Những Giọt Mực’ của Lê Tất Ðiều xuất bản năm 1970 tại Miền Nam là một tác phẩm đặc sắc viết cho tuổi thơ, tới hôm nay vẫn còn được nhắc tới. Sau đây mời quý độc giả cùng nhìn lại qua phân tích và nhận định của nhiều nhà.

Trước hết, trang văn học Khai Tâm đưa ra nhận định:

“Dễ thương, dí dỏm, hài hước và sâu sắc… Những Giọt Mực, món quà của Lê Tất Ðiều dành cho các em thiếu nhi nhưng những ẩn dụ từ mỗi câu truyện nhỏ làm người lớn cũng phải ít nhiều suy ngẫm.

Qua cái nhìn nhân ái của nhà văn, mỗi đồ vật trong phòng học của một chú bé đều có đời sống và những suy tư riêng như Tình bạn của đôi guốc, Trung thu của bác đèn xếp, Diều giấy mắc nạn, Tờ lịch đầu tháng, Những giọt mực, Tâm sự bác đinh già, Những mũi tên trưởng thành, Một chút anh hùng, Ô đen đi du lịch, Cơn giận của bác đồng hồ, Lão dao sắc.

Thật tội nghiệp khi Ông Bàn liên tục càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông: “Ông già rồi, mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh tím, dung nhan tàn tạ. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá”. Ðó là chưa kể đến tuổi già, ông bị cái bệnh “mọt ăn trong xương” ngày càng trở nặng. Mỗi vật dụng có một số phận khác nhau. Ông Cung Tên là một kẻ “quý phái, nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm chinh chiến”. Có lẽ cô đơn nhất phòng là Bác Ðèn Xếp vì cả năm chỉ làm việc có một ngày: dịp Trung thu. Cụ Sách thì cực kỳ thông tuệ, uyên bác và là nhân vật được nể trọng nhất phòng bởi cụ có cả một kho kinh nghiệm với bốn trăm hai mươi trang sách trong mình. Còn chàng Guốc “quê mùa, cục mịch” thì sao? “Một chiếc guốc cô đơn là chiếc guốc hoàn toàn vô dụng”. Vì thế anh quyết định đi tìm bạn “dù nguy hiểm tôi cũng phải đi tìm. May mắn gặp được nó, chúng tôi trở lại là đôi guốc có ích. Nếu không gặp, tôi cũng yên tâm rằng những ngày cô đơn tôi đã không sống như một kẻ tàn phế”. Thật cảm động, sau quyết tâm đó, chàng Guốc lặng lẽ phóng mình xuống đường mương. Chàng biến rất nhanh trong mưa mù và bóng tối.

Rõ ràng dù số phận khác nhau nhưng vật dụng nào cũng muốn cuộc sống của mình thú vị và phải có ích. Nhà văn Lê Tất Ðiều đã nghĩ ra một tình huống thật hay: bác Ðèn Xếp chấp nhận cháy sáng tới mức đốt cháy cả thân mình để cho ông Cung Tên có thể trông thấy và bắn chết con chuột, giải cứu Cụ Sách.

Là tập sách viết cho thiếu nhi nên tính giáo dục là “cảm hứng chủ đạo” của tác giả. Ta hãy nghe lời Ông Bàn an ủi nỗi buồn của ba giọt mực cuối cùng còn lại dưới đáy bình: “Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ” và “đã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó trên thế gian”.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Còn đây là lời dặn dò của tờ lịch ngày Ba Mươi Mốt tâm sự tờ lịch ngày Mồng Một: “Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Ðời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào”.

Những giọt mực gồm 11 truyện ngắn đồng thoại dễ thương, dí dỏm, hài hước và sâu sắc như: Trung thu của bác đèn xếp, Tình bạn của đôi guốc, Diều giấy mắc nạn, Tờ lịch đầu tháng, Những giọt mực, Tâm sự bác đinh già, Những mũi tên trưởng thành, Một chút anh hùng, Ô đen đi du lịch, Cơn giận của bác đồng hồ, Lão dao sắc.

