Có những lòng tin khiến chúng ta không… tin vào nó!

Quán của Thời Thanh Xuân, đường Triệu Việt Vương // Đà Lạt (Từ Facebook của quán) 

  1. Lòng tin trong tình yêu

“Trong lúc nằm ôm nhau tâm sự. Người yêu tôi hỏi:  Anh nhớ em nhiều như thế nào?

Tôi thật thà trả lời: Anh nhớ em nhiều như số lông ở trên cái… mền mà hai đứa mình đang đắp.

Chả hiểu sao cô ấy xoay người lại đạp tôi rớt xuống giường. Còn mắng tôi không lãng mạn gì cả! Vậy cô ấy có tin tôi không?” Một câu hỏi từ Facebooker Ðỗ Thế Hoàng.

  1. Lòng tin vào xã hội – Từ Facebook Phạm Gia Hiền

“Ở Ðà Lạt có một cái quán cà phê nhỏ xinh, tên là Quán của Thời Thanh Xuân. Quán này do một doanh nghiệp xã hội mở ra, tạo công ăn việc làm và dạy nghề cho các bạn trẻ khiếm thính, khiếm thị. Hoạt động hồn nhiên lắm, có khi nhân viên cả quán kéo nhau ra ngoài hết, thì để ngỏ cửa đấy, viết lại 1 cái biển cho khách biết mà vào. Ðại ý là bạn tự phục vụ, tự trả tiền, chúng tôi tin bạn.

Vì cái biển ấy, quán trở nên nổi tiếng. Nổi tiếng theo kiểu một thanh kẹo ngọt mà ai cũng muốn nếm thử, chứ còn cũng chả lợi lộc gì nhiều. Thế mà hôm rồi, nhân lúc quán lại vắng người trông, có khách nào đó đập vỡ thùng lấy tiền, khoắng thêm ít đồ, có hũ muối tôm cũng lấy luôn. Mấy thanh niên ở quán viết thư ngỏ rằng:

“Chả ai đang sống trong sung túc, đầy đủ mà làm việc này. Chắc cuộc sống của người đang gặp khó khăn, có vấn đề. Mong là số tiền người lấy đi có thể giúp người giải quyết được rắc rối nào đó. Còn nếu không phải là như vậy, thì việc người không kiểm soát được lòng tham của người sẽ khiến người day dứt trong khoảng thời gian không ngắn. Quán sẽ thấy thương người lắm.

Buồn ghê ha! Quán được dựng nên, được nuôi dưỡng bằng lòng tử tế của tất cả những Thanh Xuân đến đây. Và Quán chỉ muốn sống bằng lòng tử tế ấy, nhân đôi lên, và lan rộng thêm. Ðể nơi có chúng ta – là nơi đáng sống.

Quán không muốn báo công an. Quán không muốn lắp camera ơi hỡi người ơi! Buồn quá!”.

Camera Tàu bây giờ rẻ bèo, mấy trăm nghìn cũng có 1 cái dùng được. Những con mắt camera nhìn chòng chọc vào nhau. Ban đêm đi ngoài đường nhìn những đốm đỏ hồng ngoại trước cửa những ngôi nhà, thấy mình bỗng như kẻ trộm, nhanh chân mà bước qua.

Nhưng ở Sóc Trăng, camera an ninh được chơi ở cấp độ khét lẹt hơn nhiều: Ban thường vụ tỉnh ủy quyết định dùng nguồn ngân sách dự phòng chi 981.927.000 VNđồng để lắp camera an ninh tại… nhà riêng của 16 đồng chí trong Ban thường vụ. Sự việc vỡ ra, đồng chí giám đốc công an tỉnh nói đỡ, “Gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định”.

