Những năm gần đây, tình hình mua bán trẻ em có chiều hướng gia tăng phức tạp. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống…

Gia tăng vấn nạn mua bán trẻ em ở Việt Nam. Ảnh: tác giả cung cấp    

Tháng 12/2021, công an Cao Bằng khởi tố Nguyễn Thị Mận (quê Cà Mau, tạm trú Hà Nội) về tội mua bán người. Trước đó, ngày 11/10/ 2021, khi kiểm tra bất ngờ một nhà nghỉ trên địa bàn, công an phát hiện Mận cùng 3 người phụ nữ và một trẻ sơ sinh có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tại đồn công an, Mận khai 3 người phụ nữ chung phòng kia vừa từ trong Nam ra Cao Bằng để chuẩn bị tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bán con cho những người có nhu cầu.

Cuộc sống nghèo khó và đạo đức bị băng hoại là nguyên nhân chính của các vụ mua bán người. Ảnh: tác giả cung cấp

Tương tự, ngày 25/5/2022, Tòa án Hà Nội tuyên phạt Ninh Hải Yến (34 tuổi) và Mai Minh Chung (37 tuổi) 14 năm tù về tội mua bán người. Cáo trạng cho biết, từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, hai tên này thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok kết bạn, làm quen để tìm mua con của người đang mang thai hoặc người mới sinh con đưa sang Trung Quốc bán hưởng lợi. Cụ thể, đầu tháng 2/2021, Yến thỏa thuận với một phụ nữ đang mang thai là Hương (24 tuổi, ngụ Ðồng Nai) sẽ đưa chị này qua Trung Quốc sinh con rồi bán với giá 80 triệu VNÐ. Sau khi Hương đồng ý, Yến báo cho Chung biết. Chung hướng dẫn Yến đưa Hương lên Cao Bằng để đồng bọn chờ cơ hội đưa qua Trung Quốc. Sau đó Yến tiếp tục vào mạng xã hội làm quen một phụ nữ khác đang mang thai là Ngọc Anh (33 tuổi, ở Vĩnh Long). Nghe theo Yến, Ngọc Anh cũng được đưa về ở chung ngôi nhà với Hương, chờ ngày qua Trung Quốc bán con với giá 60 triệu VNÐ. Cùng thời điểm, Yến thỏa thuận mua đứa con mới sinh được 6 tháng của My (21 tuổi, ở Ðồng Nai) với giá 90 triệu VNÐ và cô này được Yến hướng dẫn đi xe khách từ Ðồng Nai ra Hà Nội. Ngày 26/2/2021, khi My bế con ra Hà Nội để gặp Yến thì bị công an kiểm tra bắt giữ. Từ đó, đường dây mua bán trẻ sơ sinh này bắt đầu hé lộ…

Một nhóm tội phạm mua bán trẻ em bị bắt và đưa ra xét xử. Ảnh: tác giả cung cấp

Vụ gần nhất xảy ra vào đầu tháng 7/2022, cảnh sát phát hiện một phụ nữ tên Như (29 tuổi) thường có mặt ở các bệnh viện phụ sản, phòng khám thai tư nhân ở Bình Dương, Sài Gòn nhằm tiếp cận các thai phụ hoặc dò hỏi các y tá, điều dưỡng thông tin về những sản phụ mới sinh con. Khi biết người nào đang mang thai ngoài ý muốn hoặc không muốn nuôi con do hoàn cảnh nghèo, Như bèn dụ họ “đem con cho làm con nuôi” rồi nhận lấy 20-30 triệu VNÐ. Tiếp đó, Như vào các nhóm trên mạng xã hội rao bán các bé đã “mua” được với giá 35-60 triệu VNÐ. Ngày 15/8/2022, khi Như ôm theo một bé lên xe hơi khởi hành từ Sài Gòn, lúc ngang qua Dầu Tiếng (Bình Dương) bị cảnh sát chặn lại. Như khai nhận đã “mua” đứa bé 7 ngày tuổi này từ một người mẹ 25 tuổi, quê Tiền Giang, với giá 15 triệu đồng và giúp chị ta thanh toán tiền viện phí. Từ lời khai của Như, cảnh sát bắt thêm 2 đồng phạm ngụ tại Ðăk-Nông là Phương (40 tuổi) và Dương (22 tuổi). Theo lời khai của Như, chị ta đã mua bán thành công 4 trường hợp ở Bình Phước, Kiên Giang, Sài Gòn và Bình Dương. Riêng Phương khai nhận từng mua bán 24 trẻ gồm cả con ruột của mình và Dương là người chuyên tổ chức “dịch vụ nuôi đẻ” tại nhà, chờ có khách “mua” sẽ đứng ra dàn xếp mọi việc…

Giải cứu các bé sơ sinh trong một vụ án. Ảnh: tác giả cung cấp

Nguyên nhân gia tăng tội phạm mua bán trẻ em do nghèo khổ, đạo đức suy đồi mà ra. Ðiều tra của ngành chức năng cho thấy kẻ phạm tội là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, đầu tư kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với bọn môi giới người VN hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Còn có một số đối tượng lấy chồng người nước ngoài (đa số ở Trung Quốc, Ðài Loan) khi về thăm quê “quay đầu” trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những người khác, kể cả người thân trong gia đình.

Băng nhóm mua bán trẻ em ở Bình Dương vừa bị bắt vào tháng 8/2022 (từ trái sang phải: Như, Phương và Dương). Ảnh: tác giả cung cấp

Báo cáo từ các địa phương từ năm 2010 đến tháng 6/2022 cho biết nhà chức trách nước này đã phát hiện gần 3,700 vụ mua bán người với 5,400 kẻ tình nghi, lừa bán gần 8,000 nạn nhân. Riêng từ 2019 đến nay phát hiện hơn 400 vụ, với gần 650 người liên can, lừa bán hơn 600 nạn nhân. Tội phạm mua bán người xuất hiện tại hầu khắp các tỉnh, thành phố. Ðáng chú ý, gần 85% số vụ mua bán người đưa ra nước ngoài, gồm các tuyến biên giới giữa VN với Campuchia, Lào và Trung Quốc (trong đó qua Trung Quốc chiếm gần 80%). Riêng năm 2021, nhà chức trách VN phát hiện 110 vụ mua bán người, bắt giữ 144 nghi can. Cũng trong năm này, tòa án VN đã kết án 136 bị cáo thuộc 84 vụ án (gồm những vụ án của các năm trước gộp lại). Các bản án tuyên phạt bọn tội phạm mua bán người có mức án từ dưới 3 năm đến 20 năm tù giam căn cứ theo Ðiều 150 và 151 Bộ Luật hình sự  VN.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Với bối cảnh chung hiện nay, việc ngăn chận nạn mua bán người cũng không đơn giản. Thực tế cho thấy nguyên do chánh dẫn đến tình trạng này từ đời sống kinh tế một thành phần dân chúng còn quá khó khăn, nghèo nàn, trình độ hiểu biết kém. Các nạn nhân bị dụ dỗ phần đông là người ít học, thất nghiệp, thu nhập thấp, đời sống chật vật, cùng đường khiến họ làm liều.

NS