Không có sự mở mang rộng rãi của du lịch ở Việt Nam, có lẽ ít người biết đến thị trấn Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, cách Hà Nội khoảng 4 tiếng lái xe. Tôi theo chân đoàn du lịch đi thăm viếng vùng Tây Bắc Việt Nam, nơi có những cảnh đẹp núi đồi xanh ngát của thiên nhiên và những con người suốt đời ôm ấp núi rừng để tồn tại.

Núi đồi Mộc Châu      

Tôi chọn một lịch trình khứ hồi khởi đi từ Hà Nội qua nhiều nơi, vượt 3 trong Tứ Đại Đỉnh Đèo miền Bắc là: Đèo Khau Phạ, Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Pha Đin và điểm cuối là Mộc Châu rồi quay về Hà Nội. Nếu bạn ở Sài Gòn, bạn có thể bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự chuyến đi này. Các đoàn du lịch thường chia lịch trình thăm viếng ra làm hai, Tây Bắc và Đông Bắc để dẫn Tour mà cả hai đều bao gồm một phần của Mộc Châu. Tôi theo lịch trình Tây Bắc nên muốn thăm hết Mộc Châu tôi cần ghi danh thêm một Tour Đông Bắc với Hà Giang mới tận hưởng hết cái đẹp của thị trấn này.

Rời Hà Nội đoàn chúng tôi đi qua Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, SaPa, Lai Châu, Điện Biên rồi cuối cùng điểm đến của Sơn La là Mộc Châu. Chuyến đi là một thể nghiệm ngắm nhìn một chuỗi cảnh thiên nhiên đồi núi tuyệt đẹp, ai nhìn thấy cũng mê mẩn lòng người. Có lẽ nhờ nhu cầu du lịch thúc đẩy mà hệ thống đường sá được sửa sang, mở rộng, khiến xe cộ lưu thông trên  những con đường nối liền các thị trấn và thành phố được trơn tru. Bác tài xế xe bus lái xe hết sức an toàn, tuân thủ luật lệ đã nghỉ 20, 30 phút sau một thời gian dài lái xe theo đúng quy định của hãng du lịch. Điều kiện vận chuyển ở các đỉnh cao đều được tính toán trước, tỷ như bạn phải đi cáp treo lên các đỉnh núi. Nơi nào có nhiều bậc thang, bạn không đi bộ hay trèo lên được, họ có xe điện đưa bạn đi, chỉ cần bỏ tí tiền là bạn có thể đến nơi mà không cần leo. Có thể nói kỹ thuật du lịch ở Việt Nam giờ tiến bộ rất nhiều.Ngay đến tiêu chuẩn các khách sạn từ 3 đến 5 sao cũng đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Tôi đi nhiều nên có thể so sánh và nhìn ra được, do đó tôi không ngạc nhiên khi thấy bây giờ có nhiều khách du lịch đến viếng VN. Họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Âu Châu có, Á Châu có, Đại Hàn, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Pháp, Mỹ v.v.

Cầu kính Bạch Long. Mộc Châu

Chúng tôi dừng lại một vài nơi lúc đi qua đèo Ô Quy Hồ là con đèo hùng vĩ và dài nhất trong Tứ Đại Đỉnh Đèo miền Bắc để chụp ảnh. Ngoài sương mù, mây trắng, núi xanh, còn có hoa Dã Quỳ vàng đua nhau nở trên những con đường ven núi tăng thêm màu sắc ẩn, hiện, của núi đồi. Bạn có thể săn mây hay ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi Fansipan nơi có Cổng trời Ô Quy Hồ là đỉnh núi cao nhất VN.

Xem thêm:   Lê Hữu Minh Tuấn

Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Đi chuyến này, nếu bạn không từng trải qua các chuyến vượt đèo, bạn sẽ bị say xe và ói mửa liên tiếp. Cả xe, hầu như bao tử ai cũng bị nhào lộn liên tục, đến ói cả mật xanh, mật vàng, vì các khúc quanh rất gắt.

Tôi may mắn vì đi xe, trèo đèo, leo núi đã quen nên không sao, vẫn vừa ngắm cảnh vừa chụp hình, ghi lại những cảnh thần tiên vào trí, vào máy ảnh. Chúng, những con đèo là những mê hoặc của sương mù, mây giăng và núi biếc khiến tôi mãi ngắm đến quên nhọc mệt.

Đồi nương thung lũng Mường Hoa trong sương.

Chúng tôi qua thung lũng Mường Hoa, nơi có những cánh rừng nguyên sinh và dừng chân ở một quán ven đường để nhìn xuống những cánh đồng ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ, vì đã qua mùa gặt. Dưới kia là sương là khói, tầng tầng lớp lớp những ngọn núi, những đồi chè xanh, những nương bắp trái, chập chùng ẩn hiện, khi tỏ, khi mờ.

Tôi khen cái tên Mường Hoa rất đẹp, và hỏi thêm cái tên Mường Tè có thật không? Vì tôi nghe anh hướng dẫn hay nhắc đến hai chữ “Mường Tè” lúc hỏi có ai muốn đi vệ sinh không? Anh bảo có Mường Tè thật !!!

