Bùi Bích Hà ra đi đã hai năm. Hà mất vào một ngày giữa tháng Bảy năm 2021. Hai năm qua nhiều bạn bè và người đọc còn nhớ thương Bích Hà. Riêng Nguyễn với Bùi Bích Hà là chỗ thân quen qua mấy chục năm, cùng xuất thân từ mái trường bên sông Hương, dạy cùng trường ở Mỹ Tho, cùng làm báo viết báo ở Mỹ… Do đó, niềm tưởng nhớ vẫn mênh mang qua từng tháng năm.

Sinh trưởng ở Huế nhưng là người gốc Bắc. Bùi Bích Hà tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Huế ban Pháp văn. Hà chọn con đường dạy học làm bước khởi đầu. Từ Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên (1962-1964), đến Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho (1963-1965), Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho (1965-1967), và Nguyễn Trãi, Sài Gòn (1967-1983).

Các tác phẩm của Bùi Bích Hà bao gồm “Buổi Sáng Một Mình” (Người Việt, 1989), “Bạn Gái Nhỏ To” (Người Việt 1991), “Hạnh Phúc Có Thật” (Văn Mới, 2001), “Phương Trời Khác” (Cảo Thơm, 2002), và “Ðèn Khuya 1, 2” (Người Việt, 2018).

Tiếp nối những dòng của Nguyễn, sau đây là trích đoạn những bài viết của các văn hữu tưởng nhớ Bùi Bích Hà.

BÙI VĨNH PHÚC viết về tác phẩm đầu tay Buổi Sáng Một Mình của Bùi Bích Hà

…Bùi Bích Hà chỉ mới tự giới thiệu mình với độc giả hải ngoại bằng tập truyện ngắn Buổi Sáng Một Mình, do nhà Người Việt in năm 1989, cùng với một vài bài tùy bút về quê hương đăng rải rác trên một số báo chí và tập san văn nghệ trong mấy năm qua. Thế nhưng, chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài tùy bút ấy, bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về một văn phong trầm lặng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi của đời sống.

Buổi Sáng Một Mình. Ðó là một tập sách gồm có mười lăm bài văn pha trộn những thể loại khác nhau: truyện ngắn, tùy bút, thư. Thật ra, có thể nói đây là một tập truyện ngắn được mở đầu bằng một lá thư cho một người bạn, một người mà tác giả quý mến, và chấm dứt với một tùy bút viết về Huế, quê hương một đời của bà.

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Câu văn, hình ảnh và những rung động của Bùi Bích Hà, trong mắt nhìn riêng tôi, có một khoảng cách khá rõ so với câu văn, hình ảnh và những rung động của đa số những người viết hiện nay có tác phẩm xuất bản ở ngoài nước. Ðọc văn của những người khác, ta thấy đời sống và tâm lý nhân vật như quay theo một trục quay gần gũi với cái trục quay vật lý và xã hội của cuộc sống này. Chúng quay nhanh hơn cái nhịp mà ta vẫn hằng quen biết, ngày xưa, ở quê nhà. Cái nhịp quay ở đây là cái nhịp quay của một xã hội hậu-kỹ nghệ đang tiến những bước dài sang một xã hội đặt căn bản trên sự thông tin. Con người ở đây đang phóng mình hối hả trên những xa lộ thông tin (information highway), đang “trượt sóng” trên những hệ thống tin tức liên-quốc-gia (surfing the Internet) trong một cái không gian được điện tử hóa (cyberspace). Ðời sống là những vòng quay xấn tới, và con người trong xã hội này phải bắt vào cái nhịp của những vòng quay vừa nói.

Bùi Bích Hà và các nhân vật của bà, trong cái nhìn của tôi, hình như vẫn ở bên ngoài cái vòng quay ấy. Có những lúc, tôi có cảm tưởng rằng họ đã chọn lựa sự bất tham dự đó.

Nhà văn Bùi Bích Hà – nguồn việt báo văn học nghệ thuật

Ðọc Bùi Bích Hà, tôi có cái thích thú như được xem một cuốn phim Pháp cũ. Ðộng tác của nhân vật từ tốn, không hối hả. Ngôn ngữ họ cũng vậy. Mà cái không khí bao quanh họ cũng thế. Tất cả đều chầm chậm lướt qua lướt qua với những ý nghĩa của lời nói, của dáng điệu cử chỉ hành vi nhân vật… Tất cả đều được nhìn ngắm một cách tường tận, rõ nét. Cuộc sống ấy là cuộc sống được đặt trong một thế giới hợp lý, với những chìa khóa để ở đâu đó trong cuộc đời này mà con người có thể tìm kiếm ra. Còn cuộc sống náo động bây giờ thuộc về một thế giới khác. Một thế giới với những hoàn cảnh, những vấn đề, những hiện tượng bất lý giải hay bất khả lý giải. Chìa khóa của vấn đề, rất nhiều khi, đã được quăng vào rốn bể. Và con người, bây giờ, chạm mặt với những phi lý của đời sống. Những phi lý làm nó xao xuyến và buồn nôn. Và con người bị đẩy ra ngoài cuộc đời. Với một thiên nhiên nhiều lúc đã trở thành xa lạ, và một nội tâm nhiều khi đã trống rỗng. Ðã mất rồi những hình bóng và âm hao cũ.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Tác giả là một người có những rung động thật sâu và sắc bén. Phân tích tâm lý nhân vật của Bùi Bích Hà làm cho người đọc có cảm tưởng rằng bà thường tự phân tích mình trong những tình huống hằng ngày của cuộc sống. Trong những mô tả về những rung động tế vi của con người và trong những cuộc giải phẫu tâm lý nhân vật, Bùi Bích Hà chứng tỏ bà là một người tinh. tường… BVP

