Võ Đình là họa sĩ/ nhà văn nổi tiếng ở hải ngoại. Ông là một hình ảnh đặc dị trong văn học nghệ thuật hiện đại.

Tên thật là Võ Đình Mai sinh năm Quý Dậu 1933 tại Huế. Chánh quán huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Những năm của thập niên 1950 du học ở Lyon và Paris, Pháp. Năm 1961, triển lãm họa phẩm đầu tiên ở New York City. Từ đó tham dự hơn 40 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở Châu Âu, Châu Á, Gia Nã Đại và Hoa Kỳ.

Võ Đình có tới 40 tác phẩm được ấn hành từ sáng tác, dịch thuật, minh họa, trong đó có ấn bản Anh, Pháp, và Việt ngữ. Những tác phẩm Việt ngữ có thể kể đến là Tuyển Tập Võ Đình, Lầu Xép, Xứ Sấm Sét, Sao Có Tiếng Sóng, Rừng Mắm Văn Nghệ, Mây Chó, Huyệt Tuyết.

Võ Đình là một họa sĩ và dịch giả chuyên nghiệp, nhưng cũng là một nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam. Ông từ trần ngày 31 tháng 5 năm 2009 ở tuổi 77. (theo VOA)

Sau đây xin giới thiệu bài viết của Phan Tấn Hải và Nguyễn Mạnh Trinh về Võ Đình.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Phan Tấn Hải ghi lại.

Tôi có một vài ký ức về họa sĩ Võ Đình. Gặp nhau thực sự không nhiều, nhưng hình ảnh về anh vẫn khắc sâu trong trí nhớ.

Trong những ngày tôi cư trú ở Virginia, gặp họa sĩ Võ Đình thường là trong một số sự kiện cộng đồng, có khi tại nhà một vài người trong giới văn nghệ -mà thời đó, những năm cuối thập niên 1980s, tôi là một người tuổi nhỏ, so với các bậc tôn túc có dịp quen thân và làm việc chung, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Trương Anh Thụy, nhà bình luận Trương Hồng Sơn (bây giờ là họa sĩ Trương Vũ)…

Không khí văn nghệ thời đó ở Virginia vui lắm: mọi người, cho dù nổi tiếng thế nào đi nữa – thí dụ, giỏi nhiều ngôn ngữ xuất sắc như GS Nguyễn Ngọc Bích và phu nhân (chị Đào Thị Hợi cũng là một giáo sư về ngữ học tại một đại học ở thủ đô Washington DC), vẫn là những hình ảnh gần gũi, dễ thấy, dễ nói chuyện.

Nhưng hình ảnh của Võ Đình khác hơn và là cái gì độc đáo, dị thường hơn. Nghĩa là, không đời thường. Ngay cả khi nói chuyện với anh Võ Đình, tôi vẫn thấy dường như anh đang đứng lơ lửng trên núi tuyết.

Xem thêm:   Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng

Thử nhắm mắt lại, hình dung về anh, tôi nhận ra trong trí tôi các hình ảnh gắn liền với Võ Đình: kính trắng, đôi mắt sáng đăm chiêu, tay cầm tẩu thuốc, những khoảng trời tuyết trắng, những rặng cây xanh. Và đặc biệt, là hoa sen và mặt trăng. Hoa sen thì dễ hiểu, vì Võ Đình có quan tâm nhiều về Phật giáo. Nhưng còn mặt trăng? Kể cả khi gặp anh ban ngày, giữa trưa, tự nhiên tôi vẫn nghĩ tới mặt trăng. Có thể vì Võ Đình thường vẽ trăng? Có lẽ, nhưng không hẳn. Bởi vì trong nhiều bức tranh trừu tượng, Võ Đình có khi vẽ như là mặt trời đang rọi sáng rất phức tạp. Cũng có thể, khi nói chuyện với tôi (lúc đó, tôi đã có vài bài viết về Thiền Tông đăng trên vài báo ở California) và rồi anh Võ Đình kể về mặt trăng, vì anh là bạn thân với Thầy Thích Nhất Hạnh và có dịch một số bài của thầy này sang tiếng Anh – vì Thiền Tông thường nói về mặt trăng rọi sáng khắp sông hồ mà không phân biệt.

Nên ghi chú rằng, lúc đó, tôi quen gọi tất cả những người hoạt động văn nghệ Virginia là anh hay chị, vì khi rảnh rỗi là tôi thiện nguyện giúp anh Giang Hữu Tuyên (khi sinh tiền anh Tuyên là chủ bút Hoa Thịnh Đốn Việt Báo) làm chuyện linh tinh trong nghề báo.

Trong cương vị nhà báo khi rảnh rỗi (hình như chữ trong nước gọi là không-chuyên, hay nghiệp-dư, toàn những chữ lạ, tới giờ tôi vẫn chưa hiểu hết) hễ đi tới, đi lui là quen gần như hầu hết giới văn nghệ cả vùng. Nhưng ít gặp, vì họa sĩ Võ Đình ở xa khu vực cộng đồng. Nhớ có lần, anh Trương Vũ nói với tôi rằng anh Võ Đình ở trên núi mà. Hình như là có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì nơi anh Võ Đình cư ngụ nơi hẻo lánh, nơi núi xa. Và cũng mang nghĩa bóng, là anh Võ Đình ở gần mây hơn người thường.

