Do áp lực của nền kinh tế có dấu hiệu suy sụp mạnh vì thời gian giãn cách kéo dài quá lâu, từ 1/10/2021, chính quyền Sài Gòn với sự đồng tình của giới lãnh đạo chóp bu đã quyết định dừng “đóng băng xã hội”, chuyển qua giai đoạn “bình thường mới” (cách dùng chữ của chính quyền).

Đường phố Sài Gòn những ngày đầu “bình thường mới”. Ảnh: tác giả cung cấp.

Bình thường mới” nhưng những kế hoạch giảm giãn cách cũng chưa làm người dân thực sự hài lòng. Bởi đơn giản những giải pháp của họ đưa ra không hẳn vì cuộc sống người dân, không vì đã kiểm soát được dịch bệnh mà – như đã nói – chỉ do áp lực kinh tế đang xuống cấp nên buộc phải tái khởi động. Lưu ý, Sài Gòn cũng là địa phương đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước với khoảng 300 – 330 ngàn tỷ đồng VN/năm. Vì vậy khi Sài Gòn trở nên “khó ở”, chắc hẳn cả nước sẽ rất “vật vã”.

Từ 0 giờ đêm 1/10/2021, phần lớn các chốt chặn, rào chắn, khắp Sài Gòn được dỡ bỏ. Tuy vậy nó liền vấp ngay đợt tháo chạy thứ ba của nhiều người dân nhập cư muốn rời khỏi Sài Gòn. Làn sóng người với vô số xe gắn máy nối đuôi nhau mang theo gia đình, cùng nhúm gia tài lỉnh kỉnh cuối cùng tom góp được, thực hiện cuộc trở về. Dù chuyến đi có dài mấy trăm hay cả ngàn cây số cũng không khiến họ lo sợ bằng chuỗi ngày tiếp tục ở lại để chết vì đói hoặc dịch bệnh.

Anh Toàn (34 tuổi, quê Trà Vinh), nói: “Sau gần 5 tháng quắt quay với bế tắc, đói nghèo, chúng tôi chỉ mong nhanh chóng về quê sống với cha mẹ, anh em, người thân, với đồng ruộng ao cá. Ở đó có thể mình vẫn nghèo nhưng không đến nỗi thiếu ăn, có thể chưa kiếm được việc làm nhưng chúng tôi sẽ không có tâm trạng quá lo âu như hiện tại”.

Người nhập cư dắt díu kéo nhau về quê vì cảm thấy quá khó sống ở Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tuy nhiên, ở các cửa ngõ Sài Gòn giáp với Long An, Ðồng Nai, Tây Ninh hay Bình Dương, công an và lực lượng chức năng lập tức nhận lệnh ngăn chặn các đoàn xe, yêu cầu tất cả phải quay trở về nơi xuất phát nhưng nhiều người quyết không giải tán. Tiếng khóc trẻ con, tiếng loa công an, cảnh sát hoà lẫn tiếng kêu gào uất ức của đám đông tạo thành một âm thanh hỗn loạn.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Song tất cả gần như bất lực. Người muốn về bất lực vì bị ngăn lối đường về. Chính quyền bất lực vì không tìm được giải pháp khả thi. Ông Bùi Văn Chí, giáo viên cấp 3, nhà gần chốt kiểm tra trên Quốc lộ 1 (Tân Túc, Bình Chánh) giáp tỉnh Long An, nói với chúng tôi: “Những kẻ ngủ giường nệm, phòng máy lạnh, cơm no ấm cật, không có nỗi lo nghèo túng thường lên án đây là những người vô ý thức, giúp lây truyền dịch bệnh đi khắp nơi. Hoặc những kẻ ngồi bàn giấy, cào laptop bảo chắc họ nghe lời xúi giục của phản động gây xáo trộn xã hội. Xin thưa quý ông bà, mấy người không ở hoàn cảnh của họ nếu không thông cảm cũng đừng cất tiếng dạy đời. Chẳng ai xúi giục họ cả mà do lẽ sinh tồn, vì cuộc sống khiến họ phải giữa đêm cùng vợ dại, con thơ chấp nhận dắt díu nhau lên đường về quê. Do không muốn phải chết nên họ bèn phải tìm sinh lộ. Lỗi là lỗi ở chính quyền, là chính sách nhà nước. Một chính phủ không lo được đời sống tối thiểu cho dân trong cơn nguy khốn chứng tỏ chính phủ bất tài. Một nhà nước không làm cho dân yên tâm trước những biến cố chứng tỏ nhà nước bất lực. Những người lãnh đạo không nghĩ ra được cách để giải quyết để an dân chứng minh họ là người thiếu tầm nhìn. Dân chỉ là nạn nhân của sự bất lực, bất tài ấy và đừng bao giờ buông lời trách cứ người dân…”.

