Cách đây 10 ngày, bờ biển quận Cam (Nam Cali) đã gặp một tai họa môi trường, đó là sự tràn dầu thô ngoài khơi. Mặt biển phủ một lớp đen như bùn và sền sệt dài hơn chục dặm. Gió và sóng đã đánh dạt rất nhiều dầu lên bãi cát, buộc nhà chức trách phải đóng cửa các bãi tắm để làm sạch biển. Ngoài những công nhân của West Coast Environmental Solutions đang tích cực dọn dẹp thì giới chức quận Cam cũng kêu gọi thêm khoảng 1,500 tình nguyện viên tiếp sức để nhanh chóng làm sạch môi trường. Theo ước tính có khoảng 140,000 gallons dầu thô đã thoát ra nước biển, mà nơi bị ảnh hưởng nhiều nhứt là bãi biển của thành phố Huntington Beach, thành phố phải ra lịnh đóng cửa bãi biển cho đến khi dọn dẹp xong.

Vui chơi trên bãi cát. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ 

Hôm qua (ngày 11 Tháng Mười, 2021) lịnh đóng cửa các bãi biển đã được giải tỏa. Cư dân quận Cam lại hân hoan ra biển dạo chơi, lướt sóng, bơi lội, chụp ảnh.

Chiều nay, chúng tôi cũng hòa nhập vô dòng người nối nhau đến bãi tắm thành phố Huntington Beach. Lúc này, Nam Cali đã chuyển sang Thu, nhiệt độ không khí buổi chiều đã bắt đầu trở lạnh. Xe chạy gần tới nơi thì tôi đã ngửi thấy mùi tanh nồng nồng và vị mặn đặc trưng hương vị biển trong gió.

Ngày đang dần ngắn lại, mới 5 giờ chiều nhưng mặt trời đang xuống thấp ở đường chân trời phía biển. Ánh sáng càng yếu hơn khi bầu trời dày đặc mây xám và hắt màu xám xịt xuống mặt nước, làm cho mặt nước biển sẫm màu rêu xám. Gió thổi mạnh mang theo nhiều hơi nước lạnh nên những người đi dạo trên bãi biển và trên cầu tàu phải mặc áo ấm, áo khoác trùm cổ và đầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người khác xuống nước đùa giỡn, bơi, lướt ván dưới làn nước mỗi lúc mỗi đen sẫm thêm.

Cầu tàu. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ

Tôi đứng trên cầu tàu quan sát vài con chim biển đang bay lượn lên xuống và phát hiện rằng chúng không còn đông đúc hàng trăm con mỗi lần bay lên, đáp xuống làm rợp cả khoảng trời như những lần chúng tôi đến khu vực này biểu tình “Rally for Trump” năm ngoái. Có vẻ như vì sự việc tràn dầu, mặt biển ở đây không còn là môi trường kiếm ăn dễ dàng cho chúng. Dầu loang ra che lấp mặt biển, đã làm chết khoảng vài chục con chim vì nhiễm độc, và dầu bám vô lông chim cũng làm chim chết khi nó không thể bay được. Một con chim dáng vẻ mỏi mệt nằm ì ra trên bệ cement bồn rửa tay trên cầu tàu, nó bình thản nhìn người qua lại và mặc kệ tôi chụp hình nó. Tôi tự nhủ phải chăng con chim này cũng bị nhiễm dầu?

Xem thêm:   Ngoại tình

Các nhân viên của West Coast Environmental Solutions vẫn tiếp tục làm công việc nhặt dầu trên bãi cát, nhưng lúc này họ đang tập trung lại ở lan can bờ biển cạnh parking chờ xe đến chở về. Tôi nhìn ra khơi thấy có nhiều tàu hàng chở containers vẫn xếp hàng dài chờ được đến lượt vô cảng. Cho tới thời điểm này, người ta vẫn còn hạn chế tàu lớn được phép cập cảng để lên hàng. Nhiều người cho rằng dầu tràn là hậu quả của việc ống dẫn dầu từ giàn khoan Elly ngoài khơi Huntington Beach bị bể. Người phát ngôn của công ty Beta Offshore (công ty chủ nhân giàn khoan Elly) thì nói rằng đường ống dẫn dầu bị bể do một cái mỏ neo của tàu hàng nào đó khi thả neo đã “mổ” trúng ống dẫn dầu. Nếu đứng trên cầu tàu nhìn ra sẽ thấy giàn khoan dầu Elly đứng vươn lên mặt biển như một búp sen khổng lồ, và các tàu chở hàng thì chen chúc vây quanh.

Nhân viên WCES. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ

Trước đây trên cầu tàu rất đông người câu cá nhưng nay thành phố đã treo bảng cấm câu cá và bắt sò biển cho tới khi có lịnh mới, nên trên cầu tàu vắng hẳn người câu cá.

