Tôi đã lang thang trên “net” chiều nay nhưng không thể nào tìm ra hình ảnh của chiếc lon “gô”, người bạn ngày nào của tôi. Bao bì của các món hàng sản xuất mỗi ngày mỗi tân tiến, mới lạ, đẹp đẽ và gọn nhẹ. Bây giờ người ta đựng sữa bột trong những bao bằng giấy dày hoặc bằng thứ kim loại mỏng, không như bằng chiếc hộp nhôm không rỉ sét, dày dặn như cái thời xa xưa đó.

Người vẽ kiểu của chiếc lon “gô” ngày nào chắc cũng đã ra người thiên cổ, không còn để cái đám tù tập trung trong các trại tù Cộng Sản sau này gặp gỡ để nói một lời cám ơn về một thứ đồ dùng, một bao bì mà sau khi dùng sản phẩm, có thể vứt bỏ, nó lại được dùng như một vật tiện dụng và hữu ích qua nhiều năm tháng.

Loại sữa Guigoz của Hòa Lan được nhập cảng vào Việt Nam nhiều nhất là sau khi người Pháp trở lại Việt Nam vào khoảng năm 1946. Vào thời ấy lon sữa bột Guigoz không lấy gì làm đắt. Một công chức trung bình ở miền Nam cũng có thể nuôi con bằng loại sữa bột này. Có hai loại sữa Guigoz, loại trắng cho trẻ sơ sinh, và loại màu vàng cho tuổi từ một năm trở đi. Loại sữa bột này phổ biến đến nỗi hầu như gia đình trung lưu nào cũng nuôi con bằng sữa Guigoz, và những chiếc lon nhôm, dày dặn, với dung tích 0.75 lít, có chiều cao 18cm, đường kính 8cm, không rỉ sét này thường được các bà nội trợ cất giữ để đựng thực phẩm ở trong bếp, trừ muối, nó có thể đựng đường, ớt, tiêu hành hay các thức ăn khô.

Tuy chiếc lon Guigoz tiện dụng nhưng thật ra nó không có giá trị gì, nó có thể ra nằm ngoài đống rác. Từ năm 1965 trở về sau, miền Nam đã nhập cảng nhiều loại sữa bột khác dành cho trẻ em; nhưng chiếc lon sữa Guigoz vẫn còn tồn tại trong hầu hết gia đình vì nó bền, chắc, khó móp méo hay hư hỏng. Thế mà chiếc lon Guigoz đó lại trở thành người bạn thân thiết từ Mùa Hè năm 1975 khi tôi phải giã từ quân đội, bỏ lại vợ con và thành phố yêu dấu để trình diện đi tù, làm cái công việc của một người lính thất trận.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Thoạt đầu chiếc lon chỉ mang theo mớ thức ăn khô dùng tạm cho vài ngày, nhưng về sau khi thức ăn đã hết, chiếc lon kia đã đổi chức năng để từ đây gánh vác một phần tháng ngày gian khổ cho tôi. Về sau khi thấy tôi không còn hy vọng gì quay trở lại với gia đình trong một thời gian ngắn, chiếc lon sữa Guigoz kia đã không rời tôi nửa bước như một người bạn tri kỷ có thể chia ngọt xẻ bùi với nhau, khi với một nắm rau bên vệ đường, khi với một con nhái bén, có khi với một mẫu sắn thừa sau ngày thu hoạch còn sót lại trong đám đất bị cày xới.

Có khi chiếc lon ấy trở thành một bình trà với những đọt chè xanh, đậm đà hơn một tuần Thiết Quan Âm thời phong lưu hay mở ra một ngụm cà phê sảng khoái đánh lừa khứu giác với những hạt bo bo cùng với mấy hạt ngô rang cháy. Nó cũng trở thành người bạn mỗi sáng với những công việc vệ sinh thường nhật bên “lán” tù, và cũng tội nghiệp cho chúng tôi trong một miền Bắc không có thừa lấy một manh giấy báo hay một mẫu giẻ rách, nó đã theo những người tù mỗi lần vì nhu cầu phải đi thăm… “lăng Bác”.

