Nếu hamburger như một nét ẩm thực đặc trưng của dân Mỹ thì bánh mì baguette cũng tương tự với dân Pháp. Với hơn 330 triệu dân, mỗi ngày dân Mỹ tiêu thụ khoảng 136 triệu cái hamburger thì nước Pháp cũng không thua kém khi với khoảng 65 triệu dân, nước Pháp tiêu thụ khoảng 30 triệu bánh mì baguette mỗi ngày. Baguette đi ra ngoài nước Pháp, sang đến Việt Nam. Có đi Tây, bạn ghé một tiệm bánh mì baguette xem thế nào.

Một người Pháp với bánh mì baguette trên đường phố    

Bánh mì baguette không thiếu trong các chợ thực phẩm tại Mỹ, từ Walmart đến Kroger. Cũng một đôi lần, tôi có ăn baguette tại các nhà hàng La Madeleine, ắt không khác biệt nhiều so với tại Pháp bởi nó là hệ thống nhà hàng bán món ăn Pháp.

Nhưng đã đến Paris, chắc chắn du khách phải ăn bánh mì baguette mới ra lò hơn một lần. Bởi như nói trên, baguette không thể thiếu trong đời sống thường nhật của dân Pháp và các tiệm bánh mì baguette hiện diện khắp mọi nơi. Những khu trung tâm, ra khỏi khách sạn không khó để tìm ra các tiệm bánh mì baguette có xa lắm thì cũng chỉ đi bộ đôi ba trăm mét, tùy vị trí khách sạn. Tôi cũng chẳng là ngoại lệ.

Những tiệm bánh mì baguette nho nhỏ này có khi chỉ là tiệm bán mang đi, không có bàn ghế bên trong hay hàng hiên cho khách ngồi ăn sáng. Có những tiệm không lớn nhưng bàn ghế đầy đủ cho khách muốn ăn ngay tại tiệm. Có khác nhau thế nào thì những kiểu bánh mì baguette đã chuẩn bị sẵn để trong quầy kính trông thật bắt mắt và hấp dẫn.

Buổi sáng đầu tiên tại Paris, tôi bấm điện thoại tìm các tiệm bánh mì baguette gần quanh khách sạn mình ngụ. Có ít nhất là ba, bốn tiệm theo các hướng khác nhau và chỉ đi bộ vài phút. Tôi không có khái niệm tiệm nào ra tiệm nào, chọn đại Paris Baguette vì có chữ … “Paris” và nhớ từng thấy đâu đó tại Mỹ. Về xem lại mới biết là đây là hệ thống bánh mì Baguette khá lớn của… Nam Hàn, nghe nói có mở cả tại Việt Nam. Nhưng chẳng sao, của nước nào thì bán cho dân Paris phải làm đúng kiểu Pháp, họ đâu mở ra để nhắm bán cho du khách.

Bánh mì baguette Paris

Mà quả thật là vậy, vài buổi sáng tại Pháp chúng tôi ghé các tiệm baguette nho nhỏ của người dân địa phương, chắc phải có nhưng tôi không nhận ra nhiều sự khác biệt. Mỗi ngày, tôi thử một loại nhưn khác nhau. Chỉ trên dưới 5 Euro một ổ, cũng khoảng chừng ấy so với tiền Mỹ vì tỉ giá dollar và Euro cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu, cộng thêm ly cà-phê dăm Euro, giá cả rất bình dân cho một buổi sáng. Ðiều còn lại là nó có đủ ngon cho bạn ăn mỗi ngày hay không?

Xem thêm:   Kế hoạch tấn công Nga

Tôi thích bánh mì và đến Paris muốn thử baguette ra sao. Nhưng thú thật không thể ăn lâu hơn vài ngày. Với tôi thì baguette chẳng thể nào ngon hơn bánh mì Việt Nam. Hay cũng do mình đã ăn quen bánh mì Việt Nam. Bởi dù mới ra lò, baguette được  chuẩn bị sẵn, nếu không phải loại có thêm salad, cà chua… thì có thể yêu cầu nướng sơ. Nhưng nó vẫn dai, nhiều bột, không xốp và giòn rụm như bánh mì Việt Nam. Tất nhiên loại hay tiệm bánh mì Việt Nam “có nghề”, chứ ngay tại Mỹ này mà tìm một tiệm bánh mì Việt Nam cho ngon, cho vừa ý chắc cũng chạy hết xăng. Nhất là khi phải mua đại dăm ba ổ bánh mì không, nhăn nhúm như những người “đau khổ kinh niên”, được bỏ bịch ny-lông và bán trong các chợ Việt thì muốn … thở ra. Nhưng cũng không có chọn lựa khác hơn.

Như nhiều thứ đã xuất hiện từ lâu đời, nguồn gốc và lịch sử của chúng có nhiều đồn đãi, thêu dệt hay khó kiểm chứng. Nhưng các tài liệu bảo rằng bánh mì baguette dù là một “văn hóa”, một “quốc hồn quốc túy” của người Pháp lại do một thợ bánh mì người Áo đến từ thành Vienna tạo ra. Tất nhiên có phần khác biệt so với ổ bánh mì baguette dài thòng ngày nay, bởi “baguette” có ý nghĩa là “gậy, que” (baton, stick). Giai thoại khác thì bảo chính Napoleon đã nghĩ ra cách làm bánh mì dài như vậy để cho binh sĩ nhét và mang theo dễ dàng hơn loại bánh mì ổ hay tròn. Ðại loại kiểu tích vua Quang Trung cho binh lính mang theo bánh tráng trên đường tiến quân ra Bắc dẹp quân Thanh. Thật hư thế nào thì các giai thoại cũng thú vị.