Nhà thơ Du Tử Lê trên trang Người Việt Online ngày nào cũng đã có cái nhìn ưu ái đối với tác phẩm:

“Những Giọt Mực” được nhà văn Lê Tất Ðiều viết trước năm 1975, là câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đối thoại giữa các tĩnh vật. Ba giọt mực cuối cùng trước giờ phút đông khô lại đã buồn bã vì cho rằng cuộc đời mình chẳng có ý nghĩa. Khi ấy, ông Bàn mới khuyên nhủ: ‘Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ’, để hàng triệu triệu giọt mực khác ghi dấu trên thế gian.

“Chọn những tĩnh vật để gửi gắm nhiều thông điệp cuộc sống, Những Giọt Mực không chỉ là tác phẩm viết cho thiếu nhi mà đến người lớn cũng cần suy ngẫm.

“Từ Mỹ, nhà văn Lê Tất Ðiều đã gửi lời bộc bạch sâu sắc: ‘Hơn 40 năm trước, tôi viết Những Giọt Mực dành cho độc giả thiếu nhi trong thời đại mình, không mơ ước điều gì quá xa xôi hơn. Rồi khi cuốn sách được quan tâm ở thời điểm ấy, tôi đã từng nghĩ giá như tác phẩm được nối dài qua nhiều thế hệ. Ước mơ ấy cũng dần tàn lụi trong những cuộc bể dâu, không thể ngờ hôm nay được Giải thưởng Sách Hay đã làm cho Những Giọt Mực tái sinh.’” (Nđd)

Bộc bạch của họ Lê cho thấy, “Những Giọt Mực” không chỉ là một trong những tác phẩm quan trọng của sự nghiệp sáng tác, mang tính “lịch sử” khi nó là tập truyện đầu tiên của văn học Việt Nam, nhân cách hóa những đồ vật quen thuộc, thông dụng của nếp sống gia đình người Việt mà, nó còn là một thành tựu lớn của trái tim nhà văn dành cho độc giả thiếu nhi, mang tính giáo dục; đồng thời cũng là những nhắc nhở cho tất cả mọi lứa tuổi độc giả về mục đích hay ý nghĩa cuộc sống của một đời (rất ngắn ngủi).

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Cụ thể với truyện “Tờ Lịch Ðầu Tháng” có trong “Những Giọt Mực” thì, ngay tự những dòng chữ đầu của truyện, ông đã nhấn mạnh:

“…Ðời sống chúng ta rất ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào…”

Nhưng tất cả 11 truyện trong “Những Giọt Mực” không hề là một thứ “Gia Huấn Ca”! Trái lại, chúng rất hấp dẫn, quyến rũ trong tương tác rất nhiều hình ảnh mượt mà, đầy thi tính, như:

“…Nắng đầy cửa sổ, nắng tràn trên sân nhà. Chị Rèm cửa nép mình một bên vẫn hồng lên rực rỡ. Hàng muôn ngàn hạt bụi đuổi nhau tung tăng, sưởi mình trong nắng. Chúng giống hệt những tinh cầu trong vũ trụ của một chú búp cùng bé nhỏ. Bác Gió, sau một đêm du hành trong không gian mênh mông đem về cho bình minh một chút quà lành lạnh của sương đêm mùi thơm dịu dàng của cây trái cỏ hoa…”

Hoặc:

“…Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Ðàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây Nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh Nến vàng tươi…” (Nđd)

Xen kẽ những đoản văn như thơ là những mạch chảy ấn tượng về sự tương tác, như những mạch máu không thể thiếu vắng của đời sống hợp quần. Bắt đầu từ những bước chân thứ nhất, khởi sự một đời người trong tương quan thiết thân với nhân quần, xã hội. Từ đó, tác giả lưu ý chúng ta về vai trò, sự phân công xã hội cho mỗi cá nhân, hay giá trị nhân sinh của mỗi hiện diện…”

