Vũ Hữu Định, nhà thơ thân yêu của chúng ta, ra đi đã ngoài 30 năm. Thời gian đã lùi xa tới như vậy nhưng bạn bè xưa còn nhớ tới anh, và đây đó trên những trang văn các tác giả còn nhắc tới Vũ Hữu Định. Hôm nay, cũng là làm cái việc “đốt lò hương cũ”, chúng tôi một lần nữa xin chiêu niệm người ngày xưa ấy.

Vũ Hữu Ðịnh (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung, là một nhà thơ nổi tiếng. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1970 thành ca khúc cùng tên

Vũ Hữu Ðịnh làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Ðịnh. Tên Vũ Hữu Ðịnh bắt đầu phổ biến cùng với bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của ông.

Vũ Hữu Ðịnh vào đời sớm, lập gia đình sớm và sống nghèo trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Ðà Nẵng. Sau biến cố 1975, ông ở lại Việt Nam và bị đưa đi học tập cải tạo 1 tháng.

Bìa bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ – thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy 

Vũ Hữu Ðịnh được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng. Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau một bữa rượu với bạn bè, ông bị té lầu và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Bài thơ Còn Chút Gì Ðể Nhớ viết năm 1970, khi nhà thơ sang thăm một người bạn ở Pleiku. Cùng năm này, bài thơ được đăng báo Khởi Hành của Viên Linh và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc, rồi trở nên phổ biến với giọng hát Thái Thanh. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston, lời thơ vẫn giữ nguyên với khổ thơ cuối được nâng lên thành cao trào.

Sau này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn thân của ông, cũng có một tiểu thuyết lấy tên Còn chút gì để nhớ.

Nhà phê bình Ðặng Tiến đã viết về Vũ Hữu Ðịnh như sau trong tiểu luận “Vũ Hữu Ðịnh, tình ca lỡ vận”:

“Văn thơ miền Nam 1954-1975 được gọi là nền văn học bất hạnh. Vì nó đã bị xuyên tạc, tuyên án, thiêu hủy và bôi xóa; các tác giả đã bị tù đày, đọa đày và lưu đày. Trong số đó, có nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh (1942-1981), từ 1972 đã xem mình như một người lỡ vận:

Ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

Hát âm u trong đêm tối một mình (tr. 65)

Vũ Hữu Ðịnh sinh tại Thừa Thiên, sống nhiều nơi ở Tây Nguyên, lập gia đình tại Ðà Nẵng và định cư tại đây. Làm thơ từ thập niên 1960, đăng báo rải rác. Năm 1975, đi học tập cải tạo một thời gian ngắn vì là cán bộ Xây dựng Nông thôn, rồi làm công nhân Nhà Ðèn. Ðầu năm 1981, tại làng An Hải, Ðà Nẵng, anh qua đời vì say rượu té từ lầu một, cái chết còn gây nghi vấn. Sinh thời, anh không có tác phẩm xuất bản. Ðến 1996 bạn bè mới đóng góp để nhà xuất bản Trẻ ấn hành thi tập Còn một chút gì để nhớ gồm 45 bài, lấy tên từ một bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và thịnh hành một thời:

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Phố núi cao phố núi đầy sương,

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn (tr. 5)

Bìa tập Thơ Vũ Hữu Định

Hiện nay, sau khi tái bản thơ Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương, truyện ngắn Y Uyên, nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn đã sưu tầm và in lại thơ Vũ Hữu Ðịnh để tặng biếu, không bán, trong tinh thần bảo lưu và truyền bá di sản văn học miền Nam. Chúng tôi đã có lần đề cao thiện chí này; nay một lần nữa, xin công nhiên ca ngợi một việc làm tâm huyết.

Thơ Vũ Hữu Ðịnh lần này gồm 80 bài – chắc là còn thiếu – là một tập thơ hay, tài hoa, trong sáng, đáp ứng được sở thích đông đảo người đọc; một tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, lưu lại tấm lòng của nhà thơ quá cố, ghi tạc niềm thủy chung của bằng hữu, trong một hoàn cảnh lịch sử, xã hội nghiệt ngã và bạc bẽo.”

NGUYỄN & BẠN HỮU