Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Tại cuộc họp mặt với các đồng nghiệp khắp nơi của Novartis Pharma, mỗi người đại diện cho địa phương mình với quốc phục. Tôi mặc áo dài dù quốc gia VNCH đã bị xóa sổ. 

Độc giả Trẻ đã quen thuộc với tác giả có bút danh Dế Mèn, những bài viết đa dạng, nhiều thể loại, đặc biệt những câu chuyện “phiêu lưu” kỳ thú như trong truyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của Tô Hoài.Tuy nhiên gã Dế Mèn hiện đại là một “nàng” dế nhỏ nhắn nhưng đầy nhiệt huyết. Nàng Dế Mèn thời nay không loanh quanh ở “ao làng” mà dọ dẫm ra “biển lớn” với cả một kho tàng kiến thức, “nàng” bất đắc dĩ phải phiêu lưu từ ngày vận nước điêu linh, và tiếp tục lang thang tận bây giờ…

Mời quý độc giả theo dõi câu chuyện dưới đây với “Dế Mèn” Trần Lý Lê.

NB: Chị rời VN năm nào, phương tiện gì? Chị có thể kể đôi dòng về thân thế của gia đình chị trước 75 không?

TLL: Tôi rời Việt Nam năm 1975, được một ông anh rể cho đi theo tàu Hải Quân di tản trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cụ tôi nguyên là Thanh Tra (ngân hàng), làm việc tại Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp (của chính phủ VNCH), mẹ tôi buôn bán, gia đình có “pharmacie” tại Saigon.

NB: Việc hội nhập ở Mỹ có dễ dàng với chị không? Chị gặp trở ngại gì không, và cảm tưởng của chị lúc đó ra sao?

TLL: Qua Mỹ, tôi gặp nhiều may mắn, trở thành con nuôi trong một gia đình có truyền thống giáo dục nên được hướng dẫn, khuyến khích và trợ giúp đầy đủ, nên sự hội nhập tương đối dễ dàng so với nhiều di dân khác. Ông bố và bà mẹ đều là giáo sư đại học, ông cụ là chuyên gia vật lý, bà cụ là một nhà xã hội và cũng từng là khoa trưởng ban Cao Học, Dean of Faculty of Graduate School, tại Ðại Học Fordham nơi tôi học xong cử nhân. Sau đó tôi theo nghề Y, theo ý riêng, đây là một sự hòa hợp giữa khoa học và nghệ thuật. Kiến thức về y khoa là phần khoa học thực nghiệm, nhưng khi áp dụng các kiến thức ấy vào việc chăm sóc người bệnh thì đó lại là một nghệ thuật, Healing art. Làm thế nào để người bệnh cũng như thân nhân tin tưởng và muốn áp dụng những điều ta đề nghị để chữa trị bệnh tật.

Đang diễn thuyết tại một buổi hội thảo cộng đồng.

NB: Khi đọc những bài du lịch của chị, có thể nhận ra ngay chị là người uyên bác, nhất là khi bình luận hoặc giải thích rất cặn kẽ về lịch sử, văn hóa của một đất nước, thậm chí chị có thể phân tích được sự trộn lẫn các nền văn minh với nhau, những vốn liếng này từ đâu chị có được?

Xem thêm:   Trên lưng trời

TLL: Ðọc sách chị ạ! Là người say mê sách vở, tôi đọc khá nhiều, trong nhà vẫn còn giữ được trên dưới khoảng ngàn cuốn sách với nhiều đề mục khác nhau, văn hóa cũng có, lịch sử cũng có và cả văn chương thi phú cũng có. Từ sách vở, tôi học được cách phân tích và tìm ra những đặc thù của mỗi địa phương.

NB: Chị đi du lịch nhiều và trải nghiệm cũng lắm. Chị có thể kể một vài kỷ niệm đặc biệt trong những chuyến du hành, về đất nước, con người, lịch sử…

