã săn tuyết, lấy từng tảng lớn, xếp lên nhau làm thành căn nhà tạm trú: gã có lối làm đặc biệt, nhanh và gọn; chỉ khoảng nửa giờ đã hoàn thành chiếc tổ ấm vừa vặn cho một người với đàn chó. Chiếc đèn dầu hải cẩu, có ngọn bấc bằng rêu khô bốc cao tới hai mươi phân, tỏa làn hơi nóng như tiết trời mùa hạ khiến Muk phải cởi bỏ hết lần áo này tới lần áo khác. Ánh sáng lấp lánh qua lớp nước đá, vui vẻ chiếu ra khoảng đồng tuyết mênh mông, gió hun hút… Muk không có diêm hay bật lửa, gã dùng hai tay xoa thực nhanh chiếc que khô cứng trên mảnh đế gỗ có chút bùi nhùi; gã vất vả khá lâu mới làm bật được ngọn lửa; thực ra, Muk không cần lửa nấu nướng đồ ăn, gã ăn thịt sống, cá sống quen rồi, nhưng gã phải có lửa để thắp đèn, để sưởi… Nhờ sức lạnh cả chục độ dưới số không phía ngoài, nên căn nhà vách tuyết của Muk mặc dù ấm nóng, cũng không sao tan thành nước được. Gã ăn no rồi đánh một giấc tới sáng.

Muk không có súng, cũng không mang theo cây cung nào, gã giữ vài ngọn lao bên mình, đề phòng bất trắc; vậy mà mới sáng gã đã bắt được vài con chim nhỏ điểm tâm.

Xem thêm:   Hồn người viễn xứ

Cách bẫy chim của Muk khá tài tình: gã khoét rộng thêm lỗ thông hơi trên vách, rắc vài vụn thịt ra đó, rồi ngồi rình… Con chim có cặp cánh trắng muốt, thuộc loại chim sáo, vẫn bay loăng quăng kiếm mồi, xẹt tới… Muk nghe tiếng vỗ cánh bên ngoài, và phóng tay ra đúng lúc chim vừa đậu; gã nắm gọn đôi chân chim, quật xuống nền đá, lặng lẽ ngồi chờ con khác.

Đôi khi, trong tiếng gió ào ạt cuồng bạo, lẫn mươi tiếng tru dài, ghê rợn của chó sói khiến Muk khó chịu: gã không ưa gì loại thú rừng tinh khôn này, nhưng không có khí giới, lại không có cả mảnh xương hàm cá voi để bẫy, gã phải tính cách khác… Để đàn chó kéo tới vây quanh căn nhà, chắc gã không sao tiếp tục nổi cuộc hành trình.

Muk nhớ tới câu chuyện của vài tay thợ săn lành nghề và thực hành ngay: gã lấy máu tươi của con chim, bôi vào lưỡi dao rồi chôn cứng cán dao xuống đất, chỉ một lúc sau, đã có con sói đánh hơi tìm đến: mùi máu tươi vừa chợt đông trên lưỡi thép quyến rũ làm sao!

Con thú háu ăn quên cả dè dặt, nó le lưỡi liếm dao… Liếm ngang liếm dọc cho tới khi lưỡi bị cứa đứt không hay!… Máu tươi từ lưỡi con vật tứa trên thép lạnh càng làm nó say máu, liếm mạnh hơn, mau hơn cho tới khi kiệt lực, lảo đảo rồi khuỵu xuống.

Bữa đó Muk được con sói xám, lớn và mập như thứ chó lài của người da trắng. Gã hí hửng xách con vật vào, lặng lẽ lột da, nạo từng đường gân thớ thịt, rồi dùng viên đá tròn nện cho tới khi cả bộ da mềm mại như thứ da hoẵng thuộc kỹ! Gã biết chẳng có áo choàng nào ấm áp bằng!… Sau này nếu đem tới tiệm buôn của người da trắng phía bờ biển, gã có thể đổi được ít ra cũng vài ba con dao loại tốt, hoặc một vóc nặng đường hay bột mì.

Muk cẩn thận vùi xuống tuyết những tảng thịt sói ngon lành, dành cho lúc về. Trong tủ lạnh thiên nhiên, thịt của gã để được hàng tháng kia mà!

Gã lên đường sau khi ngủ đầy giấc và ăn no: trời quang tạnh nhưng tuyết sáng chói, tới độ có thể khiến ai nhìn lâu bị mù một thời gian. Muk cẩn thận che mắt bằng mảnh ngà tách từ răng hải mã, mài mỏng, khía hai đường nhỏ như sợi chỉ, vừa để nhận rõ đường đi; thứ kính râm đặc biệt này tốt chẳng khác gì kính màu của người văn minh.

Sau 3 ngày du ngoạn thú vị, Muk tới được bên kia dòng sông. Gã lẳng lặng tháo lớp da hải cẩu chia cho lũ chó háu đói, còn đống cá hồi lạnh cứng, tươi như vừa đánh dưới sông lên, gã dùng làm quà tặng cho người bà con. Miền này sẵn gỗ, gã sẽ có cỗ xe tuyệt đẹp để dùng trong nhiều năm, khi trở về, chắc chắn như vậy.

NMT

(Theo E. WAYER)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 1 -2025 từ bản in của Nxb Sống Mới trước 75