Nguyễn Tú An phóng tác

Bữa đó, chiếc tàu của chúng tôi mang theo một con cá voi nhỏ mới săn được. Sợi cáp neo cá vào tàu đứt bất ngờ. Tôi và Lý phải lội xuống biển, mò theo sợi dây, tìm tới con cá voi hấp hối.

Công việc đó chúng tôi thường làm; nhưng miền này biển khá sâu, có tới trên ngàn sải nước, lại thêm đàn cá còn đó, vùng vẫy làm cuộn những đợt sóng xoáy tròn, thành thử cũng khá vất vả.

Nước trong xanh màu lam ngọc, tôi trông rõ con cá nằm nghiêng giữa hai làn nước; sắc máu như vết rượu nho, từ hai vết thương bên sườn, loang trong nước biển. Bên cạnh xác chết, hai con cá voi khác lượn lờ… Nhưng vừa thấy tôi, chúng lặn mất. Tít đằng xa, một con cá mập, chừng đánh hơi thấy máu tươi, nên rẽ nước bơi lại… Phía dưới chân tôi là vùng biển thẳm, chắc đàn cá khổng lồ ăn rong biển trong khoảng tối tăm mù mịt ấy.

Tôi chưa kịp buộc sợi cáp vào thân cá, chợt Lý ra hiệu báo động: bốn, năm con cá mập chẳng rõ từ đâu, lượn tới như đoàn tàu lặn. Tôi không dám nán lại, đành bơi vội về.

Lên boong tàu, Lý bảo tôi:

– Cá nhám vẫn sợ mùi hóa chất, anh thí nghiệm xem.

Lý trao cho tôi hai miếng nhựa màu xanh:

– Ðây là toan thố đồng. Anh buộc một thỏi vào gót chân, một miếng vào thắt lưng.

Theo lời một số thợ lặn, khi hóa chất này tan trong nước, cá mập ngửi thấy là lảng xa ngay. Tôi làm theo lời anh. Lần này Lý sẽ cột dây kéo cá, tôi giữ việc quay phim dưới nước.

Vừa lặn chừng năm thước, tôi gặp một con cá nhám. Tôi coi cá nhám, cá mập, cá nhà táng… đều thuộc một loại, vì chúng chẳng khác gì nhau, chỉ có tên gọi là thay đổi tùy theo địa phương thế thôi. Con cá khá lớn, khoảng bốn thước, màu xám nhạt, đẹp và sạch như một thứ đồ trang sức nhỏ đặt trên kệ. Tôi tin vào miếng hóa chất trên người, nên không sợ chút nào, yên trí con vật sẽ phải tránh tôi. Ai ngờ nó chẳng tránh né chút nào hết. Tôi tới sát khoảng ba thước, con cá nhám vẫn trơ trơ ra đó… Tôi trông rõ đàn cá nhỏ vẫn kêu là cá hoa tiêu, con bằng đầu đũa, con bằng ngón tay, xếp hàng đều đặn quanh đầu con cá mập, tỏa ra như chiếc vương miện. Chúng không bám vào da cá, cũng không có vẻ bơi lội gì hết… Tôi có cảm tưởng đàn cá nhỏ này là một phần thân thể con cá mập: chúng chỉ cách thân cá chừng vài phân, mà tài tình làm sao, theo kịp nhịp bơi lượn của khối thân hình năm bảy tấn kia!…

Xem thêm:   Hòn Kẽm - Đá Dừng

Ngay trước miệng con cá mập có một con cá hoa tiêu nhỏ xíu bằng móng tay, lấp lánh như một vẫy bạc, thế mới kỳ!

Dân chài lưới vẫn tin là cá mập không trông xa được, nên lũ cá hoa tiêu đưa chúng tới mồi để kiếm chút thịt thừa… Các nhà bác học không đồng ý về chuyện này, nhưng công nhận cá mập kém mắt.

Về phần tôi, kinh nghiệm cho biết: dưới nước, cá mập tinh tường chẳng kém gì bọn thợ lặn chúng tôi.