TLL: Khi đi chơi vùng Trung Mỹ, tôi tìm đọc khoảng chục cuốn sách về vùng đất ấy, về lịch sử, văn hóa & nghệ thuật, ngôn ngữ của dân tộc Maya, sự tồn vong của con cháu họ và việc tham gia của Hoa Kỳ cũng như Nga Sô vào các cuộc chiến tranh ở đó trong thời cận kim. Ðọc sách rồi khi đến nơi được nhìn tận mắt các di tích thì nhận ra một vài hình ảnh, kiến trúc “mới” so với “cũ”; nét Mayan so với nét Aztec; nhưng cảm xúc sâu đậm nhất của tôi lại là những dấu vết tàn khốc của chiến tranh…
Ði chơi khoảng 3 tuần nhưng đọc sách tìm hiểu trước và sau khi lang thang thì tôi tiêu xài khoảng 8 tuần, và nhớ tới đâu thì viết đến đấy! Năm đó tôi đi thăm di tích Maya rải rác từ El Salvador, Honduras, Guatemala và Belize; cũng là các quốc gia thuộc địa của Tây Ban Nha nhưng mỗi nơi một vẻ. “Thấm” nhất là việc nhóm du khách được xe cảnh sát võ trang hộ tống suốt quãng đường quốc lộ 20 dặm của El Salvador. Trên đường đi, tôi thấy xe cảnh sát theo sau nên thắc mắc lắm, cho đến khi họ khuất dấu mới dám hỏi. Thì ra, con đường ấy là nơi các tay buôn ma túy “giao hàng”, trực thăng lên xuống từ rừng rậm hai bên đường, và du khách ngoại quốc đi lạng quạng có thể bị bắt cóc lấy tiền chuộc. Hèn chi đường vắng tanh, chẳng thấy xe cộ chi ráo, trừ chiếc xe bus của công ty du lịch, hẳn là họ cũng phải “đóng thuế” ít nhiều để được an toàn làm ăn?! Thấm thía không kém là việc gặp gỡ, trò chuyện với kẻ sống sót sau cuộc nội chiến tại El Salvador, từ một đứa trẻ 13 tuổi trốn theo quân du kích (Nga Sô chống lưng) chống lại quân đội chính phủ (Hoa Kỳ bảo trợ) giờ trở thành một tài xế taxi, sống lưu vong bên Mexico, vì ông ấy không chấp nhận quân đội của một chính phủ đã giết cả gia đình mình. Chiến tranh chấm dứt, nhưng vết thương năm xưa vẫn ứa máu?

Di tích Maya được bảo tồn kỹ lưỡng như các di sản khác của thế giới, rất dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức qua hình ảnh trên liên mạng, nhưng nếp sống, tập tục và tâm tình của người địa phương mới là các kinh nghiệm “sống” mà ta chỉ có thể cảm nhận và xúc động theo những gì tai nghe mắt thấy. Vật thể thì “tĩnh” (mang lại sự thích thú, cảm phục…) nhưng con người thì “động” (khiến ta xúc động, cảm thông, thương xót…), phải không chị?

Tại lễ hội hóa trang, Fasnacht, Basel, Thụy Sĩ.

NB: Qua lối văn của chị, rõ ràng chị rất giỏi sử dụng tiếng Việt, đôi khi chị có cách dùng từ rất ngọt và rất “tới”, từ đâu chị có khả năng này?

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

TLL: Cám ơn lời khen ngợi của chị. Tôi rời quê nhà khi còn nhỏ tuổi, tiếng Mẹ còn thiếu sót nhiều lắm, nhờ sách vở nên “đỡ đỡ” một chút. Càng viết nhiều thì sử dụng tiếng Mẹ càng dễ dàng. Ðược viết tiếng Mẹ là một hạnh phúc lớn giữa những lúc “đắm chìm” trong tài liệu ngoại ngữ vì công việc.

NB: Trước giờ, tôi vốn yêu thích giọng văn của chị, nhưng thật bất ngờ khi biết chị là một Cử Nhân Sinh Hóa (BA Biology), Tiến Sĩ Y Khoa (MD); Bác sĩ Nội Khoa (Internal Medicine), Tiến Sĩ Luật Khoa (JD)… Với tôi chỉ cần 1% vậy là lè lưỡi rồi. Sức lực đâu mà chị học được ngần ấy thứ và làm sao chị có thể “tiêu hóa” các lãnh vực khác nhau như nước với lửa này được?

TLL: Thoáng nhìn thì Y và Luật khác nhau nhưng tựu trung, hai ngành này “giống” nhau ở chỗ “tìm kiếm”; chịu ‘tìm’ tòi tài liệu và học hỏi thì ‘kiếm’ được nhiều thứ, nhiều ngành khác nhau. Lửa ấm áp và nước mát rượi, cả hai đều cần thiết phải không chị?

NB: Tôi cũng được biết chị từng giữ chức vụ Vice President, Scientific Affairs, nghiên cứu về da, của hãng L’Oreal (Pháp). Nghiên cứu về ung thư, làm việc cho hãng bào chế dược phẩm Hoffmann-La Roche Pharmaceuticals (Thụy Sĩ). Từng là Vice President, Medical Affairs tại Novartis Pharma, làm việc về luật Tác quyền & luật Y Tế. Fellow & thành viên của Ủy Ban Giáo Dục (Education Committee, 1997-2000) của Hội Hàn Lâm Y-Luật Hoa Kỳ (The American College of Legal Medicine). Và bây giờ chị đang dạy tại trường Y Khoa, Đại học Florida. Chị sử dụng năng lượng và thời gian ra sao để có thể làm chừng đó việc? Nó có sự bổ sung gì nhau không?

