Mỗi năm thiên tai về/ Lại thấy nhà cứu trợ/ Bày lương khô gạo muối/ Từng đoàn đi như thơ… Năm nay bão lại về/ Có thêm nhiều lũ lụt/ Người chết và mất tích/ Thiếu nhà cứu trợ xưa… Những câu thơ nhại lại bài thơ Ông Đồ của Thi sĩ quá cố Vũ Đình Liên được người dân vùng lũ đọc cho đỡ buồn, đọc cho thấy cái sự đời ấy vô tình khiến người ta nhớ đến những lùng bùng trong cứu trợ. Người ta nói vui là chưa có xứ nào cứu trợ tréo ngoe như Việt Nam. Nhưng người ta cũng nói (vui) thêm rằng chỉ có tại Việt Nam mới có cứu trợ thường trực, dai dẳng như vậy chứ chẳng có mấy nước giống xứ ta!

Mưa lũ tại Thái Nguyên
Nói dối như vẹm
Một người là cựu chủ tịch xã ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:
– Vụ cứu trợ cách đây mấy năm của TT. (tên viết tắt một ca sĩ) là một vụ vẹm.
– Vụ vẹm là sao hả bác?
– Tức là nói dối như vẹm ấy. Mình là người ký văn bản xác nhận số tiền, mỗi gia đình được tặng 1 triệu đồng. Nhưng sau đó, mình đọc trên mạng xã hội lại thấy bảng thống kê có chữ ký của mình xác nhận mỗi gia đình nhận 5 triệu đồng. Mình không lên tiếng tố cáo vụ này. Từ chỗ mình, mình suy ra có rất nhiều nơi cũng vậy.
– Vì sao bác không lên tiếng?
– Những ai trong cảnh ngộ giống như mình thì hiểu. Thực ra, bất kỳ quan chức nào ở địa phương cũng có dính dáng đến vụ cứu trợ cả. Như tôi, hồi đó, mình cũng bị bão lụt, mình cũng được nhà cứu trợ cho tiền, mà họ cho theo tiêu chuẩn quan chức, được cả trăm triệu đồng ấy chứ. Thành ra mình mang ơn họ. Mình cắn răng chịu đựng, thành hèn cả thôi!
– Theo bác thì các nhà cứu trợ đơn lẻ có phụ thuộc vào chính quyền không?
– Có chứ, đi đêm với chính quyền hoặc đối đầu thôi.
– Đi đêm hoặc đối đầu là sao?

