Lời Giới Thiệu: Truyện ngắn Bóng Ma Hà Tây của Uyển Nicole Dương (Tác giả giữ bản quyền, 1999.) viết bằng tiếng anh do Linh-Chân Brown dịch sang Việt ngữ. Truyện đã được Ban tổ chức Đại hội Kịch Ảnh Moondance Festival chọn vào chung kết giải thưởng Columbine về truyện ngắn (loại bi kịch siêu thực). Uyển Nicole Dương là một bút hiệu khác của Dương Như Nguyện.
(Kính dâng hương hồn cô)
“Tôi uống vội ngụm whisky cuối cùng rồi sửa soạn định trở về phòng thì cặp mắt giữ tôi lại. Tôi cầm chùm chìa khóa lên. Ðịnh mệnh len vào, và tôi đánh rơi chìa khoá. Tôi cúi tìm dưới mấy cái ghế, nhưng không thấy.
“Ông đang tìm cái này phải không, Monsieur?”
“Nàng hỏi bằng tiếng Pháp, giọng nói như một dân Paris thực thụ.
“Tôi ngước lên nhìn từ đôi săng-đan đen bóng loáng, ôm đôi chân nhỏ như bàn tay của tôi, móng chân sơn một màu đỏ cám dỗ. Lên chút nữa là viền áo màu đen. Tôi đang khom người xuống sàn lót thảm, nàng đứng trước mặt tôi, gần gũi quá làm tôi ngạt thở, người ca sĩ Việt Nam, một thân hình bó sát trong chiếc áo dạ hội màu đen, suối tóc bồng bềnh. Nàng đang cầm chìa khoá phòng tôi.
“Ông biết không, mặc dù tôi đang ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhưng không hiểu sao, màu sắc, hình ảnh, đường nét, góc cạnh của đêm hôm đó lại trở thành một thực trạng ghi sâu vào tâm trí tôi. Ðó là hình ảnh ngày chúng tôi gặp nhau.
o O o
”TÂM TRÍ TÔI NHỮNG NGÀY ẤY KHÔNG KHÁC GÌ CHUYẾN TÀU ÐÊM CHẠY NHỊP NHÀNG qua một không gian đầy sấm sét in trên một nền chân trời đen tối. Chỉ có nàng là thực giữa nền trời hư ảo đó. Tối thứ Tư nào chúng tôi cũng gặp nhau, sau khi nàng trình diễn xong. Nàng cho tôi xem sổ thông hành Mỹ của nàng và đưa tôi tấm danh thiếp mà ông đang cầm trong tay. Nàng nói nàng là một luật sư từ Houston, Texas, đến Hà Nội để tái thiết một văn phòng cho Coudert Brothers sau mười chín năm bẵng đi không làm việc ở đây. Luật sư hãng Coudert mà sao lại đi hát tiếng Việt ở khách sạn Metropole này? Ðã có lần tôi hỏi nàng, thì nàng đáp lại bằng một câu hỏi: Một phóng viên trẻ tuổi Pháp có việc gì mà lại ở quầy rượu vào lúc một giờ đêm và nghe nhạc tình ca Việt Nam dù chẳng hiểu gì cả? Tôi định trả lời: Le cauchemare, mon pere, et L’Indochine, (vì cơn ác mộng, vì cha tôi, và vì đất Ðông Dương) nhưng dĩ nhiên nàng chẳng cần biết chuyện đó, và tôi cũng chẳng cần biện bạch làm chi. Nàng bảo, Agence France Presse và Coudert Brothers đã mang chúng ta lại với nhau, và tôi sẵn sàng đồng ý.
“Tôi có một cảm giác lạ lùng khi thấy một người mới gặp, một người đàn bà Việt Nam lại cầm chìa khóa phòng mình, mở cửa lách vào, rồi nằm duỗi ra trên giường của mình. Từ giây phút đó, nàng như hơi nóng từ một ấm trà, không màu sắc nhưng có hương vị rõ rệt. Hơi nóng tỏa ra khắp không gian, quyện vào thân thể, linh hồn tôi, không nhượng bộ mà cũng không chiếm đoạt. nhưng không buông thả. Khi làm tình với nàng tôi tưởng như là tôi đã đi sâu vào tâm điểm của chính mình, dù không nhìn thấy lối đi. Tôi trở về với tâm mạng của mình, tuy không hiểu rõ đã tới được bằng cách nào.
“Dĩ nhiên là sau một thời gian như vậy, những đêm Thứ Tư tại khách sạn Metroplole trở thành trọng tâm cuộc sống của tôi trong thời gian tôi ở Hànội, và khi nào vắng nàng thì thế giới của tôi trống trải, rỗng tuếch. Ðời sống tại Paris trước kia của tôi đã xa xôi quá rồi hầu như không còn có thực nữa. Trong tâm trạng đó, một đêm kia tôi khám phá ra là nàng không chỉ nắm chìa khoá phòng tôi mà thôi.
