IPA, viết tắt mấy chữ International Phonetic Alphabet, một hệ thống ký hiệu ngữ âm được các nhà ngôn ngữ học, nhà từ điển học, ca sĩ, diễn viên dùng để nghiên cứu các âm thanh của ngôn ngữ.
Còn người Việt mình chỉ nghe tiếng nói rồi ghi lại nên tuỳ theo lỗ tai của người Bắc, người Trung, người Nam. ‘Củ tíu’, ‘hủ tíu’, ‘hủ tiếu’ chữ nào cũng được mà. Chữ ‘hủ tíu’ cũng không trật mà chữ ‘hủ tiếu’ cũng không sai. Hà tất gì phải lôi ông Vương Hồng Sển vô? Phải nói là ‘củ tíu’, ‘hủ tíu’ mới đúng; còn viết ‘hủ tiếu’ là sai. Tiệm Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp, Chợ Cũ, đề hủ tiếu Mỹ Tho; tiệm Hồng Phát ở đường Trần Quý Cáp thời VNCH, thời CS là đường Võ Văn Tần đề là hủ tiếu Nam Vang. ‘Dầu cháo quẩy’, ‘giò chéo quảy’, ‘quẩy’ hay ‘quảy’, phiên âm tuỳ tiện không theo IPA gì ráo, có biết đâu mà theo, nên chúng ta chấp nhận hết.
Một facebooker đã post ‘Cháo Dzịịt Xiêm Giò Chá Quẩy…Mời…Mời…” Tui nhìn tấm hình không phải vì thèm mà lại tức cảnh sinh tình, nên có vài nhận xét như sau: Người Bắc gọi là ngan, người Trung và người Nam thường gọi là vịt. Phát âm khác nhưng viết phải đúng chánh tả. Chữ của ông bà để lại là của chung; không ai có quyền viết theo ý riêng. Biết ‘vịt’ mà ông viết thành “Dziịt” là giỡn, nhưng giỡn kiểu này không có duyên dùng gì ráo; nếu không nói là giỡn rất vô duyên.
Bà con mình ai cũng biết Thái Lan xưa là nước Xiêm (Siam), nên miền Tây mình có: dừa Xiêm, chuối Xiêm, mãng cầu Xiêm, vịt Xiêm… Vịt có nhiều loại. Nuôi vịt cỏ chạy đồng để lượm hột vịt, nuôi vịt ta để nấu cháo, thịt vịt chấm nước mắm gừng. Vịt Anh Đào nuôi để làm vịt quay xuất sang Hong Kong cho chú chệt với á xẩm và thằng Tửng nó ăn. Và vịt Xiêm nấu cà ri ăn với bánh mì, với bún trong đám giỗ.
Người Việt ăn cháo vịt Xiêm của Xiêm với cháo huyết của Tàu ư? Ăn kiểu đó gọi là ‘hòa đồng tôn giáo’ của ông Đạo Dừa, Cồn Phụng, Mỹ Tho. Còn bà con mình thường ăn giò chéo quẩy với món có nước cho chắc bụng như: hủ tiếu; cháo huyết cũng của người Quảng. Nhớ xưa, hồi năm 1970, khi đi học ở Sài Gòn, tui ở trọ trong hẻm đường Phan Thanh Giản. Buổi trưa xế chiều, giờ đói bụng, thấy chú ba đẩy xe bán cháo huyết với giò chéo quẩy qua trước cửa, đôi khi thèm nhểu nước miếng tới rún nhưng không có tiền mà ăn.
Theo truyền thuyết bên Tàu, tên giò chéo quảy xuất phát từ câu chuyện Nhạc Phi bị gian thần hãm hại. Để nguyền rủa hai vợ chồng Tần Cối, người Tàu đã làm món ăn gồm hai thanh bột dài, chéo quảy vào nhau giống hình người hai vợ chồng, tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối, hai quỷ sứ bị rán trong vạc dầu ở địa ngục. Tuy nhiên, theo Chat GPT, trí khôn nhân tạo giải thích: ‘hai quỷ sứ bị rán bằng dầu’? Quỷ sứ là cai ngục a tỳ, mà lại rán đồng nghiệp của mình thì thật vô lý.
