Giáo sư Cao Huy Thuần, đã từ trần đêm 7 tháng 7-2024, tại bệnh viện Antony (Pháp), sau một cơn trọng bệnh, hưởng thọ 87 tuổi. Anh ra đi an nhiên, trong vòng tình thương của gia đình và lời cầu kinh của thầy Thích Thiện Niệm.

Cao Huy Thuần sinh năm 1937 tại Huế. Tốt nghiệp Đại học Luật và làm giảng viên đại học ở quê nhà. Năm 1964, Thuần sang Pháp du học. Năm 1969, hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cộng đồng Châu Âu tại Đại học Picardie.

Cao Huy Thuần là một học giả có khả năng truyền tải sự hiểu biết của mình một cách khéo léo qua từng trang sách. Những tác phẩm của giáo sư Cao Huy Thuần xuất bản tại Việt Nam đã lôi cuốn bạn đọc nhiều thế hệ. Có thể kể một vài tác phẩm tiêu biểu: “Nắng và hoa”, “Đến với Phật cùng tôi”, “Người khuân đá”, “Sen thơm nắng hạ quê mình”, “Im lặng như lời chia tay”…

Cao Huy Thuần là bạn một thời của Nguyễn này. Ấy là những năm ở Quốc Học -khoảng giữa những năm 1950. Có sân trường, lớp học, mái ngói nâu, hoa phượng đỏ và những con đường rợp bóng cây và những chiếc xe đạp học sinh, bay lượn những tà áo trắng. Chung quanh còn có Cao Huy Thuần, Tạ Ký, Hoàng Nguyên, Đỗ Kim Bảng, Phạm Mạnh Cương, Lữ Hồ… cùng vô số nhan sắc lừng lẫy một thời. Sau Trung học, Nguyễn tôi còn gặp Cao Huy Thuần ở Trường Luật Sài Gòn. Sau đó, Cao Huy Thuần về Huế dạy Đại Học và ra tờ Lập Trường có khuynh hướng Phật Giáo chống chính quyền VNCH. Một thời tờ Lập Trường làm mưa làm gió và mục Chén Thuốc Đắng do Cao Huy Thuần phụ trách đã như một lưỡi gươm sắc. Rồi Cao Huy Thuần sang Pháp và ở lại đó ròng rã 60 năm. Chính ở Pháp xứ sở của tự do nhân văn, Thuần đã viết một loạt sách đượm tinh thần Phật Giáo và không khí Thiền khiến Nguyễn này tràn lòng ưa thích và ngưỡng mộ. Một tác giả nhận xét: Tác phẩm của giáo sư Cao Huy Thuần dành cho những ai thích suy tư. Biên độ thẩm mỹ luôn mở rộng trong cách ông nhìn và cách ông nghĩ buộc độc giả phải bâng khuâng, phải thao thức.

Giáo sư Cao Huy Thuần  

Biết Đỗ Hồng Ngọc có liên lạc với Cao Huy Thuần, Nguyễn tôi gởi lời thăm hỏi bạn. Và bạn từ bên trời Tây hồi đáp ngắn gọn: “Hồi ở Quốc Học Huế chỉ thấy Nguyễn Xuân Thiệp tối ngày đạp xe và làm thơ.”

Nay nghe tin Thuần mất lòng này chợt bồi hồi xúc động. Cả một thời lung linh nắng gió và màu hoa phượng chợt sống lại. Vì vậy mới có những dòng viết này -như một nén hương thắp từ xa.

Xem thêm:   Vài nét về văn chương Phùng Nguyễn

Sau đây là bài viết của ĐỖ HỒNG NGỌC tưởng nhớ Cao Huy Thuần.

Khi anh Cao Huy Thuần gởi tôi tập Im Lặng, như lời chia tay…, tôi nghĩ: chắc là “Im Lặng thở dài…” đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? Nhưng không. Cao Huy Thuần nói về “chia tay mà không biệt ly”…

Nhưng đâu là cách chia tay mà không biệt ly? Cao Huy Thuần dẫn bài thơ Feuille morte (lá chết) của Hermann Hesse, tác giả của  Siddhartha (novel). Anh “phát hiện” một điều thú vị: người Việt không ai nói “lá chết” mà nói “lá khô”, “lá rụng”. Quét lá rụng, quét lá khô, không ai nói quét lá chết như ngôn ngữ Pháp, Đức. Bởi vì, lá không bao giờ chết. Nó khô, nó rụng, rồi nó tái sinh thành lá búp lá non (Im Lặng, CHT).