“Có lần tôi theo dõi nàng ra khỏi khách sạn Metropole qua những hẻm đường tráng xi-măng của Hànội. Chúng tôi rảo bước dưới ánh trăng Hànội, nàng chạy trước và ngoái lại cười vang, bằng cái giọng trong trẻo vẫn thường hát lên những bài ca tôi không hiểu vào những đêm thứ Tư thường lệ của chúng tôi.
“Nhanh lên, Jean Paul,” nàng nói, và tôi rảo bước tới gần gót giầy cao bóng loáng dưới ánh trăng. Chúng tôi tiếp tục bước đi, tôi theo sau nàng, như thể đêm vừa bắt đầu.
“Chúng tôi ngừng lại trước một bức tường gạch đỏ đầy rêu phong, buồn thảm như một chứng nhân của những bách niên hiện diện trong những khu phố cổ kính của Hà Nội. Tôi ngẩng nhìn và nhận ra một tòa nhà thật xấu xí, nền kiến trúc Pháp quen thuộc không còn vẻ quyến rũ của nó nữa. Nàng dựa thân hình bó sát trong chiếc áo đen vào bức tường ẩm lạnh, và thì thầm. “Chúng mình đã về tới nhà rồi, phải không, Jean Paul?”
“Linh hồn anh chắc đã tha thẩn quanh đây cả trăm năm rồi,” nàng nói, vẫn trong tiếng cười vang vang.
“Có lẽ,” tôi phụ họa với nàng. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ của miền Ðông Dương này, cái gì cũng có thể có xảy ra được.
“Chúng mình tới đây để làm gì hở Jasmine?” Tôi ép người nàng vào tường, vừa hỏi vừa đặt vào môi nàng một nụ hôn.
– ‘Hỏa Lò,’ nàng nói. “Cái tên này có nghĩa là lò đốt lửa,” nàng thì thầm bên tai tôi. Nàng cho tôi biết chúng tôi đang dựa tường căn nhà ngục ô nhục của Hà Nội, do người Pháp xây để giam những người Việt yêu nước. Về sau, nơi này thành địa ngục trần gian của những phi công Mỹ.
“Tôi cúi xuống khuôn mặt trái xoan và nhìn đôi môi đượm những tia ánh trăng, đầy khêu gợi, căng màu lan rừng tím nhạt. Tôi dùng ngón tay cái định xóa vết son, nhưng môi nàng không thoa son. Nàng bảo môi con gái Việt Nam đều có màu hoa cà. Trong thời kỳ Pháp đô hộ, những thiếu nữ Việt Nam bị bắt giam trong Hỏa Lò, và ở đó môi họ thành tím đậm.
‘Thành màu cánh đồng hoa sim,’ nàng nói.
“Tôi lại nhìn vào những tia ánh trăng trên mặt nàng, và tự nhủ quả thật màu lan rừng trên môi nàng cũng đã thành một màu tím xanh sậm.
“Trong khoảnh khắc, tôi đã thấy dáng người thanh thanh lướt chạy về phía hẻm tối, gót giầy bóng loáng của nàng khéo léo nhảy tránh những vũng nước mưa trên đường phố, cái bóng in xuống đường tung tăng như nhảy múa. Tôi lại chạy theo nàng và chúng tôi băng qua nhiều ngõ hẹp và những vỉa hè lát gạch tăm tối nữa, rồi mới đến trước cổng một căn nhà gạch cũ. Nàng nắm tay tôi, vừa kéo tôi vào, vừa bảo đây là căn nhà gia đình nàng đã có lần sinh sống. “Gần cả trăm năm nay rồi,” nàng nói. Nàng nói liến thoắng. Không nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoàn hảo nữa mà bằng tiếng mẹ đẻ của nàng, thứ ngôn ngữ độc âm líu lo. Nàng nói như trút hết tâm sự của mình.
