Miền Tây Việt Nam (còn gọi Vùng đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) xưa nay vẫn mệnh danh là “vùng sông nước”. Tuy nhiên hiện thời cả ĐBSCL đang đối mặt với nhiều diễn biến bất thường, gay gắt của tình hình hạn mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng trong mùa khô đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống phần lớn cư dân địa phương.

Đồng khô cỏ cháy do thiếu nước
Nắng hạn, ngập mặn kéo dài
Từ đầu tháng 2/2024 đến nay, miền Tây hầu như không có mưa, mực nước trên các sông tiếp tục giảm, nước mặn từ biển xuôi theo các đợt thủy triều chảy ngược vào đất liền dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất lẫn sinh hoạt.
Đầu tháng 4/2024, chúng tôi tìm về xã Long Sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh). Lúc này hơn 9 giờ sáng, ông Danh Tươi (54 tuổi, người Khmer) dẫn chúng tôi về phía cánh đồng lúa đang thời kỳ trổ bông nhưng bị “đứng hình” vì thiếu nước. Phía bên phải ruộng lúa là dòng kênh nội đồng chiều ngang khoảng 7 mét, giờ chỉ là rãnh mương nhỏ người ta có thể đi bộ ra giữa kênh mà chân không hề dính bùn. Ông Danh Tươi nói: “Từ trước Tết Giáp Thìn đến nay ở đây luôn thiếu nước. Bà con chúng tôi chủ yếu sống nhờ nghề lúa, giờ nếu mưa xuống may ra cứu được khoảng 60-70%, còn vài ba tuần nữa vẫn không mưa chắc nhiều ruộng lúa sẽ mất trắng!”.
Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN ghi nhận, từ tháng 2/2024, độ mặn 4% đã đo được trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây nước mặn đã vào sâu đất liền từ 50-62km; ở sông Cửa Tiểu, Cửa Đại từ 40-45km; ở sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Sông Hậu từ 42-52km… tác động mạnh và trực tiếp tới nhiều địa phương khắp miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Với mức xâm nhập mặn như vậy, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho khoảng 56,260 ha lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng là rất cao. Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng gây ảnh hưởng đến một số vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43,300 ha như ở Tân Trụ (Long An), Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang), Mỏ Cày Nam, Châu Thành (Bến Tre), Kế Sách (Sóc Trăng). Cũng dự báo của Trung tâm này, tình trạng hạn mặn sẽ còn kéo dài, tiếp diễn trong những tháng sắp tới với nhiều diễn biến khó lường.

Kênh nội đồng cạn nước do nắng hạn kéo dài
Người dân chật vật với từng thùng nước
Tới nay – như đã nói – dọc khu vực hạ lưu ven biển qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến tre, Trà Vinh, Sóc Trăng … do bị xâm nhập mặn nên thiếu nước ngọt trầm trọng. Từ tháng 2/2024 đến giờ, khắp miền Nam gần như không mưa. Cùng thời gian, nắng nóng xuất hiện, kéo dài liên tục, nhiều ngày nóng gay gắt từ 37 – 40 độ C, khiến hàng chục nghìn nhà dân sống trong khu vực rơi vào cảnh “khát” nước. Đáng chú ý, các địa phương này đều có các nhà máy cung cấp nước ngọt nhưng phần lớn xây dựng tại khu vực thượng nguồn nhằm sử dụng nguồn nước sông tự nhiên có sẵn. Vì vậy, cư dân vùng hạ lưu thường ở khá xa nhà máy nên việc tiếp nhận nguồn nước này cũng khó khăn.
Tại Long An, tuy nằm ven sông Vàm Cỏ nhưng tình cảnh thiếu nước ngọt đang làm đảo lộn cuộc sống nhiều người dân Cần Giuộc, Cần Đước. Bà Mai (Tân Lập, Cần Giuộc) cho biết khoảng 2 tháng gần đây nước máy chảy rất yếu (do khu vực thuộc cuối đường ống nước) nên người dân không đủ xài. Chồng bà phải dùng xe máy ra các điểm công cộng ở tỉnh lộ 830 để lấy từng bình nước (loại 20 lít/bình) mang về. Tuy nhiên, các điểm này cũng thường đông người, phải chờ đợi rất lâu.

Chờ chực để lấy từng bình nước miễn phí
Tương tự, gần 3 tháng qua, bà Hoa (Gò Công Đông, Tiền Giang) mỗi ngày phải mất từ 1 tới 2 giờ đồng hồ đi lấy nước ngọt, dù gia đình ở gần tỉnh lộ 871B có vòi nước công cộng nhưng do quá nhiều người chờ đợi. Ông Nhân, một người dân khác ở Gia Thuận cho biết: Mỗi ngày tôi phải đi xe gắn máy gần 3 km để lấy nước, đến lúc 12 giờ nhưng gần 2 giờ trưa mới lấy được vì có nhiều người tới trước. Mà tôi còn khoẻ để đi lấy nước miễn phí chứ nhiều người lớn tuổi không chở được phải đi mua nước với giá 80 – 100 nghìn VNĐ/m3.
Ở các xã ven biển huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nhiều nhà dân cũng phải mua nước ngọt về sử dụng. Bà Lan (xã Tân Phong) cho biết, nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn, nên người dân phải mua nước với giá 80 – 100 nghìn VNĐ/m3 để nấu ăn, tắm rửa. Tại Cà Mau, do nước mặn xâm nhập nên hàng ngàn người dân ở các vùng ven biển cũng không có nước ngọt trong vài tháng qua. Để có nước xài, người dân phải đi mua từ các ghe với giá 50 – 60 nghìn VNĐ/m3.

Nhiều nơi người dân phải mua nước cho nhu cầu sinh hoạt
Nguyên nhân vì sao?
Theo lời một số chuyên gia về ĐBSCL cho biết, nguyên nhân chính khiến cả miền Tây VN bị mặn xâm nhập sớm từ đầu mùa khô do các đập thuỷ điện ở Trung Quốc và Lào hạn chế xả nước. Các nhà máy thuỷ điện vốn sử dụng sức nước chảy từ cao xuống để phát điện, điều này đã khiến dòng chảy về khu vực đồng bằng bị giảm mạnh. Nên nhớ rằng Trung Quốc hiện xây dựng ít nhất 11 con đập thủy điện lớn ngay trên sông Mekong. Những con đập thủy điện này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm lượng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn đồng thời làm mất đi tính đa dạng sinh thái con sông cũng như của miền Tây VN. Đó là chưa kể hiện nay Campuchia cũng đang lên kế hoạch chuyển nước bằng kênh đào Phù Nam Techo thoát ra ngõ vịnh Thái Lan với kinh phí dự kiến 1.7 tỷ USD. Khi dự án này hoàn thành chắc chắn sẽ khiến tình trạng khô hạn ở ĐBSCL những năm tới thêm phần cực đoan và tác hại càng nặng nề hơn!.

Phát nước “từ thiện” (?)
NS