Từ cuối tháng 5-2021 tới nay, dịch bệnh Covid-19 ở Sài Gòn bùng phát và diễn biến phức tạp. Vũ trường, quán bar, quán xá, tiệm tùng, cùng những nơi vui chơi, giải trí hầu hết phải đóng cửa. Người dân hạn chế ra đường. Với người có sẵn “của ăn của để”, chẳng mấy bận tâm lo toan, cứ nằm nhà “sống chậm”. Còn những người nghèo buôn gánh bán bưng, lao động thời vụ,… lại sống trong hoang mang lo lắng…

Anh Việt và chiếc gắn máy chở hàng. Ảnh: tác giả cung cấp 

Sống trong hoang mang, lo lắng bởi phần lớn họ là những người chạy ăn từng bữa. Một ngày phải ở nhà, không có việc làm đồng nghĩa với thu nhập thâm hụt. Vì lý do này không ít người cố gắng tìm kiếm đủ cách “tự bơi”, để có thể sống còn giữa cơn đại dịch.

Ở khu phố Thới An, quận 12, chúng tôi gặp anh Bùi Thanh Việt (38 tuổi) vốn làm nghề thợ hồ. Dịch bệnh kéo dài nên nơi anh làm việc không có hợp đồng, nhà thầu phải tạm giải tán cho thợ thầy về nghỉ. Anh Việt suy nghĩ, tìm mua một cái rờ-mọc thùng có 2 bánh gắn vào chiếc xe Wave “Tàu” cũ làm nghề chạy xe kéo, vận chuyển đồ đạc cho người có nhu cầu. Anh nói: “Covid-19 khiến nhiều quán ăn, tiệm cà phê… “gãy gánh giữa chừng” giống bọn thợ hồ chúng tôi. Một số người thanh lý đồ đạc, chuyển hướng kinh doanh. Một số khác là công nhân các xí nghiệp do ngưng việc cũng dọn phòng trọ tạm lánh về quê… nên tôi cũng làm ăn được chút ít. Những ngày gần đây tôi đều đặn nhận từ 2 – 3 cuốc xe chở đồ đạc, ngày kiếm cũng được từ 200 – 300 ngàn đồng”.

Quán xá Sài Gòn chỉ được bán mang đi. Ảnh: tác giả cung cấp

Cũng hơn 2 tháng qua, chính quyền yêu cầu các quán ăn uống không được mua bán tại chỗ, chỉ bán mang về. Ðiều này vô tình mở ra cơ hội cho một nghề khác là giao hàng với cánh lái xe ôm “công nghệ” lẫn truyền thống. Nhiều người đã kết hợp thêm công việc chở khách và nhận giao hàng, nhằm có thêm thu nhập. Anh Nguyễn Tính Nghĩa (45 tuổi, ngụ quận 2) cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, cũng là lúc các đơn hàng của anh “nổ” mạnh hơn trước. Anh nói: “Lúc trước, mỗi ngày tôi nhận chỉ chừng chục đơn hàng, thì hơn tháng qua luôn có thêm chừng ấy nữa, cũng tạm qua cơn ngặt nghèo”.

Xe ôm kết hợp ship hàng để có thêm thu nhập. Ảnh: tác giả cung cấp

Trong khi đó, bà Lê Thùy Mai (45 tuổi, quê Vĩnh Long) phải đóng cửa tiệm làm tóc, làm móng tay – một mặt bằng thuê nhỏ khoảng 15 mét vuông, có gác xép – ở con hẻm nhỏ quận Tân Bình từ vài tuần qua. Bà buồn rầu nói: “Tiền chi tiêu, ăn học cho cả nhà và 2 đứa nhỏ dựa vào tiệm này. Thường tiền thuê nhà phải trả đầu tháng nhưng lâu nay bị đóng cửa miết nên tôi đã xin chủ nhà thư thư cho ít bữa. Mấy nay có vài khách quen gọi điện thoại kêu tới nhà họ làm móng giúp. Tuy nhiên tôi dò hỏi những người quen, được biết nếu mình tới nhà làm móng cho khách là vi phạm quy định phòng dịch của chính quyền, sẽ bị phạt nặng nên không dám nhận lời ai cả cho yên chuyện. Thôi thì ráng dùng số tiền dành dụm bấy nay sống lây lất thêm thời gian ngắn nữa coi sao”.