Những Giọt Mực cũng đã đoạt giải sách hay năm 2013 của Nhà Sách Phương Nam ở Sài Gòn. Tin của trang Khuyến Ðọc Sách Hay ghi nhận:

Trong số những tác phẩm đoạt giải thưởng Sách Hay mùa giải 2013, ở hạng mục Thiếu nhi, tập truyện Những giọt mực của Lê Tất Ðiều (Phương Nam Book và NXB Văn hóa – Văn nghệ) được chọn là một trong hai cuốn sách Văn học thiếu nhi hay nhất trong năm đã gây bất ngờ, thú vị, bởi đây là tác phẩm thiếu nhi quen thuộc được yêu chuộng tại miền Nam từ thập niên 70. Ðồng thời, Những giọt mực thể hiện cái nhìn mở, như Ban tổ chức đã nêu: “… để nói lên tinh thần hòa hợp, không phân biệt Nam Bắc, không phân biệt văn học-nghệ thuật trước hay sau giải phóng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài”.

Ðọc ‘Những giọt mực’, chúng ta cảm giác như được dẫn dắt phiêu bồng ra khỏi thế giới thực dụng, nhiễu nhương. Mỗi truyện ngắn đều có những ẩn dụ nhỏ, nên thơ, mang lại người đọc dù trẻ thơ hay người lớn ít nhiều suy ngẫm. Không gian nơi đây là cái phòng riêng của một cậu bé với bao thứ đồ vật lỉnh kỉnh: từ cây nến, cái búa, cái đèn xếp cũ, con diều giấy, đôi guốc mộc, những giọt mực, đến cái ghế, bàn, bức tranh, cuốn sách. Khi đêm đã về khuya thì cũng là lúc con người hiếu động nhường chỗ cho đồ vật lên tiếng. Ðó là sự hy sinh cao cả của Bác Ðèn Xếp để cứu Cụ Sách bị chuột gặm gáy; Bác Ðèn Xếp – kẻ bị bỏ quên cả năm trời (trừ ngày Trung thu) để soi đường cho ông Cung Tên bắn kẻ định mưu sát Cụ Sách – đã gồng mình cháy sáng để cuối cùng bị thiêu rụi. Ðó là nỗi buồn của ba giọt mực cuối cùng còn đọng dưới đáy bình, lo lắng: “Ðã là mực, phải được ghi một vết ở đâu đó trên thế gian”.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Thế rồi, ông Bàn chỉ cho ba giọt mực những ý nghĩa và niềm kiêu hãnh: “Mỗi thế hệ đều có ít nhất ba giọt nằm dưới đáy, nâng các giọt mực khác lên cao. Sau đó, những giọt hy sinh khô đi trong lặng lẽ”, và hàng tỷ chữ, hằng hà sa số hình vẽ trên thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình. Ðó là lời dặn dò của tờ lịch ngày 31 tâm sự với tờ lịch ngày mồng 1: “Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Ðời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào”…

Bằng những tiêu đề rất gắn bó, gần gũi với tuổi thơ, tác giả lần lượt đưa người đọc vào sinh hoạt chung với các đồ vật có đầy đủ những tính tốt cũng như tật xấu của loài người: có hy sinh, có ghen tị, có cao cả, có thấp hèn, có bao dung, phản bội, mơ mộng, trầm tĩnh.

“Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi nhìn quanh mình mỉm cười thích thú, tưởng như các đồ vật quanh mình xì xào to nhỏ, tưởng như cuộc sống trở nên phong phú lạ thường, tưởng như mình hết còn cô độc. Và bây giờ người đọc hiểu tại sao bé gái này có thể nói chuyện suốt ngày với con búp bê bất động, bé trai kia có thể bầu bạn không chán với cả những cục gỗ viên gạch. Cả thời thơ ấu lộ ra trong tâm trí quá mỏi mòn bởi những chen đua vật lộn thường ngày…”, tác giả Ngàn Cánh Hạc nhận xét.

 N& BH – Tổng hợp