Thực ít khi tôi có dịp tới gần loại cá này như vậy. Tôi ra hiệu cho Lý bơi lại, và bắt đầu quay phim cảnh “người và cá mập”. Lý cũng như tôi, tin ở hai tấm hóa chất như hai lá bùa hộ mạng, nên hăm hở lội theo con cá, làm bộ như đùa giỡn với nó… Tôi thu vào ống kính hình Lý bơi trước, bơi sau, bơi ngang cùng con cá… Ðôi lúc anh toan bám vào đuôi nó, nhưng sợ con vật bất thần quay lại táp đứt tay, nên lại thôi… Tôi thấy Lý phải lội hết sức mới theo kịp con cá, trong khi con vật gần như không nhúc nhích chút nào.

Tôi bơi ở khoảng giữa, loay hoay với chiếc máy quay phim. Sau mấy phút náo nức ban đầu, tôi dần dà nhận ra mối nguy hiểm rình rập hai chúng tôi.

Con cá không lộ ác ý gì; cặp mắt nhỏ, lờ đờ, ti hí như mắt lươn, lúc nào cũng như chăm chăm nhìn thẳng vào tôi. Nó bơi thực chậm, nhưng kéo theo chúng tôi xuống sâu. Tôi ước chừng tới hai chục thước… Lý trỏ tay về phía dưới: hai con cá mập khác từ từ bay lên.

Ðôi này lớn, khoảng năm thước, người thon hơn, xanh hơn, có vẻ dữ tợn hơn. Chúng vượt ngang đầu tôi…không có cá hoa tiêu đi theo.

Con cá mập lúc ban đầu bắt đầu lượn vòng.

Nó lượn thong thả, nhẹ nhàng, mềm mại như dải lụa. Tôi có cảm tưởng mỗi cử động của nó đều được tính trước, đúng nhịp và đều đặn như máy đồng hồ. Ðàn cá hoa tiêu vẫn xum xoe phía trước, bóng bẩy như chùm hoa lạ.

Lý ý thức được nỗi lo lắng của tôi.

Anh ra hiệu cho tôi “vùng vẫy thực mạnh”. Ðó là anh nhớ lại lời khuyên trong các cuốn sách dạy săn bắn dưới biển.

Theo lời anh, tôi quơ hai tay, đập hai chân như thằng múa rối. Tôi hơi ngượng vì con cá mập chẳng thèm chú ý tới những cử động hỗn loạn của tôi. Nó lượn lờ một cách lạnh lùng.

Tôi thấy Lý chờ cho con cá tới điểm gần anh nhất, anh phùng mang trợn mắt phun một hơi thực mạnh… Tôi hiểu anh làm theo lời các tay thợ lặn lão thành:

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 14 tháng 3 năm 2024

– Khi gặp cá mập, cứ phun nước thẳng vào mặt nó là nó phải chạy!

Con cá chẳng có phản ứng gì. Vòng lượn của nó có vẻ thắt lại hơn là đằng khác.

Trong lúc quýnh lên, tôi nhớ ra đã đọc ở đâu:

– Cá mập là loại cá nhát gan. Bất thần hét thực lớn, nó lảng đi ngay…

Tôi thực hành ngay. Lý làm theo tôi. Hai đứa la hét tới khan tiếng, con cá vẫn như người điếc. Loang loáng trong làn nước xanh biếc, con mắt lờ đờ, lạnh như băng của nó trừng trừng nhìn vào tôi.

Một tay phi công quả quyết: chất hóa học của hợp toan đồng làm cá mập sợ. Chúng tôi đã đeo tới hai thỏi hóa chất. Thứ thuốc đặc biệt này tan chậm, làm thành một vệt màu phẩm lục. Nhưng con cá mập bơi qua bơi lại trong làn nước xanh lè ấy, chẳng tỏ ra sợ sệt mảy may!

Tôi tưởng chừng như mồ hôi toát ra khắp mình. Cứ thế này, chỉ lát nữa đây, con cá mập sẽ hạ chúng tôi dễ như chơi!

Ðúng vào lúc ấy, con cá hoa tiêu nhỏ xíu, trước mõm con cá, tự nhiên vọt lại phía Lý, chập chờn ngoài tấm kính che mặt. Lý nhích lại gần tôi, đưa tay rút con dao găm ngang thắt lưng. Tôi giơ cao chiếc máy quay phim… Trước con cá mập dài bốn thước, nặng cả chục tấn, khí giới của chúng tôi chỉ có thế.

Vậy mà con cá cũng chùn đôi chút. Nó lảng ra xa như lấy đà, rồi ngoắt lại… Tôi rùng mình:

– Ðánh nhau với cá mập bằng dao găm… Khó khăn quá. Nó chỉ quẫy đuôi là hai đứa tôi đủ bắn đi rồi!

Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.

Tôi đưa thẳng máy quay phim ra phía trước, như chiếc mộc. Máy chạy rè rè… Trong ống kính, hình con cá lớn dần, cho tới lúc chỉ còn thấy chiếc miệng đầy nanh há ra… Cùng quá hóa liều, tôi phang thực mạnh chiếc máy vào mõm con cá. Tôi thấy nước cuộn mạnh, đẩy dạt tôi sang một phía… Con cá quẫy đuôi để tránh đòn… Người nó lướt nhanh như làn chớp… Loáng cái, con cá đã cách tôi chừng sáu thước… Nó tiếp tục lượn vòng…

Hai con cá mập xanh từ từ lượn theo… Nếu không có cách nào về tàu cho nhanh, thế nào chúng tôi cũng bị nguy. Lý vẫy tôi nhô lên mặt nước… Chiếc tàu tít đằng xa, cách tới ba trăm thước… Tha hồ cho tôi vẫy gọi, người trên tàu chẳng ai trả lời. Có lẽ họ tưởng chúng tôi ở phía khác.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Tôi bàn với Lý:

– Mình nhô đầu lên thế này, càng dễ cho cá mập táp mất chân. Tốt hơn hết là lặn xuống, rồi bơi dần lại phía tàu.

Anh gật đầu. Ðã có lần chúng tôi thấy một thủy thủ đang lội bị cá mập táp gọn hai đùi, dễ dàng như ta cắn miếng xúc xích.

Chúng tôi nhìn xuống: ba con cá mập vẫn lượn quanh. Lý kéo tôi xuống sâu khoảng ba thước. Ở mức độ này, đàn cá còn dè dặt: có lẽ tại chúng trông rõ hình thù chúng tôi hơn chăng?

Thực ra, với chiếc mặt nạ, cái bình hơi phía sau lưng và đôi chân nhái cao su, chúng tôi gần giống một loài cá lạ, hình dung khá dữ dội!…

Tôi bảo Lý bơi sát vào nhau, nhưng mỗi người quay đầu về một phía. Như vậy, người này có thể trông được chân người kia. Chốc chốc chúng tôi lại chia nhau nhô lên mặt nước, vừa xem hướng, vừa kêu cứu… Ðúng vào lúc Lý nhô lên, một con cá mập xanh lượn sát đến chân anh. Tôi thét lên, Lý vội lặn xuống, quay phắt lại, đập hai tay vào nhau… Con cá lảng ra, tiếp tục bơi vòng, chờ đợi…

Tôi bắt đầu thấm mệt. Ba con cá bơi quanh làm thành một luồng nước khá mạnh, đôi lúc muốn cuốn theo cả chúng tôi. Mỗi khi nhoai lên mặt nước, tôi chóng cả mặt, phải lắc đầu hai ba lượt mới nhận ra phương hướng.

Cái lạnh từ đâu thấm vào tứ chi. Chân tay tôi mỗi lúc một rã rời. Tôi ước lượng lặn dưới nước khoảng nửa giờ rồi. Chút nữa đây, bình hơi cạn, chúng tôi sẽ phải trút bỏ hết để lội cho nhanh… Nhưng nhanh sao cho bằng được cá mập… Chỉ cần một trong hai đứa chúng tôi bị thương nhẹ, có vài giọt máu loang ra, là đủ cho đàn cá lạnh lùng này say máu, trở nên hung dữ… Lúc đó chúng chẳng còn biết sợ hãi là gì nữa…

Chợt thái độ ba con có vẻ khác lạ: vòng lượn của chúng không gọn như cũ mà dãn dần… Trong nháy mắt, cả ba con lảng ra xa rồi lặn mất hút… Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Giữa lúc ấy, từ phía trên, có bóng chiếc xuồng: thì ra trên tàu cho xuồng tới đón chúng tôi. Ðàn cá nhận ra điều đó trước chúng tôi.

Vậy bảo là cá mập kém mắt vị tất đã đúng.

Chúng tôi nằm vật ra thuyền, mệt thì ít mà xúc động thì nhiều!

Mới có hai mươi phút dưới nước với đàn cá mập mà tôi tưởng chừng như lâu cả ngày trời!

NTA phóng tác

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2023