Từ VOA, tác giả Nguyễn Văn Châu

Khi dịch bắt đầu bùng lên đợt 4 thì có 1 cô em kiến trúc sư “trách” nhẹ sao lại không tổ chức phụ cho bà con như các năm trước và cô ấy chuyển liền cho tôi tiền nhờ tôi lên kế hoạch giúp bà con. Thú thật là mọi năm thì tôi cũng thường tổ chức các chương trình thiện nguyện này cùng với bạn bè, gia đình và học trò trong lớp võ Aiki Dojo Saigon và Kỹ Năng Tự Vệ Sài Gòn của tôi. Nhưng năm nay thấy dịch hoành hành kinh quá nên có chút nhát tay. Mới đầu thì tính giải lao, nhưng giờ được “giao nhiệm vụ” nên vô thế rồi – Xắn tay áo lên làm thôi.

Việc đầu tiên là tôi nghĩ ngay đến mình giúp được gì cho bà con. Thế là một loạt các món quà như các năm hiện ra trong đầu nhưng tôi gạt đi hết. Lần này bà con không những thiếu thốn đủ điều mà còn có khả năng bị cách ly, thiếu ăn là quan trọng nhất và trong lúc không có điều kiện như người vô gia cư; Không đi chợ được như những người trong khu cách ly thì người ta phải làm sao? Nấu nướng thế nào?

Nhớ lại các món má tôi thường hay nấu thì tôi lóe ngay lên: Ruốc sả.

Món này có sả, tỏi, ớt, thịt…toàn mấy thứ giúp cho đề kháng tốt và điều quan trọng nhất là có thể dùng trong nhiều ngày mà không lo lắng về chuyện bảo quản.

Món ăn đã có – Giờ đến đối tượng nào để mình đi tặng quà !? Bạn bè tôi đa số khi ủng hộ đều nhắn nhủ là giúp những người vô gia cư. Tôi còn nhắm thêm đến những người mù (không thấy đường hẳn), khiếm thị (còn thấy được chút ít) bán vé số, massage.

Người vô gia cư thì tương đối dễ vì họ thường ở ngoài đường, đi ngang là thấy. Tuy nhiên phải có kinh nghiệm nhận ra người thật và giả. Hiện nay 50-60 % những người đang lang thang, vô gia cư ngoài đường là giả. Họ đi theo nhóm, có tổ chức và người hảo tâm nào “ngây thơ” là bị cả đám xúm lại chung quanh rất nguy hiểm về an toàn và đặc biệt là rất dễ lây bệnh vì không phải ai cũng mang khẩu trang. Lúc họ đứng quanh mình thì chỉ có nước chạy thật nhanh.

Tôi may mắn có người bạn mù. Anh bạn này rất đặc biệt – phải công nhận là hiếm thấy. Ngồi cafe với mình mà hỏi đường thì anh đó chỉ ngay hướng – dù không thấy gì. Thậm chí chở ảnh đi gần đến nơi là ảnh nói luôn còn bao nhiêu mét là đến, đi thế nào ….hoảng thật.

Lần này tôi nhờ anh kết nối với 3 người ở 3 địa bàn khác nhau và tôi đến tận nơi trao quà đồng thời nhờ họ chuyển thông tin cho người đồng cảnh ngộ nhắn tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ và hoàn cảnh để tôi cập nhật danh sách. Với suy nghĩ đơn giản là hàng, quán ngưng hoạt động thì các bạn này chỉ còn loay hoay trong nhà, không ai giúp được cho họ. Tôi làm cầu nối, tập hợp danh sách người thật, việc thật các hoàn cảnh này để nhóm của tôi giúp khi có dịp và nếu có các nhà hảo tâm khác thì tôi sẽ kết nối.

Thế là từ hôm đó đến nay tôi liên tục nhận được các tin nhắn và âm thầm cập nhật danh sách theo từng phường, quận, thậm chỉ tỉnh thành khác cũng có. Nhóm sẽ chọn hướng đi phát được nhiều người nhất và ít gặp các chốt nhất thì tiến hành.

Ngày 27/7/2021 tôi đi phát theo lộ trình Tân Bình, Bình Tân, quận 11, quận 10,… Bức ảnh tôi chụp trong một xóm lao động đang bị cách ly ở Bình Tân khoảng 15g30. Nhìn các cháu nhỏ không khẩu trang vẫn vô tư chơi trong sợi dây cách ly, tôi thiệt là buồn. Giật mình, tôi vội lấy máy ra chụp khoảng khắc tự nhiên này. Sau đó đứng từ xa hỏi tìm người khiếm thị đang ở trọ trong hẻm. Trao quà chính xong thì không đành lòng khi nhìn thấy bà con đang đứng đông chung quanh, nhóm tôi lấy thêm ruốc ra phát cho mỗi người một phần để họ dùng trong vài ngày tới.

Nhóm chúng tôi vừa đi tiếp vừa không ngớt trao đổi về các hoàn cảnh này. Quả thật đi phát quà vừa nguy hiểm với chuyện lây lan của bệnh, vừa hồi hộp chuyện qua trạm gác nhưng bù lại những tai nghe, mắt thấy của mình lại rất nhiều. Tận mắt chứng kiến, cảm nhận được cái khổ của người dân, cuộc sống của họ làm cho chúng tôi quên mệt và muốn đi cho thật nhiều nơi như vậy để phát quà.

Mấy ngày nay, thành phố xiết thêm giờ ra đường lúc 18h cho nên các hoạt động của chúng tôi phải kết thúc trước 17g30 để còn kịp chạy về nhà đúng giờ.

Điểm cuối của lộ trình là trên quận 10. Đến đầu hẻm thì dây đã giăng kín, như với các hẻm khác, tôi gọi điện thoại gọi các bạn đi bộ ra nhận quà từ bên trong. Nhưng lần này khác hẳn. Sau cuộc trao đổi nhanh thì tôi thở nghẹn và mất thần suốt đường về đến nhà.

“Sài Gòn bị trọng thương, vật vã kiệt sức.

Dường như Sài Gòn vẫn cố mỉm cười qua giọng trả lời nhè nhẹ buồn của cô gái mù trong khu phong tỏa: “Em và mẹ em đều bị dương tính F0 mới hôm qua, ở trong nhà không được gặp ai hết trừ lực lượng y tế mà em gọi báo vẫn chưa xuống. Cảm ơn anh vì đã tìm em để gửi quà….Nhưng….”.

Tôi chào em trong nghẹn ngào, lòng thầm nói: Em ơi, mù và nghèo, lại không may y tế rơi vô dòng hoảng loạn vì corona thì chỉ có 1 tự sống, 2 sẽ chết. Cầu nguyện cho gia đình em và cho Sài Gòn mau trở lại bình yên.

Từ Facebook Nguyen Van Chau