Một số chợ búa được mở cửa trở lại nhưng vẫn còn ít người bán, mua. Ảnh: tác giả cung cấp.

Quay trở lại chuyện “bình thường mới”, sau thời gian dài giãn cách, xem ra số người nhiễm cúm Vũ Hán và con số tử vong ở Sài Gòn vẫn cao mặc cho các chính sách siết chặt, những sinh hoạt và tự do tối thiểu của con người bị ngăn cấm. Từ 1-10-2021, khi các chốt kiểm soát được gỡ bỏ, ban đầu chính quyền cho biết người dân “không cần giấy đi đường, có thể đi lại bình thường trong nội, ngoại thành nhưng không được di chuyển ra địa bàn tỉnh khác”. Nhưng ngay sau đó, cũng chính quyền lại ra thông báo “người dân trong quá trình lưu thông cần chuẩn bị sẵn mã QR khai báo di chuyển, “thẻ xanh” hoặc giấy chứng nhận là F0 đã điều trị xong…”; “Cảnh sát vẫn liên tục tuần tra trên đường, yêu cầu dừng xe, kiểm tra ngẫu nhiên người tham gia giao thông, ai không đủ giấy tờ và không có lý do chính đáng sẽ bị phạt nặng” (?)

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Tuy nhiên, cũng thấy rõ những ngày qua, đường phố Sài Gòn có vẻ nhộn nhịp, náo nhiệt hơn, mọi người cũng vui hơn. Vài ngôi chợ đã lác đác người bán kẻ mua, tuy hàng hoá chưa nhiều, giá cả còn cao nhưng đã có chút sinh khí cuộc sống. Vài tiệm vàng bạc rộn rịp người bán đi ra đi vào. Có nhiều người mấy tháng ngồi không, giờ bán vàng để chi tiêu trong gia đình. Có người bán vàng làm vốn tiếp tục mua bán kiếm sống sau chuỗi ngày dài… ngáp gió chờ đợi. Tiệm hớt tóc đông người, tiệm tạp hoá nhiều người mua, tiệm sửa máy móc, điện thoại chen chúc nhau… Mọi người ai cũng muốn giải quyết những việc mà hơn 120 ngày vừa qua không thể làm.

Nhưng trong sự hân hoan vẫn còn lắm nỗi lo. Dịch cúm còn đó, virus Vũ Hán ở khắp nơi nên lúc nào cũng phải cảnh giác. Nhu cầu thì nhiều mà tiền bạc đang ít lần đi. Công việc kiếm ăn cũng nhiều khó khăn. Vui vì không còn cảnh tù đày giam hãm nhưng vẫn còn lắm nỗi lo cho tương lai. Lo cha mẹ phải đi làm mà con cái chưa được vào trường, ở nhà học online không người trông coi. Lo mấy cái app lung tung chưa kịp cập nhật ngại sẽ gặp rắc rối khi bị cảnh sát bất ngờ xét hỏi. Tiệm, quán, cửa hàng, chợ đang dần mở lại cũng e sợ đông người tập trung lây nhiễm. Không ít người lại lo lắng bọn trộm cắp, cướp giật, các băng nhóm tội phạm rồi đây gia tăng vì túng quá làm liều, vì thiếu tiền làm bậy. Vì vậy ban đêm cũng sẽ khó yên giấc, những ai phải đi làm chắc cũng khó an lòng…

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Cảnh sát tiếp tục tuần tra xét hỏi những người đi đường. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS