Mùa mưa là bông súng dại đua nhau nở đầy ven sông, kênh rạch, đồng trũng, ao khắp các miền Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu. Bông súng ở miền Tây chủ yếu có một phần là súng ta tím đỏ, nhưng phần nhiều là súng dại trắng.

Sức sinh sống của loài cây này thật kỳ diệu. Chẳng cần ai chăm sóc, cứ vùi thân, vùi rễ xuống đất sâu, mùa mưa, cây cứ thế mà lớn lên. Nước dâng đến đâu, cây cao tới  đó. Bởi vậy, khi mùa lũ về, người ta đi thu hoạch bông súng, thân súng dài ngoằng tới vài mét.

Cứ chèo xuồng đi nhổ những cọng bông xanh non tươi về, làm sạch bùn đất. Chỉ cần bứt bỏ bông nở, lấy thân súng, tước bỏ lớp vỏ ngoài mỏng rồi khoanh tròn lại, giao cho vựa. Từ đó họ giao ra chợ, cho nhà hàng.

Khi nhổ bông súng, người ta chỉ nhổ những cọng có bông trên đầu, vì ngon hơn những cọng lá. Cứ khoảng 10–20 cọng được quấn thành từng khoanh tròn rồi chất lên xuồng. Chỉ khi nhìn những xuồng hoa súng trắng muốt ngược xuôi nhộn nhịp, bạn mới cảm nhận được vẻ đẹp rất riêng An Giang, Đồng Tháp ngay cả trong mùa lũ.

Nguồn Viet travel

Với bà con miệt đồng thì xào, nấu canh chua, làm dưa… món nào cũng ngon, ngon nhất làm cái lẩu bông súng mắm kho. Cái món ăn dân dã từ thời cha ông lưu truyền tới giờ, mà đâu phải ai cũng biết ăn và được ăn.

Xem thêm:   Lễ hội Oktoberfest

Bông súng nhổ về được ngắt bỏ hoa và chỉ giữ lại cọng để chế biến thành các món ăn. Trong đó nổi tiếng nhất là bông súng mắm kho, đặc sản An Giang, Đồng Tháp mùa nước nổi. Chỉ cần vài con mắm cá linh, rô đồng, thịt heo ba rọi và vài ba quả cà tím là có thể chế biến thành món mắm kho bông súng ngon lành, đúng điệu.

Canh chua bông súng cũng là món ăn dân dã đặc trưng. Ngoài nguyên liệu chính là bông súng, canh được nấu với bông điên điển, cá rô đồng hoặc cá linh, dùng me tạo độ chua và ăn sống với mắm kho rất tuyệt. Nhờ độ giòn, hòa lẫn với vị chua, cay, nồng khiến thực khách dù chỉ thưởng thức một lần cũng đủ nhung nhớ khôn nguôi.

Để chiều lòng thực khách sành ăn, bông súng ngày nay còn đuợc dùng làm gỏi, trộn với tôm, thịt và ăn kèm bánh phồng tôm. So với gỏi ngó sen, hoa chuối…, gỏi bông súng lạ miệng, nhưng vẫn bảo đảm độ giòn, ngon, đậm vị. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được vị chan chát đặc trưng của vùng phèn tan trên đầu lưỡi, nhờ đó mới thấy được nét dân dã của người dân quê Đồng Tháp, An Giang.

DH- tin Internet