Ngày xưa chiếc lon kia mang một cái tên ngoại quốc khá đẹp từ xứ Hòa Lan có nhiều nhà máy xay gió, những cánh đồng cỏ bất tận và những đàn bò bình yên, đến miền Nam với hình dáng tròn trịa, mới mẻ; nay nó mang một cái tên xấu xí trần tục trong một xã hội đói nghèo, lạc hậu. Nó là “gô”, là “cống” hay có người gọi nó là “hăng gô”(?) những cái tên rất khó bề giải thích. Nó dần dần trở thành đen điu, xấu xí, hèn mọn, móp méo qua những lần bị nung nóng trên bếp lửa của trại tù hay trên đám cỏ khô giữa cánh rừng bạt ngàn hay bên dòng suối nhỏ trong những buổi trưa, để thêm một chút “cải thiện” với nắm rau “tàu bay” hay một mẫu khoai mài.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Những ngày có thăm nuôi, nó cũng chắt chiu nắm mì gói hay chút ruốc thịt mang chút cho “sang cả” thêm cho bữa ăn khốn khổ của người tù. Những lúc chẳng có gì, một “gô” nước lã cũng đầy bụng. Chiếc lon “gô” ngày nay đã đen điu hình dáng nhưng chưa bao giờ chịu để mình bẩn thỉu, nó đã nhiều lần được kỳ cọ như chủ nhân đã kỳ cọ cái thân thể gầy còm khốn khổ của người tù dưới suối sau một ngày kiệt sức, vắt mồ hôi.

Ðêm về, chiếc lon kia cũng lặng lẽ ở trên đầu nằm cùng với mớ chăn chiếu lẫn lộn với những mảnh nhung y sờn rách, bạc màu, để sáng mai thức dậy trong tiếng kẻng tù gắt gỏng. Chưa có một vật dụng nào thiết thân với người tù như cái lon “gô” đen điu ấy. Bộ áo quần tù có thể thay đổi, đôi dép có thể mòn vẹt, nhưng chiếc lon “gô” đã bền bỉ với thể chất cũng như tấm lòng với người tù qua những đoạn đường gian khổ, những ngày lên nương xuống rẫy, những sáng Mùa Ðông giá buốt cũng như những trưa Hè đổ lửa. Nó gần gũi, khắng khít không rời người tù đi đâu nửa bước. Thế mà…

Như những ông già H.O. trên đất Mỹ, tôi thường đẩy xe cho vợ đi chợ mua thức ăn. Những hàng hóa, thực phẩm bày biện trong những ngôi chợ to lớn, chỉ gây ngạc nhiên cho tôi lúc đầu tiên mới đặt chân đến Mỹ cách đây hàng chục năm, bây giờ trở nên quen thuộc và thường tình đến nhàm chán. Những kệ hàng bán đầy khoai lang đủ loại hay những đống khoai mì đầy ắp, những mớ cải xanh, những bó rau muống tươi tắn, những củ su hào mập mạp… không hề nhắc nhở hay cho tôi một suy nghĩ nào về những tháng ngày tù tội, thiếu thốn mà những củ khoai, những nắm rau xanh đó như một nỗi mơ ước thèm thuồng thường nhật của một người tù.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Nhưng có một buổi nọ, khi đẩy chiếc xe đi chợ đến bên kệ hàng bày bán khoai mì, không hiểu sao lần này tôi dừng lại, cổ họng như nghẹn ngào, những giọt nước mắt như muốn trào ra. Trong một thoáng tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của nồi sắn luộc không bóc vỏ với những mẫu sắn rơi vãi nhuộm một màu tím sẫm, hình ảnh của người bạn tù say sắn, té từ chỗ ngủ ở tầng trên xuống nền gạch và những tiếng la cầu cứu trong đêm. Những củ sắn nằm trên kệ hàng ở đây, là một món ăn chơi của những người no đủ, không hề có một giá trị gì với đời sống của một con người bình thường này trên mảnh đất giàu có như nước Mỹ.

Chúng ta thật đã nhàm chán với những bữa tiệc tùng sang trọng, mỗi tuần không dám ăn tới ba quả trứng gà, bắt đầu thấy sợ thịt, không bao giờ đụng đến bơ, sữa hay phó mát. Phần tôi, đã nhiều lần đi qua những ngôi chợ khác nhau mà lòng thấy dửng dưng trước những món thực phẩm tầm thường như nhìn một vật xa lạ chưa lần nào gặp gỡ hay gắn bó trong cuộc đời mình.

Phải chăng những vật hèn mọn này, những củ khoai lang, những miếng sắn luộc này đã từng ám ảnh chúng ta trong giấc ngủ ngày nào? Và tôi nhớ ra một điều, khi được ra khỏi nhà tù, tôi đã quên hẳn và vất bỏ ở xó xỉnh nào đó cái lon “gô” đen đúa, người bạn thân thiết của những tháng ngày tù tội của tôi.

Tôi đã đi một vòng khá xa, từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Ðông, qua bao nhiêu cánh rừng, qua bao nhiêu eo biển, bỏ lại sau lưng quê hương và quá khứ của tôi. Ðôi khi tôi cũng đã quên tôi, nói gì đến những vật tầm thường hèn mọn như thế!

HP

Orange County, CA.