Cái tên A Khuê quả hơi xa lạ đối với nhiều người ở hải ngoại. Trước đây, người phụ trách mục này cũng không biết A Khuê. Cho tới khi có trong tay bộ Bông Hồng Tạ Ơn của Nguyễn Ðình Toàn.

Vâng, đầu cuốn hai của Bông Hồng Tạ Ơn, Nguyễn Ðình Toàn có một bài ngắn về A Khuê. Bài viết mở đầu: A Khuê thuộc lớp những người làm thơ trẻ của miền Nam. Thơ ông không nhiều. Nhưng mấy bài thơ của A Khuê do Trần Quang Lộc phổ nhạc, đều đáng được xếp vào hàng tác phẩm cả.

Về Ðây Nghe Em

Lãng Du Ca

Chỉ Còn Bóng Ðổ Dài

Tuy nhiên, trong đoạn viết tiếp theo, tác giả Bông Hồng Tạ Ơn cũng không dám quả quyết là ca từ của cả 3 bài đó đều là thơ A Khuê.

Dẫu sao, người viết cũng bắt đầu có cảm tình với A Khuê khi đọc lại ca từ của bài Về Ðây Nghe Em (đã thuộc lòng từ trước) và Lãng Du Ca trong sách Nguyễn Ðình Toàn. Lãng Du Ca có nhiều ý mới, độc sáng. Cũng từ cảm tình vừa nói, người viết đã lên Google tìm dấu tích A Khuê. Và thu được những mẩu tài liệu ghi lại sau đây.

Theo một bài viết của Lý Ðợi trên Văn Chương Việt: A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Theo tin từ gia đình, ông đã qua đời do tai biến cấp tính lúc 8giờ 30 tối ngày 13/8/2009 (nhằm ngày 23/6 Âm lịch) tại Bệnh viện tỉnh Bình Phước.

Ông đã viết rất nhiều thơ từ trước 1975, “nếu in hết cũng khoảng 10 tập” -như chính lời A Khuê tâm sự. Tác phẩm thơ đã xuất bản có: Vàng bay (NXB Da vàng, Ðà Nẵng, 1970); Lùa bò trong sương (NXB Trẻ, TP.HCM, 1999).

Ðã ra nhiều album nhạc in chung, đáng kể nhất là album đầu tay Mặt trời đã lên (năm 2004), in chung với nhạc sĩ Bạch Cung Thạnh. Trong khoảng 10 năm qua, A Khuê đã hoàn tất bản thảo khoảng 300 ca khúc, nhưng rất tiếc là chưa có dịp công bố. Các ca khúc nổi tiếng của A Khuê là: Tình thiên thu, Nhánh hoa xưa, Bóng gương.

Mặt khác, được biết A Khuê sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha ông là danh thủ vĩ cầm Hoàng Liêu. Anh trai ông là nhạc sĩ Hoàng Lương. Từ nhỏ cha ông đã bắt ông học chơi vĩ cầm một thời gian. Thời thanh niên có lúc đi chơi nhạc kiếm tiền. Cuộc đời ông khá gian truân: Từ Quảng Ngãi, Ðà Nẵng, ông trôi giạt về Ðồng Nai, lập gia  đình và làm ruộng ở Sóc Trăng.  Từ 1998 ông sinh sống cùng vợ con ở thị xã Ðồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho đến lúc qua đời.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Một cây bút tên Ðàm Hà Phú có viết bài “Một chút vàng bay cho A Khuê”, ghi lại nỗi đau mất bạn, sau đây là một trích đoạn:

“Anh đi rồi, cầm bằng như cái điệu Về đây nghe em không còn da diết, cầm bằng như cái cảnh Lùa bò trong sương  không còn lãng đãng giang hồ, cầm bằng như mấy nghìn bài thơ, bài hát phút chốc, trong một khoảnh khắc của cuộc đời, trở thành Vàng bay trong gió.

“Tôi cũng làm thơ (ai mà chả từng làm thơ), làm văn nghệ của một thời tuổi trẻ ngông cuồng, đầy đam mê và hào hiệp. Tôi nhỏ hơn anh rất nhiều, ngày tôi khăn gói giang hồ đi thăm anh ở Bình Phước thì anh cũng đã dự cảm nhiều về cái chết của mình. Anh hiền lắm, người thật “tử tế” nói theo chữ của Sơn (Trịnh Công Sơn), câu duy nhất mà tôi nghe anh nói xấu ai đó là “tay ấy, kiến văn nó thấp”.

Nhà thơ, nhạc sĩ A Khuê – nguồn Người Việt

“Anh thua thiệt nhiều, quá nhiều nên anh nghèo lắm. Ðến tuổi về chiều mà một căn nhà đàng hoàng còn không có, anh ở trong một túp lều đúng với nghĩa đen của từ này, cùng người vợ và  những đứa con nheo nhóc, vất vả với đủ thứ nghề để sinh nhai trong cuộc người.

