Gần đây, nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động Việt Nam ở những thị trường có mức thu nhập cao tăng mạnh. Đây cũng là nguồn gốc của những đường dây thiếu minh bạch đang nở rộ khắp Nam, Trung, Bắc chuyên dẫn dụ đưa người qua một số nước làm việc nhưng mục đích chính là lừa đảo.

Hình ảnh những người chuẩn bị đi nước ngoài làm việc được bọn gian đưa lên trang thông tin của chúng để dụ dỗ, chèo kéo
Ham rẻ, ham dễ… dễ mắc lừa!
Vừa qua, Công an Bạc Liêu bắt tạm giam Lê Phúc Thịnh (31 tuổi, ngụ Giá Rai) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, từ đầu năm 2023, Thịnh lấy danh nghĩa nhà tuyển dụng của một công ty có địa chỉ tại Hà Nội nhằm thuyết phục những người có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc. Sau khi nhận hơn 800 triệu VNĐ của 14 nạn nhân, Thịnh không thực hiện cam kết, sau đó chiếm đoạt luôn số tiền nhận được. Tương tự, Công an Nghệ An cũng bắt giam Trần Thị Hằng Nga (40 tuổi, ngụ Diễn Châu) về hành vi lừa đảo. Dù không có khả năng đưa người ra nước ngoài làm việc nhưng Nga vẫn tự xưng mình là giám đốc một công ty chuyên đưa người đi làm việc tại Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Mỹ… với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 – 300 triệu VNĐ/người. Theo đó, Nga tiếp nhận hơn 500 hồ sơ tham gia từ các tỉnh thành trong cả nước cùng số tiền hơn 20 tỷ VNĐ, sau đó bất ngờ bỏ trốn, điện thoại khóa chặn mọi liên lạc. Tương tự, mới đây, ngày 14/8/2024, Công an Hậu Giang bắt tạm giam Lê Kim Quyên (39 tuổi, ngụ Tây Ninh), Giám đốc Công ty JINJU cũng về hành vi lừa đảo. Dù bản thân không có khả năng thực hiện các thủ tục đưa người VN sang Hàn Quốc làm việc theo diện thời vụ nhưng Quyên vẫn đăng thông tin quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Từ tháng 12/2023 đến 3/2024, Quyên thỏa thuận “hợp đồng miệng” với 48 trường hợp, nhận số tiền cọc gần 2.2 tỷ VNĐ sau đó cố tình chiếm đoạt nên bị khách hàng làm đơn tố giác công an.
Anh Hiệp (33 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết anh bị lừa đảo bởi một công ty có địa chỉ tại Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, Sài Gòn). Vào ngày 17/9/2023, Hiệp ký hợp đồng “vừa học nghề, vừa làm” với công ty này với số tiền trước sau 3 lần tổng cộng 140 triệu VNĐ. Thế nhưng sau gần 1 năm ròng rã nằm nhà chờ vẫn không thấy ai gọi “chuẩn bị hành lý sang Hoa Kỳ làm việc”. Hiệp nhiều lần thử nhắn tin, gọi điện thoại cho công ty nhưng chỉ được lời khuyên “sắp tới đợt, bạn cứ yên tâm? (?).

Phiếu thu tiền cọc khi làm hồ sơ “xuất khẩu lao động”
Như đã nói, hiện tượng lừa đảo đi lao động nước ngoài ở VN đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều tổ chức, cá nhân không có năng lực đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn sử dụng các website tương tự những nơi có giấy phép hoặc dùng các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Telegram… để tìm kiếm, lôi kéo những người có nhu cầu. Họ sẵn sàng buông lời ngon ngọt hứa hẹn về cách thức ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, thu nhập cao, làm visa bao đậu, đi dễ dàng… để lừa đảo. Ngoài ra còn có một số người do muốn đi nhanh, không cần trải qua quá trình học ngoại ngữ, nâng cao tay nghề…cũng dễ dàng sập bẫy bọn lừa đảo này. Thông qua lời dụ dỗ nhiều người rất phấn khích, thậm chí còn vay mượn tiền người nhà, vay ngân hàng để làm thủ tục đi nước ngoài làm việc nhưng chờ đợi mãi vẫn không thấy gì. Cũng có trường hợp đi được nhưng khi đến xứ người mới biết đây chỉ là một chuyến đi kiểu “du lịch kết hợp tham khảo” không giống nhũng gì đã được “công ty” hay các “chuyên viên” tư vấn đã nói trước đó.

Một trang tuyển dụng người đi nước ngoài làm việc nhẹ, lương cao
Tỉnh táo để không mất tiền
Đã có nhiều người do thiếu thông tin, mong muốn sang nước ngoài làm việc với những thủ tục tối giản, chi phí thấp, bao đậu, việc nhẹ, lương cao…vì thế đã tìm đến các công ty môi giới hoặc cá nhân mà không tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan nên dễ bị bọn lừa đảo lợi dụng. Qua các thông tin phản ảnh, được biết phần lớn người lao động thường ký hợp đồng tư vấn, dịch vụ với các nội dung thỏa thuận dễ bị đánh lừa, cứ nhầm tưởng mình được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Song bản chất thật của sự việc này chỉ là tư vấn, giới thiệu cho người lao động xin thủ tục nhập cảnh các nước để làm việc theo hình thức cá nhân (giới thiệu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài đang có nhu cầu tiếp nhận lao động để hướng người lao động tự thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng lao động) hoặc theo hình thức du học kết hợp làm việc…
Do vậy, để không “sụp bẫy” bọn gian manh, người lao động cần chú ý một số thông tin sau: Phải biết cách nhận diện các doanh nghiệp hoạt động đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài, bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được Nhà nước cấp phép chính thức.
Không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới nào; tuyệt đối không tin tưởng các thông tin mời chào, hứa hẹn việc làm trên các website, trang mạng xã hội không chính thống.
Tìm hiểu trước thông tin về công ty đang thực hiện quảng cáo và đối chiếu với danh sách doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước VN (http://www.dolab.gov.vn).
Rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng giữa các bên trước khi ký kết. Hợp đồng cần có đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm các bên, nội dung công việc, mức phí tổn. Hiện nay, các doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài làm việc có mức phí dành cho người chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài như khám sức khỏe, học ngoại ngữ, visa, vé máy bay và một số chi phí khác dao động từ 78 – 120 triệu VNĐ, tùy từng thị trường tiếp nhận lao động.

Những kẻ môi giới bị bắt vì hành vi lừa đảo
Bài và hình NS