“Hình như nàng dúi vài đồng đô-la Mỹ cho đám trẻ và những người tò mò để họ bỏ đi nơi khác, cho chúng tôi được tự nhiên trong căn nhà âm u ẩm ướt đó, để tôi được ngắm nàng ngồi khỏa thân trong sân, dưới ánh trăng tháng Tám. Trong mảnh sân gạch chỉ độ mười bộ vuông, đầy rêu phong, gần cống rác, nàng dùng ống bơ múc nước từ một vại sành nhẵn nhụi, và giội lên người. Nếu tôi là hoạ sĩ, tôi đã vẽ hình ảnh khỏa thân của nàng, nhưng vì tôi không phải là họa sĩ, tôi chỉ còn biết bế bổng thân hình còn ướt đẫm của nàng lên và tôi bế nàng vào bên trong ngôi nhà, đặt nàng lên chiếc võng tre có màn rủ quanh, ẩn sau một tấm màn bằng vải hoa đã sờn cũ. Tôi nín thở, tất cả các thớ thịt trong người căng lên, nín lặng. Trong khoảng không gian bé nhỏ đó, tôi ngửi thấy mồ hôi của chính mình và mùi dơ bẩn của kiếp nghèo đô thị, hơi nóng tựa như vô tận, và mỗi giọt nước còn đọng lại trên da thịt nàng trở thành một cơn gió thoảng mang tôi ra khỏi những ngõ hẻm ô uế, oi bức và tồi tàn của kiếp nghèo Hà Nội. Ðến một thế giới khác. Thế giới của tình yêu xác thịt. Tôi chu du trong những khoảnh khắc quý báu – những khoảnh khắc không thể bị kiềm chế trong những ngăn kéo để chỉ còn là những kỷ niệm cằn cỗi với thời gian.
“Ngày trước có một cô gái sống trong căn nhà này,” nàng nói vào lúc tôi vừa thiu thiu ngủ. “Người ta bắt ba của cô gái và đem giam ở Hỏa Lò, ông ta chết tại đó. Bà mẹ đưa con gái về làng, xa khỏi nơi này, nhưng sau này lúc gần cuối chiến tranh cô cũng bị chuyện gì đó, tránh cũng không khỏi số phận,” giọng nàng nhỏ dần.
“Trong lúc mơ mơ màng màng đó, tôi vươn người tới bên nàng, tìm hôn đôi môi đang chuyển từ màu hoa cà sang màu tím ngắt. Tôi đang lặn lội qua vũng lầy của miền Ðông Nam Á, và tôi đang phải gánh chịu tất cả những gì người ta đã bắt những người Việt yêu nước và những phi công Mỹ bị bắt giam tại Hỏa Lò phải gánh chịu. Mọi dây thần kinh trong người tôi co dãn liên tục và tôi ngụp lội trong niềm đau đớn pha trộn với khoái lạc thay phiên nhau đến tê dại cả trí óc. Thoang thoảng bên tai tôi vẫn nghe thấy tiếng nàng, Hãy chia sẻ với em bí mật của tình yêu đi. Chu kỳ đau đớn và khoái lạc chỉ ngưng lại khi tôi vặn mình hé mắt về phía những tia sáng đầu tiên của buổi bình minh báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu.
“Nàng đang đứng khỏa thân trước cái cửa sổ duy nhất của căn nhà cổ, thì thầm hát. Voi que sapete che cosa amor. Donne vedete s’io l’ho nelcor…Em đã biết câu trả lời, em nắm chìa khóa vào đời, chia sẻ với anh, bí mật của tình yêu. Em ơi, anh van xin em hãy chia sẻ niềm yêu. Trời chưa sáng rõ bên ngoài và bóng nàng in lên tấm màn ren mỏng mảnh cũ kỹ đã vàng vọt với thời gian. Nhưng trong ánh sáng mờ xám của bình minh, mảnh màn ren trông trinh trắng như mới. Tôi lặng lẽ ngắm nàng đứng đó, thân hình cân đối rung động với từng hơi thở, tựa như bóng của một chiếc hồ cầm in trên nền màn ren mờ ảo của phòng cô dâu.
“Từ phía giường, tôi thấy nàng quay lại ngưng hát và nhìn tôi, bộ ngực căng phồng và đôi mắt đẫm lệ. Sau lưng nàng, sau bóng hồ cầm in hằn lên tấm màn ren, trời dần dần sáng rõ. Em ơi anh van xin em hãy chia sẻ niềm yêu…Jasmine, em có bí mật nào vậy hở em? Tôi mong đợi, mong đợi. “Rồi anh sẽ biết,” nàng nói.
“Cho tới ngày hôm đó, tôi chỉ gặp nàng vào ban đêm mà thôi. Tâm hồn tự nhiên nặng trĩu trong khi ánh sáng ban mai rọi lên khuôn mặt mờ mờ nhợt nhạt. Không hiểu sao tôi biết là tôi đã bị gắn liền với khuôn mặt đó. Chắc là tôi đã yêu nàng.
– “Tại sao anh lại đến đây, Jean Paul?” đôi mắt hạnh nhân đẫm lệ hỏi tôi.
