Giá trị và sự tặng thưởng tinh thần của những người bước vào ngành giáo dục hay nghề giáo nói riêng, mang một ý nghĩ lớn lao trong cuộc đời mỗi người đang dự phần. Các thầy cô giáo đóng góp lớn lao vào việc huấn luyện những thế hệ tiếp nối của quốc gia, qua việc giảng dạy, trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức mà cả nhân cách, thái độ và cái nhìn về đời sống. Với nhu cầu cao, nghề giáo vẫn đang cần nhiều người bước vào nghề nghiệp đáng trân trọng này. Trên số báo hôm nay, chúng tôi mời các bạn cùng theo dõi cuộc trò chuyện với thầy giáo Phạm Tân – một giáo viên Toán tại trường Webb Middle School thuộc Nha Học Chánh Garland, Texas.

de-tro-thanh-giao-vien

Giáo viên Phạm Tân cùng các học trò của mình

Đinh Yên Thảo (ĐYT): – Có những sinh viên đại học được đào tạo để trở thành thầy cô giáo và có những người chuyển đổi ngành nghề và được huấn luyện thêm để bước vào nghề giáo. Như vậy để trở thành một giáo viên nói chung thì phải qua những bước như thế nào thưa thầy?

Giáo Viên Phạm Tân (GV PT): – Ðể trở thành giáo viên tại Texas, sinh viên có thể theo học ngành Giáo Dục tại các trường đại học để đi dạy. Nếu một người đã có bằng đại học bốn năm, họ có thể ghi danh vào những trung tâm huấn luyện đào tạo giáo viên. Khoá đào tạo này thường kéo dài trong sáu tháng và sau đó họ cần thi đậu hai kỳ thi của tiểu bang Texas, cộng thêm một năm dạy thực tập thì họ có thể chính thức được cấp chứng chỉ dạy học.

ĐYT: – Các thầy cô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức đến học sinh mà còn là những người hướng dẫn, ảnh hưởng đến các em từ các vấn đề như đức dục, nhận thức cho đến kỹ năng học và giao tiếp… Vai trò và trách nhiệm của các thầy cô giáo tại Mỹ  là như thế nào?

GV PT: – Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho các em, thầy cô giáo cần có trách nhiệm đối với các em về nhiều mặt. Giáo viên cần có kinh nghiệm và sự đào tạo cần thiết để nhận biết được những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của các em như là sự ngược đãi trẻ em trong gia đình, các em có nguy cơ tự tử, các em sử dụng chất kích thích… Chúng ta ít nhiều cũng nghe được nhiều vấn đề xảy ra tại các trường học tại Mỹ, như những vụ mang súng vào các trường học để thảm sát hàng loạt các em học sinh trong thời gian qua, thì giáo viên cũng là người có trách nhiệm bảo vệ cho các em trong mọi tình huống như vậy.

de-tro-thanh-giao-vien2

Giáo viên Phạm Tân cùng một số học trò của mình

ĐYT: – Như vậy vai trò và trách nhiệm của một giáo viên tại Mỹ còn nhắm đến việc bảo vệ tinh thần và thể chất của các em học sinh. Vậy một khi đã trở thành một giáo viên thực thụ thì người giáo viên có tiếp tục trải qua các cuộc huấn luyện nghề nghiệp thường niên gì khác cho vai trò này không thưa thầy?

GV PT: -Theo luật của tiểu bang Texas và khu học chánh, thầy cô giáo cần nhiều lớp huấn luyện hàng năm để theo kịp những thay đổi về cách học và giảng dạy. Chúng ta không còn nằm trong thời đại chỉ có giấy và bút, các em cần biết sử dụng computer, iPad, phone để hỗ trợ trong vấn đề học vấn. Những khóa huấn luyện này sẽ giúp giáo viên có đủ kiến thức để giúp các em.

ĐYT: – Chúng ta thấy có các cuộc đình công đòi hỏi quyền lợi của giới giáo viên đã xảy ra tại một số tiểu bang trong thời gian qua, vậy nghề giáo tại Mỹ thật ra như thế nào? Có phải dù là một nghề đáng quý nhưng vấn đề lương bổng và quyền lợi khá thấp so với các ngành nghề khác nên đã xảy ra tình trạng trên?

GV PT: – Lương giáo viên của tiểu bang Texas nằm ở mức trung bình so với toàn quốc, là khoảng 50 ngàn đô la một năm. Những cuộc biểu tình đòi tăng lương vừa qua ở các tiểu bang khác như West Virginia, Oklahoma… là những đòi hỏi chính đáng cho dù tiền lương không phải là lý do để họ trở thành nhà giáo. Nhưng tại những tiểu bang này thì lương trung bình khá thấp hơn so với những tiểu bang lân cận. Ngoài ra những cuộc biểu tình này còn nhằm để đòi hỏi kinh phí giáo dục, ngân sách cho việc cải đổi và tu bổ trường lớp đã quá cũ kỹ cho các em học sinh.

de-tro-thanh-giao-vien1

Giáo Viên Phạm Tân cùng các học trò của mình

ĐYT: Lương không cao nhưng theo số liệu từ Bộ Giáo Dục thì hiện có khoảng 3.2 triệu thầy cô giáo đang dạy học toàn thời gian tại hệ thống trường học công lập K-12 các cấp, không kể hệ thống tư thục. Theo thầy thì điều gì làm người ta đi theo nghề giáo này đông đảo như vậy? Có phải giới giáo viên nhắm đến điều gì đó khác hơn sự thu nhập?

