Trong thời gian vận động tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố rằng làn sóng di dân bất hợp pháp và việc đưa lậu thuốc cấm, chủ yếu là thuốc fentanyl, tràn vào Hoa Kỳ là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Để giải quyết vấn đề đưa lậu loại thuốc cấm này, chỉ chưa tới 2 tuần sau khi nhậm chức tổng thống, ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế hàng nhập cảng lên 3 quốc gia Mexico, Canada, Trung Quốc mà mục tiêu là buộc 3 quốc gia này phải tìm cách ngăn chặn việc đưa lậu nguồn thuốc cấm này vào Hoa Kỳ.

Lý do fentanyl trở thành mục tiêu chính của lệnh áp thuế nói trên là vì việc sản xuất và đưa lậu loại thuốc cấm này vào Hoa Kỳ đã khiến cho hàng trăm ngàn người Mỹ bị thiệt mạng do quá liều.

Chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã gây áp lực với Mexico, cho đến nay là nguồn nhập lậu fentanyl chính, phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc sản xuất và xuất cảng lậu loại thuốc này, cũng như ngăn chặn các hoạt động rửa tiền đóng một vai trò quan trọng đối với các hoạt động buôn lậu ma túy. Canada cũng bị liên lụy trong lệnh áp thuế lần này là vì hoạt động của các băng đảng ma túy Mexico tại quốc gia này đang ngày càng gia tăng.

Sau khi đạt được một số thỏa thuận, Tổng thống Trump đã đồng ý hoãn thuế trong thời gian 30 ngày với Canada và Mexico nhưng vẫn tiếp tục áp thuế 10% đối với hàng Trung Quốc vì ông cho rằng Bắc Kinh đã không nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn fentanyl bất hợp pháp xâm nhập vào Hoa Kỳ.

Thuốc lậu fentanyl

Fentanyl là một loại thuốc hợp pháp được kiểm soát chặt chẽ, chủ yếu được kê theo toa bác sĩ là loại thuốc để giảm đau và được dùng dưới dạng thuốc tiêm, dán, xịt hoặc viên. Loại fentanyl bất hợp pháp, thường ở dưới dạng bột và được trộn vào với các loại thuốc cấm khác, trong thời gian qua đã chiếm lĩnh thị trường ma túy ở Hoa Kỳ. Các tổ chức buôn lậu ma túy còn trộn loại fentanyl bất hợp pháp này với các chất liệu khác như baking soda, tinh bột và đường để tạo ra một loại bột có thể sử dụng để hút hoặc hòa tan thành chất lỏng và tiêm vào cơ thể.

Xem thêm:   Châu Âu không có Hoa Kỳ

Theo chính phủ Hoa Kỳ, Mexico là nguồn nhập lậu fentanyl chính. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã bắt giữ hơn 20,000 cân Anh loại thuốc này vào năm ngoái, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với lượng thuốc được đưa lậu vào Hoa Kỳ hàng năm.

Phần lớn thuốc lậu fentanyl  được sản xuất tại các cơ sở chế biến được dựng lên khá sơ sài và tạm bợ ở Mexico để nếu bị phát giác thì có thể di chuyển dễ dàng tới một nơi khác. Băng đảng Sinaloa là nhóm sản xuất chính, kế đến là băng đảng đối thủ Jalisco. Theo các phân tích gia, fentanyl đã trở thành loại ma túy xuất cảng chính của các băng đảng Mexico trong thập niên qua. Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy Hoa Kỳ, các băng đảng này hiện nay hoạt động ở tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Chi phí chế biến loại thuốc cấm này rất rẻ, mang lại lợi nhuận khổng lồ và dễ giấu để chuyển lậu. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, hơn 90% lượng fentanyl bị chặn lại tại các cửa khẩu biên giới chủ yếu được các băng đảng đưa lậu vào bằng xe do chính công dân Hoa Kỳ lái.

Phản ứng của Mexico

Chính quyền Trump cho biết việc áp thuế Mexico là vì nỗ lực đối phó với các băng đảng của quốc gia này vẫn chưa đủ và số lượng fentanyl được sản xuất tại đây vẫn gia tăng đều đặn.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết Mexico đã đạt được thỏa thuận, tăng cường thêm 10,000 lính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico để ngăn chặn nạn buôn bán ma túy từ Mexico vào Hoa Kỳ, đặc biệt là thuốc fentanyl.

