Nhân mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong – Memorial Day xin mời đọc lại một câu chuyện cảm động về Bức Tường Đá Đen tưởng niệm những chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh VN. NS

Thưa bố,

Cuộc hành trình đưa con đến Bức Tường Ðá Ðen là điều con không bao giờ quên được. Khi bố viết thư cho con và yêu cầu con đi đồ lại những cái tên của một vài chiến hữu ngày xưa của bố, thì con biết rằng đây là cơ hội rất đặc biệt cho cả bố lẫn con. Và đây là điều quan trọng, con sẽ làm một mình. Không có bọn trẻ, không có chồng và ngay cả một người bạn bên cạnh. Con không muốn ai làm rộn mình cả.

Con đã chờ cho tới một ngày nắng đẹp – không quá nóng nực – mang theo thức ăn trưa và lên metro đi. Con thả bộ qua những con đường của DC, nghĩ tới việc con được yêu cầu làm. Con hy vọng là mình có được thứ giấy và những cây bút chì thích hợp, và chiếc máy ảnh không rời trên người con.

Lúc ấy có nhiều sinh viên, từ xa đến, đứng chung quanh. Con đã nghĩ mình khó thực hiện được ước nguyện của bố, nhưng khi con tiến lại gần những ô chữ trên Bức Tường thì mọi người dạt ra nhường chỗ. Con không biết mình có nói gì với họ không. Có thể họ thấy trong mắt con một vẻ gì đó nói lên rằng con tới đây là vì một người đặc biệt nào đó. Tất nhiên họ đã nghĩ đúng.

Xem thêm:   Khi con đau, hãy siết chặt bàn tay của Mẹ…

Con bước đến ô chữ thứ nhất, nơi có khắc tên Thomas A. Davis ở tận dưới thấp. Con phải ngồi xuống để can cái tên. Con cảm thấy hồi hộp, sợ hãi khi bắt đầu công việc. Nhưng khi bút chì của con lướt trên mặt trang giấy thì cái tên hiện dần lên. Con chăm chú làm, để cả tâm hồn vào đó, nhờ vậy không còn cảm thấy ý nghĩa buồn bã của chuyện đang làm.

Cái tên thứ hai không được dễ như thế. Con thấy cái tên Thomas Duer ở ô chữ gần đó. Nó nằm ngang tầm tay con và khi con đứng nhìn thì có vẻ như anh ta đang đứng ngay trước mặt con. Và khi con bắt đầu can thì một nỗi buồn xâm chiếm con. Con nghĩ tới tuổi của người lính này, 25 tuổi. Ở tuổi ấy, con làm gì nhỉ? Con có cảm tưởng con chỉ là đứa bé lúc 25 tuổi trong khi những người lính có tên ở đây thì không bao giờ già đi. Họ không bao giờ có con cái. Mà nếu như họ có con đi nữa thì họ cũng chưa bao giờ nhìn thấy chúng lớn lên. Cha mẹ của họ chắc phải đau lòng lắm khi họ mất đi những người con thân yêu. Khi con lướt qua từng cái tên những ý tưởng này lại hiện lên trong đầu con và con có cảm tưởng những người đứng đằng sau con, bên cạnh con, chung quanh con, đều chia sẻ những cảm xúc tương tự như thế với những người đi cùng họ.

Xem thêm:   Những bông hoa trên xe buýt

Khi con tìm tới ô 14E, nơi có tên những người cùng không đoàn với bố, con bỗng cảm thấy rụng rời. Những cái tên này đều nằm trên cao con không với tới. Con nhìn quanh tìm một người thật cao, nhưng rồi lại thôi. Con làm sao để một người lạ làm việc này thay con. Con phải tự mình làm thôi. Nhưng làm sao đây.

Thắm Nguyễn

Con bắt đầu bật khóc. nghĩ rằng con không thực hiện được ước nguyện của bố, thì bỗng con nhìn thấy một người đàn ông mang cái thang. Quá đỗi vui mừng, con xin ông ấy cho con sử dụng cái thang để can những cái tên nằm trên cao. Ông ấy bảo ông có thể can giùm con nhưng không thể để con dùng cái thang. Lúc đầu, con cãi nhau với ông. Con nói cho ông biết bố của con đã đi chiến đấu ở Việt Nam và bạn của ông đã chết ở đó, những người bạn học và bạn đồng đội. Con bảo với ông ấy rằng đây là điều duy nhất con có thể làm cho bố – con không thể lấy những cái tên này đi, không thể làm dịu đi nỗi đau của bố. Con nói không có lời nào có thể tẩy xóa những điều bố đã nhìn thấy ở đó, những điều mà bố phải chịu đựng.

Người đàn ông tỏ ra rất thông cảm, và ông ta bảo đảm với con rằng sẽ không sao hết nếu ông làm việc ấy, rằng điều quan trọng là con đã đến đây. Con chỉ cho ông những cái tên và theo dõi bằng con mắt diều hâu, canh chừng xem ông làm đúng không. Lẽ tất nhiên là ông đã từng làm việc này và ông đã làm tốt hơn con. Thế là tốt rồi, con muốn mọi việc phải hoàn hảo.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Sau khi làm xong, ông ấy hỏi thăm về bố, và con cho ông biết là bố qua đó hai lần nhưng con không biết những gì đã xảy ra ngoại trừ những cái tên bố đã gởi cho con trong thư. Ông ấy bảo rằng thật là may cho con bố đã trở về. Con bảo với ông ấy rằng con đã nghĩ như thế. Rằng bố phải trở về và chăm sóc chúng con. Bố là bố của chúng con và mãi mãi như thế.

Vậy mà khi con rời Bức Tường con đã cảm tạ Ơn Trên là bố đã trở về, chứ con không đủ sức mạnh để đồ lại cái tên bố trên bức tường.

Con viết thư này vì con không thể nói lên bằng lời được. Con luôn luôn ngại nhắc tới Việt Nam vì điều đó sẽ làm bố đau đớn. Con chỉ muốn bố hiểu rằng con luôn luôn muốn giúp bố và con rất tự hào về bố. Cũng như con lúc nào cũng thông cảm nỗi đau của bố.

Con cảm ơn những điều bố đã làm cho đất nước chúng ta  và cảm ơn bố là bố của con.

Thương yêu,

Rani

NS

(theo Rani Nicola)