“Chân lý” ấy do hai con sên của nhà thơ Jacques Prévert trên đường đi dự đám tang một chiếc lá chết, tựa là: “Bài ca hai con sên đi dự đám tang”.

Hai con sên đi đưa

Đám tang chiếc lá chết

Hai cái vỏ thì đen

Hai sừng băng trắng hết…

Hỡi ôi khi chúng đến

Mùa xuân đã đến rồi

Bao nhiêu lá chết xong

Tất cả đều lại sống

Hai chú sên trở về

Với xiết bao cảm xúc

Lòng tràn ngập hân hoan

Và vô biên hạnh phúc…

Giáo sư Cao Huy Thuần

Ôi, làm sao hai chú sên đi dự đám tang chiếc lá chết buồn xo giữa mùa thu… mà nay lòng lại tràn đầy hân hoan, hạnh phúc? Ấy bởi vì chúng là sên. Chúng “bò như sên”! Bò hết cả mùa đông, chưa kịp đến nơi mà xuân đã về rồi! “Bao nhiêu lá chết xong/ Tất cả đều lại sống…”.

Tiễn mùa thu thì gặp mùa xuân. Tiễn cái chết thì gặp cái sống. Tiễn ảm đạm thì gặp tưng bừng. Hai con sên chia tay mà chẳng biết biệt ly là gì! (Im Lặng, CHT).

Cao Huy Thuần nói: “chúng chẳng có cả khái niệm…”. Dĩ nhiên, Cao Huy Thuần đang nói về Kinh Kim Cang! Khi ta mà biết sống “ly niệm”, khi ta không còn bám chấp vào khái niệm… thì “trí bất đắc hữu vô”. Thong dong. Tự tại.

Descartes nói “Je pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Ta cũng có thể bắt chước nói: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn tồn tại đó chứ, sao không? Tôi lúc đó trở lại trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai, Tathagata garbha) đó chứ!

Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, sống trong Như Lai tạng thì ta cũng có thể nhận ra cái “vô tướng” – bỗng “hiện tướng” đùa vui giữa chốn Ta-bà chút vậy thôi.

Xem thêm:   Đọc ‘Sài Gòn năm xưa’ của Vương Hồng Sển...

Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận. Cao Huy Thuần đang bay.

Đường bay của hạnh phúc. Lấp lánh ánh vàng! ĐỖ HỒNG NGỌC.

Và sau đây là lời chia tay của HUỲNH NHƯ PHƯƠNG.

Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà. Phải chăng những cuốn sách triết luận và tùy bút của ông cũng là để chuẩn bị cho cuốn Im lặng – như lời chia tay này?

Trong một lá thư gần đây, Giáo sư Cao Huy Thuần tâm sự: “Như một cái hoa, tôi đã im lặng nở. Như một cái hoa, tôi nghĩ sẽ im lặng tàn. Từ đó, trong im lặng và cô đơn, cùng với bước chân đi dần đến điểm hẹn cuối cùng, điểm hẹn với im lặng cuối cùng, tôi tìm chút vui với thơ văn để viết về im lặng. Thực sự không cốt để làm gì, chỉ để sống qua ngày với mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, vô tích sự. Mơ mộng hơn một chút, tôi nghĩ về im lặng của cánh hoa rụng: trong im lặng, chắc nó cũng biết chia tay với bao nhiêu cánh bướm. Tôi cũng phải chia tay với bao nhiêu bạn bè. Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…” (Trích thư 04-10-2022). HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Và đây, lần nữa với ĐỖ HỒNG NGỌC.

Đọc tập tản văn Sen Thơm Nắng Hạ Quê Mình (Khai Tâm và Nxb Tri Thức) của Cao Huy Thuần, với tôi, hay nhất là Người đưa đò – câu chuyện của Lucien de Samosate (120-180), gần 2000 năm trước được tác giả chọn dịch và sáng tác thêm phần “ngoại truyện”.

