LỜI MỞ: Phạm Công Thiện là một tác giả lỗi lạc của nền văn học Việt Nam. Ông đọc nhiều, đi nhiều, sống ở nhiều nơi trên thế giới. Cái đọc của Phạm Công Thiện bao gồm văn, triết học Tây Phương và cả kinh điển Phật Giáo. Ông đi nhiều, sống nhiều từ Sài Gòn, Nha Trang qua tới Israel và Đức rồi Mỹ, Pháp. Cuối cùng định cư ở Houston và qua đời tại đó.Tác phẩm của Phạm Công Thiện gồm trên 20 cuốn, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Ngày sanh của rắn, Bay đi những cơn mưa phùn, Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất, Trên tất cả đỉnh cao là im lặng…. Có người coi Phạm Công Thiện là một triết gia. Lại có người tôn ông là Bồ Tát. Nhưng thường người ta xem Phạm Công Thiện là thi sĩ. Sau đây Trang Văn Học xin giới thiệu bài nhận định sâu sắc của Nguyễn Hưng Quốc, đồng thời trích đăng một bài văn của Phạm Công Thiện để độc giả thưởng lãm. NGUYỄN & BẠN HỮU

Bay đi những cơn mưa phùn

Phạm Công Thiên

Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng Tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng Tư? Thời gian là những tháng Tư còn lại. Không, tháng Mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng Mười ở ngoại ô Paris.

Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn; trời lạnh quá, im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống, vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu Thu. Ðầu Thu hay cuối Thu? Ðầu cuộc sống và cuối sự chết? A, tôi phải đi. Paris chỉ nằm bên kia sự chết: Saigon, Hànội, Huế, Ðàlạt chỉ là những thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên, quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối, những mùa Xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên, phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn và truyện dài. Trung thành với nỗi chết xa và gần, nỗi chết long đong, nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là văn chương.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

A, tôi phải đi. Vừa đi vừa ho. Tập ho cho thật nhiều, ho như chưa từng biết ho trong đời. Người ta ho lao và người ta muốn ho lao: tôi không muốn ho lao, tôi chỉ muốn ho khan cho bay đi những cơn mưa phùn tưởng tượng. Dưới kia thung lũng là cỏ khô. Một dấu chấm, một dấu phết, một dấu sắc và một dấu huyền. Tất cả còn lại…

PCT

*Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện

(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)

Nghĩ về Phạm Công Thiện

Nguyễn Hưng Quốc

Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Ðó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ.

Ðã đành trong giọng văn của hầu hết các nhà văn của Việt Nam đều ít nhiều có chất thơ, tuy nhiên, có lẽ, ít ở đâu mà chất thơ lại đậm đặc như là trong văn xuôi của Phạm Công Thiện. Có điều, Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Ðến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản: Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988 (1). Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Tuy nhiên, đó không phải là những cái hay lớn đủ để biến Phạm Công Thiện thành một nhà thơ có tầm vóc nổi bật so với những nhà thơ cùng thời. Tôi thích hơn, ở Phạm Công Thiện, là những bài thơ ông hoàn thành sau này, chủ yếu là sau năm 1975. Chúng không nhiều, về số lượng, và cũng không đều, về chất lượng, nhưng trong đó, có hai bài rất hay, theo tôi, xứng đáng được xếp ngang hàng với những bài thơ hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại: “Trường giang Mỹ tho” và “Thơ cho khoảng trống”. Cả hai bài đều đẹp, trong ngôn ngữ và mới mẻ, trong kỹ thuật.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Làm thơ ít, hồn thơ của Phạm Công Thiện tràn vào cõi văn xuôi của ông. Biện pháp tu từ được ông sử dụng nhiều nhất trong văn xuôi là ẩn dụ. Mặt trời không bao giờ có thực là một ẩn dụ. Bay đi những cơn mưa phùn là một ẩn dụ. Trùng trùng ẩn dụ trong từng trang viết của Phạm Công Thiện. Ðiều đó làm cho hầu hết các bài viết văn xuôi của Phạm Công Thiện đều trở thành những bài tuỳ bút. Tôi nghĩ, rất nhiều tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện sẽ trở thành dễ hiểu và tuyệt vời vô cùng nếu chúng được đọc như những bài tuỳ bút. Ví dụ tập Bay đi những cơn mưa phùn trong đó có bài “Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo” cứ làm cho tôi, khi đọc lại – gần đây- thấy ngẩn ngơ thật lâu. Giọng văn của ông thật phóng khoáng, thật độc đáo và thật đẹp. Từ bài văn ấy, đọc lại các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, tôi phát hiện ra một điều khá bất ngờ, hình như chưa ai nói đến: không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tuỳ bút xuất sắc của Việt Nam.

“- Thiền học và Thiền tông là gì?

Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là những câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu trắng băng qua đại dương.”

Ðoạn văn trên, tôi tình cờ nhặt được ở trang cuối cùng của quyển “Bay đi những cơn mưa phùn”. Câu thần chú chữ Phạn. Cánh bướm trắng bay qua đại dương. Rồi đây, có lẽ sẽ có người có thẩm quyền hơn tôi tìm hiểu và đánh giá câu thần chú chữ Phạn ấy. Hôm nay, tôi chỉ muốn dừng lại và giới thiệu Phạm Công Thiện như một cánh bướm bay qua cái cõi đại dương thơ bao la của Việt Nam.

Chú thích: Sau này, Phạm Công Thiện có một tập thơ thứ hai, “Trên tất cả đỉnh cao là lặng im” do Hương Tích Phật Việt xuất bản năm 2014.

(Trích trong “Sống Với Chữ” của Nguyễn Hưng Quốc. Lotus Media tái bản, 2021. Có thể mua trên Amazon.com, hoặc Amazon.com.au nếu ở Úc)