Lâm Chương, sinh năm 1942 tại Gò Dầu Hạ Tây Ninh. Đi học muộn. Sau trung học, một mình ra miền Trung, vừa học vừa làm nhiều nghề. Nhập ngũ  khóa 24 Thủ Đức. Ra  trường, phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân. Sau 1975 tiêu phí 10 năm trong các trại ‘cải tạo’. Vượt biển năm 1987. Hiện định cư tại Boston, Massachusetts Hoa Kỳ. Khởi viết trong những năm cuối bậc trung học và đã trải ra một cuộc chơi dài trên các tạp chí ở miền Nam Việt Nam, và nối tiếp với những Văn, Văn Học,Thế Kỷ 21, Sóng Văn, Hợp Lưu, Phố Văn… tại hải ngoại

Tác phẩm đã xuất bản

Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (tập truyện Văn Mới 1998), C (tập truyện, Văn Học,1999), Loài Cây Nhớ Gió, (thơ. Khai Phá 1971), Đi Giữa Bầy Thú Dữ (Văn Mới 2001), Truyện Và Những Đoản Văn (Văn Mới, 2004)

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đã nhận định như sau trên facebook của mình: 

Lâm Chương không phải là một tên tuổi xa lạ trong văn giới và với bạn đọc.Thời trước 75 trong nước, ông là một trong những người viết có sáng tác xuất hiện khá đều đặn trên các tạp chí văn học nghệ thuật uy tín như Văn, Văn Học, Bách Khoa, Tư Tưởng, Vấn Đề… Thi phẩm Loài Cây Nhớ Gió xuất bản ở Sài Gòn đánh dấu một chặng đường sáng tác của Lâm Chương.

Chừng 3,4 năm đổ lại đây, những truyện ngắn đặc sắc của LC lần lượt xuất hiện trên báo chí văn học hải ngoại. Ngay cả khi chưa kết tụ thành hai tác phẩm Đoạn Đường Hốt Tất Liệt (Văn Mới xuất bản 1998) và Lò Cừ (Văn Học xuất bản năm 2000), những truyện ngắn đăng rải rác của ông cũng đã gây được nhiều tiếng vang. Có thể nói như Lương Thư Trung qua bài viết Vài Cảm Nhận Về Cách Viết Qua Truyện Ngắn Của Lâm Chương (Văn Học số 170, tháng 6-2000) là: chính cái bút pháp mới lạ, văn phong mới mẻ đã làm cho tác phẩm của LC trở thành một hiện tượng độc đáo trong sinh hoạt chữ nghĩa ở hải ngoại hiện nay.

Sau đây trang Tài Liệu Văn Học mời các bạn đọc lại một truyện ngắn đặc sắc của Lâm Chương: Lên Rừng Thăm Bạn.

NGUYỄN & BẠN HỮU

LÂM CHƯƠNG

Từ trên đồi cao nhìn xuống, giữa đại ngàn mênh mông xanh ngắt, đám rẫy của anh Khan nhỏ như một chiếc chiếu, màu nhạt lá non. Tôi lặn lội tìm đến giang sơn biệt lập của anh khi mùa bắp đang rộ trái. Lọt thỏm giữa đám rẫy là lều tranh. Giữa lều, treo một chiếc võng làm bằng bao bố. Những ngày ở đây, tôi ngủ trên chiếc võng này. Cái sạp tre để sát vách, chỗ ngủ hàng đêm của anh Khan.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðối diện vách bên kia, anh kê những viên đá làm 3 ông táo nấu ăn. Mọi thứ trong lều đều đơn giản. Phía ngoài, gần bên hông lều, một cái hố đang đào dở. Hố rộng bằng căn phòng nhỏ. Theo lời anh, còn phải đào sâu hơn nữa, khoảng hai thước.

Lúc mới đến, tôi hỏi: “Ðào hố để làm gì?”

Anh nói: “Bắt khỉ.”

Tôi ngạc nhiên: “Bắt khỉ?”

“Ừ , bắt khỉ.”

“Ðể ăn thịt?”

“Khỉ ốm, chỉ có da bọc xương. Thịt khỉ lại tanh, không ai ăn.”

“Không ăn thì bắt để làm gì?”

“Ðể đuổi khỉ.”

“Bắt khỉ để đuổi khỉ? Tôi không hiểu.”

“Cứ ở đây vài hôm thì hiểu.”

Anh Khan không giải thích. Có lẽ anh muốn dành cho tôi một lý thú bất ngờ.