Tôi mắc cười nhứt là trong khi hơn 1,000 km bờ biển, mặt nước biển gần bờ ở Việt Nam đâu đâu cũng tràn ngập rác nilon (túi, bịch, chai lọ, hộp đựng thức ăn, ly nhựa, băng vệ sinh, chiếu nilon…) mà nhà cầm quyền Việt Nam không có biện pháp làm sạch, thì hệ thống báo chí ở Việt Nam nhân cơ hội này “phất cờ đánh trống,” la làng la xóm ỏm tỏi rằng nước Mỹ bị “thảm họa môi trường nghiêm trọng,” “đóng cửa bãi biển lâu dài,” “sự việc tràn dầu thảm khốc.” Nhưng chưa tới 10 ngày bãi biển Huntington Beach là nơi bị dầu “tấn công” nhiều nhứt đã mở cửa, chắc là ban tuyên giáo nhà nước Việt cộng buồn rầu, thất vọng lắm nhỉ?

Xem thêm:   Đi trên thân đòn gánh

Ðây cũng là cơ hội để các “nhà đạo đức” chỉ trích, lên án dòng xe sử dụng xăng làm nhiên liệu, cấm bán xe chạy xăng, nhưng làm thế nào để người thu nhập thấp có tiền đổi xe chạy điện thì không thấy bất cứ ai nhắc tới. Theo thống kê của các tổ chức điều tra xã hội học (đăng báo công khai năm ngoái) thì tại tiểu bang Cali chỉ có 48% dân số thuộc nhóm da trắng ba đời tổ tiên là người Mỹ bản xứ có khả năng mua được nhà, và khoảng 52% còn lại không có khả năng mua nhà (gồm nhiều gia đình Mỹ trắng và phần lớn người Mỹ gốc đa sắc tộc.)

Chim biển. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ

Trước đây, tôi đã từng kể cho quý độc giả biết chuyện đoạn đường Brookhurst giữa hai ngã tư Brookhurst – Katella và Brookhurst- Orangewood là “đường bán xe dạo.” Hơn 4 năm thường xuyên đi ngang đoạn đường này tôi đã chứng kiến hàng trăm chiếc xe đậu hai bên lề đường nhìn “bộ vó” xe rất “ngon,” và chúng được rao bán giá từ $5,000 trở xuống. Tuy nhiên, không thấy ai bán xe điện với giá này. Người tiêu dùng cần phải có ít nhứt $25,000 mới có thể “hốt” được chiếc xe hơi chạy bằng điện. Do đó, tôi nghĩ cư dân ở đây cần “sống chung với tràn dầu” bằng cách cố gắng không để xảy ra việc tràn dầu, nếu đã tràn thì cố gắng làm sạch môi trường càng nhanh càng tốt, cho đến khi nào mức sống của cư dân được nâng lên tới mức ai cũng có khả năng mua xe điện.

Xem thêm:   Đỗ Quyên mưa...

Cách đây hai ngày tôi cũng đọc một thông báo nói rằng ông Newsom – đương kim thống đốc tiểu bang Cali ra lịnh cấm tiểu bang bán các loại máy móc, xe cộ tiêu thụ xăng dầu làm nhiên liệu với mục đích “bảo vệ môi trường.” Ðến năm 2035 xe chạy bằng xăng sẽ không được bán ở Cali, còn máy móc khác (máy cắt cỏ, thổi lá, phát điện, máy phun rửa áp lực cao…) sẽ không được bán “trước ngày 1 Tháng Giêng năm 2024 hoặc ngay sau khi các nhà làm chính sách xác định là ‘khả thi’,” nhưng trong lịnh này cũng không thấy nói rõ người lao động hành nghề thổi lá, cắt cỏ, cắt tỉa cây lưu động (tôi vẫn thấy họ làm việc ngoài đường,) thì họ sẽ lấy cái gì để thay thế nếu thực hiện lịnh cấm.

Bơi lội. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ

Vụ này làm tôi lại nhớ tới vụ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hùng hổ đòi “cấm xe máy hai bánh” để “chống kẹt xe và chống ô nhiễm khói xe,” “được lưu thông ngày chẵn, ngày lẻ căn cứ bảng số xe”   từ năm 2007 tới nay, mà số xe máy hai bánh đăng bạ mới luôn năm sau cao hơn năm trước. Chỉ vì phía nhà cầm quyền không có cách gì thay thế phương tiện di chuyển cho dân thì dân vẫn cứ tràn ra đường hàng mấy chục triệu xe máy hai bánh mỗi ngày.

Lịnh cấm có thể làm không khí ở Cali trong lành hơn, nhưng lại có thể làm cho nhiều người bị mất nơi ở hơn, và bị đói hơn. Tiểu bang phải chi tiền trợ giúp nhiều hơn (chuẩn bị tăng tiền già vì lạm phát,) lạm phát lại đẩy lên cao hơn. Theo nguyên tắc “bình thông nhau” cũng không có cách chi ngăn chặn dòng không khí công nghiệp ô nhiễm “đen như hắc ín” xả ra từ quốc gia Tàu cộng mỗi ngày “thẩm thấu” khắp thế giới.

Lướt ván. Photo: Tạ Phong Tần / trẻ

TPT