Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong năm 2021, Việt Nam xảy ra 11,454 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm 5,739 người chết và 8,997 người bị thương. Tính trung bình, mỗi ngày xảy ra 31 vụ TNGT làm 16 người chết và 23 người bị thương. Đáng chú ý, số vụ TNGT do lái xe đường dài gây ra có chiều hướng tăng cao, chiếm tỉ lệ 27% tổng số vụ TNGT, tăng 13% so với năm 2020.

Nhiều tài xế container đường dài rất hay sử dụng ma túy để tăng cường độ làm việc. Ảnh: tác giả cung cấp 

Ngày 18/6/2021, tài xế Vũ Ðức (ngụ Hải Dương) lái xe container chạy hướng Cần Thơ – Bạc Liêu trên tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp. Khi đến thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng bị cảnh sát yêu cầu dừng xe kiểm tra, khai báo y tế. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành mà “thông chốt” bỏ chạy sau khi đâm thẳng vào xe tuần tra. Chạy được hơn 20 km, xe này tiếp tục va chạm nhiều phương tiện khác trước khi bị chặn giữ. Qua test nhanh cho thấy tài xế này dương tính với ma túy. Trước đó, vào tháng 2/2021, tài xế Tống Minh Tài (ngụ Quảng Nam) điều khiển xe container lưu thông Quốc lộ 13 về Thủ Dầu Một (Bình Dương) xảy ra va chạm với taxi làm chết 2 người. Kiểm tra, Tài cũng dương tính với ma túy. Cùng thời gian, một vụ TNGT liên hoàn xảy ra trên quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc (Ðạ Huoai, Lâm Ðồng) khi xe container do Lê Văn Hồi cầm lái, lưu thông hướng Ðà Lạt đi Sài Gòn. Ðến địa điểm trên, container bất ngờ lấn trái đâm vào xe 16 chỗ chạy ngược chiều. Cú tông khiến xe 16 chỗ quay ngược đầu va chạm với hai xe hơi khác. Xe container tiếp tục đụng với một xe khách khác, trước khi khi va vào vách núi bên đường. Vụ tai nạn khiến hơn 20 người nhập viện cấp cứu và nhiều xe hư hỏng nặng. Tài xế Hồi cũng được xác định dương tính với ma túy…

Tài xế sử dụng ma túy ngay trên cabin xe. Ảnh: tác giả cung cấp

Do quen biết trước và lấy cớ đi thăm người quen ở miền Bắc, dịp gần Tết Nhâm Dần vừa qua, tôi có dịp tháp tùng một xe tải loại 18 tấn chạy đường dài. Tài xế tên Quang, 42 tuổi, làm việc cho Hợp tác xã số 9 (Thủ Ðức) chuyên chở hàng nông sản từ miền Tây đi Trung Quốc qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Trên xe, ngoài Quang còn có một “phụ xế” tên Dũng. Tài xế Quang nói: “Nghề lái xe đường dài bọn tui chịu đủ áp lực, ăn nghỉ không đúng giờ giấc nên cuộc sống gần như đảo lộn. Vì miếng cơm, bọn tui cày liên tục, thậm chí có 3-4 ngày đêm không ngủ…”.

Một số vụ tai nạn do tài xế sử dụng các loại ma túy gây nên. Ảnh: tác giả cung cấp