Nghe qua thấy có lý thật. Cũng đáng chứ, các đồng chí trong thường vụ tỉnh ủy là quan trọng lắm, nhỡ có khủng bố thì làm sao, mất quan phụ mẫu thì dân biết trông cậy vào đâu? Hơn nữa, xem ảnh tư gia của các đồng chí cũng thấy ứa nước dãi, bọn đạo tặc nó dễ nhòm ngó lắm chứ đùa. Ðến cái quán nghèo rách trên Ðà Lạt nó còn ghé lấy không còn lọ muối tôm nữa là tòa dinh thự trắng muốt rộng thênh kia?

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Có cái, các “đồng chí” không liệu cơm gắp mắm chút nào. Sóc Trăng là một trong 3 tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp nhất Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Kinh phí hoạt động hằng năm đều đặn vác rá lên trung ương xin về. Ðâu xa mới 2018, Sóc Trăng thu ngân 3.803 tỉ đồng, chi ngân sách gần 9.800 tỉ đồng, thâm hụt tới gần 6.000 tỉ đồng. Tiêu như thế, bảo sao mà chả thâm hụt ? Mà thâm hụt cho dân đã đành…

Chỗ nào mà không có camera an ninh bây giờ, thì con người ở chỗ đấy tin được, bạn ạ”.

Quán của Thời Thanh Xuân, đường Triệu Việt Vương // Đà Lạt (Từ Facebook của quán)

  1. Lòng tin vào chính mình – Từ Facebook Huy Lai

“Có lần vô Fahasa thì bị bảo vệ bắt gửi túi xách, tui cáu quá gắt lên vì cảm giác mình bị nhìn giống như thằng ăn cắp. Cuối cùng quản lý phải để tui mang túi vào. Bây giờ, nếu tui muốn, tui vẫn có thể mang túi vào bất cứ nhà sách nào của Fahasa. Nói phải tội, đi siêu thị phải gửi túi còn chấp nhận được, còn đây là nhà sách, nơi dành cho những con người có học thức, có trí tuệ, có liêm sỉ ,danh dự… Nhưng cũng vì mình là người đọc sách, có hiểu biết, nên dần cũng thông cảm cho công việc, nhiệm vụ của họ. Phần nữa, mình đàng hoàng thì đâu có gì phải lo. Thế nên, nhịn một chút, để giúp người một chút.

Sau này đi nhà sách thì thỉnh thoảng phát hiện hàng hóa của nhà sách bị rút ruột, hôm nay cũng thế. Thú thật, cảm giác mỗi khi đứng trước món hàng bị đánh cắp, tui tưởng như mình chính là thủ phạm. Nó xấu hổ và phẫn nộ bội phần so với khi bị nhắc gửi túi mỗi khi ra vào một cửa hàng nào đó. Giá trị mất đi so với lòng tham là thật không đáng. Hành vi đánh cắp này không phải do bởi sự thiếu thốn cùng cực gây ra.

Tui nhớ độ hai mươi năm về trước, hàng điện tử của Nhật, đặc biệt máy ảnh KTS, Walkman, máy tính Casio… được bày bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá hãng tại thị trường VN. Ðó hầu hết là đồ chôm chỉa, vì người Nhật họ không thèm bảo quản và soát túi khách ra vào cửa hàng. Lúc đó người Nhật hầu như không biết tiếng Việt, còn bây giờ họ rành nhất câu “Ở đây có gắn camera”, “Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động”, “Ăn cắp vặt là phạm tội”…

Nói thật, người không khống chế được lòng tham vặt, thì sao cưỡng được trước những cám dỗ lớn hơn. Những phụ huynh, học sinh có lòng tham vặt như vậy, nếu sau này có cơ hội ngồi ở những vị trí cấp cao trong nhà nước, ai dám chắc họ sẽ không tham nhũng, không ăn cắp của cải quốc gia để bán cho nước ngoài?! Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Tai tiếng đến độ cẩm nang du lịch của du khách nước ngoài cũng nhắc nhau đề phòng bị trộm cắp khi đến VN. Ăn cắp đã trở thành quốc nạn rồi, và nó truyền thừa qua mỗi thế hệ.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Người VN chúng ta có thể tốn cả núi tiền để đầu tư chất xám cho thế hệ sau, nhưng hầu như quên đi đầu tư thời gian vào việc bồi dưỡng tâm hồn cho chúng… Ðể rồi sau đó hỏi “tại sao” khi mà chúng đem chữ “ăn cắp” dán lên mặt chúng ta. Chính ta dạy chúng mà”.