TRẦN DOÃN NHO nhận định như sau khi viết về Bùi Bích Hà:

Bùi Bích Hà sinh trưởng ở Huế, tôi cũng sinh trưởng ở Huế, nhỏ hơn chị nhiều tuổi. Chị và tôi là đồng hương, nhưng tôi “huế” hơn chị một chút vì nội, ngoại tôi là dân Huế lâu đời còn nội, ngoại chị đều ở miền Bắc. Chả thế mà nhà văn Ngự Thuyết gọi chị là một “cô Bắc kỳ nho nhỏ,” nói “giọng Hà Nội nghe thật nhẹ nhàng, trôi chảy, êm ái.”

Thân phụ của Hà là người Bắc, làm ăn lớn, có cơ ngơi nhiều nơi từ Bắc vào Trung. Nhà ông ở khu Gia Hội, tọa lạc “trong một khu vườn thâm u, kín cổng cao tường,” “nhìn ra một cánh đồng khá rộng” với những ruộng lúa xanh rì, “đến mùa lúa chín, là cả một cánh đồng vàng,” theo nhà văn Ngự Thuyết, một người cùng thời với chị (Giã Từ Bùi Bích Hà). Ngoài ngôi nhà này, ông còn một ngôi nhà nghỉ mát do ông “tự trông nom cho thợ xây cất trên đỉnh một ngọn đồi trong rặng núi Bạch Mã.” (Mùi Cà Phê Của Bố/Bùi Bích Hà)

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Có lẽ do tính cách pha trộn này, Bùi Bích Hà khi viết về Huế, một mặt, văn chương chị là một Huế chất ngất, một Huế tràn trề, nhưng mặt khác, lại không giống hẳn văn chương của những nhà văn “Huế-chay” khác viết về Huế. Tôi cho rằng chị vừa như một người Huế viết về quê hương mình, lại vừa như một người yêu Huế viết về Huế. Vừa đứng trong Huế vừa đứng ngoài Huế, cụ thể, thì là vừa Bắc Kỳ vừa Huế.

Huế trong văn chương Bùi Bích Hà gần như không thiếu một thứ gì. Chị nói về vô số điều, vô số chuyện mà điều nào, chuyện nào cũng chi li và đậm đà. Không những chỉ về những chi tiết linh tinh lỉnh kỉnh mà còn chi li cả về những xúc cảm, xuất phát từ sự suy gẫm của chị về những gì nằm khuất sau cái vẻ bề ngoài hồn nhiên, vô tư của chúng.

Chị viết về hoa trái trong vườn, nào vải, chanh, nhãn, nào ổi xiêm, nào khế ngọt, vải trạng, lựu; viết về nắng Hè, mưa Ðông, về những chuyến đi chơi thuyền trên sông Hương, về bắp cồn; về cảnh học trò đạp xe đạp đi học, về tình yêu trai gái nảy nở bên hàng chìa tàu, về đồ ăn Huế với miếng dồi trường “trắng, giòn, thơm, thanh cảnh” hay gạo de An Cựu ngon không đâu sánh bằng; viết về “những cây nhãn lồng chi chít mo cau,” về con gái Huế lội nước lụt đến trường, “gót chân hồng trên những chiếc guốc vông màu trắng.” Vân vân và vân vân.

Những gì chị viết ra về Huế quá nhiều, quá rõ, quá đầy đủ khiến tôi đọc mà muốn ngộp thở. Có nhiều thứ khác mà nếu chị không nhắc đến, có lẽ không bao giờ tôi còn nhớ, như: (nộm) gỏi hoa cau, canh măng chua nấu cá ngạnh nguồn, chè đậu ngự; thuốc Tiêu Ban Lộ, tôm càng kho tiêu, tiếng con chim “từ quy” (1) kêu thương suốt đêm quanh nhà mà không hề thấy hình dáng, hay về những cô gái gánh nước đêm, “trời tối mà vẫn đội nón vì sợ người ta nhìn thấy nụ cười và đôi mắt.” TDN

N&BH