Quả là đường xa vạn dặm, chúng tôi phải đi qua Lai Châu và Điện Biên, Sơn La rồi mới tới Mộc Châu. Đoàn cung cấp ngày 3 bữa ăn với các món ăn địa phương, lạ miệng và có cả những buổi giao tiếp văn hoá giữa người dân tộc và du khách rất thú vị. Người dân tộc thiểu số múa hát, mời rượu và nấu những món đặc sản, rau, thịt của vùng đất họ. Tôi thích thú thưởng thức các món, cơm lam, bánh, xôi nếp nương, nếp tím, canh rau đay cua đồng, rau cải mèo, măng rừng, bánh chưng đen, thịt trâu gác bếp, chẩm chéo v.v. Nhắc đến trâu, ngày nay, ở miền Bắc chúng ta không còn thấy hình ảnh con trâu kéo cái cày, mà ngày nay họ nuôi trâu chỉ để ăn thịt vì thịt trâu ngọt hơn thịt bò!!! Hình ảnh một đứa bé, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, thổi sáo, chăn trâu chỉ còn trong hồi ức của quá khứ, hệt như các hình ảnh thơ mộng của Hà Nội, của hồ Gươm trong sách vở hay ký ức của cha ông ta, giờ chỉ là hồi tưởng.

Nhà máy thủy điện Sơn La

Qua Điện Biên, xe chúng tôi đi dọc theo giòng sông Nậm Na và vùng ngập nước do đập  nhà máy Thủy điện Sơn La dâng lên tại ngã ba sông: sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Rốm. Từ trên cầu nhìn xuống sông tôi thấy một người phụ nữ đang thả thính bắt cá trông rất ngoạn mục. Tôi nghe từ “thả thính” từ lâu, giờ mới thấy được cảnh thả thính trên một giòng sông ở miền Bắc!

Xem thêm:   Ba O Hà Tĩnh

Nhà Máy Thủy Điện Sơn La với một công trình xây cất độc đáo cung cấp thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2012, đã làm tôi ngạc nhiên. Người thuyết trình viên say sưa dẫn giải và giới thiệu các kỹ sư đang làm việc dưới đường hầm khiến ai nghe cũng nể phục. Phía ngoài nhà máy, trên một bờ tường dài có vài người ngồi câu cá, cô thuyết trình viên nói dù có lịnh cấm câu họ vẫn câu trộm.

Ở Điện Biên tôi được đi xem Di tích Đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh, sông Nậm Rốm, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và Rừng thông Bản Áng

Thả thính trên sông bắt cá.

Nói đến Mộc Châu, chốn này còn nhiều nét mộc mạc và hoang dã, có lẽ vì nó xa đô thị quá, không như Vịnh Hạ Long đã bị khai thác du lịch quá nhiều. Khi xe dừng để nghỉ ở một trạm xăng trong một khu phố, tôi thấy 2 người phụ nữ dân tộc ngồi ở một góc tường bán gừng, măng tươi, vài bó rau và củ rong, củ khoai. Khi được hỏi chuyện, họ vốn là người dân tộc Thái đi từ thôn ra đây bán. Người hướng dẫn đoàn cho chúng tôi biết tất cả những người đang ở và buôn bán trên phố toàn là người Kinh, còn người dân tộc bị quy hoạch đi sâu vào núi, vào một khu riêng biệt mà sinh sống ở đấy giống như khu Mai Châu gồm có các đồng bào Thái, Mường, Mông.

Xem thêm:   Panama xứ của kênh đào và cơ hội

Thực ra Điện Biên ngày xưa có rất nhiều người dân tộc Thái ở, sau người Kinh là người Thái Bình lên khai hoang, mở đất, buôn bán ở lại đấy nên ca dao có câu: “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình/ Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên”. Ngày nay, người Kinh tràn về chiếm cứ đồng bằng và người dân tộc phải lùi sâu vào đồi núi hệt như ở Đà Lạt, người dân tộc Tày, Nùng phải lui về khu quy hoạch sâu trong rừng núi mà sinh sống.

Đoàn sau đó được đi thăm Bản Lác là khu du lịch Mai Châu nổi tiếng có ngôi làng cổ của người dân tộc Thái có tuổi đời hơn 700 năm tuổi, với kiến trúc nhà sàn rất độc đáo. Chúng tôi được xem những điệu múa xòe, nhảy Sạp và họ cũng bán và cho thuê y phục dân tộc để chụp hình hay mua về làm quà.

Người Thái nhảy Sạp.

Chúng tôi được đưa đi xem cây cầu kính Bạch Long được Tổ chức Kỷ lục Guinness chứng nhận là cầu kính dài nhất thế giới vào thời điểm khánh thành, năm 2022. Đứng trên cầu nhìn xuống nguyên vùng thung lũng Mộc Châu tôi sững sờ vì vẻ đẹp hoang dã tuyệt vời của nàng thiếu nữ Mộc Châu. Tôi bỗng thấy tiếc vô vàn, quê hương tôi có những nơi đẹp tuyệt như vậy, sao bây giờ tôi mới được đặt chân đến, có quá trễ lắm không? Nghĩ mãi tôi mới nhận ra là tại mình chưa có cơ hội vì du lịch chưa mở mang. Giờ tôi mới biết VN mình có các vùng núi non như Ninh Bình, Hạ Long, Tây Bắc, Đông Bắc đẹp tuyệt vời đâu thua gì Quế Lâm hay Shangri-La bên Trung Quốc chứ.

Dĩ nhiên chuyến đi nào của các đoàn du lịch đều có mục dẫn khách đi mua sắm các đặc sản tại nơi đi qua để mang về làm quà cho người thân hay quà kỷ niệm nơi chốn mình đi qua. Tuy nhiên có điều tôi hơi bực mình vì vấn đề thương mại và ăn huê hồng mà các đoàn du lịch VN bắt chước hệt các đoàn du lịch Trung Quốc thường bắt khách đi quá nhiều nơi mua sắm đã làm mất rất nhiều thì giờ của khách.

Khu nhà sàn Bản Lác

TTT