Một số tỉnh phía Bắc Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc (TQ), đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Cũng ở khu vực này, VN có 29 trạm kiểm soát (trạm) chính giáp biên giới TQ, chưa kể các trạm phụ, đường rừng, đường mòn, lối tắt, thung lũng, khe núi. Hơn 20 năm qua, hoạt động thương mại biên giới của 2 nước thông qua con đường xuất nhập cảng ngày càng tấp nập. Song song đó, sự gia tăng các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhái, hàng giả từ TQ về VN cũng diễn biến hết sức phức tạp.
Muôn nẻo đường buôn… “hàng TQ”
Tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng nhái, hàng giả … xuất phát từ TQ được các con buôn thực hiện bằng nhiều hướng khác nhau. Ở phía đất liền, hoạt động này tập trung tại các trạm Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Lào Cai, Chi Ma, Tà Lùng, Trà Lĩnh … Phía đường sắt, tình hình buôn lậu diễn biến nhộn nhịp nhất là các tuyến Lạng Sơn – Hà Nội, Lào Cai – Hà Nội và Hà Nội – Sài Gòn. Tại đây, “hàng Tàu” lậu từ TQ chuyển qua được đưa lên tại các ga Đồng Đăng, Đông Kinh, Đồng Mô … sau đó đưa xuống các ga Yên Viên, Long Biên, Gia Lâm, Giáp Bát, tập trung ở Hà Nội sau đó phân tán nhỏ, đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.
Chủng loại “hàng TQ” buôn lậu qua biên giới TQ – VN khá đa dạng, từ các mặt hàng điện tử, điện lạnh, rượu ngoại, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, vải sợi, quần áo may sẵn, thời trang, giày dép, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng các loại, thuốc lá, tân dược, thực phẩm chức năng, thủy hải sản, gia súc gia cầm, sản phẩm từ động vật hoang dã, phụ tùng xe hơi, xe máy, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng … kể cả những loại hàng cấm như pháo nổ, vàng, ngoại tệ, vũ khí, thuốc lắc, ma túy …
Thực tế cho thấy nhiều năm qua, người tham gia vận chuyển “hàng TQ” lậu chủ yếu là cư dân ở khu vực biên giới và một bộ phận lao động từ các địa phương khác tìm đến kiếm sống. Các chủ đầu nậu đứng ra tổ chức các đường dây vận chuyển hàng lậu, thuê người đang sinh sống quanh khu vực biên giới lợi dụng địa hình hiểm trở, đêm tối và những sơ hở trong tuần tra, kiểm soát của công an, lực lượng chức năng, sau đó chỉ đạo đám “cửu vạn” này mang vác, áp tải, vận chuyển hàng lậu, hàng nhái, thậm chí hàng cấm. Với các phương thức, thủ đoạn tinh vi như hình thành ra những đường dây liên tỉnh, xuyên quốc gia; phân chia quãng đường vận chuyển thành nhiều đoạn đường để gom hàng tập kết tại nhiều địa điểm khác nhau ở khu vực biên giới; sử dụng đủ loại phương tiện để mang vác, vận chuyển như xe đạp, xe máy qua các đường mòn, lối mở; bằng tàu, thuyền trên sông, trên biển; bằng xe hơi, xe tải, xe khách hoặc vận chuyển qua đường bưu điện, đường hàng không để đưa “hàng TQ” lậu trốn thuế về tiêu thụ nội địa. Đặc biệt nhiều nhóm vận chuyển luôn thủ sẵn trong người “hàng nóng” như dao găm, mã tấu, bình xịt hơi cay, súng đạn … và trong tư thế sẵn sàng chống trả quyết liệt những khi bị người của phía chính quyền kiểm tra, bao vây, bắt giữ hàng hóa.
Giải pháp nào phòng chống?
Cùng với một số điểm tích cực của “hàng TQ” như giúp cho thị trường phong phú các chủng loại sản phẩm, hàng hóa với giá rẻ, thì VN đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái khá nghiêm trọng. Ở một góc độ khác, thực trạng này ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước, gây thiệt hại cho những công ty làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, dường như xu hướng buôn lậu “hàng TQ” và gian lận thương mại từ TQ về VN không còn tập trung vào các thời điểm nhất định nào đó mà hoạt động quanh năm theo quy luật cung cầu thị trường. Nhất là vào các dịp Tết Nguyên Đán, có chiều hướng gia tăng.
Ông James Trần, chủ một công ty liên doanh sản xuất hàng tiêu dùng ở Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, Sài Gòn) nhận xét: “Là người kinh doanh ở VN lâu năm, tôi biết từng có một số công ty đã lợi dụng hệ thống thông quan tự động, nhất là hệ thống tự động phân luồng tờ khai (luồng xanh, luồng vàng) nhằm cố tình không khai hoặc khai sai tên hàng, mã số, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa…với mục đích buôn lậu, trốn thuế. Ngoài ra còn phải kể đến một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước thiếu tinh thần trách nhiệm với các biểu hiện như nể nang, bao che, bảo kê, nhận hối lộ… trực tiếp tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, cần xét xử nghiêm. Cạnh đó, nhận thức của nhiều người dân VN chưa cao, nhiều người tiêu dùng do tâm lý chuộng của rẻ nên cứ bỏ tiền mua, sử dụng hàng lậu, hàng giả mà không hiểu hết tác hại của chúng. Nếu như mọi người tiêu dùng VN cũng như các công ty luôn “nói không” với “hàng TQ” lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu … sẽ không còn đất sống!”
Báo cáo từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết: năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 146 ngàn vụ vi phạm (tăng 4.95% so với năm 2022), trong đó có 129 ngàn vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (tăng 4.51%), hơn 5 ngàn vụ sản xuất, mua bán “hàng TQ” lậu, hàng nhái, hàng giả (tăng 48%). Riêng 6 tháng đầu năm 2024 con số này lần lượt là 128 ngàn vụ, 71 ngàn vụ và hơn 3 ngàn vụ. Những con số nêu trên cho thấy tình trạng buôn lậu “hàng TQ”, nạn gian lận thương mại ở VN vẫn diễn biến phức tạp và vẫn chưa nhìn thấy điểm dừng!
NS