Tác giả và một nhân viên nhà hàng Pháp

Một quốc gia lâu đời như Pháp mà còn có các giả thuyết về nguồn gốc baguette khác nhau thì huống gì Việt Nam nên dù là “cháu cố” vài đời của  baguette, cũng khó ai xác định bánh mì kiểu Việt Nam ra đời từ lúc nào. Tất nhiên phải theo đoàn quân lính viễn chinh Pháp đến Việt Nam. Nhưng ai là người có công chế biến ra những ổ bánh mì ngắn và giòn, xốp hơn nhiều baguette như vậy thì đố ai biết được. Nếu có dài, thì ắt nhiều người còn nhớ những ổ bánh mì to, dài bóng lưỡng bán ngoài Hàng Xanh hay tại các bến xe miền Ðông hay miền Tây ở Sài Gòn sau 75. Ai về quê mua dăm ba ổ, sang hơn là thêm  con vịt quay, làm quà cho người thân nhà quê là món quà Sài Gòn quý giá và hiếm hoi.

Xem thêm:   Cà phê xào (kỳ 2)

Nghe bảo Sài Gòn đang tổ chức “lễ hội bánh mì”, không hiểu có ai lần dò lại nguồn cội bánh mì Việt Nam hay không. Có dăm bài báo sơ sài đó đây, mang tính báo chí hơn là tra khảo học thuật nên rốt lại người ta cũng đoán là bánh mì Việt được thịnh và phổ biến từ khoảng thập niên 30s, tức trên dưới 100 năm trước. Và cả hai “ông cháu”, baguette Tây và bánh mì Việt Nam đều được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể” (Intangible Cultural Heritage). Tất nhiên là đùa nếu bảo rằng, bánh mì (chai cứng) có thể đánh lỗ đầu người khác chứ “phi vật thể” gì.

Tôi đã “chia tay” với Paris và nước Pháp từ kỳ báo trước, không định quay lại cùng nó dù cũng còn nhiều điều riêng mình đã ghi nhận. Nhưng một anh bạn tôi có hỏi rằng, hãy chia sẻ chuyện sang Paris “ăn gì” cho chuyến đi sắp đến của anh.

Làm sao tôi biết được?

Một “quán cóc”

Ðêm đầu tiên tôi hỏi người nhân viên tiếp tân rất thân thiện và nhiệt thành chào đón, hướng dẫn du khách. Anh chỉ cho tôi hai ba quán Tây gần khách sạn, đến lúc đi ăn tối thì gặp người chủ khách sạn ắt đã nghe anh chàng tiếp tân kể lại. Ông chỉ chúng tôi đến một quán Tây khá đẹp, chuyên bán đồ Tây chính hiệu cũng khá gần khách sạn. Nói thêm là Paris có khá nhiều khách sạn nhỏ do chính các chủ nhân tự vận hành. Khách sạn tôi ngụ cao sáu tầng lầu và chỉ có … sáu phòng, mỗi tầng chỉ có một phòng. Hay nói khác hơn, nó như một nhà lầu bên Việt Nam hơn là kiểu khách sạn bề thế hàng trăm phòng tại Mỹ.

Xem thêm:   Tiến vào Nga

Các nhà hàng Tây trang nhã, bài trí đẹp, món ăn thì tùy khẩu vị mỗi người hơn là nói chắc ngon hay dở. Chúng tôi ăn tối tại các nhà hàng này vài đêm và chỉ có tôi là thành viên gia đình duy nhất còn muốn quay lại. Mà bởi vì cái không khí cũng như tôi muốn “sống” với không khí Paris hơn là vì thức ăn. Mỗi dĩa thức ăn trung bình chỉ khoảng dưới 20 Euro, không kể tại các tiệm ngay điểm du lịch, như tháp Eiffel chẳng hạn có thể đắt hơn, trên dưới 30 Euro phần ăn. Khó thể gọi là đắt đỏ so với tại một thành phố du lịch lớn ngay tại Mỹ. Tôi chỉ không ghé thử Quận 13, “thủ phủ” của các tiệm ăn người Việt. Một phần vì thời gian, phần khác do một người gốc Việt sống lâu năm tại Pháp bảo rằng, “anh ở Mỹ sang thì ghé đó ăn đồ Việt làm gì?”.

Không cần ăn đồ Việt trên đất Pháp nhưng bạn nhớ ghé các tiệm bánh mì  baguette tại Paris. Ngồi chiếc bàn nho nhỏ ngoài hàng hiên với ổ bánh mì trên tay và ly cà phê sáng, ngắm người Paris qua lại cũng là cái thú.

Cái không khí, trải nghiệm của mỗi chuyến đi là điều đáng nhớ và còn sót lại. Còn chuyện ăn uống thì có gì quan trọng phải không bạn?

Một nhà hàng sang trọng

ĐYT