Cấp bản quyền chỉ là công nhận cái công trình tào lao đó của mấy anh thôi chứ không phải xác định giá trị của nó. Nhớ lấy điều đó để đừng đem cái chứng nhận bản quyền đó ra hù thiên hạ. Thực tế nó chỉ là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy này cấp để tránh chuyện có người tranh dành công trình này thôi, nhưng chắc chắn chẳng ai dám tranh chấp cái sáng tạo bá láp này mà chi, hoàn toàn không phải là giấy chứng nhận về mặt học thuật. Mấy anh sáng chế, sáng tạo cái gì cũng được, đó là quyền của mỗi người, nhưng đừng nghĩ là người ta sẽ sử dụng nó. Đừng hi vọng nó sẽ được đem vào nhà trường giảng dạy. Có mà điên. Nên đem kiến thức của mình làm chuyện khác, có ích hơn là ngồi vẽ bùa như thế này. Người ta cấp cái bằng cũng như cấp bằng sáng chế ra cái chổi lông vịt thay vì bằng lông gà hay sáng chế cái ống xịt tưới nước thay vì tưới bằng bình thế thôi, nó chẳng có giá trị nào cả. Hàng năm ở Việt Nam hàng trăm bằng Tiến sĩ được cấp, chẳng có bao nhiêu đề tài trong các luận văn đấy giúp ích cho đời. Cái công trình của các anh cũng giống vậy thôi. Báo chí làm rùm beng chuyện này chứng tỏ những người viết báo chẳng có chút kiến thức vỡ lòng nào về chữ quốc ngữ.

Chẳng có ai ngu si, dốt nát đến độ đem chuyện bôi bẩn, làm xấu tiếng Việt để thay thế chữ Việt trong sáng, đẹp đẽ như đã có mặt trong đời sống của người dân Việt suốt cả một thời gian dài. Người Việt hôm nay yêu tiếng nước mình, chữ viết của nước mình từ khi bập bẹ và lúc bắt đầu cầm bút viết những con chữ đầu đời. Chắc chắn không ai có thể chấp nhận lối viết quái dị, xấu xí của mấy anh. Và như thế, các anh đừng có mơ tưởng hão huyền cái loại chữ không dấu như con chó cụt đuôi này được đưa vào giảng dạy cho học sinh. Ngay từ mới hình thành, những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã dựa vào tiếng nói của người Việt để tạo nên chữ viết. Chính cái âm điệu trầm bổng của tiếng Việt mà nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ của thế giới đã cho rằng tiếng Việt nói như hát. Và âm điệu đó đã sinh ra các dấu trong chữ quốc ngữ.

Tiếng Việt khác với các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan ở nhiều đặc điểm, trong đó đặc điểm rõ nhất là tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Theo quan điểm ngữ âm học hiện đại về thanh điệu, thanh điệu tiếng Việt trong chức năng khu biệt nghĩa, là sự khác biệt về cao độ (pitch) và chất giọng (voice quality), khi phát âm âm tiết. Về cao độ (khái niệm về cảm thụ, tương ứng với khái niệm tần số thanh cơ bản (F0), về vật lí), các thanh điệu có thể phân biệt về 1- đường nét (contour) – đó là diễn tiến (sự biến đổi) F0 trong thời gian phát âm âm tiết; 2- âm vực (pitch level) – đó là vùng cao độ mà ở đó một thanh điệu được thể hiện (tính từ điểm thấp nhất đến điểm cao nhất về cao độ). Chất giọng là khái niệm về mặt cảm thụ, tương ứng với khái niệm kiểu tạo thanh (Phonation type), xét về mặt sinh lí tạo sản lời nói. Kiểu tạo thanh là kiểu thức rung dây thanh, tạo nên sự khác biệt về trạng thái thanh môn và lượng dòng khí đi qua thanh môn, khi phát âm âm tiết.