GV PT: – Một người trở thành giáo viên thì vấn đề chính không phải là lương bổng. Sự đòi hỏi ở một nhà giáo là ngoài trình độ học vấn còn phải có lòng kiên nhẫn, yêu nghề và thương trẻ. Họ còn phải là tấm gương cho các em học hỏi nếp sống và cách cư xử với mọi người xung quanh. Với sự đòi hỏi cao nhưng đồng lương thì rất khiêm tốn so với nhiều ngành nghề khác, nên lý do chính mà một sinh viên chọn ngành giáo dục theo tôi nghĩ là vì họ muốn góp một phần trong việc xây dựng tương lai của các em và cũng là tương lai chung của quốc gia. Họ muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời.

ĐYT: – Còn với riêng thầy thì sao để gắn bó với nghề giáo hơn 10 năm qua?

GV PT: – Riêng tôi với 11 năm dạy học, trong đó 7 năm dạy toán trung học (high school) và 4 năm dạy bậc bán trung học (middle school), tôi cám ơn Thượng Ðế đã cho tôi được hồng ân này.

ĐYT: – Với tâm tình nghề nghiệp như vậy thì ắt các học sinh sẽ rất may mắn được theo học với thầy.  Là một giáo viên toán, thầy so sánh và nhận xét thế nào về khả năng toán của các học sinh gốc Việt nói riêng và Châu Á nói chung với các học sinh bản xứ? Có phải các em Á Châu có năng khiếu về toán như người ta thường bảo không? Rất tiếc là có một số em giỏi toán lại không theo đuổi những ngành nghề cần đến kỹ năng này.

GV PT: –  Tôi được may mắn dạy ở trường Webb tại Garland, Texas. Trường có 253 em là học sinh Á Châu, phần đông là học sinh Việt Nam, chiếm khoảng 22% tổng số học sinh của trường. Nơi đây tôi đã có cơ hội để tìm hiểu thêm về những con em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Các em rất dễ mến, lễ phép và hồn nhiên.

Các em học sinh Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng thường là học khá hơn các học sinh bản xứ, nhất là môn toán. Phần ảnh hưởng lớn trong học vấn của các em là do sự chăm chỉ và sự quan tâm của cha mẹ trong việc học của các em. Ý thức cao của phụ huynh Việt Nam trong vấn đề học vấn và truyền thống trọng kính thầy cô đã góp phần vào sự thành công của các em. Còn tỷ lệ người Việt Nam làm việc trong lãnh vực khoa học kỹ thuật không thấp như nhiều người nghĩ, vì dân số người Việt chỉ chiếm khoảng hơn 0.5% dân số nước Mỹ nên chúng ta cảm thấy số lượng đóng góp này còn ít.

de-tro-thanh-giao-vien3

Các thầy cô giáo trong ngày lễ Halloween .

ĐYT: Nếu những em giỏi toán và muốn đi vào lãnh vực toán học như một chọn lựa nghề nghiệp thì thầy đề nghị các em sẽ chọn những chuyên ngành gì thích hợp với khả năng và đam mê toán học của mình?

GV PT: -Riêng câu hỏi này tôi chưa tìm hiểu nhiều nên xin không trả lời.

ĐYT: – Không sao, chúng ta sẽ quay lại vấn đề này vào một dịp khác hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy những em giỏi toán có thể đi vào các lãnh vực điện toán và kỹ thuật nói chung hay các em cũng có thể trở thành những chuyên viên phân tích dữ liệu, xác suất thống kê trong lãnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư… với nhiều cơ hội rộng mở, đặc biệt là tất cả các tiểu bang hiện nay đều thiếu giáo viên Toán theo như số liệu từ Bộ Giáo Dục. Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, xin hỏi thầy là nếu các phụ huynh có con em muốn theo đuổi nghề giáo, thầy sẽ chia sẻ thêm điều gì?

GV PT: –  Khoảng 50% giáo viên bỏ nghề trong 5 năm đầu dạy học, vì vậy chúng ta cần cân nhắc kỹ khi con em chúng ta muốn theo đuổi ngành này. Như đã nói trên, để trở thành nhà giáo, các em cần kiên trì và có lòng yêu thương trẻ. Trước khi theo đuổi ngành này sinh viên cần nên ghi tên làm việc thiện nguyện trong các chùa, nhà thờ hoặc trong các trường tiểu học, trung học để có cơ hội tiếp cận với các em nhỏ. Ðây cũng là cơ hội coi thử mình có thích hợp với ngành này hay không.

ĐYT: – Xin cảm ơn thầy Phạm Tân đã dành cho chúng tôi cuộc tâm tình nghề giáo này. Chúc thầy một mùa Hè thật vui.

ĐYT thực hiện