Võ Hồng là nhà văn rất được yêu mến trước 1975. Và cả sau này nữa. Tác phẩm ông để lại khá nhiều, gồm truyện dài và truyện ngắn. Người đọc tìm thấy trên những trang viết của Võ Hồng những ý tưởng nhân hậu và những cảm xúc đằm thắm. Sau đây mời các bạn đọc tìm hiểu cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn qua một bài viết in trên Trang Nhà Quảng Đức. Đồng thời đọc bài thơ Di Ngôn cảm động của Võ Hồng.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Võ Hồng (tên thật cũng là bút danh) sinh ngày 05.05.1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên. Thuở nhỏ học trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi học trường trung học Qui Nhơn. Năm 1940 học tú tài ở Hà Nội. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, Võ Hồng từng làm bí thư toà Tổng Ðốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến, ông làm Trưởng Ty Bình dân học vụ tỉnh Phú Yên (1949). Ông cùng vợ dạy học ở trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên) sau ông làm hiệu trưởng trường này. Từ 1956-1975, ông dạy ở trung học bán công Lê Quý Ðôn và sau đó làm Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập, Nha Trang đến 1978, nghỉ hưu.

Cuộc sống đơn chiếc đeo đuổi Võ Hồng từ ngày vợ mất, mái gia đình sum họp trở thành dĩ vãng xa xôi. Từ khi các con trưởng thành, lần lượt rời bỏ ngôi nhà sinh trưởng, cuộc sống của ông chỉ còn là hiu quạnh. Vắng bóng vợ, xa cách con cái… Cuộc sống của ông quạnh quẽ trong ngôi nhà nhỏ.

Võ Hồng cầm bút khá sớm, truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy (Hà Nội, 1939) với bút hiệu Ngân Sơn, khi ông còn là học sinh đệ tam. Mãi đến 1959 Võ Hồng mới thật sự gia nhập làng văn qua tác phẩm đầu tay “Hoài cố nhân”.

Sau 1975 Võ Hồng thường viết về đề tài giáo dục và tuổi thơ, sống ẩn dật. Thời gian này ông còn ký 2 bút hiệu khác: Võ An Thạch và Võ Tri Thủy.

Nhà văn Võ Hồng 

Võ Hồng đã xuất bản hơn 8 tiểu thuyết, truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình. Sự nghiệp văn học của ông sống qua mọi thời đại vì nó luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên. Các tác phẩm chính của Võ Hồng:

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Truyện ngắn: Hoài cố nhân, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Trầm mặc cây rừng, Trong vùng rêu im lặng…

Truyện dài: Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao…

Tuyển tập: Áo em cài hoa trắng, Trận đòn hoà giải, Xuất hành năm mới, Mái chùa xưa, Chia tay người bạn nhỏ, Hồn nhiên tuổi ngọc…

Võ Hồng ngụ trong ngôi nhà số 53 Hồng Bàng, TP Nha Trang. Cả cuộc đời ông vẫn là một nhà giáo và một nhà văn. Với ông, viết và được viết vẫn là điều hứng thú.

Trước cổng nhà Võ Hồng có treo tấm bảng nhỏ: “Kéo dây gọi Võ Hồng”, cạnh đó là sợi dây kẽm nối ba chiếc lon sữa bò rỉ sét. Khi khách kéo sợi dây, những chiếc lon khua vào nhau phát ra âm thanh leng keng như tiếng đuổi chim. Từ trên căn phòng nhỏ, Võ Hồng bước xuống. Khi tiễn khách, bao giờ cũng vậy, dù khách đề nghị ông cứ ở trong nhà, nhưng ông vẫn ra tận cổng để tiễn đưa. Nhiều người gọi ông bằng bác, chú, anh, nhà văn… nhưng có một từ mà ông thích được gọi: “Thầy”.

Võ Hồng gần như sống lặng lẽ một mình ở ngôi nhà đó. Sáng hoặc chiều ông thường ngồi trên chiếc võng nhỏ. Võ Hồng tỏ ra rất hứng thú khi nói chuyện với những ai đến với ông. Khi đã đến ngôi nhà này, khách văn nhận ra ngay đây là nơi mà những trang văn của Võ Hồng đã mô tả: mảnh sân, bóng cây và cả tiếng vọng đến từ hàng xóm!


di ngôn

 

Sau khi tôi chết

Xin giữ y nguyên giùm mọi dấu vết

Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi

Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời

Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt

Kia chồng sách không bao giờ ngăn nắp

Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi

Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Ðợi một người đi không hẹn trở lại

Hun hút đường dài… vun vút xe qua

Những dáng ngược xuôi… những cặp hẹn hò

Bầy chó lang thang… hàng cây đứng lặng

Chia sẻ nỗi niềm: từng ngôi sao xa

Người đi không về. Giờ đang nơi đâu?