TLL: Sự say mê là động lực chính. Tôi thực sự là một người tò mò, “thích đủ thứ”. Ðề tài nào có vẻ hấp dẫn mà chưa biết đủ chi tiết thì tôi mày mò tìm kiếm cho đến khi tạm vừa ý mới ngưng. Sự hiếu kỳ ấy là nền tảng của việc tôi theo đuổi ngành nghiên cứu về cơ thể con người và cách chữa trị bệnh tật. Tôi làm việc lâu năm trong ngành khảo cứu cách chữa trị ung thư, bắt đầu là chứng Kaposi Sarcoma trong những người bệnh AIDS và sau đó là một vài loại ung thư khác. Các chứng bệnh thường khác nhau về nguyên nhân, nhưng phương cách nghiên cứu thì không mấy khác biệt. Cũng tìm hiểu ngọn ngành về nguyên nhân, cách chữa trị đương thời thiếu sót những gì, tại sao chưa thành công và từ những câu hỏi ấy, ta xếp đặt chương trình tìm kiếm câu trả lời.
Thầy dạy của tôi là bệnh nhân, những người đã cho phép tôi nghiên cứu qua việc hiến tặng một phần thân thể và họ đã chấp nhận các rủi ro để tham gia tiến trình thử nghiệm, tìm kiếm những điều khoa học chưa biết. Thầy dạy của tôi cũng là những đồng nghiệp đi trước, truyền bá lại kinh nghiệm, khiến việc tìm kiếm của tôi và thân hữu dễ dàng, suôn sẻ hơn. Lúc nào tôi cũng tri ân những vị thầy / cô đã dạy dỗ mình.

Trong ngày lễ “Day of the Dead”, Guatemala

NB: Trong thời gian làm việc, du lịch, chị có nghiệm ra được điều gì hài lòng nhất và không hài lòng nhất trong đời sống?

Xem thêm:   Đông dược

TLL: Những ngày qua, giữa công việc và nghỉ ngơi rong chơi, hạnh phúc nhất là tôi được khỏe mạnh, đủ sức để làm công việc sở (dù thiếu sót việc nhà) và đủ sức để leo trèo ngắm nghía kỳ công của thượng đế và con người. Chưa hài lòng cho lắm là việc tôi khiếm khuyết chuyện nhà. Những năm về sau này, nhờ công việc dạy học bớt vất vả nên tôi có nhiều thời giờ hơn để chăm sóc gia đình, gần gũi thân thiết với anh chị em chung quanh. Hy vọng là những tình thân ấy mỗi ngày một khắng khít, sâu đậm hơn.

NB: Xem ra việc nào chị dính dáng đều có vẻ nhức đầu, vậy chị thích giải trí ra sao để lấy lại cân bằng?

TTL: Tôi đọc tiếng Việt trong lúc rảnh rỗi, chị ạ! Có những bài thơ, đoản văn đọc xong thì tâm hồn thư thái, nhẹ nhàng. Tôi là “cái quạt” của nhà thơ Trần Mộng Tú và tác giả Tim Nguyễn; thỉnh thoảng được nhấm nháp “Tách cà phê” và thưởng thức “Những bông hoa” của báo Trẻ. Hình như ông nhà thơ pha cà phê NXT cũng là người trồng hoa Như Sao, phải không chị?

NB: Chị có mặt ở nhiều lãnh vực nghề nghiệp khác nhau, lãnh vực nào chị thích nhất, tại sao?

TLL: Tôi theo nghề Y vì khía cạnh “thực nghiệm” của ngành khoa học ấy, những bài tường trình của đồng nghiệp giúp tôi “chạy theo” sự tiến hóa. Tôi thích Luật vì kết luận của một bài phân tích / vụ án không hẳn sẽ là điều sau cùng! Sự “lơ lửng” này khiến tôi “bất an” nhưng lại là một thử thách đem lại những thích thú bất ngờ cho một con người ưa “chắc ăn” như tôi.
Sự pha trộn giữa Y và Luật hiện diện trong Medical Bioethics (dịch nghĩa?), từ chăm sóc sức khỏe người bệnh đến việc nghiên cứu y học.

NB: Tôi ao ước có một trong những mảnh bằng của chị là đủ le lói rồi. Chị có lời khuyên nào để những người có con sẽ, đang hoặc đã đi vào con đường học vấn có thể áp dụng?

TLL: Thưa chị, bằng cấp là phương tiện. Mong quý vị phụ huynh hướng dẫn và ủng hộ con em đi theo chí hướng, họ sẽ thành công và an vui hơn. Với các bạn trẻ, hãy để sự say mê dẫn dắt họ theo đuổi và khám phá.

Bằng cấp trong tay, tôi quý nhất là cái bằng lái xe, không có nó thì đôi chân hay đi này sẽ khốn đốn lắm.

NB: Cám ơn chị. Hẳn độc giả sẽ rất thích thú khi được biết thêm nhiều điều chưa biết về chị, ngoài những bài viết rất hay và rất hữu ích trên Trẻ.

Tại LaoCay – VN

NB