Vũ khí quân dụng, các loại “hàng nóng” xưa nay hoàn toàn bị cấm mua bán, sử dụng cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây một số người đã công khai sử dụng các trang web, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, TikTok… để mở ra những “shop” mua bán vũ khí.

Các vụ mua bán “hàng nóng” đang gia tăng ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp     

Ở đó, đăng hình ảnh các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ (súng hơi, súng thể thao, súng điện, dao găm, kiếm, côn nhị khúc, mã tấu, bình hơi cay, dùi cui điện, vật liệu nổ…) cùng thông tin liên lạc.

Trường hợp khách hàng đồng ý mua bán, chủ “shop” cũng không gặp trực tiếp mà chỉ mua bán qua điện thoại sim “rác”, tài khoản Zalo, Facebook “ảo”. Tương tự, việc thanh toán tiền bạc cũng thực hiện qua các tài khoản ngân hàng thuê mượn từ người khác hay thanh toán bằng hình thức ship COD (thuê xe ôm giao hàng, khách nhận hàng, kiểm tra rồi trả tiền trực tiếp cho người giao hàng). Nhiều nơi còn vận chuyển hàng qua hệ thống xe khách liên tỉnh hoặc các dịch vụ vận chuyển công nghệ như Grab, Giao hàng nhanh, Ladaza, Shopee, Tiki… nhưng cố ý ghi sai địa chỉ người gửi hoặc khai báo không đúng loại hàng hóa bên trong để tránh bị nhà chức trách phát hiện.

Nhiều mặt “hàng nóng” cho khách hàng lựa chọn. Ảnh: tác giả cung cấp

Theo điều tra của cảnh sát VN, nguồn gốc những loại “hàng nóng” chủ yếu do một số băng nhóm xã hội đen đưa vào VN qua các ngõ biên giới tiếp giáp Trung Cộng, Campuchia, Lào … Từ đó, phân phối đi khắp nơi trong nước, tập trung nhiều tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ðồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương… Bên cạnh các vụ mua bán trái phép “hàng nóng”, nhiều kẻ còn lợi dụng việc này để lừa đảo người khác bằng cách lập tài khoản mạng xã hội ẩn danh, tham gia các hội nhóm đăng thông tin mua bán vũ khí, vật liệu nổ… để tìm khách hàng. Sau khi thỏa thuận, nhận tiền cọc xong chúng nhanh chóng xóa tài khoản, tắt điện thoại và thản nhiên chiếm đoạt tiền bởi người mua khó lòng kiện cáo được.

Dương Minh Tuấn và “hàng nóng” bị cảnh sát thu giữ ở Kiên Giang. Ảnh: tác giả cung cấp

Thâm nhập để tìm hiểu một phần đường dây mua bán “hàng nóng” này, chúng tôi làm quen và được Tài “cá hú” (tạm trú Dĩ An, Bình Dương) vốn là tay anh chị giang hồ ở chợ đầu mối Thủ Ðức, giới thiệu một mối quen chuyên bán “hàng nóng” thuộc nhóm kín có tên “Shop bán hàng tự vệ” trên mạng Zalo. Tài nói: “Ông phải nhắn đúng khẩu lệnh tôi cho, họ mới đồng ý bán hàng. Dạo này công an truy quét quá, bọn nó không dám làm liều, phải có người quen biết giới thiệu mới dám giao dịch”.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Theo lời Tài, tôi thử tìm vào trang Zalo này thấy quảng cáo nhiều loại hàng như súng hơi, roi điện, mã tấu, kiếm Nhật… Tôi nhắn tin (kèm khẩu lệnh của Tài “cá hú” đưa) thử hỏi thì chủ “shop” tự xưng tên Vinh “râu” xuất hiện, cho biết giá roi điện tùy loại, giá từ 1.5 – 2 triệu VNÐ/cây; bình xịt hơi cay 600 ngàn VNÐ/bình; kiếm Nhật 800 ngàn đến 1.2 triệu VNÐ/cây… Ðể làm quen, tôi đặt mua cặp côn nhị khúc bằng inox giá 650 ngàn VNÐ và 2 ngày sau nhận được “hàng” do một anh xe ôm công nghệ chuyển tới.

“Hàng nóng” được một kẻ sử dụng tấn công ngân hàng cướp tiền ở Đồng Nai. Ảnh: tác giả cung cấp

Ba tuần lễ sau, tôi quay lại trang Zalo và nhắn tin cho Vinh “râu” hỏi có bán “chó lửa” (súng) không, giá cả thế nào? Nửa ngày sau, chủ “shop” mới trả lời và gửi qua Zalo cho tôi hình mấy khẩu súng ngắn với nhiều loại khác nhau như K59, K54, Desert Eagle, Rg88… và nói giá cả tùy loại, trung bình từ 6 – 12 triệu VNÐ/ khẩu. Tôi nói bạn tôi cần gấp 2 khẩu K59 thì Vinh “râu” nói, coi chừng có khi cảnh sát gài bẫy. Tôi vờ nói anh bạn này rất thân hồi học cấp 3, chắc không vấn đề gì. Ba ngày sau Vinh “râu” nhắn tin hẹn sẽ cho người giao dịch với tôi tại một trong các địa điểm là chân cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12), ở trước bưu điện quận Thủ Ðức hoặc một địa điểm khác nếu “đột ngột có tình hình căng” nhưng còn nói thêm: “Ðược rồi! Nếu bạn anh muốn mua cứ đặt cọc tiền trước 50% giá trị 2 khẩu súng kia, số còn lại anh sẽ trả cho người đến giao hàng”.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

…Có lẽ việc mua bán súng đạn quá dễ dàng nên đã có khá nhiều các vụ trọng án xảy ra gần đây mà kẻ thủ ác dùng các loại “hàng nóng” gây chết người hoặc trọng thương ở VN đang có xu hướng gia tăng. Những vụ bắn giết nhau thường bắt nguồn do mâu thuẫn trong công việc làm ăn, tình yêu tay ba tay tư, nợ nần dây dưa, thù ghét nhau vì nhiều nguyên nhân, do khích bác khi đang ăn nhậu say xỉn, thậm chí chỉ vì vài va chạm nhỏ trên đường giao thông và nhất là nhiều kẻ còn mua sắm, tàng trữ “hàng nóng” để đi ăn trộm, cướp của, cướp ngân hàng… xảy ra như cơm bữa ở nhiều địa phương, khắp từ Bắc vào Nam. Ðặc biệt vào cuối tháng 9-2022, tại Kiên Giang, cảnh sát đã phát giác, bắt giữ ít nhất 10 tên nằm trong đường dây chuyên chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ quy mô lớn do Dương Minh Tuấn (30 tuổi) cầm đầu. Theo khai nhận của Tuấn, tên này chuyên cử đàn em tìm mua các loại súng, công cụ hỗ trợ từ nhiều nguồn, sau đó mang về sửa chữa, nâng cấp lại thành súng có những tính năng như vũ khí quân dụng. Sửa chữa xong, Tuấn và đàn em đăng tin chào bán thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok… Khách hàng mua “hàng nóng” của nhóm Tuấn nhiều nhất đến từ Kiên Giang, Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội… với mục đích giải quyết mâu thuẫn cá nhân hoặc dùng làm “bùa bảo kê” cho các tụ điểm tệ nạn xã hội…

Dùng “hàng nóng” đe dọa người khác giữa ban ngày. Ảnh: tác giả cung cấp

NS