Ý Nhi và Trần Mộng Tú, hai nhà thơ nữ nổi tiếng của thời hiện đại được nhiều người yêu mến. Ý Nhi hiện ở trong nước còn Trần Mộng Tú thì đang ở Mỹ. Hai cuộc đời bị lịch sử ngăn cách. Trường hợp này có lẽ chỉ có trong văn học Việt Nam. Nhà phê bình văn học Liễu Trương đã nhìn vào hai cuộc đời đó, tìm ra nét đẹp của hai tâm hồn qua những cảm xúc và suy nghĩ trước thiên nhiên, kỷ niệm, tình yêu, chiến tranh, văn học nghệ thuật… Bài viết của Liễu Trương rất tinh tế và sâu sắc, qua đó ta cảm nhận được vẻ đẹp và khí hậu đặc thù của một thời đang qua và sắp qua. Sau đây chúng tôi xin đăng lại bài viết của Liễu Trương để lưu giữ những chứng tích văn học đặc thù của thời đại chúng ta. NGUYỄN & BẠN HỮU

LIỄU TRƯƠNG

Họ cùng trang lứa, cùng yêu quê hương, cùng say mê chữ nghĩa, văn chương; ngoài đời, họ có thể là hai người bạn, hai chị em. Nhưng lịch sử đã xui khiến họ ở hai phương trời cách biệt.

Ý Nhi sinh ở Hội An, Quảng Nam, năm 1944, nhưng lại trôi giạt ra đất Bắc khi còn nhỏ; Trần Mộng Tú chào đời ở Hà Ðông, Bắc Việt, năm 1943, lại theo làn sóng di cư vào Nam, năm 1954. Hai cô gái lớn lên và trưởng thành dưới hai chế độ: chế độ cộng sản và chế độ tự do, nhân bản, hai hệ tư tưởng chống đối nhau để rồi đi đến một cuộc chiến tranh tương tàn. Hai cô gái mang trong tâm hồn những vết thương, những nỗi đau của thời mình sống, và nguồn thơ nảy sinh từ đó. Thế rồi khi tiếng súng im bặt, khi vĩ tuyến 17 không còn ngăn cách đôi miền Nam Bắc, thì không gian mở rộng mênh mông. Từ Hà Nội, Ý Nhi mang túi thơ lên đường khám phá miền Nam, dừng chân đây đó ở Huế, Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Ðà Lạt, rồi cuối cùng chọn cái đất Sài Gòn làm nơi cư ngụ. Nhưng Trần Mộng Tú thì đã biến thành con chim từ biệt quê hương, bay đến những chân trời mới lạ, tìm đất lành để đậu. Từ xa, con chim cất tiếng hót, giọng nó cuốn hút, sưởi ấm lòng kẻ lưu đày, và tiếng hót vọng về quê hương như hẹn ngày tái ngộ.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Trần Mộng Tú xuất hiện ở hải ngoại như một nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại với những thi phẩm :

– Thơ Trần Mộng Tú (1990)

– Để Em Làm Gió (1996)

– Ngọn Nến Muộn Màng (2005)

-Thơ Tuyển Trần Mộng Tú (2009)

-Thơ dịch của Trần Mộng Tú được đưa vào sách giáo khoa Mỹ, chương trình trung học: American Literature, Glencoe, 1999.

– Thơ dịch của Trần Mộng Tú được giới thiệu trong biên khảo của Huỳnh Sanh Thông: An Anthology of Vietnamese Poems: From the Eleventh through the Twentieth Centuries. Yale University Press – New Haven and London.

Trong nước, nguồn thơ của Ý Nhi cũng làm rung động lòng người, ngoài hai tập thơ xuất bản chung với hai nhà thơ khác, Ý Nhi có 8 thi phẩm sau đây :

– Đến Với Dòng Sông (1978)

– Người Đàn Bà Ngồi Đan (1985) Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam

– Ngày Thường (1987)

– Mưa Tuyết (1991)

– Gương Mặt (1991)

– Vườn (1998)

– Thơ Tuyển ( 2000)

– Ý Nhi Tuyển Tập (2011)

Từ thơ, Trần Mộng Tú và Ý Nhi còn bước sang văn xuôi để cống hiến độc giả trong và ngoài nước những tập truyện ngắn. Trần Mộng Tú là tác giả các tập truyện : Câu Chuyện Của Lá Phong (1994), Cô Rơm Và Những Truyện Ngắn Khác (1999), Vườn Măng Cụt (2009) (gồm truyện ngắn, tùy bút và ký) và một tập tạp văn: Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (2006).

Ý Nhi là tác giả tập truyện ngắn : Có Gió Chuông Sẽ Reo (2014).

Và rồi với thời gian, tài năng của hai nhà thơ nữ càng được độc giả thưởng thức, yêu chuộng, được giới thẩm quyền nước ngoài về văn học nhìn nhận.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Năm 2003, Trần Mộng Tú nhận giải The New California Media « Ethnic Pulitzers ». Nhiều bài thơ của Trần Mộng Tú cũng được phổ nhạc. Về phần Ý Nhi, tuy bắt đầu sáng tác trong thời chiến, Ý Nhi thật sự nổi tiếng khi đất nước thanh bình. Thơ của Ý Nhi được dịch ra nhiều thứ tiếng, và năm 2016, Ý Nhi được trao Giải thưởng Văn học Thụy Ðiển Cikada.

Danh vọng do người đời tặng thưởng hẳn đem lại cho nhà thơ niềm vui và gây phấn khởi, nhưng có là bao so với sự đam mê suốt đời cái đẹp của chữ nghĩa. Cả hai nhà thơ đều say sưa biến chữ nghĩa thành những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, sự huy hoàng của vũ trụ, ca ngợi mãnh lực của tình yêu và kể lể về những nổi trôi của phận người, theo văn phong độc đáo của mỗi người.

Ở hai nhà thơ, vẻ đẹp của thiên nhiên không chỉ dành cho sự hân hoan, hứng thú của giác quan, thiên nhiên còn là nơi tình yêu xuất hiện, là nơi tình yêu được cất giấu, được nuôi dưỡng.

Ý Nhi, trong bài thơ Dẫu Chỉ Là Cơn Mưa, nhắc lại rằng mưa của bốn mùa làm tươi mát cỏ cây và gây nhớ một tình yêu vững bền. Nước mưa của bốn mùa tượng trưng cho thời gian đang trôi, nhưng vẫn còn lại mặt trời là ngọn lửa bền lâu của tình yêu :

Trần Mộng Tú 

Ý Nhi

Dẫu Chỉ Cơn Mưa

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Mưa ồn ào mùa hạ

mưa dịu hiền mùa xuân

tháng ba ngày mưa nhuần

vòm hoa xoan tím ngát

 

Ðất cằn trong khô khát

bỗng mát lành sau mưa

cây lá xanh vườn trưa

lại nồng nàn hơi thở

 

Anh có còn luôn nhớ

cái mùa mưa đầu tiên

con suối nhỏ bên thềm

bỗng cồn cào mùa lũ

 

Anh có còn luôn nhớ

mùa đông mưa trắng đồi

hoa lau phơ phất gió

dốc Dài và suối Ðôi

 

Hay chỉ mình em thôi

tháng năm dài vẫn nhớ

như nhớ về đống lửa

như nhớ về mặt trời

chắc bền và rực rỡ

thân gần và xa xôi

 

Em chẳng dám quên đâu

những gì mình đã có

 

để làm nên ngọn lửa

suốt cuộc đời hai ta

dẫu chỉ là cơn mưa

em làm sao quên được.

Ý Nhi (1976)

(Còn tiếp 1 kỳ)