Nước Mỹ ta có một thói lạ là cái gì cũng đóng thùng. Vui cũng đóng thùng, buồn cũng đóng thùng. Nhỏ cũng đóng thùng, mà bự chà bá cũng đóng thùng. Xấu cũng đóng thùng, mà đẹp cũng đóng thùng. Mọi thứ lớn nhỏ tất tần tật đều cho vô thùng, nghe qua rất khôi hài, nhưng nghĩ kỹ lại rất nghiêm trang.
Ðoạn văn trên là tôi nhái lại một đoạn trong bài viết “Gì cũng cười” của cụ Nguyễn Văn Vĩnh (Ðông Dương Tạp chí, năm 1914,) khái quát một cách cụ thể trình độ chính xác cao của người Mỹ, mà đó cũng là lý do nền sản xuất ở Việt Nam hiện nay không thể nào sánh kịp.
Từ “đóng thùng” ở đây tôi dùng cho các loại hàng hóa do các công ty cung cấp sỉ hoặc lẻ, lớn hoặc nhỏ ở Mỹ bán ra cho khách hàng, và là hàng mới hoàn toàn, chớ không phải hàng hóa tả-pí-lù mà người ta gởi về Việt Nam bằng dịch vụ Cargo. Thùng ở đây không nhất thiết phải là những thùng carton ba lớp giấy dày màu nâu vàng hay thùng gỗ, mà những hộp giấy vuông, chữ nhật nhỏ xíu chứa một vỉ thuốc cảm thường hay một tube kem bôi phỏng 5g cũng được coi là “thùng.”
Niềm vui đóng thùng- không cần giải thích thì ai cũng biết đó là những món quà tặng được nhà sản xuất đóng hộp, đóng thùng sẵn bán ngoài tiệm như: Hộp phấn trang điểm, hộp son môi cao cấp, đôi giày, chiếc áo, cặp mắt kính, bộ veston mắc tiền v.v.
Nỗi buồn đóng thùng- nghe có vẻ lạ nhưng lại là quen. Website của Costco, Walmart đều có rao bán quan tài rất nhộn nhịp với nhiều kiểu dáng, màu sắc, giá từ $900 – $3,000/cái.
Những loại hàng hóa nho nhỏ, xinh xinh đóng thùng, đóng hộp thì quốc gia nào cũng có bán. Thông thường chúng là những mặt hàng đã được hoàn chỉnh, chỉ cần mở thùng/ hộp ra là sử dụng ngay, không cần người mua phải bỏ công lắp ráp. Hàng hóa bự chà bá lửa mà đóng thùng thì chỉ có bán ở nước Mỹ, chớ Việt Nam hoàn toàn không có. Tất nhiên phải khẳng định luôn là không tính hàng nhập nước ngoài hoặc hàng sản xuất ở Việt Nam nhưng lại do các hãng nước ngoài đầu tư (Samsung, Sony, Nike…)
Không cần phải to lớn lắm, chỉ là một cái quạt đứng cao tầm lưng người ngồi ở bàn làm việc là đã trụi lủi không có thùng rồi. Tôi đã vài lần ra tiệm đồ điện ở Sài Gòn mua quạt đứng. Quạt được lắp ráp sẵn, đựng trong bọc nilon trắng là quạt mới, không hề có thùng. Quạt không bọc nilon để bên ngoài là hàng mẫu.
Người Việt Nam dù giàu hay nghèo, sang trọng hay bần hàn thì trong nhà cũng phải có hai món đồ bắt buộc là cái tủ thờ, bộ bàn ghế ở nhà ngoài bày biện cho “coi được.” Nhà tôi ở quê diện tích rất nhỏ nên khi mua sắm bất cứ món gì tôi cũng đều đo đạc, tính toán sao cho nhỏ gọn vừa với nhà mình. Tôi đi kiếm hơn mười tiệm bán đồ gỗ mới may mắn có một tiệm bán tủ thờ và bộ salon gỗ nhỏ xíu vừa ý.
Tủ thờ gỗ chọn loại size nhỏ nhứt, bộ salon gỗ tạp sơn màu cánh gián cũng phải kiếm loại nhỏ nhứt mà mỗi cái ghế của nó người nào hơn 70 kg ngồi vô không lọt. Chủ tiệm đã lắp ráp sẵn nguyên bộ, trả tiền mua xong, chạy ra kiếm mướn chiếc xe đẩy (người kéo, chuyên môn chở đồ nặng, giá công rẻ) chở đồ về nhà mình chớ tiệm không ship siếc gì hết dù số tiền trả cho chủ tiệm không hề nhỏ. Ông chủ xe đẩy, con trai ông xe đẩy và tôi, tất cả ba người, hì hục khiêng tủ, bàn, ghế chất lên xe, lấy dây thừng ràng chằng chịt giữ đồ cho chắc, rồi ổng kéo xe, thằng con đẩy xe phía sau, tôi đi phía trước dẫn đường. Tới nơi cả ba người lại hì hục dọn đồ xuống, kêu thêm người nhà ra phụ khiêng vô nhà, ai cũng mồ hôi mồ kê tuôn như tắm. Chúng tôi phải đi hai chuyến xe, hai lần khiêng đồ mệt mửa mật mới khuân hết mớ đồ gỗ đó vô được trong nhà. Tôi phải kể chi tiết, tỉ mỉ như vậy thì quý độc giả quen mua sắm ở Mỹ mới thấu hiểu nỗi “sợ” mỗi lần phải bắt buộc mua sắm đồ nặng nề, cồng kềnh ở Việt Nam.
