Ngày 8 tháng 9 vừa qua, các nghệ sĩ sân khấu tân nhạc, kịch, cải lương đã tề tựu tại Paris để cúng Tổ Sân Khấu theo truyền thống văn hóa Việt Nam lâu đời. Trong suốt 2 giờ đồng hồ, hội Cội Nguồn cùng các nghệ sĩ đã cùng nhau ôn lại lịch sử sân khấu Việt Nam từ xưa đến nay, tìm hiểu về những người đã có công đặt nền móng cho từng ngành nghệ thuật.

Các nghệ sĩ lần lượt bái Tổ Sân Khấu.    

Từ sân khấu chèo, tuồng, đàn ca tài tử, ca ra bộ, cải lương, kịch, tân nhạc, những người con xa xứ đã rơi lệ cùng Kiều trong trích đoạn «Má Hồng Phận Bạc,» cười nghiêng ngả với «Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga» qua điệu đàn ca tài tử «Tứ đại oán,» thưởng thức giọng ca truyền cảm của nghệ sĩ Kiều Lệ Mai (nay đã 75 tuổi) qua trích đoạn «Bên cầu dệt lụa…», bùi ngùi hát trong tim «Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…»…

Tổ thương, Tổ đãi, Tổ trác hay Tổ phạt?

Ai ai chắc cũng đã nghe qua ít nhất một lần những câu như: Tổ thương, Tổ đãi, Tổ trác, Tổ phạt. Một nghệ sĩ dù lớn tuổi nhưng khi lên sân khấu vẫn được khán giả yêu thích đó gọi là Tổ thương. Hôm nào ra sân khấu diễn, dù hay dù dở cũng được khán giả vỗ tay hoà nhịp với mình, đó là Tổ đãi. Hôm nào ra sân khấu bị nói vấp, hát không ra tiếng, đó là Tổ trác.

Trong các nghề sân khấu, các nghệ sĩ sợ nhất là bị Tổ phạt. Có những người hay chèn ép các bạn diễn viên, lên sân khấu dùng những thủ pháp để dìm bạn diễn. Những điều mình làm dù không ai thấy ai biết, nhưng Tổ thấy hết và sẽ phạt mình.

Ca ra bộ Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga – Kim Hoa trong vai Bùi Ông, Ngọc Phượng vai Bùi Kiệm, Trúc Tiên vai Nguyệt Nga

Thế ông Tổ Sân khấu là ai?

Xem thêm:   Bích Đầm đảo dân cư xa nhất trong vịnh Nha Trang

Sách vở Việt Nam không ghi rõ ngày tháng năm nghề Sân khấu ra đời. Nhưng khi nói đến «Đất Tổ» thì miền Bắc có đền Vân Thị thờ bà Phạm Thị Trân, tổ nghề hát chèo. Miền Trung ở Bình Định có đền ông Tổ hát bội Đào Duy Từ. Sân khấu cải lương miền Nam thì có ông Tổ Tống Hữu Định. Đó là những vị đầu có công  sáng lập, mang tri thức ngành nghề sân khấu. Ngoài ra chúng ta cũng thường nghe nhắc đến tổ nghề kịch nói ông Vũ Đình Long, ông Trần Quốc Đĩnh tổ nghề hát xẩm, ông Đinh Dự tổ nghề ca trù  v.v.

Song song cũng có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc Tổ sân khấu, song vẫn chỉ là những câu chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác. Giai thoại được nhiều người biết đến nhất là truyền thuyết về “Hai ông hoàng mê hát”. Chúng ta thường thấy trên các bàn thờ Tổ có hình hoặc tượng hai em bé. Chuyện kể về một vị vua không có con, sau đó dâng sớ làm lễ thì hạ sinh hai vị hoàng tử. Hai vị hoàng tử này lại quá mê ca hát, mê đến nỗi lén cha đi xem hát, rồi quên ăn, quên ngủ, kiệt sức, ôm nhau chết. Dù đã chết nhưng đêm đêm người ta vẫn thấy hai hoàng tử hiện về xem hát. Nhiều diễn viên kể lại rằng hai Hoàng Tử này rất linh và luôn phù hộ cho họ mỗi khi ra diễn. Sau này họ lập bàn thờ hai hoàng tử gọi là Tổ nghề.

