Giải Nobel Kinh tế 2019 vừa được công bố sẽ trao cho hai vợ chồng kinh tế gia Mỹ thuộc đại học MIT là Esther Duflo, 46 tuổi người gốc Pháp và Abhijit Banerjee, 58 tuổi gốc Ấn Độ, bên cạnh giáo sư Michael Kremer của ĐH Harvard về các nỗ lực nghiên cứu và tìm giải pháp cho sự đói nghèo của nhân loại. Từng nhận được nhiều tặng thưởng danh giá về kinh tế, cuốn sách Nền Kinh Tế Nghèo: Sự tái xét căn bản về phương thức đấu tranh với cái nghèo toàn cầu (Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty) của hai giáo sư Duflo và Banerjee từng được bình chọn là cuốn sách trong năm (2011) và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhân dịp cả hai vừa nhận được giải Nobel, chuyên mục xin giới thiệu và đặt tựa cho trích đoạn một tiểu luận về cái nghèo của hai nhà Nobel để hiểu hơn về nỗ lực trong cuộc chiến chống cái nghèo của các nhà kinh tế thế giới hiện nay.

Người nghèo hay bị đóng khung vào những kiểu nghĩ rập khuôn. Khuynh hướng này tồn tại từ rất lâu, kể từ khi đói nghèo xuất hiện. Trong các học thuyết xã hội cũng như trong văn chương, hình ảnh người nghèo được khắc họa rằng, không lười biếng thì nghĩ đâu làm đó, không cao quý thì trộm cắp, không cục cằn thì thụ động, không vô vọng thì tự lực cánh sinh. Ứng với suy nghĩ định kiến đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi quan điểm chính sách cũng chỉ quẩn quanh những công thức đơn giản kiểu “xóa đói giảm nghèo”.  Những quan điểm này không sai nhưng lẽ ra người nghèo nên được nhìn nhận như những con người bình thường. Họ cũng như chúng ta, cũng có hy vọng và hoài nghi, hạn chế và khát khao cùng biết bao hoang mang và niềm tin. Tuy nhiên, dù có được đoái hoài tới, người nghèo vẫn chỉ hiện lên đầy kịch tính như nhân vật chính của một vở bi kịch hay câu chuyện vượt lên số phận nào đó, để được thương hại hoặc khâm phục, chứ không phải để được nhìn nhận như những người cần được cố vấn về điều họ suy nghĩ, mong muốn hay thực hiện.

Người ta thường xuyên nhầm lẫn kinh tế học về tình trạng nghèo đói với kinh tế học về người nghèo. Vì người nghèo hầu như chẳng có tài sản gì, nên ta hay cho rằng chẳng có gì để bàn về đời sống kinh tế của họ. Ðây là nhầm lẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, vì nếu vấn đề bị lầm tưởng là đơn giản thì giải pháp sẽ bị đơn giản hóa. Chính sách chống đói nghèo là lĩnh vực đầy rẫy những giải pháp có vẻ màu nhiệm nhưng trong thực tế chẳng mấy hiệu quả.

Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer được công bố thắng giải Nobel kinh tế. Karin Wesslen | Thông tấn TT | Reuters

Ðể tìm ra giải pháp thực sự, chúng ta cần bỏ thói quen biến người nghèo thành những nhân vật như trên hoạt hình, dành thời gian tìm hiểu cẩn trọng về cuộc sống của họ với tất cả sự phức tạp và đa dạng tiềm ẩn. Ðó là những gì chúng tôi cố gắng thực hiện trong vòng mười lăm năm qua. Như hầu hết những người làm công việc nghiên cứu khác, chúng tôi xây dựng học thuyết và quan sát dữ liệu. Nhưng thực chất công việc này đòi hỏi phải dành hàng tháng, hàng năm trời tại chỗ, làm việc với các nhà hoạt động phi chính phủ (NGO) và quan chức chính phủ, nhân viên y tế và các tổ chức tài chính vi mô. Khi phân tích dữ liệu, chúng tôi vừa phấn khích vừa bối rối, cố gắng dung nạp điều mắt thấy tai nghe vào những mô hình đơn giản mà các nhà kinh tế học phát triển và các chuyên gia chính sách, thường là phương Tây hoặc được đào tạo ở phương Tây, vẫn hay nghĩ về cuộc sống của người nghèo. Thông thường khi tìm được bằng chứng xác đáng, chúng tôi sẽ đánh giá lại hoặc thậm chí loại bỏ những học thuyết hiện có. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng tìm hiểu chính xác tại sao những học thuyết đó thất bại, và cần điều chỉnh ra sao để những học thuyết đó mô tả thế giới này đúng đắn hơn.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những người bần cùng trên thế giới. Tại 50 quốc gia mà hầu hết người nghèo tập trung sinh sống, mức được xem là nghèo bình quân là 36 cent. Nhưng vì vật giá ở hầu hết các nước đang phát triển đều rẻ hơn, do đó nếu tính theo giá ở Mỹ, thì người nghèo cần nhiều tiền hơn để mua những món tương đương tại Ấn Ðộ, chính xác là 99 cent. Do vậy, để hình dung cuộc sống của người nghèo, ta phải tưởng tượng mình sống ở Miami hay Modesto với 99 cent mỗi ngày cho hầu hết các nhu cầu thiết yếu mà  không tính chi phí nhà cửa. Ðiều này không dễ dàng – chẳng hạn như ở Ấn Ðộ với số tiền tương đương, người ta có thể mua được 15 trái chuối nhỏ hay gần 1.5 ký gạo xấu. Liệu có thể sống với chỉ chừng đó tiền? Trên toàn thế giới vào năm 2005, 865 triệu người (13% dân số thế giới) phải sống trong tình cảnh đó.