Cực lạc non Bồng hay cõi Diêm phù

Ðêm trắng trải dài… Mỏi mòn đêm trắng

Canh hai… canh ba… từng canh qua mau

Cho đến một ngày kia…

tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ Hạnh phúc yêu thương…

Băng giá mây mù…

Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó

Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

(Võ Hồng, 2013)

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Võ Hồng bận dạy học nên ít có thời giờ dành cho việc viết lách. Ông lại còn phải lo săn sóc con, lo coi sóc việc nhà. Vợ ông mất sớm (1957), mọi việc vặt: mua sữa, mua gạo, mua sắm cho con, đưa con đi bác sĩ… ông đều phải tự làm. Võ Hồng thường viết được nhiều nhất vào buổi tối, chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ Nhật. Với điện ảnh, Võ Hồng thích những phim xã hội tình cảm. Cải lương thì ông thích nghe giọng ca của Thanh Nga. Về tân nhạc, Võ Hồng yêu tiếng hát của Hoàng Oanh rộng và ấm làm ông liên tưởng đến tiếng hót của chim cưỡng. Ông đặc biệt yêu thích bản nhạc «Ai lên xứ hoa đào». Dù đang làm việc mà nghe ai mở dĩa hát bài đó là anh ngưng việc, nghe đến hết bài. Là nhà văn nhưng Võ Hồng lại ít uống cà-phê. Ông thích uống trà hơn, nhất là trà xanh. Tửu lượng của ông rất kém. Chỉ uống một ly bia đã đỏ mặt!

Võ Hồng có thói quen nằm trong giường để viết. Ông đặt bản thảo lên một tấm các-tông nhẹ nghiêng nghiêng, viết bằng bút máy. Ông cũng viết ở ghế xa-lông, nằm ở ghế dựa đặt dưới gốc cây trứng cá, dưới bóng cây ổi, cây mận. Luôn có những cánh hoa rơi trên tóc, trên áo, trên trang giấy, trên mặt đất xung quanh… Khi viết bản thảo, Võ Hồng thường viết chữ rất nhỏ, viết nhanh.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Tác phẩm Võ Hồng khắc hoạ cảnh sinh hoạt của nông thôn và đô thị miền Nam trong giai đoạn từ thập niên 1930 đến sau này, đậm nhất là vào các thập niên 40, 50, 60, 70. Khi viết những bài nho nhỏ về tình cha mẹ, tình thầy trò, Võ Hồng nói ao ước: “Phải chi mọi người được đọc những bài viết này, họ sẽ yêu thương quý mến cha mẹ, thầy cô hơn xưa nữa!”. Võ Hồng như thế đó!

Trong bài “Hương hoa không bao giờ phai nhạt” (TTCN 18.10.2003) GS Trần Hữu Tá viết:

“…Khi đọc truyện của Võ Hồng, cái buồn dịu dàng như cứ phảng phất đâu đây. Nhưng thật kỳ diệu, tâm trạng của người đọc không bị chùng xuống, yếu đi, mất lòng tin vào cuộc sống, mà ngược lại, như bình tĩnh, thanh thản hơn. Bởi lẽ nhà văn như muốn gửi tặng người đọc một điều trải nghiệm: dù trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, con người vẫn có thể tìm được một hạnh phúc giản dị nhưng cần vô cùng, miễn là ai cũng luôn có thái độ cảm thông, có sự tôn trọng yêu thương nhau, quan tâm chu đáo, hết lòng vì nhau.

Thông điệp đậm chất nhân văn “người yêu người, sống để yêu nhau” như nói ở trên đã là nguồn cảm hứng tưởng như không vơi cạn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài hơn nửa thế kỷ của Võ Hồng. Thông điệp ấy được ông chuyển tải một cách tự nhiên, chân thành, bằng một lối diễn đạt tinh tế, trong sáng, trau chuốt và đậm chất thơ.

Ít có nhà văn nào nghiêm khắc với văn của mình như Võ Hồng. Vì thế tôi có cảm giác mỗi tác phẩm của ông như một tiếng đàn độc huyền, rung lên rồi cứ ngân vang không dứt trong tâm tưởng người đọc giữa đêm vắng».

N&BH

Nguồn: Trang Nhà Quảng Đức