Xem thêm:   Có một làng độc đáo ở Khánh Hòa

Trong hậu trường sân khấu hát chèo, hát bội, cải lương, đoàn nào cũng có một trang thờ Tổ rất trang nghiêm. Mỗi lần sắp bước ra sân khấu, đào kép phải trịnh trọng đến ngai Tổ, xá 3 xá, cầu xin hát được vuông tròn.

Trích đoạn Kiều gặp Từ Hải. Lý Kim Thanh trong vai Từ Hải, Trúc Tiên trong vai Kiều.

Ăn thiện uống lành mới được tổ đãi?

Cúng Tổ nghề là một trong những nghi thức tâm linh quan trọng đối với mỗi người Việt Nam. Điều này thể hiện lòng cảm ơn, ghi nhớ công lao người đi trước. Đó là biểu hiện cao quý của truyền thống Việt Nam «tôn sư trọng đạo», «uống nước nhớ nguồn», «ăn quả nhớ kẻ trồng cây».

Hầu hết tất cả các nghệ sĩ đều tin rằng, chỉ cần thành tâm khấn tổ nghề, đường sự nghiệp sẽ thuận lợi, kỹ năng biểu diễn tốt hơn và bản thân người nghệ sĩ sẽ được đón nhận nhiều hơn.

Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định nội bộ trong đoàn hát, người xưa đã đặt ra những quy định, những điều cấm kỵ và mượn ông Tổ làm vị thần linh giám sát chặt chẽ mọi hành vi tốt xấu của mọi người để thưởng phạt cho công minh. Ai siêng năng, chuyên cần thì được “Tổ độ”, quậy phá thiếu nghiêm túc thì bị “Tổ trác”, hỗn láo, xấc xược với cô bác, bạn bè thì bị “Tổ phạt”, hay tội nghiệt nặng thì bị “Tổ lấy nghề”, già yếu bệnh tật đến nỗi phải đi xin ăn, hoặc điên loạn thì bị coi là “Tổ hành”, gần chết mà hát nghêu ngao, người ta cho là “hát trả nghề cho Tổ”.

Bài Vọng cổ “Tình anh bán Chiếu”, một sáng tác của cố nhạc sĩ Viễn Châu do Văn trình bày.

Những điều kiêng cữ

Xem thêm:   Grab Bike có ngày đây!

Từ chuyện ông Tổ, rất nhiều điều kiêng cữ, mới nghe có khi tưởng là vô lý nhưng suy nghĩ kỹ thì vẫn hợp tính khoa học.

Trong giờ hoá trang chuẩn bị ra tuồng, hậu trường PHẢI GIỮ YÊN TĨNH, không được cười đùa giỡn hớt, nói năng thô tục, huýt sáo… nếu vi phạm sẽ bị Tổ phạt, thì đó là yêu cầu chính đáng để diễn viên bình tâm, tập trung để “sống” vào nhân vật của mình trước khi biểu diễn.

Để bảo vệ các nhạc khí, người xưa có điều NGHIÊM CẤM: ngoài giờ hát, không ai được động đến trống chiêng, trống kỳ, trống cơm (trừ trường hợp phải dùng trống chiêng để hiệu lệnh riêng như họp toàn đoàn để phân vai hay làm việc chuyên môn, hoặc báo… giờ ăn cơm). Để lệnh cấm có thêm trọng lượng, người ta bảo rằng các trống là bộ phận trong cơ thể ông Tổ, cho nên ngoài giờ hát, trống cơm phải đem giao cho Ông, nhưng làm gối kê nằm ngủ. Giữ gìn chặt chẽ như vậy cũng hợp lý vì nếu các trống hư hỏng sẽ khó sửa chữa và rất tốn kém, nhất là lúc đang hoặc chuẩn bị biểu diễn, hay đang lưu diễn xa xôi vùng… nước mặn đồng chua.

Người đi hát bị CẤM ĐI GUỐC VÔNG, với lý do cây vông dùng tạc tượng làm cốt Ông Tổ, nếu lấy gỗ mang dưới chân, đạo đồ ô uế, có tội với Tổ. Thật ra, thời ấy, đa số đào kép đều đi chân không (khi diễn mới mang hia, hài), chứ nếu mang guốc đi cồm cộp trên sân khấu sàn gỗ thì ai mà chịu cho thấu!…

Các nghệ sĩ chụp hình lưu niệm trong ngày cúng Tổ Sân Khấu

TT