Ở Mỹ, người ta đóng thùng tủ, bàn, ghế bự khổng lồ, thậm chí đóng thùng một cái vườn chơi trẻ em có cầu trượt hẳn hoi, đóng thùng cả căn nhà mát… để ship cho khách hàng dễ như lấy đồ vật trong túi. Khách nhận hàng xong có thể tự mình lắp ráp (hoặc nhân viên giao hàng kiêm lắp ráp luôn) bằng những dụng cụ (tool) đơn giản nhất. Ðể làm được điều này, đòi hỏi nơi sản xuất chi tiết bộ phận món hàng phải cực kỳ chính xác, cứ theo sơ đồ ráp vô đâu vừa đó khít rịt luôn.
Cách đây năm năm, tôi mua cái kệ để TV cỡ trung bình và rất ngạc nhiên khi tiệm Walmart giao cho tôi một cái hộp hình chữ nhật dẹp hơi nặng nặng nhưng nhỏ, tôi có thể cầm nó bằng một tay và xách đi dễ dàng. Mở hộp ra, trong hộp có sáu miếng gỗ được khoan lỗ sẵn, một mớ chân cẳng lủ khủ và mấy bịch nilon nhỏ đựng ốc vít, một miếng giấy nhỏ in hướng dẫn. Tôi cứ theo hướng dẫn lắp ráp ra cái kệ bự chàm vàm, mọi thứ vừa sít đâu vào đó, chính xác đến từng micrometer. Những ai đã từng lắp ráp đồ dùng đều biết chỉ cần các bộ phận chênh lệch với nhau 1-2 millimeter thôi là mọi thứ đã chỏi nhau, tay ngang không thể lắp được. Hàng Việt Nam sản xuất các bộ phận (phụ tùng) luôn thiếu độ chính xác cao. Ðó cũng là lý do ở Việt Nam cơ sở làm mộc phải lắp ráp luôn đồ nội thất sẵn cái nào cái nấy bự chà bá lửa, chớ không thể giao đồ rời cho khách tự lắp ráp như đồ Mỹ. Thợ mộc khi lắp ráp thấy lỗ mộng nào rộng thì đẽo miếng dăm gỗ chêm vô, lỗ nào hẹp thì đục cho rộng ra, rồi lấy keo sữa trộn bột gỗ trám lại, bào láng, sơn màu.
“Việt Nam chưa sản xuất được con ốc vít.” Câu này nổi tiếng hơn hai chục năm rồi, nhưng đến nay vẫn còn giá trị hiện thực và không hề lạc hậu. Mới nghe qua có vẻ như hoang đường, khó hiểu nhưng lại hoàn toàn là sự thật đáng buồn. Nhiều người nghe không hiểu, nhất là phía nhà cầm quyền Việt cộng nghe ai nói câu này lập tức nhảy dựng lên cãi rằng Việt Nam đã sản xuất được bla.. bla… bla… xuất ra nước ngoài mà nói “Việt Nam chưa sản xuất được con ốc vít” đích thị là bọn “phản động,” “xuyên tạc,” “chống phá nhà nước” v.v. Công nhận rằng thời gian qua Việt Nam có sản xuất, có xuất cảng này nọ, nhưng sản xuất được ốc vít, kềm, búa, tua vít, cờ lê, mỏ lết thì không, mà Việt Nam chỉ sản xuất được cái- có- hình- thù- giống- như- ốc- vít mà thôi. Thứ nhất, thứ mà Việt Nam sản xuất ra nó bự chàm vàm; thứ hai, vặn vô là nó méo xẹo, tuôn răng, vạt mỏ, hả họng hết trơn hết trọi. Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất được những thứ vừa nhỏ, vừa cứng, vừa chính xác từng micrometer như con ốc vặn vô gọng kiếng đeo mắt, đồng hồ, máy chụp ảnh… Việt Nam có bán 100 kg ốc vít (mềm như bún) thì số tiền thu vô không bằng người Mỹ bán một cái kiếng đeo mắt hay người Nhựt bán một cái máy chụp ảnh.
Nền sản xuất công nghiệp chính xác cao giúp cho người ta có thể phân chia mọi thứ đồ vật lớn đến mấy cũng đều đóng thùng được, giảm chi phí vận chuyển, nhân công, thời gian và tăng giá trị hàng hóa lên gấp nhiều lần. Vì vậy, tôi nói ở Mỹ cái gì cũng đóng thùng “nghe qua rất khôi hài, nhưng nghĩ kỹ lại rất nghiêm trang,” không hề đùa giỡn một tí nào.
TPT
Ảnh minh họa: Tạ Phong Tần / Trẻ