“Nàng chậm rãi bước tới gần bên tôi rồi nhào người lên ngực tôi, và tôi dang tay ôm chặt lấy nàng, để mặc giòng nước mắt nóng hổi của mình rơi lên suối tóc lạnh như sương. Tôi nức nở trong không gian đen tối đã tù hãm tôi bấy lây nay. Em ơi anh van xin hãy chia sẻ với anh, dư âm câu ca vẫn còn văng vẳng, và tôi kể cho nàng nghe điều tôi vẫn giữ kín về một người Pháp già nua kể lể không ngừng một câu chuyện đã xảy ra trên cánh đồng đầy hoa sim, nơi người lính trẻ đã giơ súng nhắm trúng vào vầng trán giữa đôi mắt đen lánh ngây dại, tuyệt vọng và đầy kinh hoàng của cô gái. Trong khi đó, đôi môi hé mở của cô không biết đã chuyển màu tím từ lúc nào. màu của đồng hoa sim hoang dại. Tôi ngừng kể, nhưng cơn ác mộng vẫn đeo đuổi không tha.
o O o
“NHỮNG TUẦN SAU ÐÓ, CUỘC ÐỜI VẪN TRÔI, VÀ TÔI TRỞ LẠI VỚI cuộc sống tẻ nhạt tạm bợ của tôi tại Hà Nội, với những công tác thông tin, viết báo tại Khách Sạn Metropole, nàng không đến với tôi vào những đêm thứ Tư nữa. Ban nhạc bộ tư vẫn chơi, nhưng nàng như đã biến mất. Tôi khắc khoải, đợi chờ tin nàng.
“Sau cùng thì cũng có tin của nàng qua một mảnh giấy viết tay gửi đến phòng tôi. Nàng dặn tôi phải thuê một chiếc xe có tài xế, hẹn tới gặp nàng, rồi cùng nhau lái về miền đồi núi phía tây Hànội. Nàng gọi nơi đó là thôn Ðoài, có nghĩa là làng phía Tây của thành Hà Nội. Công việc của nàng ở Việt Nam đã làm xong và nàng sẽ trở về Houston, Texas, nơi định cư của người Việt tỵ nạn cộng sản. Trong mảnh giấy, nàng ghi rõ tất cả những con đường cho tài xế lái theo để chúng tôi gặp gỡ tại thôn Ðoài.
“Chúng ta phải có một ngày với nhau, xa Hànội, để từ biệt cho đàng hoàng,” đó là dòng chữ cuối cùng trong mảnh giấy.
“Chiếc xe chở tôi qua những đồi đất đỏ gần đê Yên Phụ nhìn ra sông Hồng, qua cầu Phụng Thượng rồi ngừng lại ở một chân đồi gần rặng núi Tản Viên, từ nơi này xe không đi vào con đường đất được nữa. Nàng đang đứng đợi tôi bên lề đường, mặc quần sa-tanh đen và áo cánh lụa trắng như một cô gái Việt của ngày cổ xưa vẫn thường mặc. Chiếc khăn lụa đen quàng lên đầu, che nửa khuôn mặt và rủ xuống bờ vai. Trời hôm đó gió thổi lồng lộng mà tôi không nhìn thấy mái tóc dài bồng bềnh của nàng.
“Ðó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nàng trong ánh sáng ban ngày.
“Tôi xuống xe và nàng nắm tay tôi dẫn tôi đi vào một vùng đồi thoai thoải, màu đất đỏ in trên nền nắng buổi trưa. Nàng bảo nơi chúng tôi đang đi là thuộc tỉnh Hà Tây, miền đất của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do, và của những thi sĩ. Một chiếc xe bò lạch cạch đi qua mặt chúng tôi khuấy lên chút bụi đỏ, như cố đua đòi với những chiếc xe máy phóng lọc cọc qua mặt, và những người lái xe máy đi qua còn ngoái cổ nhìn chúng tôi, một cặp khác lạ – một anh chàng Tây Phương tóc vàng cao lênh khênh và một thiếu nữ Việt Nam ăn mặc như một cô gái đồng quê. Tôi bỡ ngỡ nhìn những xóm làng Bắc Việt trải ra trước mắt, rồi rảo bước theo đôi gót giầy tung tăng của người bạn đồng hành. Tôi bước đi như người mất hồn trên vùng đất xa lạ của những cánh đồng, đây đó rải rác vài khuôn mặt nâu sạm nắng của những con người đang cúi thân hình gầy guộc trên ruộng mạ xanh.
Chúng tôi tiếp tục đi cho đến khi tôi nghe thấy tiếng thác đổ.
(còn tiếp)
Sinh ở Hội-An. Thời thơ ấu ở Huế và Saigon. Giải Danh dự Văn chương Phụ nữ Toàn quốc 1975. Đào luyện tại trường Kịch Nghệ Hoa Kỳ, Nữu Ước và California (American Academy of Dramatic Arts). Cử Nhân Báo Chí Truyền Thông (Nam Illinois); Tiến sĩ Luật (Houston); Thạc sĩ Luật (Harvard). Thẩm phán gốc Việt đầu tiên ở Hoa Kỳ. Hiện cư ngụ tại Houston, Texas.