Nhiều lời kêu cứu được đưa lên các trang mạng xã hội trong các trận bão, lũ.
– Đối đầu, tức không thông qua chính quyền địa phương, đến thẳng nhà dân mà cho, cái này tỉ lệ thắng chính quyền rất thấp, nhưng không phải không có. Còn lại thì đi đêm, nói là đi từ thiện, cứu trợ độc lập, nhưng có đi đêm với quan chức địa phương cả. Nếu không đi đêm, làm sao mà ung dung tặng, cho, chụp hình cứ như vào chốn không người vậy được.
– Đi đêm như thế nào? Và đối đầu thắng chính quyền địa phương xác suất thấp nghĩa là sao hả bác?
– Đi đêm thì chút nói, giờ nói đối đầu xác suất thắng nè. Thường thì các nhà cứu trợ đến, nếu không thông qua chính quyền địa phương sẽ không bao giờ tặng quà được, cái này vừa là luật nhà nước vừa là luật địa phương. Vì làm như vậy, chả khác nào ném dơ vào mặt chính quyền, họ phải tìm cách ngăn cản. Nhưng cũng có một số người kiên trì bám trụ, tức đi dạo thăm từng nhà, rồi rút tiền cho giống như là đi thăm bà con, cái này không có chính quyền nào nói được. Nhưng nó đòi hỏi nhà cứu trợ phải rất là mất công. Mà hầu hết các nhà cứu trợ đều sợ mất công, tức đi chừng vài nhà đã mệt, ngán, trở về. Cũng có người liên kết với các cơ sở tôn giáo để tặng. Nhưng cái này cũng khó chứ không dễ.
– Vì sao khó hả bác?
– Vì có thứ gì mà không dính chính quyền vào. Chẳng qua những nhà cứu trợ người ta khéo bắt tay với lãnh đạo chính quyền, họ chịu im mà làm thôi. Tôi nhớ đến chuyện đứa cháu của tôi kể về một ông chủ tịch xã ở Điện Bàn, Quảng Nam, ông này xuất thân từ công an xã, sau đó “cơ cấu” lên Trưởng công an xã kiêm Phó chủ tịch, rồi lên Chủ tịch. Ông này có võ, đánh nhau cũng dữ, nên đồng chí trong cơ quan sợ. Khi làm chủ tịch xã, tới mùa bão lụt, có nhà tài trợ nào tới là ông dắt về nhà cứu trợ cho bà mẹ của ông trước, sau đó đi đâu, cứu ai tùy ý. Thường thì nhà cứu trợ tới cho mẹ ông vài chục triệu, sau đó nhờ ông ký giùm giấy xác nhận đã đến cứu trợ cho dân. Nói chung là ăn chia giữa nhà cứu trợ với ông ta dài dài, nhiều năm, cho đến khi ông ta mất chức vì đi ăn nhậu, uống bia ôm ở huyện bên, đánh nhau và xưng danh Chủ tịch xã, dân nghe Chủ tịch thì xúm vào đánh tới luôn. Sau đó cho vụ này lên dư luận, ông ta mất chức, nhưng giàu sụ, vì thời làm Chủ tịch, có bao nhiêu đất ao hồ ông ta làm sổ đỏ cho ông ta hết. Giờ mở nhà trọ, cho thuê… Nhưng mà nói sang đàng rồi!
– Dạ, nghe cũng thấm thía mà bác. Bác cho cháu hỏi thêm, ngoài vụ của bác với ca sĩ TT., bác còn gặp thêm người nào khác?
– Có chứ, gặp nhiều. Thôi tôi không muốn nhắc tới nữa!

Mặt trận tổ quốc Việt Nam gửi tin nhắn trực tiếp đến từng chủ thuê bao kêu gọi ủng hộ
Mặt Trận Tổ Quốc có cứu trợ được không?
Một người là cựu lãnh đạo Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) xã ở một huyện thuộc tỉnh Quảng Nam, không muốn nêu tên, chia sẻ:
– Mặt Trận Tổ Quốc khó mà đáp ứng được các yêu cầu về cứu trợ, cứu hộ thiên tai lắm cô ơi!
– Vì sao vậy bác?
– Vì không có chuyên môn.
– Ý bác nói là chuyên môn gì ạ?
– Thì chuyên môn cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, điều phối cứu trợ. Mấy cái đó, giao cho MTTQ thì chẳng khác nào giao trứng cho ác.
– Bác cũng là một lãnh đạo của Mặt Trận, sao bác lại nói thế?
– Thì mình lãnh đạo mình mới biết nó ra sao chứ.
– Bác dựa trên các tiêu chuẩn nào để nói rằng MTTQ không thể cứu trợ, cứu nạn hay cứu hộ được ạ?
– Cô có biết nguồn nhân lực của MTTQ từ đâu ra không? Đó là cán bộ hưu trí, là những người không còn đất sống ở các bộ phận khác, bị đẩy sang MTTQ, hay nói khác đi là họ không làm được gì, thôi thì cho qua MTTQ để họ yên thân, họ làm công tác mặt trận, vì họ máu lửa, họ bảo vệ Đảng. Vậy đó. Thì lấy đâu ra chuyên môn?! Muốn cứu hộ, phải có chuyên môn, muốn cứu trợ, phải có chuyên môn điều tiết, có nghiệp vụ kế toán. Muốn cứu nạn cũng vậy, phải có chuyên môn. Trong khi đó, các cán bộ MTTQ thì quen ngồi chơi xơi nước, lương 3 đồng 3 cọc, giờ giao cho họ một cục tiền, bảo họ làm cứu trợ thì khác nào giao trứng cho ác. Lâu nay họ cũng thèm thuồng được tham nhũng, được thụt két như các đồng chí khác lắm chứ. Nhưng không có cơ hội thôi! Giờ có thiên tai, họ sẽ ngồi ung dung đếm tiền mà làm bộ làm tịch, lên giọng đạo đức. Chuyện này là chắc chắn rồi!

