John Adams và Thomas Jeffersons ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776 Ảnh: military.com

Nếu không quan tâm gì về nước Mỹ thì ít ra chúng ta cũng biết ngày 4 Tháng 7 (July 4th.) mỗi năm là một ngày vui. Vào ngày này, người Mỹ tổ chức các hoạt động đón mừng như bắn pháo hoa, diễn hành, hòa nhạc và tổ chức những bữa tiệc B-B-Q sum họp, quây quần vào buổi chiều với gia đình, bạn hữu.

Truyền thống chào mừng Ngày Ðộc Lập ở Mỹ có từ thế kỷ 18, khi diễn ra Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu ủng hộ độc lập, và hai ngày sau đó các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua bản Tuyên ngôn Ðộc lập, một tài liệu lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo.

Vào ngày 2 tháng 7, John Adams đã cho rằng “ngày kỷ niệm Ðộc Lập Hoa Kỳ sẽ được chào mừng, bởi các thế hệ tiếp nối, như một Ngày lễ kỷ niệm vĩ đại” và rằng việc chào mừng sẽ bao gồm “Lễ hội và Diễn hành… Các trò chơi, Thể thao, Bắn súng, Rung chuông, Ðốt lửa và Thắp sáng từ đầu này của lục địa này cho đến đầu kia.”

Sau cuộc Chiến tranh Cách mạng, người Mỹ vẫn tiếp tục kỷ niệm Ngày Ðộc Lập hàng năm. Trong những buổi lễ chúc mừng, các lãnh đạo chính trị của quốc gia non trẻ này sẽ bước lên bục phát biểu với công dân, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất. Vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 18, hai chính đảng lớn – Ðảng Liên bang và Ðảng Cộng hòa- Dân chủ – bắt đầu tổ chức những lễ kỷ niệm ngày 4 tháng 7 riêng rẽ ở nhiều thành phố lớn.

Vào năm 1870, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày 4 tháng 7 là một ngày nghỉ lễ toàn liên bang, trở thành ngày Quốc Khánh, một ngày lễ quốc gia quan trọng và là một biểu tượng của tinh thần yêu nước tại Hoa Kỳ.

Nhân cách của dân tộc Hoa Kỳ: Người thắng, kẻ thua.

Cuộc “nội chiến” tương tàn Nam Bắc kéo dài đúng bốn năm thiếu ba ngày, 750,000 quân hai phía và một số lượng thường dân thương vong không kiểm kê được, ước tính số người chết chiếm 10% toàn bộ số nam giới miền Bắc từ 20 đến 45 tuổi, và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18-40.

Bị phong tỏa đường biển, thiếu tiếp vận, nhất là sau sự thất bại của trận Gettysburg tại ngay vùng đất của mình, cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc vào ngày 9 tháng 4, 1865 khi Tướng Robert E. Lee, tư lệnh phe Liên Minh, ký nhận đầu hàng không điều kiện ở Appomattox Court House, Virginia, dưới sự chứng kiến của tướng miền Bắc Ulysses S. Grant. Tướng Lee đã an ủi quân sĩ của mình: “Sau 4 năm chiến đấu khó khăn, với sự can đảm và anh hùng chưa từng thấy, binh đoàn Bắc Virginia (của LM miền Nam) bị bắt buộc phải nhượng bộ một lực lượng và hậu thuẫn quá to lớn.”

Những người thua trận tại Stone Mountain Park. Từ trái, Tổng Thống Liên Minh Miền Nam Jefferson Davis,Tướng Tổng Tư Lệnh Liên Minh Robert E. Lee và Tư Lệnh Phó Thomas Jackson. Hình: Huy Phương/Người Việt

Các điều kiện đầu hàng được soạn thảo hoàn tất vào khoảng 4 giờ chiều ngày 9 tháng 4. Khi Lee lên ngựa rời nơi ký văn kiện đầu hàng thì binh sĩ miền Bắc không giấu nỗi sự mừng rỡ đã reo hò, nhưng Grant nghiêm khắc ra lệnh ngưng ngay thái độ này. Ông nói: “Những người miền Nam bây giờ là đồng bào của chúng ta, và chúng ta không nên có thái độ đắc chí trên sự suy sụp của họ.”