Quyết định về việc gắn camera của tỉnh Sóc Trăng. Quyết định còn cẩn thận ghi “và được bảo mật”. (Báo Người Lao Động)

  1. Lòng tin vào… lòng tin 

“Ðường lên đỉnh Olympia” là một cuộc thi giải đố trên truyền hình (quiz show). Ðề tài của các câu hỏi nằm trong nội dung chương trình học phổ thông Việt Nam. Có thể nói đây là một cuộc thi đố vui (có thưởng). Chỉ khác với các cuộc thi đố vui khác là giải thưởng của cuộc thi này rất lớn: 35.000 USD (khoảng 800 triệu VND), chính là tổng chi phí cho 4 năm du học Úc.

Sau mỗi mùa Olympia, câu chuyện về các nhà vô địch nhận học bổng học tập ở Australia sau đó không trở về Việt Nam lại được nhiều người bàn luận. Vì suốt 20 mùa thi, ngoài những người chưa/không đi du học ra thì chỉ có 3/18 vị quán quân của cuộc thi này ở lại VN. Từ đó, cuộc thi cũng được xem là nơi “tuyển nhân tài cho nước… Úc”.

Việc này đã làm phiền lòng “ai đó”, thế là các bài báo bác bỏ “luận điệu xuyên tạc” trên đã được sanh ra. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Hãy nghe câu trả lời của nhà báo Nguyễn Như Mai – người 20 năm làm cố vấn phần “Hiểu biết chung” tại cuộc thi Ðường lên đỉnh Olympia trả lời trên báo Tiền Phong (VN) về vấn đề này:

“Trước hết, như cha ông ta nói nôm na “đất lành chim đậu”. Các em sang du học được hưởng một nền giáo dục tiên tiến. Tốt nghiệp xong, có việc làm, có cuộc sống sung túc. Có môi trường làm việc sáng tạo, phát triển tài năng. Trong khi đó, nếu về nước, các em phải chạy chọt để có việc làm. Ði làm lại không đúng chuyên môn, thậm chí phải cúc cung phục vụ ông sếp dốt nát. Không có điều kiện thi thố tài năng, cuộc sống gieo neo mòn mỏi… Tôi hỏi thực, nếu là bạn, bạn có ở lại không? Tôi cũng đã “điều tra xã hội học” bằng cách hỏi các bậc phụ huynh rằng, có muốn con ở lại không? Gần như tất cả đều trả lời: về làm gì, mong còn chẳng được nữa là”.

Vì sự “vui” hơi… nhiều của giải thưởng, mà cuộc thi này nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Quán quân của cuộc thi này mỗi năm đều “nằm dài” trên khắp các “mặt trận” tin tức. Bởi vậy, Trần Thế Trung (hiện là học sinh lớp 11 chuyên Lý, ở Nghệ An), sau khi giành ngôi đầu bảng cuộc thi Ðường lên đỉnh Olympia năm nay (2019) cũng trở nên “thân thuộc” hơn với “mọi nhà”.

Ngoài nổi tiếng vì là quán quân, Trần Thế Trung còn nổi tiếng với phát ngôn đầu tiên trên báo chí nước nhà: “Trên trang cá nhân trên mạng xã hội của em có một số phần tử phản động cũng vào theo dõi và biết được em là một người có bản lĩnh chính trị tư tưởng khá là vững vàng thì chúng cũng ra sức tuyên truyền hòng thay đổi tư tưởng của em” (Em cũng kết thúc bài phỏng vấn với câu nói quen thuộc mà các quán quân của cuộc thi này hay nói: Du học xong em sẽ trở về Việt Nam).