Sau bữa cơm trưa ở Long An, xe tải chạy một mạch gần 11 tiếng ra tới địa phận xã Vĩnh Lương (Nha Trang, Khánh Hòa). Lúc này đã hơn 12 giờ đêm, Quang tấp sát xe vào một khoảng đất trống bên đường. Hỏi làm gì anh ta không nói. Cùng lúc, như hiểu ý “đàn anh”, phụ xế Dũng lấy trong ba-lô ra một chiếc chai nhựa đã chế sẵn làm dụng cụ cùng mấy “bi” hồng phiến. Tiếp đó người châm đóm, kẻ ghé miệng vào chai nhựa rít sòng sọc. Hóa ra thầy trò Quang – Dũng đang cùng tận hưởng món ma túy đá ngay trên cabin xe. Sau hơn 30 phút, Quang mới ngồi vào vô lăng chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình. Nhìn thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, Quang tiết lộ: “Cách nay 5 năm, tui chuyển nghề lái xe buýt qua nghề lái xe tải đường dài, ban đầu nghe cánh đồng nghiệp rủ rê, rỉ tai nhau rằng khi hút sẽ không còn cảm giác buồn ngủ rồi hút thử thành quen. Biết nó có hại cho sức khỏe, nhưng mình lỡ theo nghề này, muốn không buồn ngủ nên phải dùng thôi anh ơi. Cứ mỗi lần xài cỡ 3 viên thì có thể không ngủ suốt 2-3 ngày đêm cũng chả sao!”. Tôi hỏi những thứ này mắc tiền không và mua ở đâu? “Phụ xế” Dũng tình thực nói: “Hồng phiến là thứ nhẹ đô nhất đó anh! Giá chỉ 100-150 nghìn đồng/tép (5 viên). Xài “hàng đá” thì tốn hơn, gói 0.2 gam có giá 1.6 triệu đồng nhưng bù lại 1 gói dùng được cho 7 – 8 người/ lần! Ở các cửa khẩu đều có người Trung Quốc (rất rành tiếng Việt) trực tiếp tìm tới các lái xe gạ bán những loại này, bằng tiền Việt, Nhân dân tệ lẫn USD. Bên Việt Nam mình cũng… đầy. Họ thường giả trang thành người bán hàng rong, bán nước giải khát, thuốc lá, vé số… len lỏi mua bán ngay giữa các dòng xe. Nếu ai hỏi “hàng trắng” cũng có luôn!”…

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Bác sĩ Trần Giang Nam, Bệnh viện Tâm thần Ðồng Nai cho chúng tôi biết: “Hồng phiến và ma túy đá có cùng thành phần amphetamine. Riêng ma túy đá kết tinh dưới dạng tinh thể và được tổng hợp thêm methamphetamine nên mạnh gấp nhiều lần hồng phiến. Ma túy đá dạng bột có thể hít trực tiếp qua đường mũi hoặc gián tiếp thông qua một bình lọc chứa nước và hút bằng tẩu còn gọi bình ục hay coóng đá. Cũng có người dùng methamphetamine bằng tiêm chích. Với người mới sử dụng hồng phiến (hay ma túy đá) sẽ có cảm giác hưng phấn mãnh liệt, thức được suốt thời gian dài, làm việc không thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, khi đột ngột ngưng dùng hay thuốc hết tác dụng sẽ buồn ngủ trở lại ngay, bản thân cảm thấy hụt hẫng, rối loạn. Với lái xe, lúc đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng làm chủ tốc độ, khó kiểm soát các tình huống bất ngờ. Trong cơn ảo giác nửa tỉnh, nửa mê ấy, lái xe dễ trở thành “hung thần xa lộ”. Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ TNGT thảm khốc, gây nhiều cái chết thương tâm…”.

Trên thế giới, số vụ TNGT đường bộ xảy ra do tài xế sử dụng chất ma túy chiếm tỷ lệ 14%. Các chuyên gia cho rằng những tài xế sử dụng ma túy có khả năng gây TNGT cao gấp 3 lần so với người lái xe không sử dụng ma túy. Còn nếu tài xế vừa uống rượu vừa sử dụng ma túy thì khả năng gây TNGT tăng gấp 23 lần. Thế nhưng ở Việt Nam suốt nhiều năm qua thực trạng tài xế sử dụng ma túy hầu như bị thả nổi, không thấy biện pháp nào có thể khắc phục. Ðây là điều đáng báo động cho sự an toàn của cả cộng đồng xã hội!

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

NS