Hiệp ước Appomattox không có điều khoản nào giam giữ, kỳ thị với 200,000 tù binh miền Nam và phe thắng trận thi hành đúng những điều khoản này, sĩ quan thua trận được giữ vũ khí cá nhân của mình và tất cả đã được an lành trở về với gia đình trong sự tôn trọng của phe đối nghịch, được xem như là hiệp ước của những người hào hiệp (The Gentlemen’s Agreement). Theo lời yêu cầu Robert E. Lee, quân lính miền Nam được tiếp tục cho giữ lừa ngựa để trở về quê quán giúp họ trong công việc của nông trại, và được quân đội miền Bắc cấp ngay 25,000 khẩu phần lương thực vì những người lính thua trận đang bị đói khát mấy ngày hôm nay.

Trước đó, trong trận đánh nổi tiếng ở Gettysburg vào tháng 7, 1863, sau 3 ngày giao tranh, phe Liên bang miền Bắc chết 3,000 người, phe Liên Minh mất 4,000 người. Tổng thống Abraham Lincoln đã ra lệnh đem cả 7,000 thi hài của cả hai bên để an táng chung một nơi. Ngày 19 tháng 9, 1863, khánh thành nghĩa trang này, Lincoln đã đọc bài diễn văn công bố chiến trường Gettysburg là Nghĩa Trang Quốc Gia. 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hàn gắn vết thương chia rẽ của dân tộc, năm 1900, Tổng Thống William Mc Kinley đã cho thu thập khoảng 30,000 nấm mộ của tử sĩ Liên Minh Miền Nam trong trận Nội Chiến rải rác trong vùng Washington, cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section.

Người Mỹ bình đẳng: Tất cả đều phải xếp hàng!

Vào năm 2009, CEO của Apple Steve Jobs được phát hiện mắc ung thư gan giai đoạn cuối. Bác sĩ nói với ông rằng, cần phải lập tức làm phẫu thuật ghép gan mới có thể giữ được sinh mạng. Người ta nghĩ với tài sản $8.3 tỷ vào năm 2011, chuyện cần ghép một lá gan đối với vị tỷ phú này là một chuyện quá nhỏ. Bệnh viện lập tức ghi danh cho ông tại trung tâm ghép gan California và chờ đợi nguồn gan, tuy nhiên phía bệnh viện thấy rằng, số người phải làm phẫu thuật ghép gan quá đông, nếu xếp hàng thì ít nhất, nhà sáng lập Apple phải đợi ít nhất là 10 tháng. Riêng Tennessee là tiểu bang nhanh nhất, chỉ cần đợi 6 tuần, Steve Jobs là bệnh nhân cuối cùng trong số các bệnh nhân cần ghép gan trong danh sách.

Cứu bệnh nan y như cứu hỏa, mỗi giây chờ đợi đều vô cùng quý giá, do đó, có người đã tìm gặp riêng Viện Trưởng của Viện Cấy ghép Bệnh viện Ðại học Methodist ở Memphis, Tennessee nơi Steve Jobs sẽ phẫu thuật, với hy vọng ông này có thể dùng đặc quyền của mình để giúp nhà sáng lập Apple được làm phẫu thuật trước.

Thế nhưng vị Viện Trưởng này nghe xong lời đề nghị đó, đã cau mày, lộ kinh ngạc: “Tôi làm gì có đặc quyền để Jobs được làm phẫu thuật trước? Nếu để ông ấy làm trước, vậy thì những bệnh nhân khác phải làm sao? Ông nên nhớ tất cả các sinh mệnh đều bình đẳng!”

Sau đó,  cả Thống Ðốc Tennessee, Phil Bredesen, cũng từ chối dùng chức vụ của mình để can thiệp, hoặc phê chuẩn một công văn cho Jobs được làm phẫu thuật sớm hơn, vì tính mạng của Jobs đang bị đe dọa.