Vợ chồng người bán xôi. Ảnh: tác giả cung cấp

Ðáng chú ý từ đầu tháng 6-2021, số người lây nhiễm Covid-19 ở Sài Gòn tăng nhanh, chính quyền lại tiếp tục buộc tạm dừng toàn bộ hoạt động của các chợ tạm, chợ tự phát, buôn bán vỉa hè. Vậy là cuộc sống người lao động tự do lại gánh thêm nhiều khó khăn, chật vật. Ở một góc chợ Thủ Ðức, chúng tôi gặp cặp vợ chồng già (thường gọi là ông bà Sáu), trạc trên 60 tuổi, chuyên bán xôi buổi sáng tại đây. Nghe đâu nhà ông bà này ở tận quận 12, hàng ngày cùng nhau đèo thùng xôi xuống Thủ Ðức bán. Tôi hỏi: “Sao không bán trên ấy cho đỡ cực?”. Bà Sáu trả lời: “Trên đó khó bán lắm chú ơi vì có nhiều người ra bán rồi, mình cạnh tranh không lại”. “Hai bác không biết hôm nay nhà nước ra lệnh cấm buôn bán vỉa hè hay sao còn mang hàng xuống đây? Họ phạt nặng lắm đó!”. Ông Sáu đáp: “Suốt ngày bọn tôi lo kiếm sống, có nghe đài đọc báo bao giờ đâu mà biết. Thùng xôi này chắc phải mang về… ăn trừ cơm. Còn những ngày tới sống ra sao, chúng tôi cũng chưa thể hình dung được…”.

Bà Anh bán vé số. Ảnh: tác giả cung cấp

Như đã nói, chính quyền Sài Gòn liên tục đưa ra những quyết định về giãn cách xã hội toàn thành phố. Nội dung chính vẫn là khuyến cáo: Mùa dịch bệnh, những người trên 60 tuổi không nên bước chân ra đường. Khuyến cáo mới nghe qua cũng khá hợp lý, tốt đẹp nhưng thực tế không phải người cao tuổi nào cũng sẵn sàng làm được điều này. Trên đường Quang Trung (quận 9), chúng tôi gặp bà Lê Thị Anh (61 tuổi, quê Bình Phước). Bà cho biết hơn chục năm qua, bà và chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn thuê nhà ở, bươn chải kiếm sống. Trước đây, ông chồng theo người ta làm nghề phụ hồ nhưng sau đó bị tai nạn ngã từ trên cao, bị gãy cột sống nằm liệt giường hơn 6 năm qua. Riêng bà Anh việc làm nào cũng đã trải qua nhưng gắn bó lâu nhất là bán vé số dạo. Mỗi ngày, bà lội bộ cả mấy chục cây số khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Thủ Ðức lẫn quận 9 bán vé số. Gặp ngày ế ẩm, đến tối mịt bà mới về tới nhà trọ. Dù vậy, bà cũng không dám nghỉ bữa nào vì sợ mất mối. Bà kể: “Trước đây, trung bình mỗi ngày bán chừng 150 tờ vé số, kiếm được 150 ngàn đồng dùng mua thức ăn, chi tiêu sinh hoạt, tiền thuốc men cho ông ấy và dành dụm trả tiền phòng trọ. Từ lúc dịch bệnh xảy ra, bán vé số càng bấp bênh, nhất là khi cả Sài Gòn giãn cách xã hội. Quán xá đóng cửa hết trơn, người ta ít ra đường, mình đi bán vé số cũng khó. May là nhà nước còn chịu in vé số cho mình đi bán, chứ nếu họ dẹp luôn chắc vợ chồng tôi chết đói!”.

Bà Mơ nhặt ve chai. Ảnh: tác giả cung cấp

Tương tự, chúng tôi gặp bà Thạch Thị Mơ, 62 tuồi, quê Trà Vinh đang ngồi bên vỉa hè đường song hành xa lộ Hà Nội (Thủ Ðức). Thật nhói lòng khi nghe bà Mơ cho biết bà thuê nhà trọ tuốt bên Ðồng Nai, gần Bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Ngày ngày bà đạp xe đi lượm ve chai mang bán cho các vựa. Cứ khoảng 4 giờ 30 sáng bà đã thức dậy, đạp xe dài dài từ nhà mình đến đây, quãng đường trên 60km. Bà cho biết: “Mỗi ngày kiếm cũng được ba, bốn chục ngàn đồng. Hôm nào may mắn nữa thì năm chục!”. Tôi hỏi thêm: “Buổi trưa bà lại đạp xe về nhà ăn cơm hay mang theo?”. Bà Mơ cười đáp: “Không! Buổi sáng nấu miếng cơm cho thằng khùng ở nhà ăn rồi (chồng bà mất vì tai nạn, có đứa con trai năm nay 34 tuổi bị bệnh tâm thần không làm được gì). Còn tôi mua ổ bánh mì 5 ngàn đồng xịt nước tương ăn cũng no lòng. Gần đây do dịch bệnh Covid, mấy người tử tế, có tiền ở Sài Gòn này bày ra các điểm cho ăn từ thiện, miễn phí nên mình cũng đỡ khổ…”.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

NS