Khi các giáo sĩ châu Âu mới tiếp xúc với tiếng Việt, việc phát âm đúng thanh điệu tiếng Việt là khó khăn lớn nhất đối với họ. Linh mục C. Borri đến Đàng trong năm 1618 thú nhận rằng, muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn phải dành ra 4 năm để học. Marini cho rằng, “dường như dân Việt bẩm sinh đã có một cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hoà hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi; phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa”. Tháng 12 năm 1624, Linh mục Alexandre de Rhode từ Áo Môn đi tầu buôn Bồ Đào Nha vào Cửa Hàn đến Thanh Chiêm tức thủ phủ Quang Nam Dinh và học tiếng Việt tại đó. Về tiếng Việt ông viết: “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi vừa tới đàng trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt”. ( Alexandre de Rhodes, 1653 tr. 72 ; dân theo 2 : tr. 12).

Trong “Báo cáo vắn tắt về tiếng An nam hay Đông kinh”, Alexandre De Rhodes khẳng định hệ thống thanh điệu được phản ánh trong chữ Quốc ngữ là hệ thống thanh điệu Bắc Bộ (Tonkin- Đông Kinh). Tác giả đã miêu tả rất ấn tượng các “giọng” (thanh điệu) và đặt tên cho từng giọng (thanh điệu). “Thứ nhất, giọng bằng là giọng phát âm không uốn tiếng chút nào. Thứ hai, giọng sắc là giọng phát âm bằng cách nhấn tiếng và đẩy tiếng ra giống như người biểu lộ cơn giận. Thứ ba là giọng trầm và phát âm bằng cách hạ thấp tiếng. Thứ tư là giọng uốn cong, được diễn tả bằng cách uốn cong tiếng phát ra từ đáy ngực, và sau đó được nâng lên một cách cao vang. Thứ năm là giọng được gọi là nặng trĩu hay cực nhọc, bởi vì giọng này được diễn tả bằng việc phát âm từ đáy ngực với sự nặng trĩu hay cực nhọc nào đó, và nó được ghi bằng dấu chấm dưới. Sau hết, giọng thứ sáu là giọng nhẹ, bởi vì nó được phát ra với việc uốn cong tiếng cách nhẹ nhàng, như khi chúng ta có thói quen hỏi , itane (phải vậy không)? và những tiếng giống như vậy, và bởi vậy, dấu hiệu này được ghi bằng dấu hỏi“.

Việc các nhà truyền giáo sử dụng các dấu ghi thanh điệu cũng có lí do. 4 trong 5 dấu thanh có nguồn gốc Hi Lạp gồm dấu Huyền, Sắc, Ngã, Nặng, dấu Hỏi có nguồn gốc La Tinh. Việc lựa chọn dấu (hình dáng đồ họa, vị trí đặt dấu) để ghi mỗi thanh điệu được căn cứ vào cách phát âm của thanh đó. (NGUYỄN VĂN LỢI – Đăng lại từ báo cáo “Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ”)

Đoạn văn được trích trên cho thấy các dấu trong chữ Việt phát xuất từ cái hồn của tiếng Việt. Nay các anh bỏ mất dấu đi, hỏi tiếng Việt còn gì trong chữ viết mới của các anh. Chính các anh, bằng cái sáng chế công trình quái dị đó đã tước mất cái hồn vía, cái bản sắc đặc biệt trong chữ Việt mà các giáo sĩ Francisco de Pina, Joao Roiz; Gaspar Luis; Antonio Barbosa, Cristoforo Borri; Alexandre de Rhodes và Gaspar d’Amaral mất một thời gian rất dài mới tạo ra được.

Bằng công trình chữ Việt không dấu gọi là “Chữ VN song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã làm xấu đi chữ Việt, tạo ra một lối viết què quặt khó coi. Nhìn lối viết chữ này, người ta sẽ không còn thấy chữ Việt mà cứ nghĩ là lối chữ viết của một nhóm thổ dân nào đó. Chuyện cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả là chuyện bình thường, có gì đâu mà phải ầm ĩ thế!

Với tư cách là một con dân đất Việt, nói tiếng Việt và sử dụng chữ Việt suốt gần cả đời người, đồng thời là một thầy giáo dạy chữ Việt mấy chục năm, tôi phủ nhận công trình này.

 

Ảnh chụp màn hình báo VN

Trong quá trình tìm hiểu về công trình “Chữ VN song song 4.0” của tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, tôi phát hiện một chi tiết mà khi mới đọc cứ tưởng là trò nói láo của CÁ THÁNG TƯ.

Đó là theo báo chí thông tin thì Kiều Trường Lâm (34 tuổi, Hà Nội) có đam mê nghiên cứu ngôn ngữ từ khi còn học Tiểu học. Anh bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu từ năm lớp 2 – lớp 10. Năm 2012, anh phát hiện đề tài “Chữ Việt nhanh” – một kiểu chữ Việt ngắn gọn của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc).
Kiều Trường Lâm sau đó thử kết hợp nghiên cứu của mình và tác giả Trần Tư Bình thì cho ra kiểu chữ viết mới theo anh là đẹp và ưu việt hơn. Kiểu chữ này được đặt tên “Chữ VN song song 4.0”. Trải qua 27 năm nghiên cứu, “Chữ VN song song 4.0” của Kiều Trường Lâm chính thức được sáng tạo thành công vào tháng 10/2019 khi phối hợp với “Chữ Việt nhanh” của tác giả Trần Tư Bình.(Trích báo)

Như vậy Kiều Trường Lâm đã bắt đầu nghiên cứu về chữ quốc ngữ từ khi học lớp hai lúc mới 7 tuổi. Kinh chưa? Và hiện nay anh được 34 tuổi, công bố công trình mang tên Chữ VN song song 4.0. Thế là công trình đã trải qua 27 năm tìm tòi và sáng tạo. Thiên tài là đây chứ còn gì nữa. Một đứa bé mới vào lớp hai, vừa xong đánh vần và viết chữ đã bắt tay nghiên cứu về chữ viết. “Ngạo nghễ” chưa, “Tự hào” chưa? Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam còn chờ gì nữa mà không cấp bằng chứng nhận cho Kiều Trường Lâm? Và cũng chần chờ chi mà không đề nghị Guiness thế giới công nhận thiên tài này cho rạng danh đất Việt? Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, nơi một thời anh Thuấn làm viện trưởng còn đợi gì mà không cấp bằng Tiến sĩ cho anh này?

Cháu nội tôi năm nay cũng học lớp hai, bảy tuổi, đánh vần, đọc chữ cũng thạo nhưng tui thật tủi hổ là cháu chẳng biết gì gọi là nghiên cứu như thiên tài Kiều Trường Lâm này. Tuổi ấy đi đái, đi ị kéo quần, gài nút còn lúng túng lấy đâu mà ngâm với cứu. Buồn thật chứ! Cô giáo dạy sao thì biết vậy thôi. Và tôi nghĩ các đứa bé cùng tuổi đó cũng chỉ biết đến đó là cũng tốt rồi. Trên truyền hình cũng có chương trình có tên là Siêu trí tuệ, cũng có xuất hiện nhiều bé có trí óc tuyệt vời nhưng đều là lãnh vực của trí nhớ. Theo các nhà khoa học thì những đứa bé ấy trong bộ não có trung khu thuộc về trí nhớ phát triển khác người thường nên các cháu có thể nhớ tất cả các thủ đô, các bản đồ các nước trên thế giới. Các cháu cũng có thể tính nhanh các bài toán nhân chia dài dằng dặc.Nhưng cũng theo các nhà khoa học, lứa tuổi ấy dù có phi phàm cách mấy cũng không thể có tư duy nghiên cứu, nhất là lãnh vực ngôn ngữ và chữ viết. Bởi lứa tuổi đó chưa có ý niệm về logic trong suy nghĩ, khó có thể có những so sánh, đối chiếu để đưa đến kết luận. Từ đó, tôi xin cúi đầu vái lạy thiên tài Kiều Trường Lâm he…he. Bội phục, bái phục, tại hạ xin bái phục. Đồng thời cũng xin lạy ba lạy đám phóng viên nhà báo, viết bài với cái đầu không não, đề cao một cách thái quá và vô lý về một nhân vật bằng sự tưởng tượng phong phú hoặc nghe theo lời khoe khoang vĩ cuồng của nhân vật.

Ảnh chụp màn hình báo VN