Tiếng Nam là ‘chiên; rán là tiếng Bắc. Rán là ít dầu. Quỷ sứ đem hai vợ chồng Tần Cối đi ‘nấu dầu’ mới đúng. Hai vợ chồng gian thần Tần Cối phải chịu sức nóng của lò Bát quái, thịt xương sẽ tan chảy ra thành dầu động vật.
(Ngục A Tỳ, là Địa ngục Vô Gián, là một trong những địa ngục khổ nhất theo quan niệm Phật giáo. Tên gọi ‘A Tỳ’ có nghĩa là không gián đoạn, chỉ sự đau khổ liên tục không ngừng nghỉ. Tội nhân ở ngục A Tỳ phải chịu những cực hình khủng khiếp như bị cưa hai nấu dầu liên tục. Một ngày một đêm ở ngục A Tỳ tương đương với 50 tiểu kiếp ở thế gian. Tội nhân phải chịu khổ trong suốt một đại kiếp.
Những người phạm tội giết cha, giết mẹ là phải sa vào ngục A Tỳ phải chịu đựng những hình phạt khủng khiếp nhất, không có thời gian nghỉ ngơi, và chỉ có thể thoát ra khi tội lỗi đã được trả hết.
Những cách hành hình như vậy thật man rợ. Hai người bị phỏng chết từ từ như giò chéo quảy trong đau đớn mà người ta còn nỡ lòng ăn món đó sao? Hành động của mấy chú ba có thật sự dã man không?
Tui cho rằng câu chuyện này được bồi bút phong kiến xạo ke đặt ra để tẩy não người dân ít chữ, dụ dân ngu khu đen nhắm mắt trung thành với vua như Nhạc Phi, tránh xa gian thần như vợ chồng Tần Cối. Bà con có thấy Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình hành xử như một hoàng đế thời phong kiến với một đám bồi bút xung quanh giống như ruồi nhặng không? Chúng cũng dùng những câu đối như “Trung với đảng hiếu với dân” để mị dân,
‘Giò Chá Quẩy’ nhưng ở nhà hàng ngoài Footscray, chiều tối tui hay đến nhậu món nghêu xào XO với chiến hữu Lưu Linh, em chạy bàn thường gọi gọn lỏn là ‘quẩy’. Nghe ‘quẩy’ là tui biết em là Ba ke hai nút gốc cũng Quảng nhưng là Quảng Ninh!
Tôi thích gọi ‘giò chéo quảy’ vì nó có lý hơn. Bà con quê tui thực thà chất phác, thẳng ruột ngựa. Thấy ‘mặt sao’ thì nói ‘ngao’ vậy. Thấy cái bánh có hai cái giò bắt chéo nhau thì ông bà tui gọi là ‘giò chéo quảy’, em chân dài ngồi kiểu giò chéo quảy. Nữ mà ngồi giò chéo quảy là một kiểu ngồi rất lịch sự vì kín đáo. Hồi xưa cúp cua, ngồi sau ‘bọt ba ga (port baggage) xe đạp hay yên Honda SS 67 anh chở đi ăn đậu đỏ bánh lọt vì em thèm ngọt, chớ hổng phải thèm chua, em luôn yểu điệu thục nữ, vén vạt áo dài, ngồi một bên, khép (cửa) lòng em lại. Em không ngồi chành bành, khiêu khích lắm. Em ngại Hồ Xuân Hương, bà Chúa thơ Nôm, châm chọc: “Vành ra ba góc da còn thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”.
Bà con ơi! Mạnh Tử nói: “Tận tín ư thư bất như vô thư” (Tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách còn hơn). Đọc sách, đừng có vội tin ngay, coi chừng sái cổ. Nhất là mấy chú ba hay làm đồ giả. Không chỉ trong sản xuất mà ngay cả trong lãnh vực văn chương. Vẽ chuyện giò chéo quảy, Nhạc Phi. Tần Cối sao có lợi cho bè lũ phong kiến xưa; cộng sản bây giờ cũng y vậy.
ĐXT