Nguyễn Mộng Giác là nhà văn tài năng của Miền Nam. Sự nghiệp của anh khởi từ thời tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn và ngày càng phong phú, đồ sộ khi ra đến hải ngoại. Với 2 truyện dài (Qua Cầu Gió Bay và Đường Một Chiều), 2 trường thiên tiểu thuyết (Mùa Biển Động và Sông Côn Mùa Lũ), và nhiều tập truyện ngắn cùng tiểu luận văn học. Anh còn là người chủ trương tạp chí Văn Học ở Nam Cali trong gần hai mươi năm.

Hôm nay, sắp kỷ niệm 7 năm ngày Nguyễn Mộng Giác ra đi (anh mất ngày 2 tháng 7. 2012) chúng tôi xin đăng lại truyện ngắn “Trở Lại Gánh Xiếc” của Nguyễn Mộng Giác. Truyện nêu bật nét bi hài của thân phận người nghệ sĩ dưới chế độ Cộng Sản. Mời bạn đọc chia sẻ.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Mộng Giác

Tôi do dự khá lâu mới lấy đủ bạo bước vào trụ sở Hội văn nghệ. Khuôn viên rộng có thảm cỏ xanh và bóng cổ thụ. Biệt thự giữ vẻ bên ngoài cổ kính nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi của cuộc sống Mỹ: máy điều hòa không khí, bộ salon uy nghi đồ sộ bọc nhung, tranh tĩnh vật, nền trải thảm len màu rêu… Hình như đây đúng là biệt thự của bà mẹ ông Thiệu. Giữa phòng khách mênh mông có kê hai cái bàn gỗ ván ép có lẽ được khuân từ nhà bếp lên. Hai cán bộ mặc quần áo bộ đội ngồi tiếp khách trên ghế dựa gỗ cẩm lai. Một chân họ đè lên chiếc dép râu, chân kia gác lên ghế theo thói quen đặc biệt ở rừng.

Người ngồi bên phải cắm cúi viết, trước mặt có ba bốn người khách ăn mặc kiểu thành phố đang ngoan ngoãn chờ.

Tôi tiến về phía bàn bên trái vì cán bộ giữ phận sự đăng ký đang tươi cười tiếp chuyện một anh ca sĩ tôi có quen.

Anh cán bộ rít một hơi thuốc lào rồi ngửng lên hỏi tôi:

– Chắc anh đến đăng ký?

Tôi nuốt nước bọt rồi đáp:

– Vâng.

Anh cán bộ ngồi ngay ngắn trở lại như chuẩn bị viết, hỏi tôi:

– Anh ở ngành nào?

Tôi ấp úng chưa biết trả lời sao cho đúng. Anh ca sĩ chen vào nói:

– Ông ấy chuyên làm xiếc đấy mà! Ðột nhiên tôi nổi giận. Tôi cãi lại:

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

– Không! Tôi là nhạc sĩ chuyên đàn vĩ cầm. Anh ca sĩ không chịu nhượng bộ:

– Tôi chỉ thấy anh chuyên làm xiếc ở các đại nhạc hội. Không phải anh thường lộn ngược người trồng chuối trên cái gối đỏ để kéo vĩ cầm hay sao? Kia kìa, anh vẫn còn giữ hai cái kim găm ở ống quần. Tôi nói có sai đâu!

Nguyễn Mộng Giác qua năm tháng

Tôi đau đớn vì hổ thẹn. Nếu có thể độn thổ được như trong truyện Phong Thần, có lẽ tôi đã làm rồi. Phải. Anh bạn ca sĩ nói đúng. Trước đây tôi kiếm ăn bằng nghề làm xiếc.   Tuy tôi có kéo vĩ cầm đấy nhưng cái thế trồng chuối lạ mắt lúc đàn, không thể chối cãi được, đúng là tiết mục xiếc. Tôi có muốn thế đâu! Tôi đã từng nổi tiếng thần đồng âm nhạc ngay từ tấm bé. Sáu tuổi tôi đã chơi vĩ cầm cho dàn nhạc giao hưởng thành phố. Bảy tuổi, cả dàn nhạc gần 40 người đệm đàn cho tôi độc tấu. Tám tuổi, tên tôi viết lớn bằng chữ đỏ trên các bích chương quảng cáo, ngay bên cạnh tên Chopin, Beethoven, Bach. Rồi những đêm lạc phúc bất tận với chiếc áo đuôi tôm kim tuyến và những vòng hoa. Danh vọng, tiền bạc đến với tôi quá sớm. Nhưng càng lớn lên, tôi càng thua thiệt. Tôi chỉ là thần đồng âm nhạc khi ôm chiếc đàn bé bỏng đi lạc vào thế giới người lớn và nhắm mắt say đắm với tác phẩm các thiên tài. Khi đã lớn lên rồi, tôi trở thành tầm thường không có gì đáng chú ý. Vì vậy tôi đã phải tìm cách để thỏa mãn óc hiếu kỳ quái ác của khán giả. Bao nhiêu năm trời tôi âm thầm chịu đựng đau đớn, nhiều hôm nước mắt ràn rụa ướt trán để cắn răng trồng chuối lên chiếc gối đỏ và tiếp tục đàn vĩ cầm. Năm 17 tuổi tôi “tái xuất giang hồ” và lại được hoan nghênh như một tài tử xiếc. Khổ nỗi khán giả lại mau nhàm cái trò lạ của tôi. Diễn lần thứ 20, khán giả còn vỗ tay. Diễn lần 30, vỗ tay rời rạc chen lẫn tiếng huýt sáo. Ðến lần thứ 40 thì bị la ó. Tôi lại cắn răng chịu đau đớn tìm trò lạ mới, và trước hôm “giải phóng”, tôi trình diễn ở đại nhạc hội tiết mục cuối cùng: vừa trồng chuối để tấu nhạc Chopin, vừa dùng hai bàn chân chuyền một quả bong bóng ngũ sắc. Thói quen dùng kim găm chặt ống quần vào bít tất là méo mó nghề nghiệp do phải lộn đầu làm xiếc lâu năm của tôi. Ngoài các buổi trình diễn, tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để làm trò chào hàng các ông chủ rạp hát béo phệ. Hai cái kim găm từ lâu trở thành đồ nghề của tôi, như chiếc vĩ cầm và cái gối nhung đỏ. Trời hỡi! Tại sao đúng vào hôm nay, hôm đến đăng ký ở hội văn nghệ giải phóng để sinh hoạt như một nhạc sĩ vĩ cầm, tôi lại hớ hênh găm thêm hai chiếc kim định mệnh.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Anh ca sĩ vẫn mỉm cười chế giễu tôi. Anh cán bộ kiên nhẫn dừng bút chờ đợi. Tôi cố vớt vát lần cuối khi phân bua:

