Nhà văn Y Uyên tên thật Nguyễn Văn Uy. Sinh năm 1943 tại tỉnh Phúc Yên. Là con cả trong gia đình có 9 người em. Năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam. Học Trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An (Sài Gòn)

Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư Phạm Sài Gòn năm 1964. Dạy học tại Tuy Hòa, Phú Yên từ 1964-1968.

Nhập ngũ khóa 27 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, mãn khóa chuyển về đóng quân tại đồn Nora Phan Thiết, không lâu sau bỏ mình trong trận phục kích, bên dòng suối, dưới chân núi Tà Lơn ngày 8-1-1969.

Y Uyên trở về Sài Gòn trong quan tài kẽm phủ quốc kỳ, nằm ở Nghĩa trang Hạnh Thông Tây. Sau năm 1975, Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa và Hạnh Thông Tây bị buộc phải di dời, nên hài cốt anh được hỏa thiêu và đặt tại Bảo Tháp cộng đồng chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn.

Riêng bức tượng đồng của anh được đặt tại nhà riêng của cha mẹ, anh em tại Gò Vấp.

Y Uyên là một văn tài sáng giá, để lại một số tác phẩm gồm 7 tập truyện ngắn, được biết đến nhiều nhất là Tượng Đá Sườn Non (Thời Mới 1966), Bão Khô (Giao Điểm 1966), Quê Nhà (Trình Bày 1967) (Tài liệu của Nguyễn Lệ Uyên trên Thư Quán Bản Thảo).

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Lệ Uyên liên quan tới bức tượng đồng của Y Uyên.

NGUYỄN & BẠN HỮU

NGUYỄN LỆ UYÊN

Như vậy cuối cùng thì bức tượng đồng Y Uyên cũng được phục chế hoàn chỉnh.

Bao nhiêu những lo lắng phập phồng của anh em đã được Ðiêu khắc gia Phạm Văn Hạng và các môn sinh của anh đêm ngày đúc khuôn. Ðúc và xoá và đúc chỉ với hai lỗ tai thôi (đã bị kẻ trộm cưa mất cách đây hơn ba mươi năm ở Nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây) nhưng quả thực là khó tạo được vẻ thật của nó lúc ban đầu mà Ðiêu khắc gia Ðỗ Toàn cùng anh em văn nghệ ở Tuy Hoà đã bỏ khá nhiều công sức như một tấm lòng với người bạn văn quá cố.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Hôm tôi đến nhà lần đầu, nhìn bức tượng bị mất hai lỗ tai, nhà văn Bùi Ðăng (tác giả truyện dài Cúi Mặt đăng nhiều kỳ trên Bách Khoa, sau in thành sách) thầm thì: “may cho mày Uy ạ, mày mất hai lỗ tai để khỏi phải nghe những điều trái khoáy”. Và sau khi anh PVH nhận lời phục chế, cậu Vượng (em út Y.U) đưa bức tượng từ bàn thờ xuống, nói đùa như thật: “Anh ngồi nhà lâu quá, bữa nay anh L. anh H. và em đưa anh đi dạo phố chơi chút, sau đó “tút” lại cho anh đẹp trai như ngày nào”. Chúng tôi bật cười với một chút ngậm ngùi cay đắng.

