Một chuyện thương tâm. Nhưng rất đẹp trong ý nghĩa tiếng chim họa mi mang niềm vui đến cho người. Cho dù đôi khi niềm vui ấy mau chóng tan trong nước mắt. Cho dù tiếng chim nhiều khi không có thật. Cho dù là vậy đi nữa thì ý nghĩa nhân văn của câu chuyện vẫn làm cho lòng ta bật lên tiếng khóc. Cảm ơn tác giả đã viết một câu chuyện rất hay. NS

Một sớm đầu Xuân, ông Bân trở dậy, thấy lòng vui vẻ lạ thường và ông chợt nhận ra tiếng chim họa mi hót ríu rít, điều mà hơn chục năm qua ông mới nghe lại. Bỗng thằng Hiếu, cháu nội duy nhất của ông ùa vào như một cơn gió:

– Ông có nghe thấy tiếng họa mi hót không? Cháu nghe nói chim họa mi báo hiệu tin vui đến mọi người. Chắc bố cháu sẽ trở về.

Ông Bân lặng lẽ quay mặt giấu dòng nước mắt. Cách đây 10 năm vợ ông qua đời. Hai năm sau, thằng Trung con ông ra chiến trường và chỉ sau 3 tháng đơn vị đã gửi giấy báo tử cho ông. Ðiều may mắn là Trung đã kịp để lại cho ông thằng Hiếu, giọt máu duy nhất của dòng họ. Họa vô đơn chí, mẹ nó đã mất ngay khi nó cất tiếng khóc chào đời. Nén nỗi đau, ông Bân cắn răng thay bố, thay mẹ nuôi thằng Hiếu nên người. Ông vẫn giấu thằng Hiếu về cái chết của bố nó và nó vẫn mong mỏi ngày bố nó từ chiến trường trở về.

Xem thêm:   Thằng nhỏ người Nhật

Một năm trở lại đây ông Bân ốm liệt giường. Thế mà chỉ nghe tiếng họa mi hót ông bỗng thấy khoẻ khoắn lạ thường và ông lại hy vọng vào điều thằng Hiếu nói, biết đâu có sự lầm lẫn gì chăng. Và tiếng chim họa mi đã mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho hai ông cháu suốt những ngày đầu Xuân.

Bỗng đâu, ở làng đồng rừng yên tĩnh lù lù xuất hiện một gã vô công rỗi nghề, trên tay luôn lăm lăm khẩu súng săn. Gã có tài bắn bách phát bách trúng và việc nhìn thấy các con chim bị bắn toác đầu, gãy cánh là sở thích duy nhất của gã. Kể từ khi gã xuất hiện, tiếng chim họa mi dứt hẳn và ông Bân lại thấy buồn bã, trống vắng. Thằng Hiếu cũng buồn lắm, nó lang thang khắp nơi với hy vọng tìm được một con họa mi sót lại mang về cho ông. Một sớm, nó bỗng nghe thấy tiếng họa mi lảnh lót trên một ngọn cây cao. Nó tiến lại cố tìm kiếm. Bỗng thấy từ trên cây tụt xuống một thằng bé cỡ tuổi nó. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu nó. Và suốt ngày hôm đó, thằng nhỏ dạy cho thằng Hiếu cách bắt chước tiếng họa mi. Nó tập đến tứa máu lưỡi và cuối cùng cũng tự bằng lòng với tiếng hót của mình.

Thắm Nguyễn

Lại một buổi sáng, ông Bân lại nghe tiếng chim họa mi lảnh lót và bỗng cảm thấy lòng ấm áp lạ thường. Ngạc nhiên, ông cứ nằm nghe với một tâm trạng vô cùng hứng khởi. Một lát sau, ông thấy thằng Hiếu chui vào nằm cạnh ông, người thấm đẫm hơi sương, và ông chợt hiểu ra tất cả nhưng ông vẫn im lặng vì ông không muốn tước đi niềm vui duy nhất của thằng Hiếu.

Xem thêm:   Con chim nhỏ của buổi sáng mùa Đông

Hôm nay, nghe tiếng họa mi, ông Bân thấy bồn chồn khác thường. Bỗng như có một luồng điện chạy dọc sống lưng ông. Cố gắng tìm cây gậy ông lết ra sân nhưng không kịp nữa rồi, một tiếng súng vang lên và ông gần sụp xuống khi thấy gã thợ săn mặt cắt không còn hột máu, phủ phục bên xác thằng Hiếu, miệng mếu máo:

– Cháu xin lỗi, cháu không nhận ra đó là tiếng hót của một con người.

Không biết bằng cách nào ông Bân qua nổi trong đám tang của thằng Hiếu. Một ngày nọ, ông đi tìm đất sét và sơn màu và làm một con hoạ mi rất đẹp. Bao nhiêu tinh lực ông dồn cả vào con chim làm cho nó sống động như thật. Nhưng điều làm ông thất vọng là con chim không làm sao có được tiếng hót. Một đêm ông Bân chợt bừng tỉnh vì tự nhiên các đèn trong phòng được bật sáng, một bóng người kỳ dị xuất hiện trong phòng ông:

– Ông Bân, tôi hiểu điều ông đang làm. Tôi sẽ làm tiếng hót hoạ mi đích thực cho ông chứ không phải tiếng hót giả dối mà ông đang cố tìm kiếm. Nhưng để đổi lại ông phải cho tôi linh hồn của ông.

– Ta không thể bán linh hồn cho quỷ dữ các ngươi vì một điều tầm phào như vậy.

– Ông có biết rằng chính sự lừa dối của ông đã giết chết thằng cháu ông và việc ông đang làm cũng là cố gắng để lương tâm ông thanh thản. Ta lấy đi linh hồn ông cũng chỉ để cho ông không bị giày vò.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Ông Bân lặng lẽ gật đầu và ông chợt thấy nhói đau nơi lồng ngực.

Sáng hôm sau, người hàng xóm sang nhà ông Bân thấy ông tắt thở từ bao giờ nhưng trên môi ông vẫn phảng phất một nụ cười.

Làng xóm đã đắp ngôi mộ ông Bân ngay cạnh mộ thằng Hiếu và gắn con chim bằng đất giữa hai ngôi mộ. Kỳ lạ thay khi những người thợ vừa dừng tay từ trên trời xanh một đàn hoạ mi sà xuống cất tiếng hót vang lừng. Tiếng hót cứ lảnh lót, lảnh lót mãi trên ngôi mộ của hai ông cháu.

NS

(theo Quang Nhật)