Xem thêm:   Chấm dứt toàn cầu hóa

Hồi tháng 12, lực lượng an ninh Mexico đã bắt giữ 1.3 tấn fentanyl ở tiểu bang Sinaloa, đây là số thuốc lậu lớn nhất thu được từ trước tới nay chỉ trong một vụ bắt giữ.

Phản ứng của Canada

Hồi năm ngoái, nhân viên tuần tra biên giới Hoa Kỳ đã bắt được 43 cân Anh fentanyl tại biên giới với Canada, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số lượng thuốc lậu bị bắt giữ tại biên giới phía nam. Tuy nhiên, một loạt các vụ bắt giữ thuốc lậu ở Canada gần đây cho thấy các băng đảng Mexico và các nhóm tội phạm có tổ chức khác bắt đầu hoạt động mạnh và thành lập các cơ sở chế biến thuốc lậu tại đây.

Vào tháng 10, cảnh sát Canada đã phá vỡ một cơ sở chế fentanyl rất lớn tại khu vực British Columbia và bắt giữ hàng trăm cân Anh fentanyl và ma túy đá methamphetamine. Cảnh sát cho biết cơ sở chế biến này có đủ hóa chất để hoạt động trong nhiều tuần và có thể sản xuất tới 95 triệu viên fentanyl đủ mạnh để có thể gây chết người.

Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada cũng đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ và sẽ đưa 10,000 nhân viên an ninh đến biên giới, tiếp tay Hoa Kỳ trong việc đưa các băng đảng ma túy Mexico vào trong danh sách các tổ chức khủng bố, hợp tác với Hoa Kỳ trong việc chống lại các nhóm tội phạm có tổ chức, ngăn chặn hoạt động buôn người và rửa tiền.

Về phần Trung Quốc

Trong nhiệm kỳ đầu, sau khi Tổng thống Trump gây áp lực và Trung Quốc đã thực hiện các quy định nghiêm ngặt đối với việc sản xuất và bán fentanyl vào năm 2019. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các thành phần hóa học được sử dụng để sản xuất fentanyl và bán chúng cho các tổ chức ma túy tại Mexico, Hoa Kỳ và những nơi khác.

Xem thêm:   Căng thẳng

Chính quyền Biden trong mấy năm qua cũng gây thêm áp lực và Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế mới đối với 3 loại hóa chất dùng để chế biến fentanyl vào năm ngoái. Mặc dù đạt được một số tiến bộ, các công ty sản xuất hóa chất Trung Quốc vẫn tìm cách lách luật bằng cách thay đổi một chút các loại hóa chất mà họ bán và Bắc Kinh vẫn còn miễn cưỡng trong việc áp dụng các quy định một cách toàn diện hơn đối với lĩnh vực sản xuất hóa chất của họ, đặc biệt là khi nền kinh tế của họ đang gặp khó khăn.

Nhưng dù muốn hay không, trong các cuộc đàm phán sắp tới với Washington để nhằm cố gắng ngăn chặn việc tăng thuế quan cao hơn, Bắc Kinh bắt buộc phải đưa ra cam kết cắt giảm xuất cảng các hóa chất dùng để chế biến fentanyl.

Thiệt hại của Hoa Kỳ

Trong thời gian qua, số người thiệt mạng do dùng thuốc quá liều ở Hoa Kỳ có giảm: Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có 89,740 người bị chết do dùng thuốc quá liều ở Hoa Kỳ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 8 năm ngoái, giảm gần 22% so với cùng thời kỳ 12 tháng trước đó. Tuy nhiên, số người chết vẫn cao hơn gấp đôi so với một thập niên trước.

Thuốc giảm đau (opioids) chiếm hơn 70% số người bị thiệt mạng do dùng thuốc quá liều, phần lớn là do thuốc lậu fentanyl. Số người chết do dùng thuốc quá liều tăng lên kể từ khi fentanyl thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ, lên đến đỉnh điểm và sau đó giảm dần.

Hoa Kỳ đã đầu tư hàng nghìn tỷ Mỹ kim vào các phương pháp trị liệu, các chính sách, luật pháp và chương trình giáo dục để nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhưng cho tới nay vẫn chưa mấy thành công.

VH