Không hiếm những con gà được phù phép thành thiệt hại lớn để ‘giải ngân’ tiền cứu trợ.
Chị Nghiêm, một người dân từng được nhà nước tặng cho một căn nhà tình nghĩa, chia sẻ:
– Nói chung thì hồi xưa mình không biết, nên mình mệt với họ lắm!
– Mệt chuyện gì và họ là ai vậy chị?
– Thì “cán bộ” đó, hình như bên MTTQ hay phòng Lao động thương binh và xã hội chi đó, họ làm cho mẹ em một căn nhà tình nghĩa, họ nói giọng ông nội lắm, toàn nghe như ban ơn với bố thí. Giờ hiểu ra thấy buồn, vì đó là tiền thuế của dân, trong đó có cả mình chứ chẳng phải tiền túi của họ. Thế nhưng có nhiều thứ tế nhị lắm.
– Chị có từng nhận cứu trợ không?
– Có chứ chị. Không những vậy, có lần họ vào nhà, tổ chức cứu hộ, gọi là tập dượt hay sao đó. Họ bỏ mẹ em lên võng, khiêng ra khiêng vào quay phim, xong rồi lại dắt mẹ em lên gác, sau đó cho mẹ em tiền. Quay phim xong thì họ lấy tiền lại, họ đi, làm mẹ em buồn vì mừng hụt. Sau vụ này, nghe nói họ được nhà nước thưởng tiền và khen thưởng.
– Họ là ai vậy chị?
– Thì cán bộ MTTQ và hội Phụ nữ gì đó. Nói chung là họ nhờ mẹ em diễn khá nhiều. Rồi thì họ nói cứ như ưu tiên lắm. Giờ mình hiểu ra, thấy buồn cười và giận lắm chứ!

Dân thì cứ kêu, mặt trận thì cứ nhận tiền, còn bao giờ tiền tới tay và tới bao nhiêu thì dân chẳng biết
– Chị có được cứu trợ trong đợt bão lụt lớn năm 2020 không? Và có thì được những gì chị nhớ không?
– Có đó chị, nhớ hết chứ, mấy gói mì tôm, sau đó là một thùng mì tôm họ bọc giấy hoa kim cương bên ngoài, cho em lên đứng nhận để chụp hình. Em cứ đinh ninh là có cái gì bên trong giá trị lắm, về mở ra thì cũng một thùng mì tôm thôi, nhưng nó được quay phim nên gói giấy cẩn thận. Mà MTTQ từng chơi như vậy nhiều rồi, họ chơi với mẹ liệt sĩ nữa kia!
– Chơi làm sao hả chị?
– Họ cho mì tôm vào cái vỏ đầu máy DVD, họ cho lên nhận, quay phim và ai cũng nghĩ rằng người nhận được một cái đầu máy DVD, khi về mở ra thì bên trong có một thùng mì tôm. Chuyện này thì khắp nơi. Nói chung là MTTQ họ có nhiều trò lắm!
– Chị có tin vào khoản tiền hàng ngàn tỉ đồng mà MTTQ đang nắm giữ sẽ chi cho dân sòng phẳng không?
– Không, không hề tin chị ạ. Vì họ cũng là những kẻ tham lam, lếu láo và man trá, thì làm sao bảo giao trứng cho ác rồi mà còn an toàn được nữa! Thôi, đừng nhắc thêm buồn!
Hằng năm, mỗi khi có thiên tai, dường như có một cuộc chiến ngấm ngầm giữa MTTQ và các cá nhân, ban ngành tổ chức cứu trợ. Và đương nhiên, cạnh tranh này nhằm mục đích quy về một mối, để MTTQ đi cứu trợ, chia tiền. Thật khó nói khi các cán bộ MTTQ là đói nhất trong hệ “cán bộ” nhưng họ vẫn mua sắm và xây nhà cao tầng đều đều sau mỗi đợt thiên tai, với mức lương 3 đồng 3 cọc không đủ sống của họ!
Bài và hình UC