– Tuy tôi phải lộn đầu làm xiếc vì cơm áo, nhưng ý nghĩa đời tôi, niềm kiêu hãnh thầm lặng của tôi là cây đàn. Hai chân tôi chuyền quả bóng, nhưng hồn tôi giao trọn cho âm nhạc. Tôi là nhạc sĩ, tôi không phải là anh hề gánh xiếc. Anh cán bộ suy nghĩ một lúc, rồi chậm rãi nói:

– Như vậy thì anh nên đăng ký vào phân hội âm nhạc. Tôi mừng quá, suýt chút nữa lộn ngược trồng chuối để cảm ơn anh cán bộ như đã từng làm để cảm ơn mấy ông chủ béo phệ, tôi dừng lại kịp. Tôi khỏi phải chào hàng ai nữa. Từ đây tôi có thể yên tâm nghiêng đầu bên cây đàn vĩ cầm yêu dấu của tôi, để nghe những lời tâm sự thầm thì của Bach!”

Ðọc xong truyện ngắn đăng năm 1976 trên tạp chí văn nghệ thành phố, chàng bồi hồi tiếc nuối. Tiếc cái gì, chàng chưa định rõ. Có cái gì đẹp lắm của quá khứ đã tan đi, như một lần chàng vô tình gặp lại người yêu đầu đời với một nhan sắc đã tàn phai.

Người đàn ông trước mặt vẫn kiên nhẫn đợi. Chàng nhìn kỹ người khách lạ lần nữa. Tóc hoa râm, khuôn mặt hốc hác và nụ cười vừa khinh miệt vừa cay đắng. Ông ta đến đây làm gì? Tại sao ông ta mang tờ tạp chí cũ đến khẩn khoản xin chàng đọc lại cái truyện cũ của chàng! Khách lạ không chờ thêm được nữa, lên tiếng hỏi:

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

– Ông chưa nhận ra tôi ư?

Chàng ngập ngừng, nói lơ mơ:

– Tôi nhận ra chứ, nhưng không ngờ qua mới có mấy năm…

Khách lạ mừng rỡ cắt lời chàng:

– Phải. Ông không ngờ mà tôi cũng không ngờ. Tôi già đi nhiều. Ông không nhận ra cũng phải. Năm 1975 lúc tôi kể chuyện mình để ông viết truyện ngắn này, tóc tôi còn xanh. “À, té ra thế. Tôi nhớ ra rồi”. Chàng thầm nghĩ. Nhìn kỹ khách lạ lần nữa, chàng bắt đầu nhận ra đôi mắt ấy, cái hàm bạnh vì “lao lực” ấy, nụ cười ấy… Chàng nhìn xuống ống quần người khách. Ông ta hiểu, hỏi chàng:

– Ông tìm đôi kim găm chứ gì?

Bị bắt quả tang lúc đang làm một việc thiếu tế nhị, chàng bối rối đỏ mặt. Ông nhạc sĩ vĩ cầm xua tay nói:

– Ông khỏi cần áy náy. Tuy tôi không cẩn thận cài kim vào ống quần, nhưng tôi vẫn làm xiếc đấy. Không chờ chàng hỏi, ông ta tiếp:

– Hồi ấy tôi sinh hoạt bên ngành nhạc một thời gian, sau đó “phòng tổ chức” khuyên tôi nên trở lại ngành xiếc. Vì ở đâu cũng là phục vụ, tôi vâng theo.

Chàng hỏi:

– Ông vẫn biểu diễn tiết mục nhồi banh đấy chứ?

– Không. Tôi tưởng khi không tìm thấy đôi kim găm, ông đã đoán ra. Gần đây tôi biểu diễn mục “vừa đi dây vừa kéo đàn”. Chán lắm, tuy các anh bên Tuyên huấn rất bằng lòng.

– Vì sao chán ạ?

– Trồng chuối tuy đau đầu nhưng còn có đôi chân giữ thăng bằng, mình chủ động được. Ði dây thì phải luôn luôn hồi hộp lo lắng, như mộng du giữa phải trái, thực giả, trong lúc đôi tay bận bịu với cây đàn. Tôi xanh xao sa sút đến thảm hại vì vậy. Tôi đến đây để xin ông chắp thêm cho cái truyện cũ một cái đuôi. Tôi van ông, chịu khó viết thêm cho. Nếu không, tôi phải mang tiếng là người dối trá.

Thấy ông khẩn khoản quá, chàng làm vừa lòng ông ta vậy!

NMG