Nhớ một lần, Như Sao tôi có viết về mùi hương xoài, được anh Lương Thư Trung đọc tới và ưa thích. Anh Trung hứa sẽ viết về mùa xoài ở quê hương anh trong một bài ký. Trong khi chờ đợi bài của anh Lương Thư Trung, xin bằng hữu đọc tạm sau đây mùi hương ngọc lan.

Ôi. Mùi hương ngọc lan. Lối cũ ta về / vườn xưa có còn / hoàng hôn buông xuống / mùi hương ngọc lan

(ca từ bài ‘Lối Cũ Ta Về’ của Thanh Tùng).

Hoa ngọc lan thì nhiều người yêu thích. Kể cả NS tôi và hiền thê. Nó cũng hiện diện trong nhiều bài thơ. Mới đây, Thảo Mi viết trên trang web Vườn Xưa: Ngày đó, những người yêu nhau thường chở nhau bằng xe đạp. Một hôm, ông người yêu của Thảo Mi chở Mi đi trên đường Sương Nguyệt Ánh. Ngồi đằng sau yên xe, Thảo Mi ngửi thấy mùi ngọc lan thơm ngát mà không hiểu từ đâu. Tới một chỗ vắng, ông người yêu bỗng ngừng xe lại, rồi lấy từ trong áo ra một chùm hoa ngọc lan tặng Thảo Mi. Mùi hương ngọc lan và mùa hè đó đã theo Mi đi qua những chặng đường đời mưa nắng. Sau buổi tặng hoa vừa kể, thỉnh thoảng buổi sáng thức dậy mở cửa bước ra, Thảo Mi lại cảm nhận được mùi hương ngọc lan. Ai đó đã cài lên cổng một cành hoa trắng muốt.

Thắm Nguyễn

Lời kể của Thảo Mi khiến nhớ đến một mẩu chuyện của nhà văn Tô Hoài hình như trong ‘Quê Người’ (?): Chàng trai thôn dã nọ – có tên là Hợi – mỗi khi muốn gọi người yêu ra chỗ hẹn thì quẳng một chùm hoa ngọc lan vào nhà nàng. Mùi hương sẽ nhắc nàng nhớ tới…

Xem thêm:   Thằng nhỏ người Nhật

Tới đây, NS bỗng tự hỏi: Liệu ngày nay còn chàng trai nào dùng hoa ngọc lan làm sứ giả đưa tin tới người yêu và hẹn nàng. Phải chăng trong xã hội thực dụng chúng ta đang sống, những ý tưởng và việc làm lãng mạn như trong câu chuyện của Thảo Mi và nhà văn Tô Hoài đã không còn đất sống. Ngày nay, người ta có cell phone, email, text… tiện dụng biết bao.

Thế nhưng, trong lòng NS tôi, và ai kia nữa, vẫn còn có chỗ cho hoa ngọc lan tỏa hương thơm. Thế cho nên… Mấy bữa nay, đi trên đường chiều ở Garland, NS lại nghe ca từ của bài hát ngày nọ vang lên trong trí. Lối cũ ta về / dừng chân trước thềm / thoảng nghe trong gió / mùi hương ngọc lan… Và lòng riêng cũng biết rằng ở đâu đó, trong những khu vườn dọc theo đường Sương Nguyệt Ánh, đường Phan Thanh Giản, đường Hiền Vương ở Sài Gòn, và cả trong vườn chùa Già Lam, vẫn còn những cây ngọc lan tỏa bóng và hương thơm xuống đường chiều.

Nhưng giờ đây ngọc lan tỏa hương thơm cho ai thế nhỉ?

NS