Như Phong ra đi mới đó mà đã mười tám năm. Ông ra đi theo ngọn gió của buổi đầu Ðông năm 2001. Hôm nay, cũng một ngày mùa Ðông ngồi tưởng nhớ tới ông thấy lại cả con đường dài đã qua.

Những năm còn ở Trung học, kẻ này rất mê đọc tờ Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Ðọc hết, không sót mục nào, kể cả quảng cáo, rao vặt… Và những cái tên Như Phong, Hiếu Chân, Nguyễn Hoạt, Hi Di Bùi Xuân Uyên… trở thành quen thuộc. Làm sao quên được mấy tiểu thuyết đăng trên đó: Tỵ Bái, Nguyệt Ðồng Xoài, Mắt Em Ở Bốn Phương Trời, Khói Sóng, Luyện Máu…

Tên của Như Phong và những tên khác theo tôi từ đó. Sau này, khi lưu đày ở Thanh Chuơng Nghệ Tĩnh, những buổi chiều uống trà với Hà Thượng Nhân và các bạn trước kẻng vào chuồng, chúng tôi lại nói về thời của tờ Tự Do. Và trong câu chuyện, Như Phong được nhắc tới như một huyền thoại. “Như Phong… Cái thằng lạ lắm các ông ạ. Ngồi trên gác quán chả cá Thăng Long mà biết hết chuyện thiên hạ. Các chính khách thời đó ngày nào cũng tìm tới nó…” Hà Thượng Nhân cho biết như thế. Và chúng tôi đều thắc mắc, một người như Như Phong liệu bây giờ nằm ở trại nào, đã chết hay vượt biển ra đi…

Như Phong

Sang Mỹ được một hai năm, tôi lại nghe báo chí viết về Như Phong. Tin tức cho biết sau 75, Như Phong bị bắt giam nhiều năm ở Phan Ðăng Lưu và Chí Hòa. Ra tù ông về sống ở Bình Dương, trồng và chăm sóc hoa lan qua ngày. Và rồi ông đã tới bờ và được giải thưởng Tự Do Phát Biểu Tư Tưởng của tổ chức quốc tế Human Rights Watch. Tin tức cho biết hiện ông cộng tác với một vài tờ báo ngoại quốc và vẫn giữ liên lạc với trong nước… Vậy là Như Phong đã ở đây, một thành phố nào đó của nước Mỹ. Nhưng tôi vẫn chưa được gặp Như Phong, cho đến một ngày mùa Thu… Vâng, đó là một ngày của tháng 11. 1999. Tại nhà Lê Khắc Huyền và Mộng Hoa ở Virginia. Tối hôm đó, sau buổi giới thiệu tập thơ của tôi, vợ chồng Huyền Hoa mở một cuộc tiếp tân nhỏ và tôi được gặp lại rất đông anh em, bạn bè cũ. Giữa tiệc vui, trên tay còn cầm ly vang đỏ, Nguyễn Minh Diễm giới thiệu tôi với một người đàn ông cao, đẹp lão. Như Phong. Tôi vui đến sững sờ. Không ngờ được gặp ông ở đây. Cũng là một hạnh ngộ. Ông đi với cô Ánh Chân, dưỡng nữ của ông. Tôi hỏi thăm ông vài điều và ký tặng ông tập Tôi Cùng Gió Mùa. Ông ngồi giở đọc từng trang. Nhân giữa cuộc vui, có người lên hát bài Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà của Phạm Duy phổ nhạc thơ Hữu Loan. Tôi nói với Như Phong bài Màu Tím Hoa Sim chưa phải là tuyệt bút của nhà thơ này. Như Phong đồng ý và chỉ vào bài thơ đang đọc, nói “Ðây, đây nầy…” Thì ra là bài Kẻ Sĩ Nga Sơn viết về hình tượng như khắc vào đá núi của Hữu Loan. Tôi nhớ Như Phong và tôi còn trao đổi về thơ Nguyễn Du và ông đã có những nhận định rất chính xác. Cuộc gặp ngắn ngủi, chỉ có bấy nhiêu nhưng để lại ấn tượng sâu sắc. Sau này khi nhìn vào tấm hình chụp chung với ông, tôi như sống lại không khí đêm mùa Thu ấy, ở Virginia, với bạn bè anh em, với ông và những tình cảm ấm áp. Tiếc một điều là hôm ấy tôi chưa kịp hỏi ông về thời làm báo Ngày Nay ở Hà Nội, về Khái Hưng –nhà văn mà tôi yêu mến.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Bây giờ Như Phong không còn nữa, ông đã ra đi theo ngọn gió đầu của mùa Ðông này (mượn từ của nhà báo Võ Thành Nhân). Kể từ buổi gặp nói trên, tôi không còn được dịp tái ngộ với ông nữa. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn được nghe người bạn trẻ Lê Nguyên Phương nói về ông. Và qua đó tôi được biết thêm vài điều về Như Phong. Ông hút pipe, đọc sách, chơi lan. Việc thưởng lãm nghệ thuật ở ông ắt hẳn ở một trình độ cao nhưng có ai hỏi đến, ông đùa vui nói: “Tôi là người mù nhạc, điếc thơ”. Mù nhạc, ý hẳn là ông không thể nhìn vào bản nhạc để xướng âm, còn điếc thơ là ông không thưởng thức được giọng ngâm thơ ê a. Với ông, nhạc là để nghe và thơ là để đọc. Ðiều nữa, ông viết truyện ngắn rất hay, lạ và sâu sắc, một truyện ngắn đã đăng trên báo Người Việt của Ðỗ Ngọc Yến hồi bấy giờ, ký tên Win Lee (tức Lý Thắng, bút hiệu của ông khi viết Khói Sóng thời báo Tự Do). Nghe đâu Khói Sóng là một bộ tiểu thuyết trường giang, khi chuẩn bị vượt biên Như Phong đã đốt cả ngàn trang bản thảo phần hai của truyện cùng nhiều tài liệu lịch sử. Trước khi nằm xuống, Như Phong đang viết một bộ sách nghiên cứu lịch sử lấy tên Những Cuộc Chuyển Quyền. Chắc chắn di cảo của ông hẳn lớn lắm.

Xem thêm:   Mơ về Mùa Xuân Pra-ha

Như Phong, với kẻ viết bài này, như núi cao ngàn trượng lẩn trong mây, như tảng băng trôi trên biển rộng. Ông có vẻ là nhân vật huyền thoại hơn là con người của lịch sử, của thực tế. Tôi nhìn thấy ông là nhân vật của Nhất Linh –trong Ðôi Bạn hay Dòng Sông Thanh Thủy chẳng hạn. Thế kỷ 20 của chúng ta có những con người như thế, mang tầm vóc thời đại và màu sắc của một thứ cầu vồng. Ðời sau, không còn tìm thấy những nhân vật như thế nữa. Như Phong đã ra đi theo ngọn gió đầu Ðông.

TN