Lâm Chương

o O o

Buổi sáng sớm, trời còn mát, và buổi chiều, khi mặt trời xuống lấp lửng trên đọt cây rừng, nắng cũng dịu bớt, tôi phụ anh Khan trong công việc đào hố. Anh xúc đất vào cái ki đan bằng nan tre. Tôi kéo đất lên, đổ chung quanh hố. Anh gầy nhưng sức dẻo và bền, tôi không bì kịp. Làm việc với anh, tôi đuối, phải nghỉ từng chặp. Những lúc tôi nghỉ, anh một mình xúc từng xẻng đất quăng lên. Anh làm đều đặn, khoan thai như đang tập thể dục dưỡng sinh. Ðối với anh, không có gì phải vội vàng. Anh quan niệm rằng con người lầm lẫn khi chạy đua với thời gian. Ðời sống ngắn ngủi mà một lúc muốn chụp bắt nhiều thứ. Và sau cùng, cái thứ mà họ không muốn chụp bắt đến với họ. Ðó là sự tử vong. Khi nằm ngắc ngoải, họ nghĩ lại và thấy rằng họ chưa kịp sống cho đúng nghĩa một người đã sống. Nghe anh bày tỏ cái quan niệm sống này, tôi rất chán, nhưng vẫn hỏi sống thế nào cho đúng nghĩa một người đang sống? Anh nói, không tham cầu, không chờ đợi, tận hưởng sự hiện hữu trong từng giây phút. Tôi hỏi tận hưởng luôn cả nghịch cảnh, và nỗi niềm đau khổ? Anh nói nghịch cảnh hay đau khổ là do tâm cảm. Tại sao không coi đó là sự thay đổi món ăn của tinh thần? Ðã từng ăn những món dở, mới biết thế nào là món ngon. Tôi cười, rằng tư tưởng anh được chắp nối một phần triết Ðông, một phần triết Tây. Anh nói, anh chẳng cần biết Ðông hay Tây. Anh sống theo kiểu của anh. Và anh cũng nói, tôi đã đến đây rồi, nên bỏ quên sách vở, để cho cái đầu được nghỉ ngơi thư thái.

Buổi trưa, lúc trời bắt đầu nắng gắt, tạm ngừng công việc đào hố. Tôi theo anh Khan đi kiểm soát chung quanh rẫy. Có những chỗ bị chồn, sóc cắn phá làm bắp hư hại. Và, vài nơi trên những luống khoai lang bị heo rừng ủi. Anh lần theo những dấu chân, để biết lối nào heo thường vào rẫy. Phải trừ khử những con heo phá hoại này. Anh Khan nói thế.

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

Tôi thấy chung quanh rẫy có treo những cái thùng thiếc, buộc lòng thòng thêm vài viên đá, và nối sợi dây dài đến lều.

Tôi hỏi: “Ðể làm gì?”

Anh nói: “Chuyện đơn giản thế này cũng không biết. Mãi chạy theo máy móc tinh xảo, lo tìm hiểu những chuyện xa vời tận mặt trăng mặt trời, đến lúc quay trở lại với đời sống thiết thực cận kề thì loay hoay, bối rối.”

“Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi.”

“Mùa bắp ra trái, thú rừng thường hay đến kiếm ăn. Nhất là khỉ, heo rừng, chồn, sóc phá hại mùa màng. Thú rừng rất sợ tiếng động. Lâu lâu, giựt sợi dây làm thùng thiếc khua động để thú rừng bỏ chạy.”

“Tôi coi trong sách vở, nói người ta làm những hình nộm, trông giống như người đang giữ vườn, để đánh lừa thú vật không dám đến gần.”

“Chẳng có sách vở nào nói hình nộm để đuổi thú. Hình nộm chỉ có tác dụng đuổi chim mà thôi. Trên những cánh đồng, mùa lúa chín, người ta làm hình nộm ở nơi trống trải, dễ nhìn thấy, để chim muông không dám đáp xuống ăn lúa. Còn đây là rẫy bắp giữa rừng, nhiều cây cối rậm rạp che khuất, làm hình nộm không có tác dụng với thú rừng.”