Tôi rời Virginia, về California khoảng cuối năm 1989. Khi tôi cưới vợ năm 1992, anh Võ Đình có điện thoại, chúc lành, hỏi địa chỉ, và rồi anh gửi qua bưu điện chúc mừng — một tấm tranh vẽ trên giấy bìa cứng, hình chiếc ghe, mang họa tiết hoa sen nơi mũi thuyền, và mặt trăng trên cao có lấm tấm bụi. Tuyệt vời không ngờ…

Xem thêm:   Nhìn lại con đường với Hà Thúc Sinh

PTH (Để Nhớ Một Ngọc Núi. Họa sĩ Võ Đình)

Nguyễn Mạnh Trinh viết.

Tùy bút là một thể văn viết dễ mà khó. Viết về cái mình nghĩ, cái mình cảm, có lẽ dễ hơn là dùng trí tưởng tượng tái tạo lại những sự kiện thành một thế giới riêng. Nhưng, cái khó là viết được những điều mà người khác cũng cảm được, cũng chia sẻ cái nghĩ cùng mình.

Với Võ Đình, qua gần nửa thế kỷ cầm bút và cầm cọ, từ 20 năm văn học miền Nam đến gần 30 năm văn học hải ngoại, ông đã tạo riêng một sắc thái nghệ thuật độc đáo.  Võ Đình viết tùy bút bằng nghệ thuật của một người cầm cọ vẽ và tâm hồn lãng mạn của người làm thơ. thể , chỉ bắt nguồn từ một việc, một người, mà chữ nghĩa đã phiêu du đi thật xa, đến thế giới nửa hiện thực nửa huyền ảo. Hiện thực, vì nó mang hơi thở của cuộc sống. Huyền ảo, bởi những nét vờn sương khói của những cơn mơ, của những tưởng tượng bước sải đi trong không gian nhiều chiều đầy cảm giác .

Đọc Tuyển Tập Võ Đình, thấy được sắc thái riêng biệt.Một điều rõ ràng, nét cẩn trọng trong suy tư cũng như  tài hoa trong ngôn ngữ chan chứa trong các đoản văn của ông.

Những truyện ngắn có phong thái khác lạ làm người đọc lạc vào một thế giới lãng đãng phân hai giữa thực và mộng , giữa đêm Liêu trai  phương Đông, giữa ngày náo động vùn vụt của xã hội Tây phương.

Tuyển Tập Võ Đình gồm 30 truyện ngắn trích trong những tập in trong khoảng gần 30 năm: Xứ Sấm Sét, Lầu Xép, Huyệt Tuyết, Mây Chó, Trời Đất. Thật ra, nếu tuyển chọn rộng rãi một chút thì số lượng phải nhiều hơn. Bởi, qua những bài viết được đăng trên các tập san văn nghệ, truyện của ông  đã được nhiều khen ngợi nồng hậu.

Tả cảnh, tả tình, kể chuyện, tất cả là một nghệ thuật được nâng cao với Võ Đình. Như chỉ tả một con chim mà tạo được một không gian huyền ảo và gây được những kích động tâm lý người đọc trong truyện G. Phải là người yêu cái đẹp và khiếu thẩm mỹ cao độ mới có thể viết được những đoạn văn đẹp như những câu thơ văn xuôi óng ả. Không gian mù sương của một nơi chốn yên tĩnh đã tạo thành hình ảnh không phải là một con chim bình thường mà còn là ảo giác cũa những cảm xúc  tạo thành vẻ diễm lệ khó tìm được trong hiện thực. Từ nhìn ngắm cánh chim để suy nghĩ xa hơn, đến những điều tuy gần cận trong đời sống nhưng ít để ý, nay bỗng hiện ra trong cảm giác kỳ thú lạ lùng. Đoạn kết của truyện ngắn G. thật lạ. Chỉ với một cái lông chim còn sót lại mà tạo thành một nỗi xúc cảm mạnh mẽ đến phát khóc:

Xem thêm:   Lư đã về lại Phá Tam Giang

“Tôi cúi nhặt một cái lông cánh, một cái lông dài màu lục mà tôi vẫn thường ví với ngọc thạch “tourmaline”. Tôi nhìn cái cánh chim hồi lâu rồi tôi dim mắt chìa cái lông ra theo hướng ánh sáng mặt trời. Rồi tôi xoay nó lại qua chiều khác, để nó ngược lại hướng ánh sáng mặt trời. Nhưng cái lông chim tuyệt đẹp chỉ còn lại một màu lục tầm thường, không phản ảnh hỏa hoàng và huyết dụ nữa như tôi đã từng thấy khi nó còn dính liền nguyên vẹn với hình hài của G.

Sáng ấy, tôi đã nói, là ngày sinh nhật của tôi, giờ Tây Bán Cầu, trời rất đẹp, tôi đứng đó, một con người đã trưởng thành, một gã đàn ông xưa nay vẫn kiêu căng về cái “gươm đàn nửa gánh” của hắn, một đấng tu mi. Thế mà, tôi thấy rậm rật, run run trong lòng. Một tí ti nữa, chỉ một tí ti nữa thôi, thì tôi đã đưa tay lên ôm mặt khóc, như một đứa trẻ con

Chắc chắn Võ Đình không phải người chỉ đơn thuần kể chuyện.  Bởi ngôn ngữ của ông chất đầy những liên cảm và những ý tưởng, những suy tư cứ bật ra và nối kết.

….

Truyện của Võ Đình là tổng hợp của hiện thực và hư cấu huyền ảo. Không gian của ông thường bàng bạc trong màn sương nhàn nhạt, của những gam màu mà bóng tối nhạt nhòa giữa ánh sáng. Và, nhân vật của ông, dù đầy ắp chất nhân bản nhưng cũng  nhiều mặt trộn lẫn nhau. Những nhân vật ấy, sống nhiều với bản năng nhưng cũng suy tư và mơ mộng  như những người nghệ sĩ lãng mạn…

NMT (trích Đọc Tuyển Tập Võ Đình)