Sau một thời gian chờ đợi sáu tuần, cuối cùng Steve Jobs cũng nhận được một lá gan, tuy nhiên, do thời gian chờ đợi lâu, các tế bào ung thư của Steve Jobs đã di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể ông. Ca ghép gan chỉ giúp vị tỷ phú danh tiếng này kéo dài sự sống của ông được khoảng 2 năm.

Tuy nhiên, ông chấp nhận lẽ công bằng và không hề hối tiếc…

Tuân thủ nguyên tắc và làm đúng chuẩn mực đã in sâu vào tư tưởng của mọi người dân Mỹ.Vì thế, tại Mỹ người quyền quý không có chỗ đứng riêng đặc biệt. Họ cũng không thích hay không thể phô trương, vì họ biết rằng, dù bạn có là người nhà Tổng Thống Mỹ đi nữa, thì điều đó không có nghĩa là bạn được xem trọng và ưu tiên hơn người khác.

Tại Hoa Kỳ, người ta xem trọng nguyên tắc, những chuẩn mực hơn là sự cao sang và quyền thế. Dù là hành động nhỏ nhưng tuân thủ nguyên tắc luôn là điều bắt buộc. Người quyền quý không phải là ngoại lệ. Vào cửa hàng mua thức ăn, thì Tổng thống Obama, như lúc nghỉ Hè ở Hawaii cũng đứng xếp hàng chờ tới lượt mình để mua kem cho con gái như bao người khác.

Một viên chức chính phủ từ Việt Nam sang Mỹ đã nói rằng: “Ở trong nước, người khác nhìn tôi là cúi đầu khom lưng. Nhưng ở Mỹ, ngay cả người nhặt ve chai, tôi thấy họ vẫn luôn đứng thẳng.”

Người Mỹ không cố gắng tìm kiếm địa vị xã hội để khiến mình thanh cao hơn; họ cũng không chạy chiếc xe mới đắt tiền để khoe của hay mua một ngôi nhà đẹp để hàng xóm phải trầm trồ. Vấn đề ở đây là họ có được sự tự lựa chọn phù hợp cho bản thân.

Ở nước Mỹ này, cho dù bạn là ai, ông chủ một đại công ty danh tiếng, người công nhân quét đường, hay là một ông cụ già nghèo khó, khi đứng trước sự sống và cái chết, ai cũng như nhau.

Walter Isaacson – một nhà văn và cũng là một nhà báo người Mỹ đã nói rằng: “Sinh mạng không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, tất cả đều bình đẳng. Bình đẳng không phải là khẩu hiệu, càng không phải là sự trao đổi. Nó là biểu hiện sinh động nhất, cụ thể nhất trong cuộc sống này.”

Không có sự phân biệt giàu nghèo trong giáo dục Mỹ. Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền đi học ngay trong lớp cũng không có sự phân biệt giàu nghèo, học lực giữa các học sinh.

Thêm vào đó, giáo viên luôn tạo điều kiện để mỗi học sinh hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ. Không có gì lạ nếu bạn bắt gặp trong một lớp học tại Mỹ có học sinh nhiều quốc tịch đến thế. Phương tiện giáo dục được trang bị cho các em tại một trường nông thôn không thua kém một trường ở đô thị lớn.

Trong địa hạt y tế, tôi xin lấy một ví dụ của bản thân để nói về sự công bằng của nền y tế Mỹ. Cách đây hai năm, tôi phải vào bệnh viện để cắt bỏ một đoạn đại tràng bị nhiễm độc. Chỉ với điều kiện Medi-Medi của những người có thu nhập thấp, tôi vẫn được chuyển đến phẫu thuật và nằm tại Bệnh Viện HOAG Newport Beach, cạnh bờ biển Nam California trong thời gian 22 ngày. Một vị bác sĩ đã nói với tôi, tuy ông có chức vụ lớn trong ngành y tế, lợi tức cao, đóng thuế nhiều, nhưng tôi nên nhớ rằng, phòng ốc, thuốc men và sự săn sóc của nhân viên y tế giữa tôi với ông không có gì khác biệt.

Tôi không yêu nước Mỹ vì nước Mỹ là một cường quốc thế giới, một quốc gia giàu, mạnh… nhưng là một nước có công bằng và nhân cách!

HP

Orange, CA.