Những năm gần đây, golf ở Việt Nam ngày càng phát triển khi số lượng các sân golf ngày một tăng, nhiều câu lạc bộ thành lập… Theo thống kê, tính đến tháng 5/2022, VN có gần 80 sân golf đã đi vào hoạt động và khoảng 50 sân khác đang hoàn thiện, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Hiện có gần 50 ngàn golfer – bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN – trong đó, hầu hết người chơi (khoảng 82%) là đại gia, chủ tập đoàn, doanh nghiệp lớn, 10 % là tầng lớp trung lưu, gồm cả các quan chức, cán bộ nhà nước, 5% là những người trong nghề liên quan đến golf, thiểu số còn lại là chơi cho biết, cho “oách” hoặc để làm… hình ảnh cho mình…

Bước vào các sân golf VN, dễ nhận ra điểm chung lớn nhất của người chơi golf đều là những kẻ lắm tiền thừa của, thông qua dáng vẻ, phong cách ăn mặc hoặc chiếc xe họ đi. Bởi nếu không phải người giàu thì cũng phải có kinh tế vững vàng mới dám đeo đuổi “thú chơi tao nhã” này. Anh Vạn, một người quen của chúng tôi, đang làm huấn luyện viên tại sân Sông Bé Golf Resort cho biết: “Ðể chơi golf ở đây, tối thiểu bạn phải bỏ ra 30-40 triệu VNÐ/tháng. Rồi tiền mua gậy, quần áo, tiền tip caddy, ăn uống nhà hàng thậm chí là tiền “đánh độ”… Với số tiền bỏ ra đó, nếu không phải là những đại gia, bạn sẽ khó lòng kham nổi!”.

Sân golf được mở ra và người chơi golf ngày càng nhiều ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp

Vẫn theo lời anh Vạn, chơi golf cũng giống như… tập thể dục buổi sáng hay mấy môn quần vợt, cầu lông, gym… nhưng khoản đầu tư chơi môn này ở VN có thể tương đương thu nhập cả năm của một gia đình lao động trung bình. Nó là thứ trò chơi không phải tốn kém mà là vô cùng tốn kém. Cụ thể: với người mới chơi, đầu tiên bạn cần đầu tư một khóa học đánh golf căn bản với học phí chừng 800-1,500USD/3 tháng. Tiếp đến bạn phải mua cho mình bộ gậy. Thường bộ gậy golf loại trung bình có giá dao động từ 1,500 – 2,000 USD. Gậy “xịn” của các hãng sản xuất tiếng tăm Titleist, TaylorMade, Mizuno… phải từ vài chục triệu đến vài trăm triệu VNÐ/bộ. Nếu không mua, bạn cũng phải bỏ ra 20-25 USD để thuê gậy chơi golf cho một lần chơi. Người chơi còn phải chi một khoản tiền lớn cho thời trang golf như quần áo, giầy, phụ tùng và dĩ nhiên bạn phải mua thẻ vào cửa một hoặc vài sân golf nào đó. Tại Việt Nam, lệ phí sân golf thường chia làm 3 loại. Với hội viên mức lệ phí dao động khoảng 20-30 USD cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên khoảng 50-80 USD và lệ phí cho khách vãng lai có thể lên tới 100 USD/lần. Ðây chỉ là mức phí chơi golf, chưa kể tiền típ cho caddy (trung bình khoảng 300 ngàn VNÐ/lần), tiền thuê xe điện, xe đẩy, dịch vụ khác hay chi phí ăn uống sau mỗi lần chơi tại các nhà hàng sang trọng ở bên trong sân golf với giá không rẻ… Trường hợp mua thẻ khách VIP sân golf (Golf membership) định kỳ 1-3 năm khách được miễn giảm nhiều thứ nhưng số tiền bỏ ra ban đầu cũng khá cao, từ 30 ngàn đến cả trăm ngàn USD/thẻ, tùy theo quy định của mỗi sân golf.

Chi phí cho dân chơi golf ở VN không rẻ. Ảnh: tác giả cung cấp

Hiện tại, du khách trong lẫn ngoài nước tỏ ra ưa chuộng và hay tìm đến nhất các sân golf sau đây: Phía bắc có sân Kings’ Island Golf Resort tọa lạc tại Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội – được đánh giá là một trong những sân golf đẹp nhất VN; sân Star Golf & Country Club tại thành phố Chí Linh, Hải Dương. Phía Nam có sân Sông Bé Golf Resort có từ năm 1994 – là một trong các sân golf được xây dựng sớm nhất sau 1975 tại Thuận An, Bình Dương; sân Golf Long Thành tại Phước Tân, Biên Hòa, Ðồng Nai; sân Golf Ðà Lạt Palace xây dựng từ những năm 1920 để phục vụ cho vua Bảo Ðại – từng có mặt trong danh sách những sân golf đẹp nhất Châu Á; sân golf trên đảo đầu tiên của VN Vinpearl Golf Club tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Như đã nói VN có gần 80 sân golf chính thức hoạt động nhưng nếu xét về số lượng, trong khi các nước láng giềng lân cận đã đạt đến con số hàng trăm từ lâu như Indonesia 168 sân, Malaysia 245 sân, Thái Lan 312 sân… thì số lượng sân golf VN chỉ đứng ở mức trung bình. Dù vậy, các sân golf này hàng năm đã nộp ngân sách khoảng hơn 800 tỷ VNÐ và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 12 ngàn lao động, trong đó một phần nguồn thu nhập là từ  sân golf kết hợp du lịch.

Nhiều bóng hồng tìm đến sân golf để săn tình “đại gia”. Ảnh: tác giả cung cấp

Gần đây, dư luận và mạng xã hội VN còn rộ lên chuyện nhiều chị em phụ nữ thường xuyên tiếp cận các sân golf nhưng để chơi golf thì ít mà nhằm “săn tìm đại gia” là nhiều. Chúng tôi thử thâm nhập và nhận thấy các bóng hồng xuất hiện trên sân golf quả tình ngày càng đông. Trong số này không chỉ các nữ doanh nhân mà còn lắm những cô gái trẻ khỏe, xinh đẹp liên tục “check-in”. Những cú swing điêu luyện, tạo dáng cùng gậy golf dường như đang trở thành xu hướng chung của những người đẹp kiểu này. Tại sân Sông Bé Golf Resort, chúng tôi tình cờ gặp được người mẫu H.G và hỏi cô về chuyện này. Người mẫu thẳng thắng trả lời: “Với ý kiến cho rằng con gái bây giờ kéo nhau vào sân golf là để kiếm đại gia, em nghĩ ai cần gì thì họ đi tìm cái đó thôi. Riêng em tìm đến golf như một thú vui giải trí ngoài giờ làm việc. Em thấy nhiều bạn, nhiều anh chị mình gặp ở sân golf đều là người tài giỏi. Họ đơn thuần lựa chọn golf làm môn thể thao ưa thích như em vậy. Từ sân golf, mọi người dễ trở thành bạn bè ngoài đời. Còn chuyện tìm kiếm đại gia em nghĩ chẳng nhất thiết phải ở sân golf mà người ta có thể tiếp cận nhau ở các quán bar, vũ trường, sàn nhảy hay những nơi khác… Như vậy không phải vừa rẻ tiền, vừa đơn giản hơn nhiều sao?”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

NS