tuong-nho-y-uyen

Y Uyên

Giờ thì bức tượng đã hoàn chỉnh, đặt trang trọng trên bàn thờ anh. Nhưng tấm hình thì nhiều vết hoen ố thời gian. Tôi đề nghị gia đình cho tôi mang đi tiệm photostat lại. Vậy là Y Uyên cùng tôi lên xe máy rong chơi phố Sài Gòn giữa trưa nắng. Anh nhìn thấy gì và cảm nhận được điều gì trên những con phố anh em mình đi qua, qua từng ấy năm? Những thay đổi ồn ào, những nhốn nháo lợn cợn trong đầu mỗi người hụt hơi bởi những đòi hỏi vô tận vô cùng. Anh vào tiệm làm đẹp lại chút xíu nhân dạng mình trên tờ giấy ảnh. Còn tôi thì ngồi bên kia đường với vại bia đen ngó sang như ngày nào anh ngồi hớt tóc, tôi ngoài quán cà phê vỉa hè đợi anh vậy. Anh em mình vẫn gần nhau mà. Vẫn có những khoảnh khắc đợi chờ và tương ngộ và biệt ly. Không. Không thể là biệt ly mà là chia tay. Rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau. Cuộc đời là một vòng xoay. Cuộc đời là sự chấm dứt trước và sau. Trở về với cát bụi, vô thường, có và không giữa những vòng xoáy của một hành trình thăm thẳm những hố đen ngòm. Nhân dạng anh khoảnh khắc lại trở về với chốn cũ ngày nào. Dẫu cho đó là một khoảnh khắc không thật. Nhưng dẫu sao khuôn mặt anh, nụ cười rất trẻ thơ của anh làm tôi bùi ngùi nhớ lại những ngày xa lăng lắc, rực rỡ những sắc màu của tuổi thanh xuân, của những ước mơ chưa toại lòng.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Anh vĩnh viễn ra đi nhưng anh vẫn còn đó với anh em, trong lòng anh em quý mến, trân trọng anh. Chỉ tiếc là hơi quá sớm quá vội vã khiến anh em không thể đọc tiếp những tác phẩm tuyệt vời của anh về thân phận con người trong thời dâu biển. Giờ thì anh và tôi và hai người bạn văn trẻ từng ngưỡng mộ anh lại rong chơi với một chút quá khứ mịt mờ. Lại vào quán ngồi uống bia với anh. Tấm ảnh chân dung lồng kính đặt trên ghế đẩu như thể anh vẫn là Y Uyên của ngày nào. Anh em nâng cốc mời anh. Những vại bia lưng dần với chút bồi hồi se thắt. Anh mỉm cười nhìn chúng tôi như ngày nào anh thắng canh bạc xì phé, gọi chúng tôi vào quán Mỵ Châu Thành uống ly la ve nói chuyện làm báo văn chương. Cái quá khứ la đà kéo theo cơn say lúc nào chẳng hay để sáng nay đứng trước bàn thờ thắp anh nén hương tưởng nhớ. Anh em bạn bè gia đình anh đứng lặng trước bàn thờ nhìn sững vào bức tượng và tấm ảnh chân dung. Anh vẫn như xưa, nhưng có điều là không thốt lên lời nào với những người thân và bạn bè anh đang còn bơi lội trong chốn trầm luân. Tôi đặt tập TQBT số tưởng nhớ anh và tập truyện của anh dưới chân tượng. Tấm lòng của anh em đó anh. Sự thương nhớ của anh em trong ngoài nước gửi trọn lòng thành qua từng trang sách mà anh em góp lại trên các số tạp chí cũ gò lưng ra người đọc người đánh máy người layout người in đóng xén để gửi về anh. Hình như khoé miệng anh hơi dãn nở ra với sự hài lòng, tôi nghĩ vậy khi nhìn chăm chăm lên tổng thể của bàn thờ anh. Những đoá huệ trắng, tulip trắng trong lọ cũng rưng rưng cảm thông. Tôi lại nghĩ, nếu bây giờ anh còn cười nói với anh em thì không rõ tóc anh đã nhuốm màu bạc trắng như mái tóc chị Mỵ chưa? Mối tình đầu mấy chục năm qua chị vẫn trân trọng mang theo bên mình và hôm nay, lần đầu tôi nhìn thấy chị bằng xương bằng thịt (chứ không phải nhân vật Mỵ trong truyện ngắn nào đó anh viết).

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Không, Không ai quên anh được, mãi mãi sau này. Tôi chỉ có mỗi một băn khoăn là có khi nào những kẻ thù đã từng chĩa súng bóp cò vào người anh cảm thấy hối tiếc đã huỷ diệt một tài văn không? Chắc là không vì đó là đạn bom giữa chiến trường.

Không sao, anh em bạn bè và độc giả mến mộ anh vẫn luôn ở bên anh.

tuong-nho-y-uyen1

Bức tượng đồng Y Uyên được phục chế

NLU

Thư Quán Bản Thảo số 22 tháng 1-2006