“Nhưng anh cũng giàu lắm, giàu bạn bè, giàu thơ, giàu nhạc và giàu tình cảm. Túp lều đêm đó, trên ngọn đồi đầy cỏ tranh, thành một lữ quán sang trọng cho những khách viếng thăm, thiết đãi nào rượu, nào thơ, nào nhạc, nào sương, nào gió… và cái tình nghĩa văn chương. Trái tim ốm đau của anh bỗng chốc như được bơm căng đầy máu nóng, như một cánh buồm no gió, tròng trành đưa chúng tôi đi. Một đêm đáng nhớ.”

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Một cây bút nữa tên là Ðông Kha ghi lại trên trang Nhacxua.vn

“Khoảng năm 2001, 2002, thi sĩ A Khuê đến sinh sống và làm việc ở Bình Phước, rồi tình cờ ông hay lui tới ở gia đình tôi, câu chuyện về bài hát Về Ðây Nghe Em cũng được chính ông kể lại. Thời điểm đó, A Khuê đã sáng tác hàng trăm ca khúc, nhưng vì điều kiện khó khăn nên không thể phổ biến, phát hành, ngoại trừ 1 bài khá nổi tiếng là Tình Thiên Thu, được các ca sĩ Trần Thu Hà, Mỹ Lệ hát. Giới văn nghệ sĩ sinh hoạt trước 1975 hầu như ai cũng biết tập thơ Vàng Bay của A Khuê được NXB Da Vàng Ðà Nẵng ấn hành lúc ông mới 22 tuổi. Trong tập thơ có bài Về Ðây Nghe Em nổi tiếng. A Khuê cùng với Phạm Phú Hải và Vũ Hữu Ðịnh (những bạn đồng ấu) lập nhóm tài tử tâm thi, dụng thơ như cuộc lãng du bụi cát của chính họ. Ba thi sĩ này từng được mệnh danh là “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” mà bạn bè hằng nhắc.

Ðặc biệt, khi bài thơ “Về Ðây Nghe Em” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc đã gây ấn tượng mạnh cả trên thi đàn Việt và ca khúc Việt đương đại qua giọng hát của Elvis Phương trong băng Shotguns.

Nhà thơ A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc. Năm 15 tuổi, ông yêu một cô gái tên Khuê. Tình yêu đầu đời để lại nhiều thương tiếc nên ông lấy tên đó để đặt bút danh cho mình. Thời điểm mới lập nghiệp ở Bình Phước, cuộc sống của ông rất khốn khó. Nhà thơ Trương Ðình Tuấn, một người bạn văn nghệ của A Khuê tại Bình Phước kể lại về cuộc sống khó khăn của A Khuê như sau: A Khuê dắt díu vợ con lên sinh sống ở Bình Phước, nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của anh em bạn bè văn nghệ. Miếng đất nhỏ nằm trên đồi cạnh Quốc lộ 14 được một người bạn cho, căn nhà nhỏ được xây sơ sài cũng do mọi người đậu tiền góp lại làm nên cho ông. Ðường hẻm vào nhà ông nhỏ hẹp và độ dốc cao nên bị nước mưa làm xói mòn khó đi, vất vả lắm xe máy mới leo lên được nhà của ông nằm khuất trong vườn điều trên đồi. Ngoài việc sáng tác nhạc, ông chẳng biết làm ra tiền. Mọi việc mưu sinh nhờ vào tay của vợ ông nấu rượu rồi đem ra hàng quán bỏ mối. Nghề nấu rượu do bạn của A Khuê là nhà thơ Nguyễn Quang Tấn từ Ðịnh Quán – Ðồng Nai qua truyền lại nghề, nhờ vậy gia đình của ông đắp đổi qua ngày qua một thời gian. Cuộc sống của đời nghệ sĩ túng thiếu khó khăn vì phải nuôi một bầy con nheo nhóc 7 đứa. Ông thường nói với bạn bè là ông có 7 đứa con đầy đủ 7 nốt nhạc. Tập thơ thứ nhất Vàng Bay xuất bản năm 1970, ông đã bán chiếc xe gắn máy để in thơ. Tập thơ thứ 2 – Lùa Bò Trong Sương của A Khuê nhờ bạn bè góp tiền lại để in cho ông. A Khuê cho biết là tiêu đề của tập thơ này ông đặt ra là do ông đã có thời gian đi chăn bò thuê ở Ðồng Nai. Cuộc đời của A Khuê được “đổi đời” từ khi bạn bè văn nghệ làm trong đài phát thanh truyền hình tỉnh Bình Phước đưa ông vào làm biên tập chương trình văn nghệ của đài. Từ đây ông được có lương tiền hằng tháng để được phần nào yên tâm sáng tác nhạc. Ông thức dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày, ông nói là khoảng thời gian này yên tịnh cho việc soạn nhạc. A Khuê bị bệnh tim từ trước năm 1975 và qua đời vì căn bệnh này năm 2009 lúc 61 tuổi, để lại sự bất ngờ và thương tiếc của những người bạn văn nghệ sĩ.” (Ðông Kha)

Xem thêm:   Đi thăm gian hàng sách Da Màu

Người giữ mục này ước mong châu đã về Hợp Phố. Thơ và nhạc của A Khuê phải được trả về A Khuê. A Khuê giờ đây không còn, Trần Quang Lộc cũng đã ra đi. Nhưng Về Ðây Nghe Em còn đó. Thơ và nhạc còn đó cho mãi đến mai sau.

N&B – Tổng hợp