Ca dao quê mình có câu: “Ðốt than nướng cá cho vàng. Ðem tiền mua rượu cho chàng uống chơi!”.“Hai tay bưng chén rượu đào. Xin mời quân tử uống vào cho say!”.
Nói nào ngay hồi còn thanh niên tui nhát gái lắm. Hổng có em nào bật đèn xanh là tui hổng dám tới luôn đâu. Nhưng khi được em liếc mắt đưa tình, làm một mình vài chung là tui gan hè. Gan là mở đài phát thanh mà tán phét. “Khi anh rượu đã khề khà.Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên! Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo. Ðố em biết được thằng nào (ba) xạo hơn anh?”.
Rồi chuyện nọ xọ chuyện kia cuối cùng thì “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những chỗ đoạn trường mà đi.”
Ma đây là Ma men đã theo tui từ thuở mới quen em cho tới ngày tui với em vầy duyên can lệ. Cưới em về, lệ ướt cả đường đi vì khi tui hơi quá chén bắt đầu phát ngôn bừa bãi, đâm xuồng bể; nên em không được vui; không cho tui nhậu nữa vì: “Ở đời chẳng biết sợ ai. Sợ thằng say rượu nói dai cả ngày!”
Ðời mà, rượu vô lời ra. Mà lời ra rồi con vợ hổng thèm nghe thì tui đi nói với em hàng xóm. Bởi chữ có câu rằng: “Rượu nào là rượu chẳng nồng. Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, Mai?”.
Nghe phong phanh như vậy em yêu bèn phạng thẳng là: “Rượu men tẩn mẩn tê mê! Mảng theo con ‘đĩ’ bỏ bê việc nhà!”
Tui bèn chống chế cho cái nhậu nhẹt gái gú của mình là: “Anh xỉn, anh say ngày mai anh tỉnh. Chỉ sợ anh mê gái rồi là không tỉnh đâu em”.
Nhưng em yêu của tui thừa biết cái thói tật của mấy ông nhậu là: “Thế gian ba sự khôn chừa: “Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ!” Mà không cần phải gái tơ, em sồn sồn cũng quơ luôn vì: “Rượu ngon cái cặn cũng ngon. Thương em bất luận chồng con mấy đời!”.
Thấy tui cứ mải chơi từ thuở độc thân cho tới khi cưới vợ, nên em yêu của tui bèn lên lớp một bài về Ðức Dục: “Ai ơi uống rượu thì say. Bỏ ruộng ai cày; bỏ giống ai gieo?”
Vốn là người chồng dễ dạy, vợ dạy là tui nghe liền hè; nên tui hồi chánh, tung cánh chim tìm về tổ ấm; nơi sống bao ngày giờ đằm thắm; về cày ruộng nhà mình, gieo giống của mình; chớ cứ theo ma men đưa lối, đòi cày ruộng và gieo giống giùm thằng hàng xóm là nó vác súng rượt mình chạy sút quần luôn đó.
o O o
Nước Úc là một nước đa chủng tộc, đa văn hóa; nên cách sống, cách ăn, cách chơi, cách ăn nhậu cũng rất khác nhau; vì mỗi nước đều có thức uống quốc hồn quốc túy mang theo khi đến nước Úc định cư!
Như Whisky cho Scotland, Jameson’s cho Ái Nhĩ Lan, Grappa cho Ý Ðại Lợi, Ouzo cho Hy Lạp, Sake cho Nhựt, Tequila cho Mễ Tây Cơ, Vodka cho Nga và Rượu đế cho Việt Nam của mình!
Còn đàn ông Úc, bản xứ thì lại khoái uống ‘beer’ hơn, uống ‘beer’ thay nước lã khi khát, còn đàn bà Úc khoái uống rượu vang Penfolds.
Tính từ 15 tuổi trở lên, dân Úc uống mỗi đứa một năm khoảng 10 lít rượu nguyên chất, tốn 32 đô 35 xu một tuần.
Úc xếp dân nhậu vô bốn bậc. Một là uống xã giao; chớ không phải uống rồi xách dao ra mà xả. Hai là uống cho thấy đời vui trở lại. Ba là uống cho xỉn, không say không về. Và bốn là hổng uống hổng được.
Bậc một, bậc hai thì còn chấp nhận được đi; còn lỡ dính tới bậc ba, bậc bốn thì bậc năm trước sau gì cũng phải tới là leo lên bàn thờ để nhìn thiên hạ nhậu.
Bảo Huân
o O o
Trung tâm Nghiên cứu ma túy và rượu thuộc Ðại học New South Wales (Australia) vừa chỉ rõ ra rằng: Nam giới sinh từ năm 1891 đến 1910 uống rượu gấp đôi phụ nữ cùng lứa!
Một trăm năm sau, người chào đời trong khoảng năm 1991 tới 2000 thì gần như không có sự khác biệt nào giữa đàn ông và đàn bà trong cái khoản nhậu nhẹt li bì nầy hết ráo!
Riêng cái nước Việt Nam mình còn chìm trong ách cai trị của độc tài CS thì cả nước gồm đàn ông nhậu, đàn bà nhậu khoảng 3 tỷ lít beer một năm thôi. Kinh chưa?
Vậy mà VC đành đứt từng đoạn ruột, buộc phải bán 2 công ty ‘beer’ quốc doanh, con bò đang cho sữa nầy để lấy 2. 2 tỉ đô la mà nuôi cái Ðảng báo cô ăn hại… vì ngân khố đã hết tiền.