Bìa sách “Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty”

Người nghèo chẳng có gì khác biệt. Họ cũng có những khao khát và hạn chế như chúng ta và cũng biết suy xét như bất kỳ ai. Họ hầu như tay trắng, chính điều này khiến người nghèo cẩn trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định. Họ phải xoay xở chi tiết với tiền bạc chỉ để tiếp tục tồn tại. Nhưng cuộc sống của họ và chúng ta như nước sông với nước giếng. Ðiều khác biệt ở đây ắt hẳn có liên quan đến những khía cạnh cuộc sống mà ta luôn cho là chuyện đương nhiên và hầu như chẳng bao giờ nghĩ đến. Sống với 99 cent mỗi ngày đồng nghĩa với việc tiếp cận thông tin bị hạn chế vì báo chí, tivi, và sách vở đều mất tiền mua. Do đó thường người ta sẽ không được biết những điều mà phần còn lại của thế giới nghiễm nhiên biết tới, chẳng hạn thuốc chủng ngừa sởi cho trẻ em. Việc này chẳng khác gì sống trong một thế giới không dành cho mình.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Ða số người nghèo không có lương, chứ chưa nói tới chế độ hưu được trích ra từ khoản lương đó. Họ phải quyết định chuyện giấy tờ phức tạp mà không thể suy xét cẩn thận, vì chưa đọc sõi. Người ta có thể làm được gì với thẻ bảo hiểm y tế vốn không đủ chi trả cho những căn bệnh mà họ thậm chí không thể gọi tên? Người ta vẫn đi bầu cử mặc dù kinh nghiệm cho thấy hệ thống chính trị không gì ngoài những hứa hẹn không bao giờ thành hiện thực. Họ cũng chẳng có nơi nào an toàn để cất tiền, vì phí dịch vụ gửi tiết kiệm ở ngân hàng thậm chí nhiều hơn lãi tiền gửi. Tất cả đều cho thấy người nghèo cần nhiều kỹ năng, bản lĩnh và phải kiên định hơn mới phát huy năng lực và đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình. Trong khi đó, những chi phí lặt vặt, rào cản và sơ suất nhỏ nhặt mà hầu hết chúng ta hay bỏ qua lại có tác động không hề nhỏ tới cuộc sống của họ. Không dễ thoát nghèo, nhưng nếu cứ tin tưởng vào điều có thể và sự giúp đỡ có định hướng rõ ràng như một chút thông tin, một cú bứt phá, đôi khi lại có tác dụng to lớn ngoài mong đợi. Ngược lại, nếu đặt kỳ vọng nhầm chỗ hay không đủ lòng tin khi cần, có thể ta sẽ không vượt qua được những rào cản tưởng chừng như nhỏ bé. Sử dụng đúng đòn bẩy sẽ mang lại những thay đổi to lớn, nhưng rất khó biết được đòn bẩy đó nằm ở đâu. Và trên hết là chẳng có một đòn bẩy nào có thể giải quyết được mọi vấn đề.

Esther Duflo Photo

Cuộc sống của người nghèo và những lựa chọn mà họ phải đối mặt sẽ cho chúng ta biết cách đấu tranh chống đói nghèo trên thế giới. Nó giúp chúng ta hiểu, chẳng hạn như tại sao tài chính vi mô lại hữu ích dù không hề là phép màu như một số người vẫn nghĩ; tại sao người nghèo thường lựa chọn cách chăm sóc sức khỏe nguy hại nhiều hơn có lợi, tại sao nhiều trẻ con nhà nghèo đi học hết năm này sang năm khác nhưng vẫn không tiếp thu được gì, tại sao người nghèo không muốn có bảo hiểm y tế. Và nó cũng phần nào cho thấy tại sao nhiều giải pháp được cho là thần kỳ trước đây nay đều thất bại. Người nghèo mang hy vọng và quan trọng nhất, tại sao họ cần phải hy vọng và không ngừng học hỏi, tại sao phải tiếp tục cố gắng mỗi khi thách đố tưởng như quá sức chịu đựng? Bởi sự thành công không phải lúc nào cũng xa vời như ta tưởng.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

ED & AB