Mùa Đông đang tới. Đón những cơn gió lạnh đầu tiên của mùa, bất chợt giở lại những trang văn trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam, bỗng cảm thấy ấm lòng trước một mùa Đông lạnh giá đã sẵn sàng bên khung cửa. Mình đọc “Gió Lạnh Đầu Mùa” của Thạch Lam từ những ngày ngồi trên ghế Trung Học ở Huế. Nay đọc lại vẫn thấy bồi hồi xúc động như tác giả ngày nào. NS

Vâng. Hơn tám mươi năm về trước, cũng đứng trước cái khung cảnh đất trời đang trở mình trong những cơn gió heo may lành lạnh, Thạch Lam đã từng xúc cảm mà bộc bạch lòng mình: “Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi của lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn. Tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét cả một đời. Gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu lo sợ, vì mùa Ðông sắp tới, mùa Ðông lạnh giá và lầy lội trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù. Và lòng tôi se lại khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương, cũng đủ nâng đỡ an ủi những người cùng khốn ấy”. Và có lẽ cũng chính cái quan niệm rất vị nhân sinh này đã trở thành “bà đỡ” gợi cảm hứng để truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam ra đời.

Câu chuyện bắt đầu vẫn trong cái không gian sinh hoạt quen thuộc như bao truyện ngắn của Thạc Lam. Nhân vật chính của truyện là hai chị em Sơn và Lan tại một phố huyện nghèo, buồn tẻ được gợi lên từ chính ký ức của tác giả trong những ngày cùng chị và mẹ sống ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Buổi sáng thức dậy, Sơn bỗng thấy cái rét mướt tràn ngập khắp đất trời. “Mùa Ðông đột nhiên đến, không báo trước” khiến cái sân đất trước nhà Sơn khô trắng, gió lạnh thổi vi vu như muốn “rót” cái buốt giá vào da thịt con người. Trời thì không u ám, toàn một màu trắng đục và những cây lan trong chậu, lá rung động run rẩy trước gió bấc và sắc lại vì rét. Ðứng trước mùa Ðông lạnh buốt ấy, Sơn được nhà văn Thạch Lam miêu tả là một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Quan trọng hơn, Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”, tuy đã mặc từ năm ngoái, năm kia nhưng khi cầm chúng giơ lên Sơn vẫn “thấy mát lạnh cả tay”.

Xem thêm:   Truyện con dế ở Quảng Trường Times Square

Sau khi đã ấm áp trong hai chiếc áo rét cùng chiếc áo vải thâm dài mặc phủ bên ngoài, Sơn xúng xính rủ chị Lan ra ngoài chợ chơi. Nơi đây có những đứa trẻ con nhà nghèo đang chờ nó ra để chơi đánh khăng, đánh đáo. Lũ trẻ vẫn tập trung ở cuối chợ, nô nghịch như mọi khi, chỉ có điều trong mắt Sơn hôm nay những thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc: “Môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Ðất trời nổi gió, đổi thay nhưng những đứa trẻ kia vì nghèo khó vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Cuộc đời đã không mỉm cười với những đứa trẻ nhà nghèo và mùa Ðông là nỗi lo sợ trong cuộc đời chúng. Những chiếc áo rét năm ngoái, năm kia tưởng chừng như xưa cũ với Sơn nay lại là một niềm mơ ước, một món hàng xa xỉ với lũ trẻ. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn.

Thắm Nguyễn

Thê thảm nhất trong đám trẻ con nhà nghèo là cái Hiên. “Con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Tuy rách rưới nhưng đó lại là chiếc áo duy nhất của Hiên để chống lại mùa Ðông giá rét. Nhà nó nghèo, mẹ nó chỉ có nghề mò cua, bắt ốc thì làm gì có tiền may áo ấm. Sơn thầm nghĩ vậy và thế là trong đầu đứa trẻ thơ ngây bỗng thoáng qua một ý nghĩ tốt đẹp và nhân văn biết bao. Không chút lưỡng lự Sơn bàn với chị Lan về nhà lấy chiếc áo bông cũ vốn là kỷ vật của đứa em gái đã mất cho Hiên: “Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”…

Xem thêm:   Thằng nhỏ người Nhật

Quan điểm vị nhân sinh của Thạch Lam được thể hiện trong chính trang văn của ông. Những cơn gió lạnh tràn về tưởng chừng như chỉ đem theo những khắc nghiệt và khổ đau nay bỗng biến thành “cơn gió đột khởi của lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn”. Sự thay đổi bí mật trong tâm hồn bỗng biến thành những hành động tuy nhỏ bé, giản đơn nhưng thắm đượm tình người như việc hai chị em Sơn đem tặng chiếc áo bông hay chi tiết mẹ Sơn cho mẹ cái Hiên vay 5 đồng để may áo rét cho con. Chỉ từng đó thôi là đủ để hiện thực hóa khát vọng được gửi một “chút âu yếm, một chút tình thương” để “nâng đỡ, an ủi” những con “người cùng khốn” trong xã hội của Thạch Lam.

“Gió lạnh đầu mùa” tuy chưa phải là truyện ngắn xuất sắc nhất của Thạch Lam nhưng qua tác phẩm người ta vẫn thấy bút pháp nghệ thuật rất đặc trưng của ông. Truyện mà không có cốt truyện, không có những nút thắt đến nghẹn lòng và không có những mâu thuẫn được đẩy lên cao trào để dồn nén nhân vật bộc lộ tính cách một nét rõ ràng. Tất cả vẫn là một sự tâm tình, êm ái và bảng lảng một nỗi niềm rất thơ. Ngay cả thủ pháp nghệ thuật tương phản vẫn thường xuất hiện trong các tác phẩm của Thạch Lam, cũng được ông khéo léo sắp đặt khi miêu tả khá tỉ mỉ khung cảnh sinh hoạt đầy đủ, ấm áp của Sơn ngay lúc mới bắt đầu câu chuyện. Những chi tiết như thức dậy bên cái chăn ấm, ngồi sưởi tay bên hỏa lò hay chuyện mặc hai chiếc áo rét của Sơn, mới đọc qua tưởng chừng như rất bình dị, nhỏ nhặt nhưng càng đọc độc giả càng cảm thấy man mác khi ngay sau đó là hình ảnh những đứa trẻ con nhà nghèo da thịt tím rần, đứng co ro giữa giá rét, đùa nghịch nơi cuối chợ…

Xem thêm:   Con chim nhỏ của buổi sáng mùa Đông

Gấp lại những trang văn của “Gió lạnh đầu mùa”, người ta chợt thấy một thông điệp hiện thực ấm áp ngay trước ngưỡng cửa của một mùa Ðông giá buốt. Phải chăng mỗi người chúng ta cũng cần “đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi của lòng người” để tâm hồn thôi thúc những đổi thay trong hành động như tấm lòng thơm thảo của Sơn và Lan.

NS

(theo Anh Dũng)