Tác phẩm là cuộc trao đổi giữa thần Mercure và Charon- người đưa đò chở người chết qua sông chia cách âm dương… Charon than phiền có những xác chết nặng chình chịch, làm đò chìm, người chết phải rơi vào địa ngục và có những xác chết nhẹ tênh… Mượn chuyện xưa nói chuyện nay là tài của Cao Huy Thuần. Người đời có hai hạng, hạng sống mà không thấy Charon lúc nào cũng đứng chực sẵn một bên, tham sân si, lúc chết thì cũng ôm quá nặng, đò chìm. Chỉ một số ít khác nhẹ tênh, nhờ thấy cái gì trên đời cũng nhẹ nhàng, cũng đẹp, cũng đáng ngạc nhiên, nhìn đâu cũng thấy ân huệ của cuộc sống…

Tôi có hơi tiếc một chút: giá mà anh dịch theo giọng xưa của 20 thế kỷ trước thì nỗi đau sẽ càng đau hơn, nhưng anh có lý của anh, dùng ngôn ngữ hiện đại cho ai cũng hiểu.

Xem thêm:   Nhớ lần gặp nhà văn Mai Thảo ở Quy Nhơn

Trong nhiều tản văn đầy tính triết học uyên thâm, Giao thừa, Chữ của tôi, Trí tuệ và lòng tin, Sóng và biển, Mẹ tôi, Thúy Kiều và… tôi… là những trang viết ấn tượng; riêng Thì thầm bàn về “Bát Nhã”, “Bát bất”, về “Có Không” viết rất khéo, rạch ròi và thuyết phục, thấm đẫm “Trí bất đắc hữu vô/ Nhi hưng đại bi tâm” (Trí chẳng đắc có không/ Mà hưng khởi tâm đại bi).…

Nhưng Quả trứng (Thay lời tựa) mới đúng là Cao Huy Thuần. Như một gởi gắm, một tạ từ, bởi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội…”.

Bỏ qua một bên chuyện “sứ mệnh văn nghệ” xa vời, bỏ qua một bên giảng đường đại học, giờ đây còn một chút này:

“Xa xôi, lữ thứ, cuối đời nghĩ lại quả trứng ngày xưa, cái hạnh phúc vô biên được cắn vào quả trứng đầu tiên trong đời nghèo khó, mơ màng tưởng như cắn cả buổi trưa, cắn cả phố chợ, cắn cả nguồn cội, cắn cả quê hương…”

Bởi từ những ngày thơ dại ai mà chẳng nghêu ngao Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng…Thế rồi khi dấn bước vào đời ta đã quên bài học cũ, mải mê tìm kiếm một búp sen vàng sen bạc rực rỡ hào quang ở tận chân trời góc biển. Cho đến một hôm giật mình: thì ra cái Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng kia rốt cuộc cũng chỉ là Nhị vàng bông trắng lá xanh đó thôi. Chẳng thêm chẳng bớt. Đóa sen của thiên thu vẫn lung linh giữa gió và nước, giữa đất và bùn, vẫn tủm tỉm cười, vẫn ngát hương thơm…

Cao Huy Thuần viết: “Tôi tương tư mùi đất ruộng. Tôi tương tư làng tôi. Tôi tương tư nước tôi. Càng già, càng trở về với quả trứng. Càng thấy mình mắc nợ với đứa bé ngày xưa, với gốc gác của nó. Một món nợ không trả được vì nó đã cho mình tất cả, từ trái tim đến máu thịt. Nó cho cả hơi thở, vì đôi lúc một làn gió vô tình thoảng vào mũi mùi gì như mùi lúa nảy đòng đòng. Xa làm sao được quê hương?”

“Cho nên tôi yêu, như đã yêu từ trong trứng, mọi cái tầm thường. Cho nên tôi thấm đạo. Hạnh phúc, đâu phải tìm ở đâu xa. Nó ở ngay nơi mọi cái tầm thường xung quanh tôi. Và nếu mọi cái tầm thường làm nên cái hằng ngày của ta, thì ngày nào chẳng là hạnh phúc?” (Quả trứng).

May cho anh, không như Thôi Hiệu “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” bởi anh còn có Quả trứng, “quả trứng” của Âu Cơ. ĐỖ HỒNG NGỌC-– Saigon, 7.2021

N&BH