Mà hết tiền, đảng viên không có cái ăn, cái nhậu thì tụi nó theo Ðảng để làm gì? Tụi nó sẽ bắt chước ông Tám Khoẻ trong tuồng cải lương Người Ven Ðô: ‘Tui xin ly khai với VC’.
Ly khai hết ráo thì Ðảng CS phải rã bành tô. Vì có câu thơ rằng “Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi!
o O o
Nói tới ăn nhậu là phải nói tới ăn, tức là mồi trước. Úc ghiền rượu tui thấy nó uống khan hè, ít khi có mồi. ‘Mít’ mình thì ngược lại, phải có mồi đưa cay mới đặng. Mùa nào thức nấy. Có gì chơi nấy! Khách đến nhà hổng gà thì vịt, hổng có gà vịt thì còn cá dưới ao!
Lòng, mề gà xào chua trước một dĩa sương sương; sau đó nồi cháo gà và một thau gỏi trộn bắp chuối hột bự xộn được dọn lên! Hay mấy dĩa thịt vịt xiêm luộc, chấm nước mắm gừng và vài chục con tôm nướng.
Mồi ‘bén’ là kiểu nói bây giờ; còn hồi xưa mình gọi là mồi rất ‘bắt’ như là khô cá lóc chấm nước mắm me; khô cá sặc trộn xoài thanh ca; sang chảnh hơn một chút là gà hầm sả, ếch om rau ngổ; là tụi mình cạn ly đầy rồi đầy ly cạn.
Người ta quý mình nên mới mời đi dự; hổng đi lỗi tình bà con chòm xóm lắm! Ðâu có được nè. Tháng ít thôi, chỉ có 20 ngày ăn nhậu, có khi thâu đêm suốt sáng.
o O o
Có người đã vượt thoát được gông cùm CS chạy qua được cái nước Úc nầy đây đã quá lâu mà hổng hiểu chữ nhậu tự do là gì hết ráo. Tự do là tôn trọng sự tự do của người khác; đừng có bắt bạn nhậu phải uống đúng theo lịnh của mình.
Dẹp quách cái vụ: “Vào cửa bửa một ly”; (chú mầy không bửa thì tao bửa chú mầy). Rồi “Ngồi xuống uống một ly” hoặc “Cầm đũa giũa một ly”, (không được kê táng, không được chừa lại giọt nào.) “Một, hai, ba ‘dzô, dzô’; một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm!”
Xin bỏ cái luật độc tài trên bàn nhậu cho CS nó xài. Vì trong thiên hạ, người có người mập người ốm; có người uống rượu như thằn lằn uống nước cúng; có kẻ uống rượu như trâu ầm, như sắp chết khát; vì lạc trong sa mạc Úc suốt cả tuần.
Quyền tự do trong bàn nhậu, uống nhiều hay ít là quyền thiêng liêng tối thượng không ai được quyền áp đặt lên bạn nhậu của mình! Uống nhiều ít không thành vấn đề! Nhậu sao cho vui thì thôi!
o O o
Cái tư tưởng phong kiến: “Vợ tui thuộc về cái bếp và phòng ngủ” xưa rồi nhe Tám! Chồng đi đám xưa giờ vợ cũng đi. Xưa thì mấy bà lui cui dưới bếp nấu nướng mồi màng; thì mấy ông ngồi trên bàn khề khà chung rượu để nói chuyện tào lao mà không làm động ngón tay ngón chưn gì ráo đã lui vào dĩ vãng mù khơi.
Giờ thì vợ chồng đồng lòng không phải để tát cạn Biển Ðông đâu mà đồng lòng nhậu.
Có em chồng bỏ, chồng chê uống vô một xị chồng về với em? Làm gì có cái chuyện Trâu về chuồng cũ bao giờ; nên em uống để cho vơi nỗi buồn nhưng nỗi buồn càng bám theo nên sau vài ba ly vào là em ca vọng cổ! Em hát toàn bài vợ chồng chia ly, tình yêu tan vỡ nghe rất lâm ly! Tàn cuộc nhậu, mắt em lờ đờ vẻ mặt buồn rười rượi, chân nam đá chân chiêu, em cao hứng, cởi phăng áo bà ba vắt lên vai, chỉ còn áo lót, vừa đi vừa hát nghêu ngao; khiến đám con nít trong xóm rủ nhau chạy bu theo vỗ tay rần rần như đi coi hát bội.
o O o
Uống như hũ chìm rồi chìm luôn, xin thưa với mấy em rằng quả không nên! Vì ghiền rượu nó cũng di truyền từ đời ông tới đời cha, tới đời con rồi đời cháu đó nhe?
Thú thiệt là lúc rảnh rỗi, tui rất khoái tụ bè tụ đảng, tùng tam tụ ngũ để lai rai ba sợi; để đấu láo cho vui thôi. Chớ bạn bè chí cốt gặp nhau hổng lẽ uống nước trà?
“Mời anh, ta cạn chén này. Trăng vàng ở cuối non Tây ngậm buồn!”.
Nhưng nhớ đừng bỏ quên em yêu vò võ một mình, chiếc bóng canh thâu! Thỉnh thoảng cũng nhậu với em chớ!
“Thưa Tướng công! Xong ly nầy đôi ta đàn lại bản tình xưa nhe!”
Nhậu vừa vừa phải phải cho đời vui; thì tại sao không?
DXT – Melbourne