o O o

Tôi đến với anh Khan được 3 ngày. Lòng đã chán. Anh ít nói đến độ lầm lì. Sau những bữa cơm chiều, anh thường ngồi bập thuốc rê, trầm tư. Lưng anh hơi còng xuống. Trông giống một hình tượng cô đơn, im lặng ngồi chịu đựng với thời gian. Tôi nói với anh như thế. Anh chỉ mỉm cười, xa vắng. Tôi cố gợi chuyện, bằng cách hỏi tại sao anh tách rời vợ con, lên rừng một mình như người ở ẩn? Tại sao khi ra khỏi tù, anh vụt đổi thái độ và lối sống? Anh ngó mông ra rừng, nói chậm rãi, thỉnh thoảng dừng lại một lúc lâu để bập vài hơi thuốc. Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã đi qua, thật kinh khủng. Chiến tranh như con quái vật khổng lồ, theo nó thì bị nó ăn nuốt, cưỡng lại thì bị nó chà đạp. Ðàng nào cũng chết, chỉ có điều chết trước hay sau mà thôi. Anh may mắn chưa kịp chết thì chiến tranh chấm dứt, bước sang giai đoạn khác. Trong tình thế mới, anh bị đẩy vô tù. Ở tù đã khốn nạn, nhưng ở tù dưới chế độ được mệnh danh là ưu việt, lại càng khốn nạn hơn. Những con người của chế độ ưu việt này, đã phát triển đến cao độ cái tính nham hiểm và gian trá. Họ biến tù nhân thành những con ma đói, và hạ xuống ngang hàng với súc vật. Ðiếu thuốc đã tàn, anh Khan ngừng lại vấn thêm điếu khác. Lúc nào cũng có điếu thuốc đang cháy khi anh nói, và anh cứ bập hoài, như để trấn an một nỗi niềm, hay để suy nghĩ, gạn lọc từng câu. Ngày anh được thả ra khỏi nhà tù, có người bạn cùng chung cảnh ngộ, kể cho anh nghe hai câu chuyện ngụ ngôn, gọi là chút quà tiễn bạn, làm vốn sống khi ra khỏi địa ngục.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Truyện một: Có một thương gia giàu có, hay đi buôn bán nhiều nơi, gom góp những vật quý trong thiên hạ về làm của riêng. Trong số những vật quý này, có con sáo biết nói tiếng người. Một hôm, người thương gia nói với con sáo rằng: “Sáo ơi, ta có việc sắp đi ngang qua quê hương thuở trước của mày. Vậy, mày có gì nhắn cho bạn cũ ở đó, ta chuyển lời cho.” Con sáo nói: “Ông chủ làm ơn cho tôi gởi lời thăm các bạn, và hỏi chúng có nhắn gì cho tôi hay không.” Khi đến quê hương của con sáo, người thương gia ngước nhìn lên vòm cây, nơi có đàn sáo đang đậu, ông nói: “Ðàn sáo ơi, con sáo quý của nhà ta, gởi lời thăm chúng bây. Và hỏi chúng bây có nhắn lại lời gì cho nó hay không?” Ðàn sáo im lặng. Người thương gia đứng chờ một lúc. Và lạ thay, từ trên cây, đàn sáo rớt xuống chết hàng loạt.

Người thương gia trở về, con sáo của ông hỏi: “Ông chủ ơi, các bạn tôi thế nào?” Người thương gia nói: “Ta đã chuyển lời thăm của mày, hỏi chúng có nhắn gì cho mày không, chúng chỉ im lặng. Và sau đó rớt xuống chết như bị lời trù rủa ghê gớm.”

Ngày hôm sau, người thương gia thấy con sáo quý của mình nằm chết trong chuồng. Ông xách con sáo vất ra ngoài như một thứ đồ bỏ. Bỗng, con sáo vỗ cánh bay đi mất, trước sự ngạc nhiên của người thương gia.

Dứt chuyện thứ nhất, anh Khan nhìn tôi chờ đợi một sự góp ý. Tôi hỏi ý nghĩa chỗ nào? Anh giải thích, con sáo bị nhốt trong lồng vì nó có giá trị. Giả chết là một cách đánh lừa người thương gia, rằng nó không còn giá trị nữa. Nhờ thế mà nó thoát được sự giam cầm. Trong chế độ ưu việt này, người nào tỏ ra có giá trị, sẽ bị theo dõi dòm ngó. Nếu không dùng được, họ tiêu diệt, chứ không cho sống. Tốt nhất là giả ngây khờ, chẳng ai thèm để ý, sẽ được yên thân. Tôi mừng vì anh Khan đã bắt đầu tỏ thái độ cởi mở, ít ra anh cũng không còn giữ thế thủ với tôi. Còn chuyện thứ hai, tôi hỏi.

(còn tiếp một kỳ)