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Ai đọc các câu trả lời em, đều tin rằng em có niềm tin với lòng… tin của mình vô cùng “nồng nàn” và mãnh liệt. Lòng tin của một “hạt giống đỏ” được đào tạo bài bản. Giống như những người từng có niềm tin vào cái… lòng tin tương tự như em vậy. Bởi vậy, với phát ngôn như trên, thay vì nhận một trận “bão” gạch đá từ dư luận, Trần Thế Trung được chia sẻ rất nhiều “kỷ niệm” và sự cảm thông từ “người đi trước”. Ví dụ như:

Facebook Thuần Ngô: “Năm lớp 4, tớ mất ngủ, hồi hộp, tim đập như muốn văng ra ngoài, bởi hôm sau tớ được vào đội viên tiền phong hcm

– Năm lớp 7-8-9 , tớ luôn là chi đội trưởng, lãnh đạo toàn quân đi thi nghi thức cấp quận, thành, mặt vênh như chó cắn ma

– Cấp ba, tớ luôn phấn đấu thành đoàn viên ưu tú, đeo cái huy hiệu đoàn trên ngực áo mà vui như trúng Vietlot

–  Ðại học, được tuyên dương đoàn viên tiêu biểu gì đó quên mẹ nó rồi, mắt tớ sáng như xem film JAV

…. Cũng tại …bị … sau này có internet. Tớ bị phân hóa và trượt dài tư tưởng. Bố tiên sư thằng internet, thằng Gúc, thằng Phây và bọn phản động đã tác động sâu rộng đến bản lĩnh chánh trị của tớ.

Phát ngôn của tân quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” (Từ RFA)

Tái bút: Thế cho nên, các bác phây đừng chửi em nó mà tội nghiệp. Em ấy là hiện thân của sản phẩm giáo dục xây dựng hình ảnh một con bò mà chúng ta, đã từng là một con bò ngoan như thế, khi bằng tuổi em ấy.”

Facebook Chuan Vu: “Phát ngôn gần đây của em trai quán quân Ðường lên đỉnh Olympia 2019 không có gì lạ lẫm. Cái chương trình ấy của VTV3 biên đạo, sắp đặt mọi thứ thì sao mà công bằng cho được.

Cứ nhớ 3 mùa đầu tiên, toàn dân Nam kỳ (cụ thể là Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang) bước vào tới vòng chung kết và đoạt quán quân. Sau đó thì các quán quân nhích dần ra miền Trung và mấy năm đổ lại đây thì quán quân 80% thuộc về phe “phía trên vĩ tuyến 17”.

Cùng khóa với mình có 2 tay đi thi, về kể cùng 1 câu chuyện: bộ câu hỏi cho thí sinh Bắc kỳ dễ hơn, đôi khi có trường hợp gợi ý trước câu hỏi hoặc câu trả lời. Nên “hạt giống đỏ” 2019 có phát ngôn vậy không lạ. Hy vọng qua bên kia bọn Tư bản nó khai phóng cho em sớm thôi”.

Có một người bạn hay nói với tôi: “Ai cũng nói thiệt, tại lát họ nghĩ… khác”. Tôi thấy rất đúng trong câu chuyện về cái “lòng tin” này!

  1. Lòng tin vào pháp luật

Một vị quan tòa bước ra khỏi tòa án và cười chảy nước mắt, ông ta cười không thở được.

Người bạn của ông ấy tò mò, hỏi: Chuyện gì khiến ngài cười nhiều như thế?

Vị quan tòa: Tôi vừa nghe được câu chuyện cười hài hước nhất từ trước đến giờ.

– Chuyện gì thế? Ngài kể tôi nghe được không?

Quan tòa cố nhịn cười, nói: Không được, vì tôi vừa cho kẻ kể câu chuyện đấy 10 năm tù vì tội chống đối nhà nước rồi!

DU – Saigon